Phố Hoài

02/11/20071:19 SA(Xem: 2016)
Phố Hoài
Đại học Đà Nẵng, nơi mời ông về thỉnh giảng, khi biết ông muốn thăm phố cổ Hội An, đã cho xe đến đón nhưng ông từ chối. Ông muốn đi xe đò, hay nói đúng hơn thằng Dậu đòi đi xe đò...

Vẫn loại xe buýt cổ lỗ sĩ từ thuở thằng bé đi nhưng người thì ép nhau như mắm. Kẹp ông vào giữa là hai cha con. Ông bố tỉnh bơ hút thuốc phả khói vào không khí sặc mùi xăng. Còn con bé khoảng mười một mười hai trông rất tinh ranh. Nó quan sát ông rồi bảo:

- Việt kiều mà đi xe đò!

- Thế cháu hay đi xe đò không?

- Chủ nhật, lễ hội là gâu (1)

- Ngày xưa Phố êm đềm lắm không hội hè chi cả.

- Chừ tua-rua (2). Nhờ rứa kiếm chác được.

- Kiếm gì?

- Mơ-ni (3). Con bé phát ngôn như trộn món hổ lốn.

Thằng Dậu quay đầu nhìn ra ngoài. Hắn từng háo hức ra khỏi phố cổ đến một thành phố hiện đại và náo nhiệt. Bốn mươi năm sau, vẫn cái vẻ hăm hở không nguội lạnh ấy, ông lại mải mê nhìn những đụn rơm ngất nghểu, những nón sắn khoai phơi vô tư trên mặt đường, những con trâu đủng đỉnh bước không hề mang vẻ tất bật sợ hãi của con người... Băng qua con đường gập ghềnh còn nét thôn dã ấy, ông đi tìm lại thời gian đã mất.

o0o

Bỏ đôi thùng đã múc đầy nước cho mẹ gánh, thằng Dậu chạy một mạch đến trường Trần Quý Cáp. Chiều nay công bố kết quả thi tuyển vào lớp đệ nhất (4). Bài làm gần như trọn vẹn, hắn vẫn lo. Hỏng là ở nhà đi bán bánh ít lá gai.

Thủ khoa... Nguyễn Văn Dậu, sinh ngày 10-2-1945... Tai hắn lùng bùng. Tiếng xì xào vang lên. Thằng Dậu con bà gánh nước thuê đó! Đúng mình mà! Thằng bé chui ra khỏi đám đông, chạy một mạch về giếng Bá Lễ. Mẹ đang đặt gánh lên vai. Nước òa ra đất. Mẹ òa khóc.

Phần thưởng mẹ dành cho thủ khoa là một tờ mười đồng mới toanh, tờ bạc đầu tiên thằng bé sở hữu. Mẹ bảo ăn gì tùy thích. Hắn nắm chặt tờ bạc và ra phố. Hắn đi qua gánh lục tào xá, qua tiệm mì Quảng, cao lầu, qua mẹt xôi ngọt, rổ bánh ít lá gai của con bé gần chùa Cầu. Nước bọt tứa qua kẽ răng nhưng thằng bé cứ đi thẳng. Hắn đi ra bến xe.

- Cháu có mười đồng... cháu muốn ra ngó Đà Nẵng cho biết. Chú cho cháu đi với!

- Rứa mi có quay vô không?

- Có.

- Đi khứ hồi mà mười đồng thì bèo quá nhưng tau đang ế khách. Cho mi đi nhưng xuống bến cũng ngồi trên xe nghe chưa! Tau quay vô là mi hết về. Đưa tiền đây, quý ông!

Thằng bé nhìn thấy Đà Nẵng từ trên xe - một trời náo động! Hắn tự nhủ nhất định sẽ ra đấy học. Hắn sẽ bay đến những thành phố náo nhiệt và to hơn nữa, bay qua cơ cực đói nghèo bằng đôi cánh học vấn.

Vâng, ông đã bay rất xa! Để bất chợt chiều qua, khi khách sạn dọn tráng miệng bằng món bánh ít lá gai của Phố, con chim hải âu lại thèm làm con chim sẻ, chí chát đánh chuyền bằng âm thanh trên một mái cổ thấp lè tè, rêu phong cũ kỹ. Ông đã ăn lại món thèm thời thơ ấu trong nỗi cồn cào khó tả và bỗng nhớ những đốm sáng lập lòe trong nhà xe nơi mẹ ông cô đơn khát khao rít từng hơi thuốc Cẩm Lệ.

Phố không là quê nhưng là một mảng đời ông, một cuộc đời cứ như bị chặt khúc theo từng bước mưu sinh nhọc nhằn của mẹ. Cha bỏ mẹ. Mẹ bỏ làng với cái thai trong bụng. Quê hương chính là những nơi bao dung với kẻ phiêu bạt bất hạnh trong đó dịu dàng nhất vẫn là Phố! Đêm ấy ông ngồi vẽ nguệch ngoạc trên giấy khung trời tuổi nhỏ của mình. Hai dãy phố hẹp thân tình chập chùng mái ngói âm dương uốn lượn. Những ngôi nhà sâu hun hút, cũng như nếp nhà cổ cất giữ kỷ niệm ở phố Hoài. Ông vẽ con hẻm có cái giếng Chăm tuổi ngót nghìn năm cho nước ngọt ngào trong vắt. Hồi ấy gần như nhà nào cũng uống nước giếng Bá Lễ. Người ở Phố tin thiếu thứ nước ấy, bát cao lầu trở nên nhạt, chén trà sớm vô duyên. Giếng được rào che chắn bốn bề. Người vào gánh nước đi qua một lối nhỏ. Lấy nước sẽ sàng, không vương vãi, không được tắm. Mẹ thuê một góc nhà vừa kê cái chõng và nuôi ông ăn học bằng nghề gánh nước thuê cho Phố. Mười năm trời, giếng là nguồn sống của mẹ con ông. Ông vẽ cái chõng của hai mẹ con bằng một hình chữ nhật bé tí và chất lên đó những chấm tròn - cái thúng đựng đồ linh tinh của mẹ, cái rương nhỏ bằng gỗ đựng sách vở của ông trong đó có quý nhất là xếp giấy khen và bức tranh phác họa chùa Cầu bằng bút chì, phần thưởng của thầy giáo lớp nhất (5)... Hồi ấy ông nổi tiếng nghèo nhưng thông minh học giỏi. Thị xã nhỏ biết cái thằng bé không cha, con chị gánh nước thuê không chồng, quanh năm suốt tháng đi học với cái bị lát, sách toàn mượn chép. Chép xong coi như học xong.

o0o

Quý khách vui lòng xuống đây. Mọi phương tiện giao thông đều không được đem vào phố cổ trong ngày lễ hội. - Bác tài thông báo. Con bé ngồi cạnh tỉnh bơ lôi từ trong bị bộ quần áo cũ rách choàng lên bộ cánh đẹp. Tích tắc, hai vị khách ngồi bên ông biến thành hai nhân vật cái bang.

- Bye! - Con bé nheo mắt tinh quái rồi hai cha con biến mất trong dòng người. ánh mắt và nụ cười nó khiến ông phải đưa tay sờ túi! Cái ví ông để một ít tiền tiêu vặt đã không cánh mà bay!

Chưa bao giờ Phố đông như thế! Con đường nhỏ bề ngang vừa một chiếc xe bốn bánh ngập tràn khách nội, ngoại và phóng viên. Những ngôi nhà rêu phong cũ kỹ, thấp lè tè, sâu hun hút bị khuấy động tỉnh giấc thập thò nhìn những vị khách đẫm sắc mầu hiện đại.

"Ông có thấy con chó mầu đen có hai chấm vàng ở mắt không... hu... hu... đông quá, nó lạc rồi!" - "Chó khôn lắm, biết đường về nhà mà!" - "Cháu về rồi, không có" - "Cháu ở mô?" - "Đường Nguyễn Huệ" - "Hay quá! Hồi nhỏ ông cũng ở gần đó. Cháu có biết cô Rêu con thầy Toản không?" - "Cháu không biết, hu... hu... Milou ơi!". Ông chợt nhận ra ông đang hỏi thằng bé khoảng mười tuổi, trái tim bé bỏng đang tan nát. Thầy Toản mất lâu rồi. Con Rêu cũng chẳng phải là tên chị. "Chị thích rêu, mầu của Phố! Gọi chị là Tường Rêu!" - "Răng không gọi là ngói rêu?" - Chị tủm tỉm cười khoe đôi lúm đồng tiền xinh lắm. - "Đừng khóc. Ông cháu mình đi tìm". Ông và thằng bé như bị cuốn đi bởi thác người. Thỉnh thoảng ông nghe tiếng nó nức nở khóc gọi con chó nhưng không thấy nó. Gần như cả Đà Nẵng đổ về. Từ thời hiện đại, đi có ba chục cây số để trở lại thời quá khứ nên quá đi chứ! Ông đã chứng kiến trên đường về Hội An những chiếc xe máy của đám thanh niên choai choai sốt ruột lội bừa xuống ruộng để vượt lên cái đám đặc kín mặt đường. Càng về đêm càng nhốn nháo. Người khuấy động Phố. Phố bị che khuất bởi người. Đáng lẽ ông đừng trở lại vào ngày hội. Hồn Phố sẽ tan biến trong náo động, mầu mè. Ông ghé vào quán cao lầu ông ăn lần đầu cách đây bốn mươi hai năm. Anh chàng phục vụ đóng bộ áo tàu đen cài khuy với cái quần jean và giày đinh bưng tới cho ông một bát.

"Mang tiếng ở Phố mà chừ ăn cao lầu lần đầu hả? Tội chưa? Chị kêu cho tô nữa hỉ? Ăn từ từ mới thấm cái ngon. Ngó ri chớ không nơi mô bắt chước được. Thiếu nước giếng Bá Lễ, tro củi cù lao Chàm, rau sống Trà Quế, cao lầu dở ẹt!".

Ông húp nuốt vội vã như thằng bé được ăn bát cao lầu đầu tiên. Cổ nghẹn lại vì hồi ức. Sau này cũng vẫn những món ăn đó, không có chị ngồi trước mặt, hương vị Phố nhạt hẳn.

Hân, Phi, Cẩm, Phô... Dậu... Chị Rêu ngân nga xướng ngược thứ tự năm cái tên đứng đầu lớp trong tháng - 5 tên được miễn phí theo thông lệ của thầy Toản. Thầy vốn là một công chức rất giỏi tiếng Pháp không hiểu vì lý do gì lại nghỉ việc ở nhà mở lớp dạy Pháp văn. Giàu nghèo không kể, con ai không biết, hễ xếp từ thứ nhất đến thứ năm thầy không lấy tiền. Hồi hộp nhất vẫn là đứa đứng nhất. Đứa ấy được con gái kiêm phụ tá của thầy thưởng riêng một món đặc sản Phố. Chị Rêu biết thế nên công bố vị thứ như kiểu người ta công bố kết quả hoa hậu, đứa giỏi nhất sau cùng. Có lần thằng Dậu đã khóc nức nở khi bị tước niềm vui lớn đó. Chị Rêu mắng: "Con trai mà mu khóc (6), tham ăn. Mi ăn hoài để cho đứa khác ăn với chứ! Con khỉ!".

"Con khỉ" năm ấy mười ba, còn chị Rêu mười tám có đôi má lúm đồng tiền và tiếng - cười - bánh - đập. Cười đã xinh mà nghe cười còn mê hơn nữa. Xốn xang rộn ràng. Chị thích những món có bánh tráng còn thằng Dậu thích nhìn chị ngồi ăn bánh tráng nướng ở góc đường. Chị ăn như đứa bé. Tần ngần khi bẻ mảnh đầu chiếc bánh tròn vành vạnh điểm những "vì sao" hột mè sau đó mê mải, giòn tan, say sưa cho đến mẩu cuối cùng. Người Quảng thích bánh tráng. Nhưng hắn chưa thấy ai ăn bánh tráng với ánh mắt long lanh, với niềm vui thơ trẻ giòn tan say đắm như chị.

Chị yêu cũng giòn tan say đắm. Chị yêu thầy Tường dạy văn nổi tiếng thị xã. Chị mê thầy như hầu hết những đứa con gái học thầy nghe thầy dạy Truyện Kiều. Thầy giảng Kiều như kẻ bị Kiều ám. Thầy thuộc Kiều như kẻ ngoan đạo thuộc kinh. Thầy vẽ cả sơ đồ mười lăm năm lưu lạc của nàng Kiều. Cứ nghe thầy thao thao bất tuyệt về tình yêu của Kiều và chàng thư sinh Kim Trọng tụi học trò há hốc miệng. Rồi hết học hết mê. Chị Rêu không thế. Hết học thầy, chị tiếp tục có mặt trong giờ văn của thầy bằng cách nghe kể lại.

Chị thương thằng Dậu vì hắn nghèo mà học giỏi và vì... hắn đang là học trò cưng của thầy Tường! Buổi nào có giờ văn, chị túm hắn bắt tường thuật. Từ cái áo thầy mặc, đến bài thầy giảng, lời mắng mỏ khen chê học trò... Chị trả công tường thuật bằng sách. Chị cho hắn mượn sách của chị và đôi khi còn cả gan lén cho hắn mượn một đôi quyển trong tủ sách gia đình. Thầy Toản quý sách hơn cả của cải. Sách được xếp ngay ngắn trong tủ, đánh số, xếp thứ tự theo từng loại nên nhìn vào biết ngay thiếu đủ. Ngôi nhà cổ thâm nghiêm trở nên thân tình và đầy mê hoặc. Hắn thích sờ vào những đồ vật gợi dĩ vãng hào phú sang trọng, ngắm những kèo cột chạm trổ tinh vi, kinh ngạc về vẻ đẹp thách thức thời gian của chúng. Thầy Toản ngoài giờ dạy học thường ra hậu viên chăm sóc cây kiểng và hòn non bộ. Vũ trụ được thu nhỏ trong vuông sân, khoảng trời bé bằng manh chiếu. Căn nhà ấy hẳn già cỗi và lặng lẽ lắm nếu không có tiếng cười của chị Rêu. Dường như để át tiếng thì thầm của quá khứ trong mọi góc xó, chị cười to lắm. Tiếng cười không tan ngay mà vang vọng như trò cút bắt trong rường cột, tường vách rồi ẩn trong tâm hồn thằng Dậu. Hắn thích nghe chị cười nên giành mẹ đổ nước cho nhà thầy. Trông hắn cõng nước, chị Rêu không thể nín cười được. Hắn còn cố ý ve vẩy như mụ đàn bà để chọc chị cười. Đổ nước xong chị Rêu thường mở vung nồi cơm cho hắn một khoanh khoai Trà Đỏa mật vàng ươm, nóng hôi hổi. Hắn ngồi ăn, còn chị ngồi hỏi chuyện thầy Tường. Chị kể hồi ấy, chị ngồi gần cửa sổ. Suốt giờ học chị chống tay lên má say sưa quan sát sự chuyển động của cục yết hầu thầy, nơi phát ra những ngân rung sâu thẳm. Khi giảng bài, ánh mắt thầy thường tìm chỗ đậu như để neo lại nếu thầy đi xa quá. Vô tình đúng chỗ chị Rêu ngồi, bên cửa sổ lớp. Thầy nhìn chị mà! - chị Rêu khăng khăng. Thằng Dậu cũng khăng khăng: Chừ em ngồi chỗ nớ. Thầy cũng ngó em.

o0o

"Tưởng thấy xe ngựa, xe kéo, hình bóng người xưa té ra toàn dân hiện đại. Thị xã như sân khấu" - Người khác bước bên cạnh ông nói. - "Nhưng đêm diễn hoành tráng đấy chứ! Trên cạn, dưới nước, đủ mọi loại hình văn hóa".

- "Theo tui mọi ngày ở đây đều là ngày phố cổ. Làm ri tuy yêu Phố nhưng lại khuấy động không khí cổ tự nhiên của Phố. Du lịch phát triển, tui sợ Phố không còn là Phố ngày xưa..." - Rứa xa Phố Hoài bao lâu rồi?" - "Hai mươi sáu năm" - "Còn tui... bốn mươi năm!".

Bốn mươi năm, đủ để đời người vụt qua, để nước dưới cầu cạn. Dưới mắt các nhà khoa học, sau bốn thế kỷ tồn tại, chùa Cầu đang bị lún nghiêng, già rạc nhưng dưới mắt ông, trong ánh sáng huyền ảo dịu dàng của những ngọn đèn lồng, cầu vẫn diễm lệ như mỹ nhân cổ. Chị Rêu đứng bên tê cầu, gần tượng hai chú khuyển. Tóc chị buộc túm bằng khăn mùi xoa trắng. Má chị hồng và mắt chị long lanh. Thằng Dậu đứng bên ni cầu, cạnh tượng hai chú hầu. "Mi ngó tề! Hai con khỉ ngó hai con chó mấy trăm năm rồi không chán nhau!".

Khuya. Hội tàn. Người hăm hở về rồi lũ lượt đi. Còn những ngọn đèn lồng thức trước hiên vỗ về mấy dãy phố cổ chưa kịp hoàn hồn bởi đông đúc náo động bằng thứ ánh sáng mờ ảo xao xuyến. Phố lấy lại vẻ rộn ràng trong yên tĩnh. Nhà thồi thụt, mái lô nhô, những nét lượn mềm mại, nao lòng. Loanh quanh luẩn quẩn cho lòng bớt sóng sánh, ông về lại nhà thầy Toản. Ông nhận ra ngôi nhà bởi vẻ tàn tạ cũ kỹ và bướng bỉnh kiêu hãnh của nó. Vẫn hai cái bát quái lót vải điều tròn xoe như mắt cửa ngoái nhìn quá khứ và canh chừng hiện tại. Vẫn bậc thềm, ngưỡng cửa, vách gỗ tự tại trong cũ càng. Tựa lưng vào quá khứ, ngôi nhà vẫn tạo cho ông cảm giác bí hiểm và cuốn hút như ngày nhỏ. Hồi còn sống, thầy Toản không bao giờ để bàn tay nào chạm vào tu sửa. Thầy theo Tây học nhưng ngọn gió thời đại dường như không lọt qua nổi hai ô cửa nhỏ trên cái gác thấp lè tè, nơi những bức tranh cổ họa về hoa, điểu, tứ thời, bát tiên... của ông cha án ngữ. Mùi xạ thơm dường như vẫn phả ra từ căn gác tối sâu hun hút ấy. Thỉnh thoảng khi thầy vắng nhà, thằng Dậu được chị Rêu cho lên gác thăm lão đầu hói, mặt tròn, cười trong râu mà chị giới thiệu là lão Lạt Ma. Hắn thích lão lắm. Trông lão thật sống động từ cái liếc mắt đến nụ cười, dáng vẻ đến nếp áo. Cái vẻ hồn nhiên tự tại của lão rất dễ thân thiết.

Ông ngồi tựa vào vách. Còn thằng Dậu nhào qua lần cửa đóng đi tìm chị Rêu, đi thăm lão đầu hói, thăm tủ sách nơi nó đã từng ước mình là con mọt để chui vào... Ông vuốt ve những khe gỗ nứt nẻ bởi thời gian và có cảm tưởng nghe chúng đáp trả bằng tiếng thì thầm bí mật của xa xăm.

- Trò Dậu, trò lấy ở mô những bài thơ vịnh các nhân vật Truyện Kiều rứa? - Thầy Tường cầm quyển vở thuyết trình hỏi:

- Dạ... trong sách.

- Cho thầy mượn sách một hôm được không?

Nghe hắn về kể, chị Rêu hối hả bảo hắn đưa sách cho thầy, còn nảy ý tặng luôn cho thầy bản Kiều cổ mà ba chị rất quý. Thằng Dậu được giao nhiệm vụ trao sách với lời dặn: đừng nói tên thật của chị vì hồi học với thầy chị dốt văn lắm! Hắn mở trang đầu đọc dòng chữ nắn nót: Thương quý tặng thầy, người dạy Kiều hay nhất. Học trò cũ. Tường Rêu.

- Học trò của thầy không có đứa mô tên ri cả. Tên ngộ quá hè! - Thầy Tường ngỡ ngàng.

- Thầy khen rứa hả? - Chị đỏ mặt như nhận một lời tỏ tình.

Niềm vui âm thầm nhảy múa suốt mùa đông bởi cứ sau mỗi cơn mưa, chị lại rủ thằng Dậu đi ngắm phố rêu. "Mầu thời gian không xanh. Mầu thời gian tím ngát..." (7). Còn với chị, mầu thời gian xanh mướt. Từ mái đến tường, từ hẻm đến phố chợ... tất cả được khoác tấm áo nhung rêu óng mượt. Những sắc độ xanh chồng chồng lớp lớp, gối lên nhau như những mảng thời gian được lưu trữ. Chị bảo chị không thể xa Phố được vì chị lỡ say rêu. Chị có thể ngồi lặng cả giờ để ngắm một bức tường rêu phủ. Rêu chảy từ trên mái xuống tường, non nỏn đến dại lòng, thăm thẳm đến tê tái. Đôi cây hoa dại cheo leo trên mái học đánh đu nghịch ngợm trên tường, hồn nhiên toét miệng cười. Mái ngói âm dương như những khuôn mặt thời gian đủ mầu đủ vẻ, sau mưa chợt ngời sáng bởi vô số nụ hoa rêu li ti rộn ràng. ấy là lúc phố đẹp đến mềm lòng.

Tình yêu non dại của chị âm ỉ như lò than nướng bánh tráng. Mỗi buổi học, thằng Dậu lại về kể chuyện thầy Tường, cả chuyện học trò cáp đôi thầy với cô Hoa dạy Sử ở đường Bạch Đằng, chuyện gặp thầy đi ăn chè với cô Hoa, chuyện hai người ra Đà Nẵng xem phim... Chị vẫn cười khi nghe kể, có điều tiếng cười như tiếng thủy tinh vỡ.

Đám cưới thầy Tường với cô Hoa diễn ra chóng vánh và độc đáo. Chú rể rước dâu đi bộ qua phố cổ, qua khỏi chùa Cầu mới lên xe về Đà Nẵng. Học trò rồng rắn đi coi cười nói tưng bừng. Chị Rêu đứng ở cửa nhìn ra. Chị cười nhiều hơn cả. Khi đám cưới khuất cuối phố, nụ cười vẫn đông cứng trên môi chị. Đôi lúm đồng tiền lún sâu kéo theo hai khóe miệng căng ra tưởng chừng không thể khép lại được. Cứ thế chị cười đến chảy nước mắt. - "Răng chị cười dữ rứa?" - "Tau cười con ranh ngốc nghếch". Sau đó chị quạt lò nướng bánh tráng, ăn một lần ba cái đến sình bụng, bỏ cơm. Năm ấy, chị rớt tú tài vì chỉ học một mình môn văn. Vỡ luôn tiếng - cười - bánh - đập. Tết, thầy Toản tìm bản sách cũ bói Kiều phát hiện mất sách quý, cái tủ sách chỉ mình thầy và cô con gái được đụng vào. Thầy hỏi. Chị im lặng. Im lặng ngay cả khi chịu đòn. Vẻ trơ lì đó càng khiến thầy giận đánh dữ. Thằng Dậu núp bên ngoài chịu không nổi chạy vào nằm sụp xuống tự nhận mình trộm sách. Thầy buông roi. Nhưng ánh mắt bỏng rát hơn roi quất. Đứa học trò cưng bị cấm cửa từ đó.

Ông đã bước ra khỏi ngôi nhà cổ này năm mười sáu tuổi. Nỗi buồn còn hôi hổi tựa hôm qua. Chị Rêu bắt kịp ở mái hiên ôm chầm thằng Dậu òa khóc. Nước mắt chị mặn hơn nước biển cửa Đợi. Da chị mịn mướt hơn rêu Phố. Hắn vùi mặt trong tóc chị hít hương thơm dìu dịu, ngai ngái mùi hoa cỏ và cảm thấy dễ chịu đến bàng hoàng. "Thằng ranh, mi làm chi rứa?" - Chị ngạc nhiên xô hắn ra.

Thỉnh thoảng, mái hiên đầy bóng tối và nước mắt ấy lại hiện về trong giấc mơ thằng Dậu. Cả cảm giác đớn đau ngất ngây bàng hoàng chưa hề gặp trong đời ấy. "Thằng ranh, mi làm chi rứa?". Tuổi mười sáu của hắn chưa kịp xanh đã chớm vàng trong nỗi quay quắt được thành người lớn. Lớn mau, lớn mau, hỡi thằng ranh con!

Hết năm, thằng Dậu chuyển ra Đà Nẵng học. Bốn năm sau, một mình quay lại Phố. Bấy giờ hắn cao hơn một mét bảy, đã đỗ tú tài toàn hạng ưu, vừa được một suất học bổng ở nước ngoài. Hắn đứng trước ngôi nhà đóng kín cửa, cao hơn cửa, choán hết cửa. Hàng xóm bảo chị Rêu lấy một người Hoa gốc Hội An vào lập nghiệp ở Chợ Lớn. Người lớn đứng khóc, nước mắt rỏ ướt thềm.


o0o

Ông sờ lên những vệt nước mắt. Ông tin Phố lưu lại tất cả bởi thời gian nơi đây không trôi, chỉ quẩn quanh rồi dừng lại. Trăng gầy như nét vẽ. Mái cúi thấp để trời thêm cao. Ai đó ném một tiếng ho khan vào tĩnh lặng.

Thằng Dậu đã ra, theo sau là chị, vừa đi vừa cười. Tiếng - cười - bánh - đập roi rói tươi nguyên như mới lấy ra từ hoài niệm. Họ đi qua ông. Ông đứng dậy theo họ. Ông nghe tiếng chị:

- Lần ni mi ưa ăn chi?

- Bánh tráng đập.

- Mi ưa gặm bắp nướng rưới nước mắm ở bờ sông mà!

- Em ăn ngó. Ngó chị ăn bánh đập đủ ứa nước miếng. Ăn như mở toang cảm giác tận hưởng hương vị.

- Đợi cả tháng để ăn ngó à, thằng ngu! Không chi khổ bằng ăn ngó mi biết không? Nì, thầy Tường có thích ăn bánh tráng đập không hỉ?

- Chị làm con ruồi chui vô nhà thầy thì biết.

Tiếng cười đuổi nhau loăng quăng trong phố hẹp rồi mất hút ở một khúc quẹo mềm mại.

Ông lang thang trong phố theo họ. Thỉnh thoảng dừng bước trước một căn nhà say ngủ. Nhà thằng Phan hồi ấy ông đến học ké sách bằng cách giải cho hắn chép giờ là ngôi nhà tân thời, mầu vôi trắng bệch, mái ngói đỏ tươi. Nhà con Hòa béo, học trò đầu đời của ông còn nguyên cái bảng hiệu bằng gỗ. Con bé dữ tợn ấy ra sao rồi nhỉ? Hồi ấy, đỗ đầu trong kỳ thi tuyển vào đệ nhất trường Trần Quý Cáp, thằng bé nhà nghèo học giỏi được ngay một chủ tiệm vải thuê kèm đứa con gái học sau hai lớp. Được trả tiền, được cho vải may quần áo chỉ khổ nỗi con học trò mười tuổi coi thằng thầy mười hai tuổi không ra chi. Có gì không vừa ý, bà chằn lập tức thò tay, nghiến răng ngắt véo thằng thầy đến bầm tím da. Thầy bỏ dạy vì trò dọa: "Ba tau nói mi học giỏi, sau gả tau cho mi. Khi nớ ngày mô tau cũng ngắt mi chảy máu".

Ông về lại xóm giềng, đi qua trường Nam tiểu học, trường Trần Quý Cáp... ánh sáng huyền hoặc của trăng non và đèn lồng soi đường cho ông tìm về dĩ vãng.

Phố hẹp, loanh quanh. Đường ngắn, luẩn quẩn. Khi trời sáng, ông nhận ra mình đang ở trong một con hẻm nhỏ, trước cánh cửa hông nhà chị. Ngày xưa, chị hay tựa cửa chơi trò đố rêu nói gì trên bức tường trước mặt. Mùa rêu, bức tường tựa như tấm thảm kỳ diệu biến đổi từng ngày dưới đôi tay người thợ dệt tài hoa. Chị đọc bao nhiêu điều, tưởng tượng bao nhiêu cái từ nét mục rêu ngẫu hứng trên bức tường loang lổ mầu thời gian ấy. Thằng Dậu vắt trí tưởng tượng giải mã ngôn ngữ rêu bí ẩn ấy như chơi cút bắt với tâm hồn chị.

Bức tường ấy đang hiện ra trước mắt ông còn chị hiện ra trên rêu, ngửa cổ cười.

o0o

Phố thức dậy với tiếng chân, tiếng rao quà. Những cánh cửa lần lượt mở. Những cây dù, tấm bạt lại được căng ra. Cư dân hiện đại trong lòng Phố bắt đầu một ngày mới thong thả, khẽ khàng. Một người đàn ông lam lũ chở bắp luộc bằng chiếc xe đạp dừng bên mời ông mua mở hàng. Ông mua hai quả bắp nóng hổi và trả bằng tờ giấy bạc 50.000 vì ví tiền lẻ đã bị mất trên xe buýt. "Cháu đã bán chi mô. Bác đợi cháu đi đổi hí!". Ông gật đầu. Thằng Dậu hối hả lột, gặm nhai bằng những chiếc răng đã mòn của ông. Quả thứ hai hắn gỡ từng hàng, ăn từng hạt như sợ hết. Hắn ăn mê mải không để ý người bán bắp đã quay trở lại với mớ tiền thối. Anh ta mỉm cười nhìn vị khách sang trọng ngồi mút nước ngọt từ cái cùi bắp - "48 ngàn tiền thối đây bác?" - "Hồi nhỏ bác còn nhai cả cùi nữa kia! Ngọt lắm! Còn chỗ tiền thối, cháu bán cho bác trái nữa để hắn ném từng hạt vào miệng" - "Hết rổ bắp của cháu cũng chưa hết chỗ tiền nầy bác ạ!" - "Ăn thương ăn nhớ giá khác, cháu cứ cầm đi!".

ấm bụng, ấm lòng, ông ngồi ngắm những nụ hoa rêu nhỏ nhắn lấm tấm bên trên mái cổ. Trên gương mặt chập chùng lô xô những con sóng thời gian kia là mầu biển lặng, lặng đến độ soi mình thấy lòng thanh thản. Lâu lắm, ông mới được hưởng một buổi sáng thư thái như thế này. Một niềm bình an kỳ lạ xâm nhập tâm hồn ông khiến ông có cảm giác mình đang đứng dưới bóng râm thời gian đợi chị mở cửa với lời chào quen thuộc: "Mi tới đổ nước hả?".
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn