Thư Cho Con Gái Nhân Ngày Đính Hôn

24/07/20081:19 SA(Xem: 6147)
Thư Cho Con Gái Nhân Ngày Đính Hôn

Con gái yêu của mẹ

Tháng Sáu, những cánh hoa bông goòng bay hoang mang như tuyết lạc trong bầu trời mùa hạ. Hoa bông bay cả vào trong cửa xe, bám trên tóc trên vai áo mẹ. Lòng mẹ xôn xao bay lạc giữa những vui buồn.

Tháng Sáu, mẹ lái xe đi vào tiệm vải, tiệm bánh, tiệm rượu, tiệm trà. Mẹ đi sắm sửa cho một ngày lễ hội hân hoan và trọng đại cho mọi người trong gia đình mình. Hôm nay, mẹ vừa làm xong những tấm thiệp, mẹ lái xe ra bưu điện, mang gửi đi báo tin và mời họ hàng, bạn hữu của gia đình mình đến dự đám hỏi của con vào ngày hai mươi Tháng Bảy sắp đến.

Từ Mùa Hè năm ngoái, khi mẹ nhận được điện thoại của bạn trai con, lịch sự báo tin cho mẹ biết, anh ấy sẽ ngỏ lời cầu hôn với con chiều hôm đó. Mẹ buông điện thoại xuống mà nước mắt trào ra. Mẹ chưa biết rõ là vui hay buồn nhưng mẹ biết là mẹ xúc động đến run rẩy, bối rối và mẹ chạy đi tìm cha con để khóc.

Cô con gái duy nhất của mẹ sắp lập gia đình. Sắp bước vào cuộc đời của một phụ nữ với bao nhiêu bổn phận trước mặt. Con sẽ vui, buồn, theo buồn vui của chồng, của những đứa con, của gia đình bên chồng. Con không còn chỉ thuộc về riêng con nữa.

Cha con trấn an mẹ, nói với mẹ là cha tin vào sự chọn lựa của con, và nhắc mẹ phải tin vào sự chọn lựa của Thiên Chúa dành cho mỗi người.

Đời sống hôn nhân là một cuộc đời tự nhiên, và tất có của hầu hết mọi người trên mặt đất. (Không kể những nhà tu hành và người chọn ở độc thân). Nhưng ai cũng biết có may mắn và rủi ro trên định mệnh đặc biệt này.

Mẹ nhớ lại cuộc hôn nhân dị chủng giữa cha mẹ. Cha con, một người đàn ông Mỹ trẻ chưa hề biết gì về văn hóa, về phong tục của cái xứ sở xa xăm thuộc về người phụ nữ mà mình muốn kết hôn; Mẹ, một phụ nữ Việt Nam di tản, mới định cư trên xứ sở này hơn một năm, hãy còn hoang mang trên đất lạ. (Giống như một người lênh đênh trên sông nước, vừa tắp vào bờ, còn một chân trên bến, một chân dưới thuyền.) Cả cha con và mẹ chắc đều là mối lo lắng cho hai bên gia đình. Ông bà nội, ông bà ngoại của con thế nào cũng có những đêm không ngủ.

Vậy mà cha mẹ đã ở với nhau hơn ba mươi năm. Cũng có những con sóng nhỏ, có những ngày mưa, ngày gió. Nhưng chiếc thuyền hôn nhân vẫn trôi êm ả nhờ có ba đứa con ngồi trong đó nên thuyền không bị chao đi.

Mùa Hè năm ngoái mẹ đi Yellow Stone với vợ chồng người anh họ. (Chương trình có cả cha con, nhưng đến phút chót cha con không đi được.) Khi lái xe từ Seattle đến Montana, ở lại đó một đêm, mẹ bồi hồi nhớ lại đã bao nhiêu lần mẹ về đây. Những lần đưa các con về quê nội mỗi Mùa Hè.

Thành phố Helenna của tiểu bang Montana, nơi nổi tiếng về bầu trời cao xanh, về những dẫy núi sừng sững và những con ngựa núi đẹp đến ngất ngây, không phải là nơi định cư đông đảo của người Á Đông, nên thực phẩm Á Đông rất hiếm. Mỗi lần về, mẹ mang theo một thùng thực phẩm đặc biệt như: bún, nước mắm, miến và gia vị xả, ớt, v.v để làm thức ăn cho mọi người. Mẹ đã gửi gấm (hay nói một cách khác, mẹ muốn chứng tỏ) cái văn hóa Đông Phương của mình cho người bản xứ. Và chính cái văn hóa ẩm thực này đã kéo mọi người gần gũi nhau hơn.

Bây giờ thì ông bà nội đã qua đời, các con thì như chim bay tứ tán vào những khoảng trời khác, xa vời cha mẹ, và căn nhà cũ của ông bà nội, bây giờ cũng đã có người khác ở.

Nhớ lại lần đầu tiên mẹ về đó ra mắt nhà chồng vào dịp lễ Giáng Sinh của năm 1976. Lúc đó mẹ có mang anh con được hơn 1 tháng. Ông bà nội con mời họ hàng và lối xóm đến để giới thiệu cô con dâu mới. Trước khi khách đến, ông nội con cho mẹ uống một ly nước trái cây có pha rượu, mẹ bị say ngất ngư. Khi khách đến đầy nhà, mẹ vẫn nằm bẹp trên gác không xuống được, cha con lên gọi mẹ, và nói:

- Em ráng xuống đi, mọi người đang muốn xem có phải cô dâu Việt Nam có ba mắt, hai mũi không?

Đó là một câu nói đùa của cha con cho mẹ cười, nhưng cũng cho mẹ hiểu rằng, ngoài cha con ra, những người ở trong bàn tiệc hôm đó sẽ rất tò mò về mẹ: Một cô dâu thuộc về bên kia trái đất, nơi người ta chưa bao giờ đặt chân đến.

Bây giờ con cũng lấy một người chồng thuộc về một phần đất khác. Cũng có những phong tục, tập quán khác. Nó không quá khác biệt như Đông với Tây. Nhưng con cũng phải bay mười mấy tiếng mới tới phần đất có gia đình nhà chồng. Mẹ cũng lo lắng, cũng hoang mang như ông bà ngoại ngày trước, và mẹ cũng đã có nhiều đêm không ngủ.

Mấy tháng nay sắm sửa khăn áo cho con. Đi chọn áo cô dâu với con. Đi mua trà, mua bánh, mua rượu. Mỗi lần đi về mẹ lại khóc. Mẹ cũng không hiểu “tại sao” lại khóc. Chắc bà mẹ nào có con gái sắp lấy chồng cũng khóc như mẹ. Người Việt Nam (hay người Á Đông) thường nói: -Khóc như cô dâu ngày về nhà chồng - Khấp như thiếu nữ vu quy nhật - Nhưng mẹ thấy là - Khóc như mẹ của cô dâu - thì đúng hơn. Vì cô dâu của thế kỷ này không khóc nữa, nhưng mẹ của cô dâu thì thế kỷ nào cũng vẫn là bà mẹ cô dâu, bà mang một trái tim thổn thức trong ngực mình khi con gái mình về nhà chồng.

Đối với các bà mẹ, con gái mình là chuỗi ngọc trai, là chiếc vòng cẩm thạch, là hoa mẫu đơn, là ly nước suối, là miếng bánh thơm tho.Con gái bà là tất cả phần gia bảo mình có. Bây giờ bà đứng nhìn cái phần gia bảo đó đang chuyển sang nhà người khác. Làm sao mà ngăn được nước mắt ứa ra!

Trong đời sống đầy đủ vật chất này, mẹ chẳng biết món quà nào mang ý nghĩa xứng đáng cho con, một cô gái có trái tim mẫn cảm một tấm lòng nhân hậu, và một đầu óc vừa thực tế vừa lý tưởng. Mẹ tìm cho con một món quà giản dị.

Mẹ mua tặng con hộp kim chỉ, mẹ biết bây giờ không còn ai may cắt quần áo ở nhà. Tất cả đều mặc quần áo may sẵn. Mẹ chỉ muốn gửi gấm tặng con lời dặn dò trong món quà đó:

“Với tình yêu và sự kiên nhẫn ai cũng có thể vá được những miếng rách nhỏ, khâu lại những cái khuy bị đứt, có thể có, trong đời sống vợ chồng.”

Nói một cách khác, đừng nghĩ đến thay hôn nhân như thay áo. Hãy mặc cái áo hôn nhân đẹp đẽ ngày hôm nay. Nó không cần phải lúc nào cũng mới nhưng hãy giữ cho nó tinh tươm, lành lặn bằng tất cả tình yêu và sự kiên nhẫn của một người vợ.

Phần còn lại đặt vào trong tay Thượng Đế.

Mẹ yêu con.

Trần Mộng Tú
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn