Phương Lan

04/07/201212:12 SA(Xem: 1595)
Phương Lan
Tiểu sử

Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật

PV: Điều quan trọng nhất thúc đẩy bạn viết?

Phương Lan: Đó là những thôi thúc từ nội tâm.

PV: Thuộc thế hệ nhà văn 8X, lại đến với văn học qua con đường thơ, rồi cũng đầy tiếng tăm (cả tiếng tốt và tiếng xấu) cùng với nhóm“Ngựa trời”, điều ấy có nhọc nhằn không?

Phương Lan: Tôi quan niệm viết là vui, cho nên chẳng có gì là nhọc nhằn. Tôi không quan niệm văn chương là việc gì nghiêm trọng, nhà văn phải dấn thân, phải làm những việc ghê gớm. Thậm chí tôi nghĩ, mọi công việc sáng tạo cũng là những cuộc chơi. Và như vậy mình mới đến được với cuộc chơi với tâm thế hoàn toàn thoải mái, tự do, không bị áp lực gì.

PV: Nhưng nếu như để việc sáng tạo ở một khung hoàn toàn tự do, buông bỏ, những tác phẩm của bạn sẽ thiếu sự cầu toàn?

Phương Lan: Tôi không nghĩ thế, để có một cuộc chơi hay, để mình là người chiến thắng bạn phải rất cố gắng, rất nỗ lực mới được. Vả lại, tôi nghĩ sáng tạo phải vô tư và đầy hưng phấn thì mới có kết quả tốt đẹp. Những người coi sáng tạo là một áp lực, một gánh nặng chẳng qua họ chỉ mượn văn chương để mưu cầu việc khác.

PV: Có rất nhiều con đường khác nhau để thể hiện mình, sao bạn lại chọn văn chương vốn là thứ lắm thị phi và dễ gây tranh cãi nhất?

Phương Lan: Mỗi loại hình nghệ thuật có cách biểu đạt khác nhau: hội họa khác văn chương, âm nhạc khác sân khấu. Mỗi người sẽ chọn cách thể hiện mà họ thấy mình có khả năng, thiên hướng về cái đó. Và cũng có thể họ chưa có điều kiện để đến với những loại hình khác. Tôi cũng vậy thôi.

PV: Hiện nay, điều ám ảnh nhất với những người viết thuộc thế hệ 8X, 9X chính là việc phải tìm ra cách viết mới, ngôn ngữ mới. Thực ra thì các bạn tìm đến đâu rồi?

Phương Lan: Đây là tôi nói theo ý chủ quan của tôi thôi: Cái mới trong văn thơ bây giờ chưa mới lắm. Tất cả những tác phẩm của chúng tôi mới chỉ là những tìm tòi, thể nghiệm, tạo nền tảng cho cái mới thực sự sau này chứ chưa phải đã là thành quả định hình.

Tôi cho sự tìm kiếm đó là cần thiết để văn học phát triển. Nếu cứ chấp nhận những gì mình có thì mãi mãi mình không có cái mới. Chúng ta không thể bày ra cho người đọc những thứ quá cũ và họ đã quá chán rồi lại kêu rằng: Bạn đọc quay lưng với văn học.

PV: Tại sao những người trẻ thường hay thích đề cập đến sex trong những trang viết của mình?

Phương Lan: Tôi nghĩ trong tác phẩm của những người viết trẻ không chỉ có sex. Bởi vì sex chỉ là một việc rất bình thường trong cuộc sống mà ai cũng có, nó như ăn, như ngủ vậy, nó không phải là hạt nhân. Chỉ những người đọc thiên kiến mới bị xoáy sâu vào vấn đề đó. Nếu vô tư họ sẽ thấy bên cạnh sex có nhiều vấn đề khác cũng không kém bức xúc, không kém “hot”.

Nguồn: www.tienphongonline.com
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn