Trần Thị Thùy Mai

04/07/201212:12 SA(Xem: 1694)
Trần Thị Thùy Mai
Tiểu sử

TranThiThuyMai
Sinh ngày 09 tháng 8 năm 1954 tại Hội An, Quảng Nam
Chánh quán Thừa Thiên
Tốt nghiệp đại học sư phạm Huế
Hiện sống làm việc tại Huế

Tác phẩm đã xuất bản :

Bài Thơ Về Biển Khơi (truyện ngắn, 1983)
Cỏ Hát (truyện ngắn, 1984)
Thị Trấn Hoa Qùy Vàng (truyện ngắn, 1994)

Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật

Nhà văn Trần Thùy Mai: Viết văn là một cách thương yêu...


Nhờ viết, cuộc đời tôi được mở rộng. Tôi vượt qua giới hạn chật hẹp của chính mình... Viết văn với tôi là một cách thương yêu với chính mình và những người xung quanh...Tôi chỉ muốn nói với các bạn viết trẻ rằng, văn học không bao giờ dễ dãi, nhà văn Trần Thùy Mai tâm sự.

* Thưa nhà văn Trần Thuỳ Mai, sau gần 30 năm sáng tác, sự thay đổi lớn nhất trong suy nghĩ của chị về nghề viết là gì?

- Tôi bắt đầu viết từ khi còn đi học, lai rai cho vui. Thế nhưng khi bắt đầu được độc giả ưa thích, bỗng dưng cầm bút với một sự hoảng sợ. Sợ không làm hài lòng độc giả, sợ độc giả bỏ mình mà đi. Viết mãi thì cũng nguôi sợ.

Người ta thường hay nói gặp khó khăn khi sáng tác nhưng tôi thì không, tôi chỉ thấy khó khăn khi không viết được. Mà không viết được thì buồn không tả xiết. Không có thay đổi trong suy nghĩ về việc viết lách mà chỉ có sự sâu sắc và chín dần lên về nỗi đau, về sự chia sẻ trong từng trang viết.

Tôi không so sánh nhân vật của tôi với những người khác. Tôi quan niệm tác phẩm văn học bắt đầu từ mâu thuẫn, xung đột trong cuộc đời. Đau khổ có đầy trong cõi sống này. Viết, cảm nhận nỗi buồn của người bên cạnh về gian khó của đời mình để tạo ra mối đồng cảm chung là đường hướng theo đuổi của tôi.

* Hiện thực cuộc sống và hư cấu vào tác phẩm của chị với tỷ lệ nào? Những phiền toái khi lấy hình mẫu ngoài đời thật có bao giờ vướng vào chị không?

- Trước mỗi trang truyện ngắn tôi thấy mình giống như một người nặn tượng. Lấy hết khả năng để làm ra một tác phẩm đẹp, có ích. Nhờ viết, cuộc đời tôi được mở rộng. Tôi vượt qua giới hạn chật hẹp của chính mình. Khi tác phẩm đến được với độc giả, nỗi cô đơn trong tôi nguôi ngoai. Chính vì thế tôi ít chú ý đến dung lượng của thực tế hay hư cấu. Thực ra tôi thuộc típ người rất kiên nhẫn lắng nghe những tâm sự chung quanh.

Tôi như một mảnh nam châm hút về mình những đau khổ. Tùy cơ duyên tôi kết hợp nhiều ý tưởng của mình, của người để thành những truyện ngắn. Nếu chỉ là chuyện thật đưa lên giấy thì chẳng có gì cho độc giả đâu. Hư cấu tạo cho câu chuyện những tầng nghĩa mới, những bề sâu, để câu chuyện vượt qua sự tầm thường. Viết phải có lợi cho nhân loại, tôi viết với phương châm đó.

* Như vậy mục đích khi sáng tác của chị là vì độc giả hay vì chị?

- G. Marquez nói: Tôi viết là vì tôi muốn được người ta yêu thương tôi. Là một nhà văn, lại là nữ, tôi rất cần được yêu thương để chống lại mặc cảm bị bỏ rơi. Theo cách nhìn của tôi, phần lớn người làm nghệ thuật bị trời cho số khổ. Họ lại là người có cá tính nên thường sống cực đoan, sống trong cuộc đời với tâm trạng dị dạng. Khi viết, họ được thừa nhận, được hiểu, đó là hạnh phúc.

Viết văn với tôi là một cách thương yêu với chính mình và những người xung quanh. Điều này nói cụ thể thì không nên nhưng nói mơ hồ thì không rõ. Đành vậy....

* Chị có thể so sánh những vấn đề của thế hệ chị với những cây bút trẻ thế hệ sau này được không?

- Tôi cùng thế hệ với Lý Lan, Minh Ngọc, thế hệ cầm bút đầu tiên sau chiến tranh. Nhìn lại, đây chính là thế hệ dò đường đi tìm những đề tài hậu chiến. Có thể có những sáng tạo, nhưng vẫn không thể không bị ảnh hưởng bởi những lối mòn.

Cho đến bây giờ ngay chính tôi, khi viết vẫn dễ bị cóng tay vì nghĩ tới những người độc giả với lối đọc cũ. Không chấp nhận sự thay đổi, hạn chế cái mới, chỉ thừa nhận một lối đi chính là nguy cơ mà mọi người viết hiện nay vẫn phải đương đầu.

Về những người viết trẻ, đáng quí nhất là sự táo bạo, khát khao đi tìm cái mới mạnh mẽ trong các trang viết của họ. Có thể người đi ngược, kẻ đi xuôi. Nhưng quan trọng là họ đã mới.

* Viết văn gần 30 năm cũng có thể sinh ra những thói quen. Chị có muốn xé bỏ những thói quen đó, để mới mẻ lên không?

- Tôi không dị ứng với cái mới. Tôi chỉ dị ứng với cái mới mà không nhân văn. Ví dụ gần đây có những cây bút gây sốc bằng cách ca ngợi sự dối lừa, sự tàn ác. Đổi mới là làm mới trang viết chứ không phải là diễn những trò ngoài văn học. Tạo cho người ta chú ý bằng những thứ tưởng là mới thì dễ. Nhưng để người ta nhớ tác phẩm thì khó khăn hơn nhiều.

Tôi không băn khoăn về một vài người trẻ làm dáng, làm nổi hiện nay. Năm, mười năm nữa họ là ai chúng ta sẽ biết. Trẻ là vận động. Họ ì ra thì còn buồn hơn. Tôi chỉ muốn nói với các bạn viết trẻ rằng, văn học không bao giờ dễ dãi. Tôi nghĩ nhiều về cái mới trong sáng tác. Nhưng chuyện có tìm ra cái mới hay không lại là vấn đề khác.

Theo Sinh Viên
Thứ Năm, 18/11/2004,
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn