Bà Chúa Xứ

25/06/20127:47 CH(Xem: 1445)
Bà Chúa Xứ
Tiểu sử

Sự tích về Đền Thánh Mẫu

Phạm Đăng Trâm

Hàng năm, nhất là mỗi độ Xuân về thì hàng triệu lượt người từ khắp nơi trong nước và cả từ các nơi trên thế giới đều đổ dồn về vùng Thất Sơn, Châu Đốc để đi hành hương viếng Đền Bà Chúa Xứ ở Núi Sam hay Núi Bà Đen ở Tây Ninh, hoặc các Đền Thờ Thánh Mẫu ở khắp nơi từ Bắc chí Nam. Đông nhất là trong những Tháng Giêng, Tháng Hai và Tháng Ba Âm Lịch, đó là mùa lễ Vía Bà. Trong dân gian có câu: “Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ”, Cha chính là Hưng Đạo Đại Vương hay thường gọi một cách tôn kính là Đức Thánh Trần là vị anh hùng của dân tộc; và Mẹ đây chính là Đức Thánh Mẫu mà dân gian vẫn thờ phượng.

Vùng Thất Sơn hay nôm na là vùng Bảy Núi trong tỉnh Châu Đốc, giáp với Campuchia và bao gồm những ngọn núi có tên rất đẹp tựa như trong truyện kiếm hiệp: Ngọa Long Sơn, Ngũ Hổ Sơn, Thiên Cấm Sơn, Anh Vũ Sơn, Thủy Đài Sơn, Phụng Hoàng Sơn, và Liên Hoa Sơn. Trong vùng Thất Sơn có một ngọn núi lớn mà trên đó có xây một ngôi chùa cổ kính cao chót vót từng mây. Khách đi hành hương phải leo lên không biết là bao nhiêu bực thang trên sườn núi đá để lên chùa. Khi tới lưng chừng núi thì thấy chung quanh mình mây mù đã bao phủ và cảnh vật thiên nhiên đẹp tựa như trong tranh vẽ hay truyen thần tiên, thấy hồn mình như rũ sạch được bụi trần. Bên cạnh đó có một con suối chảy róc rách mà tương truyền rằng ai lên tới được chốn này rửa được tay chân mình thì sẽ tiêu tan được phần nào nghiệp chướng.

Đặc biệt, ngọn núi Sam ở Châu Đốc lại không nằm trong dãy núi Thất Sơn mà ở giữa vùng đồng nước bao la, là ngọn núi nhỏ đẹp có hình giống con sam, đầu quay về hướng Bắc, là nơi có Đền Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng. Dân chúng thường hay đến để xin xăm, cầu xin tài lộc, phước thọ, buôn may bán đắt, cầu xin con quý tử, xin giải trừ tật bệnh tai ương v.v..

Tượng Bà Chúa Xứ được đúc bằng đá xanh mà theo nhiều nhà khảo cổ học thì là một loại nham thạch trầm tích gọi là Diệp Thạch. Dân gian truyền tụng rằng mỗi năm đá xanh mỗi nở thêm ra và tượng Bà mỗi năm mỗi lớn hơn năm trước. Vị coi đền kể rằng xưa kia Đền Thờ Bà Chúa Xứ được xây ở trên núi cao và có giả thuyết rằng bức tượng của Bà đã được đặt trên núi Sam cách đây cả ngàn năm trước bởi một hoàng tử xứ Ấn Độ. Vị hoàng tử Ấn Độ đã lưu luyến vùng đất này và dừng gót phiêu du tại nơi đây và lập nên xứ Phù Nam. Sau này tượng Bà mới được thỉnh xuống đồng bằng trong vùng núi Sam để dân chúng dễ đi lại cho việc thăm viếng. Hằng năm, trong Lễ Vía Bà thường tổ chức lễ tắm gội cho Bà, và các đệ tử Ngài cũng như những thiện nam tín nữ tham dự lễ này vẫn thường xin nước tắm cho Bà về để chữa bệnh.

Trong nhiều đền, chúng ta thấy dân chúng tạc tượng thờ Tam Tòa là ba vị Thánh Mẫu Áo Đỏ, Áo Xanh và Áo Vàng. Vị Áo Đỏ là Mẫu Thượng Thiên hay còn được gọi tôn kính là Đệ Nhất Huyền Thiên Thánh Mẫu và dân chúng thờ Bà từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Nhiều nơi, dân chúng thờ Bà Chúa Liễu Hạnh là Đệ Nhất Thánh Mẫu là vị đã được vua phong cho làm Mẫu Nghi Thiên Hạ vào cuối đời nhà Lê. Vị Áo Xanh là Mẫu Thượng Ngàn hay Đệ Nhị Thánh Mẫu mà đền thờ lớn nhất là trong tỉnh Tuyên Quang. Vị Áo Vàng là Mẫu Thải Phủ hay Đệ Tam Thánh Mẫu.

Huyền thoại lưu truyền lại rằng Mẫu Thượng Thiên nguyên là trên thượng giới chẳng may đánh rơi chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian đầu thai vào một gia đình quan lại tại thôn Vân Cát, xã Tiên Hương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là nơi sản sinh ra những trạng và những vị thánh. Vị quan này vốn hiếm muộn cho nên khi sinh ra được mụn con gái thì rất mực cưng chiều. Đến năm hai mốt tuổi thì Bà đã hết hạn ở trần gian nên về lại thượng giới. Nhưng sau đó, khi Bà về Trời rồi thì một hôm nhớ trần gian cho nên lại lén Ngọc Hoàng xuống thế gian chơi và hai nàng tiên Quỳnh Hoa và Quế Hoa cũng theo chân Bà xuống thăm trần gian một chuyến và sau này thành ba vị Thánh Mẫu mà dân gian vẫn thờ phượng. Bà hóa thân thành người bán thuốc đi khắp nơi để cứu độ nhân gian bệnh tật, những ai không có tiền trả cho việc thuốc thang chữa bệnh thì Bà cho một nơi chốn đến đó để trả tiền. Sau này khi những bệnh nhân đó tìm đến ân nhân để đền đáp lại thì mới biết nơi đó chính là Đền Phủ Giầy nơi thờ Mẫu.

Dân gian miền Nam có những câu hò thì miền Bắc cũng có những câu dân ca của những nàng thôn nữ hát ví von để đố những anh trai làng như sau để thấy rằng việc phụng thờ Mẫu đã đi vào trong sinh hoạt dân gian của người nông dân từ lâu rồi:

“Ở đâu năm cửa chàng ơi!.. Sông nào sáu khúc chảy xuôi một dòng.”

“Nước sông nào bên đục bên trong. Núi nào thắt cỏ bồng lại có Thánh sinh.”

“Đền nào thiêng nhất xứ Thanh. Ở đâu mà lại có thành Tiên xây.”

“Ở đâu có chín tầng mây? Ở đâu lắm nước ở đâu nhiều vàng?”

“Chùa nào mà lại lắm hang? Ở đâu lắm gỗ thì chàng biết không?”

“Ai đi xin được túi đồng. Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?”

“Nước nào dệt gấm thêu hoa? Ai sinh ra cửa ra nhà chàng ơi?”

“Kìa ai đội đá vá trời. Còn ai trị thủy cho đời an vui?”

“Em hỏi anh trong bấy nhiêu lời. Xin anh giảng rõ từng nơi từng người.”

Chàng bèn thủng thẳng đối đáp lại như sau:

“Thành Hà Nội năm cửa nàng ơi. Sông Lục Đầu sáu khúc nước xuôi một dòng.”

“Nước sông Thương bên đục bên trong. Núi Tản thắt cỏ bồng lại có Thánh sinh.”

“Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh. Ở trên tỉnh Lạng có thành Tiên xây.”

“Trên Trời có chín tầng mây. Dưới sông lắm nước, mỏ nay nhiều vàng.”

“Chùa Hương Tích lại lắm hang. Trên rừng lắm gỗ thì nàng biết không?”

“Ông Khổng Minh không xin được túi đồng. Trên Trời lại có con sông Ngân Hà.”

“Nước Tàu dệt gấm thêu hoa. Ông Hữu Lão sinh ra cửa ra nhà nàng ơi.”

“Bà Nữ Oa đội đá vá Trời. Vua Đại Vũ trị thủy cho đời an vui.”

“Em hỏi anh trong bấy nhiêu lời. Anh đã kể rõ từng nơi từng người.”

Trong câu dân ca hát đối đáp bên trên, Bà Nữ Oa chính là một vị Mẫu mà dân chúng thờ nhiều nhất trên vùng thượng ngàn trong Thất Phẩm Nương Nương.

Bảy vị Thánh Mẫu này bao gồm Linh Sơn Thánh Mẫu (Núi Bà Đen, Tây Ninh), Bà Chúa Xứ, Mẫu Diêu Trì, Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Nữ Oa, Mẫu Vân Hương, và Thiên Y Thánh Mẫu (Tháp Chàm, Nha Trang).

Theo kinh sách Phật thì con người ta sinh ra đời đã là một điều hy hữu rồi vì đứng ở giữa trời đất, trên các loài vật, ngạ quỷ súc sinh và địa ngục, và dưới các vị thần tiên, các chư thiên, các vị thánh, dưới chư vị Bồ Tát và chư tôn Phật.

Theo Hòa Thượng Thích Thiện Chánh khi thầy còn sinh tiền thì chư vị Thánh Mẫu đã đạt tới ngôi vị Thánh và đang tu tập để lên quả vị Bồ Tát. Trên là Đức Phật Bà Quan Thế Âm là vị Đại Bồ Tát vẫn thường lắng nghe những nỗi thống khổ của chúng sanh mà xuống cứu khổ cứu nạn, và dưới Ngài là Mẫu. Những đệ tử của Mẫu thường thiết lập các đàn để tế lễ Mẫu, nhất là vào những ngày giỗ chư vị Thánh Mẫu hàng năm vào Tháng Ba Âm Lịch, và cầu xin Mẫu giáng lâm khai sáng thêm, ban cho sự an lành hay để chữa những bệnh tật ngặt nghèo, hay để được lộc được tài trong năm mới v.v..

Sau khi miền Nam sụp đổ vào Tháng Tư đen năm một chín bảy lăm, các đệ từ Mẫu đã thiết lập một đàn chay để cầu Mẫu về soi sáng cho trong tình hình bi đát của đất nước, và có đặt câu hỏi là tại sao loài quỷ đỏ quá hung ác như vậy mà lại chiếm được miền Nam, trong khi người Quốc Gia có chính nghĩa thì lại nước mất nhà tan?

Lúc đó Hòa Thượng Thích Thiện Chánh có mặt tại buổi lễ và kể lại rằng Mẫu đã giáng lâm xuống đàn và phán rằng đó là vận nước đã suy vong lại nhằm vào trong thời mạt pháp nên quỷ dữ mới lộng hành, và cơ Trời không thể tiết lộ được. Mẫu đã khóc vì thương cho chúng sanh trong đó có những đệ tử của Mẫu sẽ phải trải qua bao nhiêu là thống khổ không thể kể xiết được, quan quân thẩy từ trên xuống dưới đều sẽ phải lầm than, đói khổ nhục nhằn, chân lấm tay bùn, kể mất người còn, gia đình ly tán.

Cuối cùng trước khi thăng thiên, Mẫu nhắn nhủ lại rằng loài quỷ đỏ vốn chỉ ngự trị trong bóng tối, trong rừng sâu núi thẳm, nếu còn ở trong bóng tối thì chúng sẽ còn mãi không thể tận diệt được chúng. Nay chúng đã ra ánh sáng và sẽ từ từ bị lộ chân tướng và cũng sẽ từ từ bị ánh sáng tiêu diệt.

Niềm tin tưởng thâm sâu vào Phật Pháp, vào Tam Bảo trong suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua đã giúp cho người Phật tử Việt Nam có những đóng góp vô lượng vô biên công đức trong việc xây dựng, tu sửa và bảo trì bao nhiêu là chùa chiền tại quê hương chúng ta cũng như tại hải ngoại để con cháu sau này có nơi đến để lễ Phật và giúp cho việc hoằng dương Phật Pháp được tiến triển qua bao thăng trầm của đất nước.

Đối với những đệ tử của Mẫu, cũng với niềm tin sâu xa vào Thất Phẩm Nương Nương, nên đã ra công góp sức trong việc thiết lập lễ đàn hay dựng xây lên những đền đài thờ Mẫu ở trong nước cũng như hải ngoại. Ở tại Quận Cam trong thành phố Garden Grove chúng ta đang cư ngụ cũng có một đền thờ Mẫu mà các đệ tử của Mẫu cũng như những tín hữu vẫn duy trì được những lễ hội quanh năm.

Viết xong vào mùa Xuân năm Giáp Thân.

Phạm Đăng Trâm

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Bí Ẩn, Truyền Thuyết và Những Chuyện Lạ Quanh Tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc phát hành tại Điện Thờ Thánh Mẫu Chúa Xứ 107.42 Capital Ave. # 8B, Garden Grove, CA 92843. (714) 554-8529.

- Quê Hương Trong Trí Nhớ: Về Thăm Di Tích Núi Sam, Châu Đốc của Song Lê.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn