Sầu Riêng

18/07/20089:31 CH(Xem: 2163)
Sầu Riêng

Hoài nép mình sau cánh cửa nhìn ra ngoài.  Bến tàu hôm nay rộn rịp lạ thường. Các tàu Nam-vang đã về. Tàu Long-xuyên, Cần-thơ cất hàng đi. Mấy hôm trước mặt nước im lặng và bình thản bao nhiêu thì hôm nay rộn rịp bấy nhiêu.
 
 Hoài vẫn có thói quen rảnh việc là nhìn ra bờ sông. Đối với Hoài bờ sông có một sức quyến rũ say sưa lạ lùng. Nhìn giòng nước chảy vô tư, Hoài cũng có thể nảy ra trăm nghìn suy tư. Những hôm có tàu đi về, Hoài lại trông ra bờ sông  rất lâu, để ý nhìn và cố đọc những cảm xúc trên nét mặt của kẻ biệt ly, người tái hợp.
 
 Có những người về không ai đón, và cũng có những kẻ đi chẳng  ai đưa. Hoài là người đưa và đón họ trong yên lặng.
 
 Mỗi một chuyến tàu đi, Hoài nhìn theo cho đến khi khuất bóng. Mỗi một chuyến tàu về, Hoài nhìn cho đến khi  tất cả hành khách, và người thủy thủ cuối cùng lên bờ. Con tàu nằm yên như nghỉ mệt sau một thời gian sóng gió.
 
 11 giờ đêm. Khu vực chiếm đóng trở nên yên tĩnh. Thỉnh thoảng chỉ một ít tiếng giày của toán quân viễn chinh đi tuần, Hoài mở cửa ra hiên nhìn xuống đường: Trăng sáng xanh xanh, dãy núi xa ở bên kia bến mờ mờ trong sương đêm, trông như một bức tranh thủy mạc. Mấy chiếc thuyền đánh cá ban đêm cũng đã vào bến. Đêm yên tĩnh và lạnh lẽo. Bóng những lá cây vẽ lên tường lấp lánh như một bức mành hoa. Đêm nào Hoài cũng nhìn bức tranh bất di bất dịch ấy không hề chán mắt.
 
 Hoài bỗng chợt nhớ đến ban chiều nàng đến thăm chị Mỹ, một cô bạn gái nàng quen từ 5, 6 năm trước ở một tỉnh miền Trung Bắc. Sau một thời gian xa cách hai chị em bỗng gặp lại ở một nơi xa lạ, Hoài mừng rỡ hỏi thăm  tin tức bạn bè thân sơ ngày xưa ai còn ai mất.
 
 Chuyện trò một lúc bỗng ở ngoài đi vào một thanh niên, Mỹ giới thiệu là em trai chị. Hoài ngạc nhiên hỏi:
 
         - Sao hồi trước em không  biết anh này.  Em chỉ còn  nhớ anh Hùng thôi vì anh ấy có bộ râu quai hàm ghê quá.
 
 Thạch, chàng thanh niên cười:
 
- Tôi cũng có râu quai hàm, nhưng cô không biết có lẽ  hồi ấy tôi còn bé. Còn  bây giờ cô không thấy  vì tôi vừa mới cạo xong.
 
Hoài nhìn Thạch bỗng đâm ra lo sợ vớ vẩn. Thạch có cái vẻ gì làm cho nàng phải lo ngại. Hoài nghĩ thầm:
 
- Muốn cho yên tĩnh mà học, ta cần phải tránh anh chàng nầy mới được.
 
Hoài tự  dặn  mình  và nàng đã giữ được gần đúng như thế. Hoài cố gặp chị Mỹ rất ít, và mỗi lần gặp, Thạch mới hỏi vớ vẩn mấy câu, Hoài đã kiếm cớ lẩn đi nơi khác.
 
 Chị Mỹ và Thạch sắp xuống tàu đi Pháp học. Thế là xong Hoài sẽ khỏi phải lo nghĩ  không đâu nữa. Thế nhưng chuyện  giấy tờ của  Mỹ gặp  trở ngại, phải nhờ cậu  của Hoài  giúp và vì thế, sự giao thiệp càng ngày càng gần.
 
*
 Hoài  đang đứng ở hiên sau  vẫy nước tưới cho một cây con, bỗng giật mình. Thạch  bước lên cầu thang tươi cười bảo:
 
- Cô Hoài, hôm nay tôi đến chào cô và bác đây.
 
- Có chuyện gì thế anh?
 
Hoài cười, nhưng thấy  như có  chút gì ngao ngán và mến tiếc.
 
 Thạch đến cạnh Hoài hỏi:
 
- Cây gì thế cô? Cây gì mà tôi thấy  cô ngày đêm  săn sóc mãi. Cái cây nầy làm cho có người phải ao ước.
 
- Cây Sầu riêng đấy anh ạ.
 
Thạch tinh quái:
 
- Cô mà cũng “ sầu riêng” à? Tôi cứ tưởng tim cô bị ướp nước đá từ hàng trăm  năm kia đấy. Lúc nào cũng lạnh như băng.
 
 Hoài mỉm cười:
 
- Anh tưởng thế đấy!
 
- Cô trồng làm gì thế?
 
- Nhân có người bạn biếu mấy quả sầu riêng, tôi lựa quả ngon nhứt lấy hột ươm chơi.
 
Thạch tinh quái:
 
- Sao họ biếu sớm thế? Tôi thì tôi đợi đến đúng ngày cưới kia.
 
- Anh cũng biết câu chuyện ấy à?
 
- Không, câu vừa rồi  tôi  bịa ra. Chuyện thật thế nào có ly kỳ lắm không?.
 
- Tôi kể anh nghe nhé. Ngày xưa, à, mà cũng không xưa lắm đâu. Có...
 
- Vâng, có thể là ngày nay, có thể là hiện tại, giờ nầy, phút nầy và chốn này.
 
Hoài nhăn mặt:
 
- Anh lại  đùa. Thôi  không kể nữa.
 
- Tôi xin nghiêm,  xin lắng tai nghe câu chuyện tình lâm ly bi đát.
 
- Ngày xưa có hai người yêu nhau lắm.
 
- Yêu nhau lắm lắm chứ!
 
- Đấy, anh lại đùa rồi!
 
Thạch đứng thẳng người, vòng tay lại:
 
- Thưa bà chúa, tôi xin nghiêm.
 
- Thế thì được. Ngày xưa có  hai  người yêu nhau lắm, nhưng không lấy được nhau.
 
- Vì sao thế cô?
 
- Vì người con gái bị cha mẹ gả chồng khác. Đến ngày cưới anh chàng đem biếu người yêu mấy quả sầu riêng, để nhắc cho cô nhớ rằng tuy cô vui với tình duyên mới, chàng vẫn nhớ cô, và vẫn ôm mối “ sầu riêng” một mình. Cô dâu đến giờ phút ấy đau khổ quá. Muốn tỏ cho người yêu biết cô chỉ yêu một mình chàng nên cô tự tử. Anh chàng kia không ngờ mình làm cho người yêu chết nên cũng tự tử theo.
 
- Thế còn  chú rể có tự tử không?
 
Hoài bật cười:
 
- Không, vì nếu chú rể cũng chết nốt thì rắc rối lắm. Họ sẽ lại tranh nhau ở thế giới bên kia nữa.
 
- Theo ý cô thì  sao? Nếu cô là cô dâu cô có tự tử không?
 
Hoài ngẫm nghĩ:
 
- Không, nếu một khi tôi đã yêu và được yêu thì làm gì có cái đám cưới  chết  người ấy.
 - Còn  ý anh thế nào?
 
Thạch cười:
 
- Tôi ấy à, ý tôi thì anh chàng ấy dốt lắm. Ở địa vị  xí  hụt  ấy tôi sẽ không biếu mấy quả sầu riêng đâu.
 
- Để chả ai chết cả phải không?
 
- Không tôi biếu luôn mấy xe vận tải sầu riêng. Tôi mua cả mấy vườn sầu riêng chở đến biếu nàng. Nhà nàng sẽ chất đầy sầu riêng và mùi sầu riêng bay ra sẽ làm cho hai họ phải chạy mất. Đến lúc chú rể cũng chạy nốt thì tôi sẽ thế vào cái chỗ trống ấy. Và nếu cần phải có người chết câu chuyện mới ly kỳ, tôi sẽ cho chú rể  tức uất lên mà chết. Chứ người chết nhứt định  không phải  là cô dâu của tôi.
 
 Hoài cười, Thạch cũng cười. Ngẫm nghĩ một lúc Thạch bảo:
 
- À quên, tôi sắp xuống tàu, cô chúc gì cho tôi nào?
 
Hoài lạnh nhạt:
 
- Chúc anh à, chúc anh bao giờ cây sầu riêng này có trái thì anh thành tài trở về.
 
Thạch tái mặt:
 
- Sao cô ác thế! Cô trồng cây trong lon sữa bò thì còn ra trái thế nào được. Nhưng thôi,  tôi cũng cám ơn cô, và chào cô, lần này là lần cuối cùng.
 
Thạch cầm mũ quay lưng đi. Hoài biết mình lỡ lời hốt hoảng gọi:
 
- Thạch, anh Thạch!
 
Thạch quay lại đến bên cạnh Hoài, nhìn thẳng vào mắt nàng. Một chốc Thạch sẽ cúi xuống hôn trên đôi mắt rưng rưng lệ.
 
- Hoài xin lỗi Thạch!
 
Thạch nắm chặt tay Hoài:
 
- Em chờ anh 6 năm nhé?
 
*
 
Trời chiều vàng một mầu ly biệt, một ít mưa bụi làm mờ mặt nước trong veo. Thạch đã đi rồi !  Bức tường sừng sững trước mặt mờ lẫn trong mưa. Thấy mắt mình ươn ướt và hơi lạnh thấm vào đến ngực. Hoài vội khép chặt cửa sổ.
 
 Tiếng còi  tàu Nam Vang thét lên một hồi rùng rợn. Hoài giật mình bịt tai. Bao nhiêu  dè dặt của nàng đều hóa ra vô ích cả. Hoài nhớ đến những hôm nàng đã cố làm ra vẻ lạnh lùng với Thạch,  tưởng mình chỉ  gắng  kiên nhẫn   một lúc, để tránh  những  ưu phiền  tình cảm vướng bận  lâu dài về sau, Hoài thở dài:
 
- Chạy trời không khỏi nắng. Anh chàng ấy thế mà nguy hiểm thực. Giờ phút cuối cùng cũng còn giăng bẫy được.
 
Hoài nhớ đến những hôm chủ nhật cùng chị Mỹ đi lễ nhà thờ lớn,  Hoài không theo Chúa nhưng  chỉ  theo Mỹ cho vui.  Quì dưới chân Đức Mẹ, chị Mỹ lẩm nhẩm cầu nguyện. Hoài cũng cầu nguyện. Nhưng không phải như những cô  nàng  mơ mộng “ Em khấn cùng trời Phật. Sao cho em lấy chàng.” Hoài cầu nguyện ngược lại.
 
 Phòng trọ tạm thời  cho sinh viên  chờ tàu của  Mỹ bé nhỏ, chỉ có 2 cái giường xếp vải cho hai chị em. Những lúc Hoài đến thăm  buổi trưa  vắng Thạch,  Hoài thấy sung sướng được nằm trên giường Thạch, gối lên gối Thạch, được ôm lấy mền Thạch đắp, được nhìn ảnh Thạch trên tường mà Thạch không bao giờ biết được.
 
 Và khi Hoài ra về, Thạch nằm lại chỗ của mình, thấy  mùi nước hoa của Hoài  còn thoang thoảng, vấn vương trên chiếc gối trắng tinh. Thạch lại nhớ đến Hoài. Vì cũng như Hoài, Thạch  như đang  cố gắng  vượt qua một  ma lực huyền bí  đầy  quyến rũ.  Những lúc chỉ có hai người Thạch lại càng nghiêm trang hơn, và  tránh nhìn thẳng vào mắt nhau. Cả hai cùng có cái cảm tưởng như đang đi trên một con đường dốc trơn, nếu lỡ trượt  chân một cái là không còn gượng được nữa. Hoài trang trọng và lạnh lùng, Thạch cũng thản nhiên  nghiêm nghị. Thế nhưng cả hai trong thâm tâm cùng cảm thấy  một trời giả dối bao trùm..
 
 Thạch sắp xuống tàu đi Pháp. Họ sẽ buồn vì phải xa nhau không biết đến bao giờ, nhưng cả hai cùng mong cho ngày đi chóng đến gần, hình như mong như thế  sẽ thấy ngày giờ dài ra một chút. Còn được gần nhau thêm một lúc, mà trong lúc ấy, trái lại họ cũng mong cho chóng xa nhau ngay.
 
 Những ý tưởng trái ngược ấy cứ thi nhau dằn vặt tâm hồn hai người bạn trẻ. Kẻ nọ mong người kia chóng đi cho khuất hẳn, để mình yên thân. Thế nhưng tấn kịch dù có kéo dài đến đâu cũng có lúc phải hạ màn. Hoài nhớ đến hôm tiễn Thạch đi, bàn tay bé nhỏ của nàng nắm chặt tay Thạch, nghe  nhắc lại lời hứa hẹn : “6 năm, em nhé!”ù
 
 Tàu từ từ rời bến, bao nhiêu là khăn tay vẫy, nhưng trong tất cả rộn rịp của một chuyến tàu biệt ly, Hoài chỉ nhìn thấy riêng một đôi mắt đăm đăm.
 
  Chiếc Ville d’Amienne đã mang Thạch đi Pháp. Mấy tháng sau, chiếc Trung Quốc cũng mang Hoài đi Hương cảng. Thế là kẻ  Đông  người  Tây. Cậu của Hoài   từ lâu đã chuẩn bị  cho Hoài  học trường Tàu ở Chợ  Lớn, chủ ý  gởi  sang Hongkong học  tiếp để tương lai chỉ huy tiệm nhánh của ông ở  đó. Đứa  cháu và cũng là đứa con nuôi duy nhất  mà ông tin cậy  thương yêu.
 
 Hương cảng đẹp biết bao nhiêu! Lúc hoàng hôn xuống tàu sang bến Cửu long, nhìn ngược trở lại Hương cảng, những ánh đèn trên các đỉnh núi xa trông lấp lánh rực rỡ như muôn ngàn vì sao từ trên trời rơi xuống. Nhìn thiên hạ dập dìu Hoài cảm thấy  bơ vơ một cách lạ! Chưa  đến  ngày   tựu trường  Hoài theo mấy nguời bạn vào Quảng châu chơi.  Gần một tháng trời ở Quảng châu chiều nào nàng cũng ra vườn hoa  sau nhà  đi bách bộ, hay ngồi trên tấm ghế đá  đọc sách, ngắm  cây cảnh.
 
 Cái vườn hoa nầy lúc xưa chắc hẳn  đẹp lắm. Những đình, tạ, thư viện, bể  cá đều chạm trổ công phu. Những cây đại thọ như từng  sống cả trăm năm, hồ sen  rộng lớn  chèo  được thuyền, Ngày xưa  phải là  nhà của một người  giàu  có, nhưng nay  vật đổi sao dời, tất cả các tác phẩm chạm trỗ  đều nức   rạn,   thân cây chết cứng giữa lòng đất khô nẻ.  Cả một nếp phong nhã thời xưa, bây giờ chỉ còn lại  dấu vết một ít sườn và gạch đá đổ vụn tiêu điều.
 
 Hoa nhãn rụng xuống đầy cả đầu Hoài, Minh  một em bé  Tàu độ 6, 7 tuổi chạy đến bên Hoài làm quen. Nó dạy cho Hoài “ Long nhãn” tiếng Tầu gọi là “ Lùng ngạn” Hoài xoa đầu nó bảo:
 
- Tôi không ăn được nhãn nầy đâu.
 
 Minh  nhặt những cánh hoa vương trên vai nàng ngạc nhiên hỏi:
 
- Cô không có răng sao?
 
Câu hỏi  ngây thơ làm Hoài bật cười. Nó không hiểu  ý  Hoài  nói  không ăn được vì sắp về lại Hương cảng.
 
 Hoài chợt nhớ  đến cây sầu riêng của nàng.  Không biết  có ai săn sóc không? Hay vẫn còn ở trong lon, hay đã khô, đã chết?
 
  Còn  Thạch, giờ nầy Thạch ở đâu? Thạch đang làm gì? Thạch vào trường nào?  Thạch còn nhớ đến Hoài không, hay “ đi là hết”.  Hoài không hề nhận được tin tức gì của chị  Mỹ.  Hoài chỉ biết Mỹ  ởï trong một  trường Xơ  viø từ lâu chị  đã có  ý muốn thành một nữ tu sĩ.
 
 Nhớ đến Thạch, Hoài lại thấy một cảm giác âm ấm ở ngực, nồng nồng ở cổ và cay cay ở mắt.
 
 Bé Minh  nhìn nàng ngạc nhiên:
 
- Ô kìa, cô không ăn được nhãn nên khóc đấy ư?
 
 Trải qua một thời gian tâm trí xáo trộn, Hoài như đã dịu được  những ấm ức không tên,  Hoài đã tìm thấy  được liều thuốc  an thần. Những lời hứa hẹn dù rất chân thành nhưng khi ý chuyển thành lời, lời s ẽ  hòa lẫn với không gian rồi   tan biến vào hư vô.  Vậy thì đừng dùng hứa hẹn làm vật liệu để xây tù ngục cho cuộc đời.
 Nhớ  ngày  cậu  Hoài tiễn Hoài xuống tàu căn dặn:
Hoài thương cậu thì hãy nhớ lời cậu, coi như cẩm nang để xử lý việc đời. Đó là
 
               “Đừng để cho bất cứ cái gì làm phiền mình.
                 Đừng để cho bất cứ  ai làm mình phiền.”
 
Bây giờ Hoài  coi thường nhưng một ngày nào đó con sẽ dùng nó làm cái phao …
 
Nắm được “ cái phao” Hoài   cười đùa  hồn nhiên vui vẻ như xưa.  Nhưng thực ra, mùi  “sầu riêng” của mối tình đầu như mớ bùn đã chìm xuống tận đáy. Mặt nước trong veo  có vẻ tinh sạch quá chừng. Nhưng hãy để yên,  dù có “phao”  hay không,  nếu động đến là nước lại  vẩn đục, lòng lại xao xuyến .
 
Linh Bảo - 1948
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn