Gió Bấc 2

18/07/20089:31 CH(Xem: 3101)
Gió Bấc 2

1 | 2 | 3


GIÓ BẤC
Chương 5

VIỄN DU


Trang bán tất cả nhưng gì đáng giá còn lại, sửa soạn sẵn sàng và một buổi sáng khi trời còn mờ sương và nước còn mờ khói, Trang từ giã ông Bà chủ tiệm may đã cho Trang việc làm tạm thời, anh chị và bạn bè xuống tàu đi Hương-cảng.

Nói thì nghe dễ như người Huế ăn ớt, nhưng sự thực đi được đến bước đó Trang phải chống chỏi với các áp lực từ nhiều phía, để rồi cảm thấy như con bò bị lùa vào một con đường độc đạo đưa đến lò thịt, không còn ngã nào để chạy quanh.
Đó là thời kỳ tranh tối tranh sáng, ai cũng là Chánh phủ mà ai cũng là địch. Ai cũng có quyền bắt người khác tuân lệnh. Các đảng phái thanh toán lẫn nhau, trong khi địch thực sự lại tự xưng là bạn. Thời kỳ mà ai ở lứa tuổi 18 trở lên đều phải “Xếp bút nghiên . . .” không bỏ nhà lên chiến khu thì bị đóng dấu Việt gian.

Trái lại trong con mắt quân chiếm đóng, thanh niên nam nữ không ở thành phố lo học, lại sống chui rúc ở bưng biền là quân kháng chiến, là du kích là địch.
Hai bên cứ nã súng vào nhau, bắt bớ nhau , cả bí mật lẫn công khai, nhưng trong âm thầm, những bàn tay trao đổi thuốc men,súng ống, tiền bạc cũng xảy ra thường xuyên.

Phần Trang dù có muốn lẫn vào đám đông dù có chịu làm ngu si cũng không dễ gì được sống yên mà hưởng thái bình.. Lý lịch nàng đã có trong hồ sơ của cả hai bên. Tin từ chiến khu do liên lạc viên đưa tới nói anh Quốc Vệ Quận trưởng tìm chị, nhắn phải lên khu ngay lập tức

Người ân nhân cứu mệnh báo tin ông Phó Công Sứ, một người “Pháp mới” nghĩa là không phải Pháp thời Thực dân, trẻ tuổi, đẹp trai, nhất định đòi cưới Trang chánh thức để đem về Pháp. Ông này từng đến thăm Trang với lễ phép tối đa, lúc Trang vừa được Pháp thả ra, còn tá túc ở nhà ân nhân. Ông bà Phùng rất kẹt. Một bên là xếp mới, một bên là con của Xếp cũ. Chỉ còn cách tổ chức cho Trang ra khỏi nước là rảnh nợ.

Trang bắt liên lạc được với một nhóm người Hoa hồi hương bằng tàu thủy về Hongkong. Đây là nhượng địa của người Anh xén của tỉnh Quảng Đông, nên chấp nhận người Quảng Đông có quyền đổ bộ lên địa phận quê hương của họ.
Ngoài số tiền lương dành dụm, được anh chị và bạn bè giúp thêm, đóng đủ số tiền cho người tổ chức, Trang được lãnh một cái tên Tàu ghi vào danh sách nhóm tị nạn hồi hương.
Trang cũng như cả đám người chạy loạn, không ai biết trước được đi tàu kiểu tị nạn nghĩa là không có hạng. Cần quái gì hạng! Nhất Nhì hay Ba cũng chỉ là danh xưng. Cả đám trải chiếu nằm trên boong tàu, chứ không phải trong phòng, trong hầm hay trong khoang, mà nằm ngay dưới ánh mặt trời, dưới ánh trăng sao và cả gió bão. Trang cứ ngồi run cầm cập làm mấy bà già thương hại cho mượn chiếc mền bông quấn chặt lấy người. Đến bữa mỗi người được chia một vắt cơm ăn với dưa cải mặn.
Sau mấy ngày phơi sương phơi nắng rồi cũng đến bến bờ. Cuộc đổ bộ thực gọn gàng nhanh chóng. Mọi người đi từng toán, chỉ một người của ban tổ chức trình giấy tờ xong là lên bờ.
Cái mền cứu khổ cứu nạn được trân trọng trả lại cho ngưới hảo tâm. Từ Saigon nóng nực bước lên tàu, Trang không hề biết trước để chuẩn bị cái rét như muốn cả người đông lại thành băng.

Vài trang nhật ký

Ngày . . . tháng . . . .năm . . . .

“Trời Hong Kong mùa Tết gió rét như cắt, nhất là ở những con đường ngay cạnh biển. Hai bên hiên phố, các hàng bán hoa quả và hàng Tết bày lan tràn ra đến lề đường, như giục giã người ta sắm Tết, nhắc nhở Tết đây rồi, làm tôi thấy nhớ nhà, nhớ mẹ lạ lùng.
Tôi được các bạn mới giới thiệu vào ở trọ trong một gia đình Tàu. Nhà không rộng, nên họ dọn cho tôi một cái giường vải trong một góc phòng, giăng một tấm màn ngang qua giuờng, và trong chớp mắt, góc phòng bé nhỏ biến thành cái thế giới riêng biệt của tôi.
Ở Hongkong, một tấc đất là một tấc vàng, nhà cửa hiếm quí, nên tùy hoàn cảnh, người ta có thể thuê một tòa lâu đài, một cái nhà, một căn phòng, hay chỉ một chiếc giường cũng thuận tiện, chỉ cần ngã lưng vài giờ ban đêm.
Bên kia tấm màn biên giới là giường của hai thằng bé độ sáu bảy tuổi, con nuôi của bà chủ nhà. Hai thằng bé mù thực khỏe mạnh và kháu khỉnh. Chúng nó sinh ra toàn vẹn cho đến khi quân Nhật đánh chiếm Hương Cảng. Không biết lửa đạn vung vãi thế nào mà chúng biến thành ra mồ côi và tàn tật.
Trong nhà còn đôi ba cặp nữa, mỗi đôi ở một căn phòng nhỏ, ngăn lại bằng ván ép. Biên giới là tấm ván mỏng,không cản được tiếng nói thì thào âu yếm lúc đêm khuya, cũng như lời cãi vã, dù người ta có xuống giọng thấp đến mấy đi nữa. Nhưng nhờ có cái biên giới tượng trưng nên ai cũng thấy yên tâm như được che chở, và khi bóng tối bao trùm thì bên kia biên giới là hư vô.. .
Thì ra biên giới thật co dãn. Biên giới có thể là Vạn Lý Trường Thành, là biệt thự này cách biệt thự kia hàng trăm thước, là cái hàng rào thưa, mãnh ván ép, và cũng có thể chỉ là một tấm màn mỏng manh.
Sau biên giới vải, tôi nằm im lìm vờ ngủ, lắng nghe những sống động ưu tư trong lòng, và đồng thời cũng lắng nghe cái Tết đang lan tràn.
Người ta có cả tháng để chuẩn bị, thế mà đến phút cuối cùng vẫn còn kẻ mua người bán rối rít. Ai cũng lo áo quần mới cho gia đình, quà bánh cho khách đến chúc Tết, phong bao cho trẻ con. Đồ ăn thì cố nhiên là phải đặc biệt, những món ăn riêng cho ngày Tết. Đêm đã khuya mà ngoài đường vẫn còn cả một rừng người tấp nập đi mua sắm hay đi nhìn thiên hạ mua sắm! Họ đi vào ánh đèn ngũ sắc như trăm nghìn con thiêu thân, như chính họ cũng là một loại thiêu thân.

Giờ này nơi quê hương, gia đình của tôi đang ở lao tù nào? Các bạn của tôi, chắc hẳn từng đoàn, từng nhóm, đang “ xếp bút nghiên”.., đang “ một ra đi là không trở về... . . .”

Còn tôi mơ màng nghĩ đến ngày mai vào Quảng Châu để gặp các anh em sinh viên cách mệnh đang học ở đấy. Mấy hôm trước, anh Hùng sau khi đọc bản tự thuật “ Hoa Sen trên biển” của tôi, đã bảo anh Vĩ, người liên lạc :” Anh đưa cô ấy đi Quảng Châu ngay. Càng sớm càng tốt. Đừng để mất!” Anh Vĩ tin là thế nào tôi cũng sẽ được ở lại học với các anh ấy.” (Nhật ký ngừng)

***

Tình hình sinh viên Việt Nam ở Tàu lúc bấy giờ là tự túc. Chánh Phủ Tưởng Giới Thạch có chương trình cấp Học bỗng gọi là “ Nam Dương Tưởng Học Kim” cho mỗi nước Á Châu 8 người. Sinh viên các nước khác đều được Chánh phủ của họ gửi đến. Riêng Việt Nam đang ở trong thời kỳ không ai biết ai là ai, làm gì có Chánh phủ mà gửi sinh viên du học!
Nhóm anh em này không có phương tiện để đưa người Đông du, Tây du, Bắc du gì cả, nhưng nếu ai tự thoát ra được thì họ có đường giây biết ngay, lập tức bắt liên lạc tìm cách giúp đỡ tìm trường hay tìm việc, và cố nhiên nhận xét để kéo vào nhóm.
Trang lại xếp khăn gói từ giã gia đình Tàu đã cho thuê chiếc giường vải trong những tháng ngày bơ vơ đầu tiên, Trang đi xe lửa vào Quảng Châu, gặp tất cả rồi cùng lên đường đi Nam Kinh. Anh Hùng người Anh Cả của nhóm cần phải lên Nam Kinh để liên lạc trực tiếp với Bộ giáo dục, điều đình xin đặc ân cho bọn sinh viên tạm gọi là. . . . cái gì cũng “không “ này. Cứ cho vào học, không có Chánh phủ, giấy tờ trách nhiệm anh Hùng nhân danh đảng trưởng lãnh hết.

Ai bảo” Phúc bất trùng lai”? Phúc của Trang đă trùng lai đến mấy lần. Trang đã xuất ngoại thành công. Bước đầu tiên xứ lạ còn thuê được nơi ở tạm trong một gia đình lương thiện. Trang đã được hoan nghênh vào nhóm anh em du học sinh. . . . . Mai đây Trang cũng sẽ được sống cuộc đời có thầy có bạn.. . . Trang muốn cảm ơn mẹ một lần nữa, Mẹ ở hiền nên Trang đã gặp lành hoài hoài.


Chương 6

BẮC TIẾN


Vài trang nhật ký

Ngày .. . . . tháng . . .năm . .. . .

“Căn nhà chúng tôi thuê được ở ngoại ô Nam Kinh nhỏ bằng một cái phòng. Mà thực sự nó cũng chỉ có thế. Nó vỏn vẹn là một cái phòng vuông vắn, một cửa ra vào và một cửa sổ. Nhà không có lò sưởi, đã thế, vách ván lại hở, cửa gài thô sơ, gió lọt vào lạnh thấu xương.
Bên cạnh nhà là hồ Huyền Vũ, Cái tên thực đẹp. Người Tàu có tài đặt tên đẹp cho tất cả những gì cần đến tên. Hồ này là để cho tất cả xóm giải quyết vấn đề nước non. Họ dùng nước hồ để nấu nướng, giặt quần áo, rửa rau, vo gạo, tưới mấy luống rau cải chung quanh hồ, chung quanh nhà, ban ngày cho tất cả mọi người, và thêm tắm ban đêm cho chúng tôi.
Những nhà Tàu,nếu không phải là thứ xây cất tối tân thì không bao giờ có phòng tắm. Nhưng họ có cách tắm ngay trong phòng ngủ, nếu cần. Mỗi gia đình đều có một cái thùng gỗ. Họ ngồi trong thùng, pha một chậu nước ấm để bên cạnh, rồi từ từ dội từng gáo nước lên người. Tôi học được cách tắm này trong thời kỳ ở trọ với gia đình Tàu.
Bọn chúng tôi, cũng như tất cả các anh em khác đã nhất quyết “ ra đi không vương thê nhi..” không lẽõ lại đi vương cái thùng tắm kè kè bên hông, thành ra khi muốn tắm, phải cắn răng chạy ra hồ, tắm xong, cắn răng chạy một mạch về nhà. Hàng xóm trông thấy phục lăn, cứ tưởng bọn này võ nghệ siêu quần, nội công thần sầu quỉ khốc, chả biết rét là gì.

Mỗi ngày, ăn điểm tâm xong, chúng tôi cuốc bộ ra thư viện học, Anh Hùng thì lo
chầu chực ở Bộ Giáo Dục về việc giấy tờ cho chúng tôi chính thức vào Đại Học.

Ngày còn ở nhà, tôi chỉ biết ăn mà không biết nấu, “tiểu thư” mà lại! Bây giờ là người nữ độc nhất và đầu tiên của cả bọn, nên phải học nấu cơm với các anh. Đồ ăn thì thực giản dị. Ai cũng học thuộc lòng câu “ thánh kinh :” Muốn cao lương mỹ vị thì về nhà mà ăn”, nên không ai chê tôi nấu ngon nấu dở bao giờ cả. Vì tiền Tầu thụt giá theo với tình hình quân sự, nên khi có tiền, chúng tôi phải tích trữ rau ăn. không có rau gì để dành được lâu bằng hành tây, nên trong bữa cơm bao giờ cũng có hành. Tôi cũng gắng tập đổi món: hành xào, hành luộc, hành nấu canh, nấu xúp, dưa hành..
Được phép nghỉ học một buổi, chúng tôi đi xem thiên hạ sắm sửa. Chúng tôi cũng hòa mình vào với làn sóng người đang đi mua bán như điên, để chung hưởng cái cảm giác say sưa. Xem thiên hạ tiêu tiền xong, chúng tôi về nhà ăn bữa cơm thịnh soạn có thêm một món mới: hành tây trộn dầu dấm.
Bữa cơm thịnh soạn vì lúc về đi ngang qua hồ có một con cá to thực to đang nhẩy chơi, không biết chàng cá có định vây với tiểu thư cá nào không mà hết sức tung mình thực cao thực xa. Cá ta nhẩy tuốt lên bờ. Thực suốt đời cá không bao giờ ngờ mình lại được hoan nghênh nhiệt liệt như thế.

Chiều đến, ông Lữ, một giáo sư đại học, bạn của anh Hùng và cũng là một Mạnh Thường Quân của anh em sinh viên cách mệnh đến thăm. Ôøng bà ở thực xa nhưng cũng chịu khó đi xe ba bánh đến, tặng cho chúng tôi một bao gạo và một số lương khô. Chúng tôi nhất định làm cơm thết ông bà. Các anh chịu khó tỉa rau muống ngâm nước cho nó cuốn cong, trông thực đẹp, để trộn dầu dấm làm món xà lách.
Chỉ tiếc, ông bà Lữ cũng như tất cả những người Tàu cẩn thận khác, không dám ăn rau sống. Phần nhiềù những món rau đều phải xào nấu, và phải có gừng nhiệt để hóa giải tính hàn của rau. Với người Tàu, rau quả gì cũng có một tính chất: lạnh, nóng, mát, độc, lành v.v..Rau sống thuộc hàn, lạnh, rau muống cũng thuộc hàn, đã hai lần hàn,lại ăn vào mùa đông thì eo ôi, hậu quả không biết thế nào mà lường được!

Sau này tôi mới biết là phụ nữ Tàu phần nhiều rất thạo tính chất của các món ăn hàn nhiệt, để chỉ huy sự “hàn, nhiệt” của các đấng trượng phu. Khi nào thấy các ông “ hàn” với mình quá, các bà chẳng cần phải điểm phấn tô son gì cả, chỉ cần nấu mấy món “nhiệt” là các ông thay đổi thái độ ngay. Và trái lại, nếu các ông “ nhiệt “ quá, thì trong bữa cơm lại thấy có những món canh, món hầm đặc biệt. Trên nguyên tắc thì các ông vẫn là chủ động, nhưng chính các bà mới là người chỉ huy, giật giây lúc nào thì các ông được phép “ chủ động” lúc ấy. Thực là tế nhị và hòa bình biết bao! Nếu nghiên cứu kỹ lại thì chắc Hồ Ly Tinh ngày xưa trong truyện Liêu Trai,có lẽ cũng chỉ là những cô nương biết xử dụng các món ăn hàn nhiệt.
Cơm xong, anh Thành, một sĩ quan Việt Nam trong quân đội Trung Hoa. Mang đến cho chúng tôi một gói mứt gừng, mứt sen, trà Tàu, hạt dưa. Chúng tôi vớt vát lại, mời khách tráng miệng mứt gừng, món nhiệt để cứu vãn cái hàn của bữa cơm rau quá hàn và quá đạm bạc” (Nhật ký ngưng)


Gian nhà con của bọn Trang ở ngay bên cạnh hồ Huyền Vũ. Gian nhà mặc dầu trơ vơ chỉ có một cái phòng vuông vắn, và mặc dầu không có nhà bếp, phòng tắm gì cả, nhưng bọn Trang chỉ là một đám học sinh tất cả đều “Không” đang xin học bổng và đang sống bằng sự trợ cấp của vài người muốn dìu đắt họ, tốn tiền ít chừng nào hay chừng ấy. Có được một nơi ngã lưng đã là may mắn lắm rồi.Trong hoàn cảnh đó, Trang phải dẹp cái “ tiểu thư” lại, hòa mình theo các bạn, mỗi đêm đợi đến 11 giờ, hàng xóm ngủ cả rồi mới dám xách khăn và bộ áo quần tắm đặc biệt ra hồ để tắm.
Chung quanh nhà chỉ vài chục thước, là có một hồ nước trong xanh bên bờ đầy liễu rủ. Cái hồ nước đa dụng, đa năng. Tưởng tượng nếu không có những cái hồ cứu mệnh ấy thì cả xóm nghèo này làm sao mà sống.
Lúc mới dọn đến nhà chỉ có một chiếc giường lớn cho ba người bạn trai, Trang phải nằm trên chiếc bàn học vuông vắn, dưới kê thêm hai chiếc va ly để duỗi chân. Sáng dậy, Hùng nhân danh anh Cả hỏi thăm:


-Thế nào, nàng tiên ngủ trên bàn, có nằm mơ thấy gì không?
Tiến, người nhỏ tuổi nhất đám bảo:
- Không khéo cô ấy nằm mơ thấy cái quả sơn son thếp vàng chiều hôm qua đấy.
Rồi một chuỗi pháo cười mở đầu cho một ngày nắng hè tươi đẹp,
Trang lại tự cười cái ngớ ngẩn của mình. Chiều hôm qua lúc nhìn thấy các cô gái Tầu xinh xinh trong xóm, xách những cái thùng gỗ con sơn son thếp vàng và chiếc chổi tre rửa hùng hục, đánh quèn quẹt cái thùng gỗ bên các hồ nước trong xanh, dưới rặng liễu rủ, Trang hỏi:
- Họ làm gì thế nhỉ?
- Tôi đố cô biết cái thùng kia người ta dùng để làm gì?
- Bên ta thường có những cái quả gỗ sơn son thếp vàng dùng để đựng bánh lúc đám cưới.
Lưu cười:
- Ở đây thì lại khác, đấy là những chiếc thùng vệ sinh lưu động họ để ngay trong phòng ngủ hay nhà bếp và mỗi ngày đi đổ. Ở Tàu chỉ những nhà kiến trúc theo lối mới của các nhà giàu mới có phòng vệ sinh , còn ngoài ra toàn dùng những cái “quả đựng bánh” của cô như thế cả.
- Nhưng đổ vào đâu? Eo ơi!
-Không nhìn thấy những cái hồ nhỏ như bể cạn nuôi cá kia sao? Họ đổ vào đấy, quậy thêm nước để làm phân tưới rau.
A Øra thế ! Thì ra họ đổ vào cái “phòng đọc báo” của cả xóm.

Trang và các bạn bắt đầu học chữ nho và tiếng Tàu. Riêng Trang, còn phải học thêm toán. Anh Vũ, người kỹ sư dạy kèm Trang nhiều lúc phải phát cáu lên:
- Trời, trong đời tôi đã dạy toán cho bao nhiêu học trò, nhưng mãi đến bây giờ mới gặp được người dốt nhất.
Thực thế, Trang rất ghét toán, và sẵn lòng quên ngay sau khi làm bài xong. Trang chỉ thích ra bờ hồ ngồi học với một cái cần câu dưới gốc cây liễu.

Mỗi chiều, bọn Trang đi xem những phong cảnh gần của thành Kim Lăng. Mỗi ngày Chủ nhật đi thăm một cảnh xa hơn. Nhưng tất cả dù xa hay gần cũng đều đi bộ và được gọi là “ xe nhà”. Ngôi mộ Tôn Trung Sơn và cái cảnh hùng vĩ của hòn núi Chung Sơn, Trang không thấy đủ hứng thú thưởng thức nữa, vì hai chân nàng đã mỏi rã rời. Hôm ấy gặp ngày lễ kỷ niệm nên chính phủ mở cửa đài kỹ niệm nhà đại cách mạng Trung Hoa cho dân chúng vào xem.
- Thế nào, cô có còn đủ gân để đi xem Vũ hoa đài không? Coi bộ gần xỉu!

Nếu không có một thời gian huấn luyện về môn đi bộ lúc xưa, những ngày băng rừng vượt suối, chắc Trang không thể nào theo kịp được bạn trong các cuộc đi chơi Yến Tử Cơ hay phong cảnh khác.
Trên đường những người ngồi trên xe nhà hay xe hàng đều quay lại nhìn bọn Trang và vẫy tay tỏ ý hoan nghênh hay thương hại, và bọn Trang cũng vẫy tay chào theo. Lúc đến nơi đứng trên núi cao nhìn xuống chân núi, gió thổi ráo cả những giọt mồ hôi lăn tăn trên mặt, gió thổi khô cả lưng áo ướt đẫm, Trang khoan khoái tận hưởng cái đẹp của Yến-tử-cơ. Ngoài xa những cánh buồm đen hình như cánh dơi nổi bật lên nền trời xanh nhạt của nước hòa lẫn với trời, dưới chân núi đá sóng trắng đánh vào dồn dập. Trên núi là những đường mòn uốn khúc quanh co, những công trình xây cất đình tạ, những sự xếp đặt tô điểm thêm cho cái cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Và đến lúc ngồi vào một tiệm ăn bên đường, trước bát mì khói lên nghi ngút là thứ mì kinh tế chỉ nấu với nước dùng chứ không có thịt tôm gì cả, Trang cũng thấy dễ chịu vô cùng.

*


Một buổi chiều thứ bẩy, Hùng bảo Trang:
- Chắc cô đã xem qua nhiều Đường thi chứ?
- Có xem một ít.
- Còn nhớ bài thơ tả bến Tần-hoài của Đỗ Mục không? Rồi không đợi Trang trả lời, anh ngâm:
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa.

Nếu hôm nay cô học xong sớm, chịu khó nghĩ ra được bài toán này, chúng ta sẽ đi bến Tần Hoài. . . . .tưởng tượng.
Nghĩ đến bến Tần Hoài, Trang tưởng tượng phải là một cảnh đẹp ghê gớm lắm mới có thể làm cho nhà thơ sáng tác ra những vần như thế kia, Trang học rất chăm chỉ. Lúc sắp ra đi, Trang hỏi Vũ:
- Túi của anh hôm nay có nặng không? Bến Tần Hoài bên cạnh có tửu gia đấy nhé.
Bọn Trang ra đi từ lúc đôi giày da Trang đã cố công đánh rất bóng đã thành ra một đôi giày bụi, và hai ống chân Trang mặc váy đen ngắn theo kiểu học sinh, cũng phủ đầy bụi mờ, Vũ nhìn Trang thách thức:
- Cô Trang, cô thử tả cái cảnh giòng sông con kia đi. Dám không?
Trang nhìn theo tay Vũ, thấy hiện ra trước mặt một cảnh tượng rất nhộn nhịp, trả lời:
- Các anh lắng tai nghe nhé: Một giòng nước cạn, đậu đầy những ghe thuyền, mặt nước đục ngầu trên nổi lềnh bềnh các thứ rác phân bẩn thỉu, hai bên bờ ngồi đầy những đàn bà con gái, người nào cũng xắn cao quần áo, tay cầm một cái dùi như cái dùi cui của các bác cảnh sát ở Hà Nội, vỗ bồm bộp vào áo quần đang giặt, còn áo quần thì chỉ có một mầu không tên. Họ nói chuyện với nhau ầm ỹ, và bên trên một chiếc cầu bắc ngang qua giòng nước “ sông” ấy. Chiếc cầu nhỏ hẹp đầy người qua lại, họ tranh nhau, đẩy nhau và la hét không ngừng. Nhưng bến Tần Hoài bao giờ mới đến?

- Thì cô vừa tả đó, chả phải bến Tần Hoài là gì !

- Nói đùa chứ Tân Hoài hay Tần Hoài cũng chẳng khác gì mấy. Cứ đặt một cái tên đẹp, làm vài bài thơ ca tụng là sẽ nổi tiếng ngay.
- Trang còn ấm ức:
- Nhưng anh hứa bến Tần Hoài cơ mà!
- Cả bọn lại cười chế nhạo :
- Cho Trang một bài học cho hết ngây thơ đi. Dễ gì mà lết được đến Bến Tần Hoài. Phải tập thưởng thức cái hư hư thực thực mới sống lâu được.
Trang còn đang ngẩn ngơ “ thưởng thức” thì bị một đám người sau lưng xô đẩy qua cầu. Bên kia sông là một xóm nhỏ làm ăn có vẻ phồn thịnh, các cửa tiệm bán toàn hàng thổ sản, và các thứ hàng tạp hóa. Lúc đi qua hàng gạo nếp, Tiến bảo:
- Dù sao chúng ta thế là cũng đã thưởng thức được cái đẹp của bến “Tìm Hoài không thấy” bằng mắt rồi. Bến Tìm Hoài đã không có tửu gia thì thôi, chúng ta cũng nên có gì an ủi cái dạ dày cho nó thực tế một chút.
Vũ vào tiệm mua một cân nếp, Trang dặn:
- Anh nào cầm phải cẩn thận đấy nhé. Cái gói này còn quý hơn cả bến Tần Hoài kia đấy. Thực là vừa ít tiền, vừa ngon, vừa nhiều lại vừa chắc bụng.

Những ngày êm đềm qua đi, tiếp đến là những ngày sóng gió vì nguồn kinh tế bấp bênh của nước Tàu, Trong tay nắm một mớ giấy bạc, hôm nay còn đáng giá một tạ gạo, sáng mai có khi chỉ còn là một đấu bắp ngô. Giá thực phẩm và giá trị của đồng bạc cứ theo với các trận đánh nhau thắng hay bại mà lên xuống. Có tin đồn Bắc kinh sắp mất. Cộng quân đang sắp sửa vây Nam-kinh đến nơi. Giá gạo tăng lên vùn vụt. Bạc giấy chỉ giá trị như một mảnh giấy thường nhỏ bằng hình dáng của nó.
Bọn Trang chỉ còn cách là khi có một số tiền đến tay là mua ngay gạo và thức ăn, những thứ rẻ tiền nhất và có thể để được lâu. Vì thế dưới gầm giường vải của Trang đổ đầy hành tây và củ cải.
Bữa cơm nào cũng hành tây, canh hành tây, xào hành tây, hành tây trộn dấm. Còn củ cải Trang cắt từng miếng nhỏ phơi khô và ngâm vào xì dầu, ớt thành một món mặn ăn với cháo cũng nuốt trôi dễ dàng.
Mỗi buổi sáng, Trang nấu một nồi bắp ngô và một nồi cháo. Cả bọn ăn bắp ngô cho chắc bụng, kéo bộ đến thư viện ngồi học. Chiều về nồi cháo đã đặc lại thành cơm nhão chỉ việc hâm nóng lên ăn với củ cải mặn là xong bữa.
Mớ bắp ngô, Trang đã ngâm trước từ đêm, sáng lại nấu rất lâu, nhưng hạt bắp vẫn cứng không nở mấy, và không có mùi vị gì, Trang bảo Lưu:
- Tôi tiếc nếu ngày xưa học làm món ngô bung Việt Nam , thì bây giờ đâu đến nỗi phải ăn món ngô luộc nhạt nhẽo, vô vị như thế này.
Tiến cũng bảo:
- Tôi cũng tiếc không học làm mắm tép với me tôi, nếu không thì vò mắm tép của chúng ta có lẽ cũng bớt đau khổ.
Lưu nhăn mặt:
- May mà tôi không biểu diễn món gì ra, nếu không chắc chúng mình không còn đủ can đảm để ăn cơm nhà nữa. Ăn mắm tép của anh Tiến tôi cứ tưởng như là rơm khô trộn với muối ấy. Mà có lẽ là rơm khô thực đấy. Để chốc nữa tôi phải xem lại cái nệm rơm của anh Tiến có bị mất miếng nào không.


Ánh dương nhạt dần sức nóng cho đến lúc ngọn gió cuối thu đã quét sạch tất cả các lá cây, lúc ngọn gió bấc đầu tiên thổi qua, người Trang mỏi rã rời và kéo lại điệu đàn réo rắt đau khổ hơn xưa.
Mỗi buổi sáng sương xuống dầy đặc, đóng lại trắng xóa trên những vườn cải cuối cùng của mùa, khi những vũng nước đã đông lại thành băng, bị chân người dẫm lên trông như những tấm kính vỡ rải rác đầy cả trên đường thì Trang thấy tấm chăn bông 6 cân đè lên ngực vẫn còn nhẹ quá, và tấm nệm rơm một tấc dứơí lưng vẫn còn mỏng quá.
Lưu thấy Trang đêm đêm mặc hết tất cả quần áo dầy vào rồi mới buộc thắt chặt cổ chân lại thực cẩn thận, nói :
- Rét rồi đấy, cô Trang. Tấm chăn của cô có đủ ấm, đủ nặng không, ngoài sân có một đống gạch đấy, nếu cô cần thì xếp nốt lên người cho đủ ấm nhé.

Trang không trả lời, cũng không cười được vì đã bắt đầu thấy ngạt thở, thấy bứt rứt khó chịu. Trang tung chăn ngồi dậy, lại dựa lưng vào tường. . . Trang ngồi lắng nghe tiếng rên rỉ phát ra từ trong phổi, lẫn với tiếng gió rít trong đêm, tiếng cốc chai rạn vỡ vì khí lạnh xuống dưới không độ, và lắng nghe tiếng máy thu thanh ở nhà láng giềng đưa sang một điệu hát buồn man mác. “ Em quyết chờ anh lại về”. Cố nhiên bằng tiếng Tàu. Động đến tình cảm thì hình như nước nào cũng có những bài tình ca du dương.
Trang lại nhớ đến những đêm đông ở quê nhà, bây giờ đã xa cách đến bao nhiêu nghìn cây số núi sông, không biết những người thân sơ, quen biết có đủ ngu si để hưởng thái bình không, Thánh hiền xưa đã dạy thế mà.Ngu si hưởng thái bình. Thời buổi loạn ly, chí lý vậy thay.

Tình hình Nam-kinh ngày càng nguy cấp, bọn Trang đành phải sửa soạn về hậu phương. Mỗi ngày Tiến lại xách một ít đồ đạc đi gửi cho nhà hàng đồ cũ, tất cả những cái gì nặng, ít dùng hay có hai cái, đều bị loại cả. Sự bán đồ về Nam của bọn Trang láng giềng không ai biết, họ chỉ biết bọn Trang bán đồ, thành ra có một sự hiểu lầm đầy tình người. Một hôm cả xóm bỗng nhiên lần lượt đến thăm Trang, người nào trong tay cũng có một gói quà, kẻ mớ rau, người chai dầu ăn hay chén muối, làm Trang phát thẹn và cũng rất cảm động.
Tối hôm ấy Hùng mãi đến khuya mới về, anh bước vào phòng mặt tái xanh, ngồi thừ ở bàn một lúc bảo:
- Đời tôi lần này là lần đầu tiên đi xe quịt.
- ?
- Xe về đến đầu đường, tôi móc túi, 4 túi áo tơi, 4 túi quần, 4 túi áo tây, 3 túi áo cánh. Móc đến cái túi thứ 15 mới biết là nắm bạc đã bị tay anh chị nào lúc chen lên xe “ chiếu cố” mất rồi. Và người đánh xe ngựa thấy tôi móc lắm túi thế cũng quá hiểu lý do không chờ được nên đi luôn.



Chương 7

NAM . .. . . LÙI


Vài trang nhật ký

Ngày . . . . .tháng . . . . .năm . . . .

“Trong một ngày rét mướt nhất của mùa Đông ở Nam Kinh. Các anh em Việt Nam trong Quân Đội đến báo động, bảo chúng tôi liệu cuốn gói ngay đi. Chánh phủ cụ Tưởng sắp rời Nam Kinh đến nơi. Anh được lệnh đem một đoàn xe về Nam, sáng mai sẽ lên đường. Anh cho chúng tôi tháp tùng miễn phí.
Khỏi cần bàn cãi gì cả, chúng tôi sửa soạn xếp hành lý ngay. Cả bọn đã chuẩn bị bán đồ đạc từ lâu, nên khi quyết định đi là có thể đi liền. Tiền bán bớt hành lý đủ cho các anh, người thì đi xe lửa suốt, trực tiếp về Quảng Châu, người có gia đình trợ cấp thì nghĩ xa xôi hơn, bay thẳng qua Đài Loan trước khi chính phủ chạy, như thế, chạy một mạch, đỡ vất vả tốn kém đến hai lần. Đấy là anh Toàn, người giầu nhất, có bà con tiếp tế từ Pháp sang đều đều.
Tôi và anh Hùng, Vũ nhẹ túi nhất, nên theo anh Thành leo lên chiếc xe nhà binh. Ngoài tài xế, chỉ vợ con họ là được ngồi trong xe, còn tất cả những kẻ tháp tùng đều phải ngồi trên đống thùng xăng, phụ tùng để sau xe không mui, tha hồ mà làm quen với nắng mưa sương tuyết trên con đường Nam tiến, ờ nói cho đúng hơn, là Nam lùi.

Đoàn xe lên đường lúc còn sớm tinh mơ. Đã là nhà binh, lại chạy loạn, nên gia đình quân nhân, hình như ai cũng vui lòng tập họp đúng giờ, không hề nghe một lời phàn nàn, thở than. Trong không khí hốt hoảng vội vàng, các bà vợ tháp tùng theo xe chồng vẫn ăn diện như Tết. Điểm đặc biệt, là tay bà nào cũng ôm kè kè một cái bọc ma họ gọi là “ xám pao” (bọc quần áo). Cái bọc của quí này, tôi chắc là dù có chết đến nơi họ cũng không thả ra

Có tin Cộng-quân đã lẫn quất đâu đây, nên dân chúng mạnh ai nấy chạy. Họ ôm quần áo, heo gà, gồng gánh con cái, chạy ngược chạy xuôi. Họ nội chạy sang họ ngoại, họ nhà trai chạy sang họ nhà gái, nhưng chạy đi đâu cũng thấy có người chạy ngược lại về phía mình vừa mới bỏ đi, gây thành cái cảnh kiến trong miệng chén, và cái chén đang ở trên một lò lửa đỏ hồng.
Đoàn xe vượt quaTô Châu nhanh như chớp. Không ai nghĩ đến hoài tiếc, không thể đi chậm lại để thưởng thức một danh thắng, mà chỉ nghĩ đến vùng an toàn trước mặt.
Chúng tôi ngồi trên đống thùng xăng cao ngất ngưởng lộ thiên, nên phải lấychăn khoác thêm lên người để chống lại khí lạnh của sương mù. Nếu là thời bình, có thì giờ đi ngao du sơn thủy, thì thú vị biết bao.

Nhiều tuần lễ trước khi anh Thành đến “ bốc” chúng tôi đi, cả bọn đã biết là sẽ phải về Nam, anh Hùng đã phác họa chương trình đi bộ theo dân ti nạn. Chúng tôi đã sửa soạn hành lý chỉ vừa đủ trong ba lô, các vật dụng khác, chỉ giữ lại cái gì sức mình có thể mang nổi trên lưng. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho tôi khá đầy đủ về cái chương trình “ Nam lùi” bằng chân, nếu cần, để tôi đỡ kinh sợ và chán ngán.
Anh tưởng tượng ra nhiều cảnh thú vị mà chúng tôi sẽ gặp. Ví dụ như một cái quán trọ bên đường trong lúc chúng tôi đã gần kiệt sức ... những cây cam , quít, mơ dại trong rừng..khi chúng tôi bị lac, vừa đói vừa khát. Thật là một bọn điếc không sợ súng.

Tuy không được ngồi trong xe có nệm êm, có cửa kính đóng lại ấm áp, mà phải ngồi trên mui xe phơi nắng gió, nhưng khỏi mang xách, khỏi phải lết chân lên đèo, lê ba lô xuống đèo, tôi vẫn cho là một sự may mắn tuyệt diệu.

Suốt quãng đường dài, tôi tưởng như mình đang đi vào một bức tranh vẽ. Những bức tranh thủy mạc thần kỳ với những núi non trùng trùng điệp điệp. Mây trắng như tơ bao quanh chân núi, hoa vàng nở đầy trong rừng... Tôi nghĩ đến những truyện kiếm hiệp, tả cảnh “ tầm sư học đạo”. Nếu người đồ đệ chí thành phải leo lên những ngọn núi ấy để tầm sư, thì ... eo ơi! Sư có tầm tôi thì tầm, chứ bố bảo tôi cũng không có sức mà tầm sư.

Cảnh thực đẹp, mà tôi không có lòng nào để thưởng thức khi thấy đám quân nhân xô gạt những bàn tay gầy guộc của dân chúng chạy theo hai bên bờ xe, kêu khóc, năn nỉ, níu kéo, xin lên xe quá giang một đoạn đường.
Đến Thượng Hải, anh Thành được lệnh đóng trong một tòa nhà lầu vĩ đại đang xây cất dở dang. Chủ nhà chắc biết thân biết phận nên đã bỏ chạy, lánh nạn đi đâu không biết. Mỗi đám vài ba người, chiếm một căn phòng còn vôi gạch ngỗn ngang ở tạm. Đoàn xe tất cả 90 chiếc, phải sửa chữa, lĩnh đồ phụ tùng, xăng nhớt, nhận huấn lệnh v.v.. nên chắc còn phải chờ nhiều ngày mói xong, chúng tôi bắt đầu học vài câu tiếng Thượng Hải thông dụng để mua bán, hỏi đưỡng khi bị lạc.

Không khí ở Thượng Hải như có chất điên. Mọi người cuồng say vì Tết lẫn với loạn. Cái không khí loạn cũng như cái Tết bao trùm khắp nơi, không phải chỉ trước mặt hay sau lưng, không còn biết chạy đi đâu để mà tránh nó. Tết qua rồi, mà ai cũng còn hăng say ăn Tết, vì họ ăn Tết với cái ý niệm có thể là ngày mai ăn Tết với ông bà Tổ Tiên

Chúng tôi góp tiền ăn với quân đội, nên đến bữa chỉ đi lĩnh, một tô cơm, một chén rau xào dầu, một phần cơm chúng tôi chia nhau hai người ăn. Đói no thiếu đủ không thành vấn đề, khỏi phải tự nấu có ăn là may lắm rồi. Cơm Tết có thêm một miếng thịt mỡ, ngoài món rau xào cố hữu. Tôi nhường vì tôi không thích ăn thịt mỡ.
Từ lúc bắt đầu cuộc “ Nam lùi”, tôi ngạc nhiên thấy Hùng không buồn rầu thất vọng, trái lại, hình như anh vui vẻ khác thường, săn sóc tôi một cách rất chu đáo. Vũ cũng tránh những câu nói có thể làm mất tinh thần.

Suốt một năm trời nhìn Hùng đóng vai thầy, vai anh, vai cha, giờ đây anh mới để lộ con người tình cảm. Cái tình cảm anh cố vùng vẫy chống cự, che giấu. Lúc nào cũng làm cái mặt ta đây đảng trưởng nghiêm nghị, cứng rắn, không bỏ qua một cơ hội nào là không huấn luyện đàn em, nhất là tôi, anh còn bắt khoan bắt nhặt, thử thách nhiều hơn tất cả các anh em khác.
Tối đến, anh trèo lên nóc nhà, lấy giây câu điện ở cột đèn ngoài đường vào phòng. Thế là trong khi cả tòa nhà thắp đèn dầu leo lét, chúng tôi có đèn điện, lại có cả cái lò điện nhỏ dùng để sưởi và nấu nước trà nóng, còn phong lưu hơn tất cả các bạn đồng hành.
Trong ánh sáng, lò sưởi ấm, cạnh chén trà nóng, anh tạm gác bỏ vai trò đảng trưởng, hiền hòa ngồi chép cho tôi bài thơ Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị:

Hán Hoàng trọng sắc tư khuynh quốc
Ngự vũ đa niên cầu bất đắc ...

Trong khi chờ đợi đoàn xe tiếp tục lên đường, chúng tôi ngày ngày đi xem phố và các Tô giới. Người trong thành phố đông như kiến, thực đúng như kiến, không ngoa chút nào. Tôi có cảm tưởng nếu có ai ngã xuống đất, thì chỉ trong chớp mắt sẽ bị dẫm nát ngay, mà không ai biết là mình đã dẫm lên cái gì. Họ đi ngược đi xuôi, mua đồ, ngắm phố, ăn cắp vặt, móc túi, giật ví ... đủ các mục đích.
Chỉ lơ đãng một giây phút là có thể bị cái làn sóng người ấy đánh giạt đi mất tăm mất tích trong chớp mắt. Hùng sợ tôi bị lạc, nắm chặt tay tôi để kéo đi cùng một hướng.
Và bắt đầu từ đấy cho đến khi về đến nhà, suốt cuộc nhàn du, đi bộ cả một ngày trời, anh không hề thả tay tôi ra nữa”.(Nhật ký ngừng)


Ngày ngày ngồi trong phòng nhìn qua cửa sổ, trông theo dáng các cô gái Thượng Hải, đi giầy bông, che ô có vẽ những hoa lá mầu dịu dịu đi dưới đám mưa bông tuyết phơi phới, Trang lại nhớ đến những ngày nắng ráo, những buổi đi chơi Mạc Sầu Hồ, Huyền Vũ Hồ, Yến Tử Cơ, Vũ Hoa Đài ở Nam Kinh. Nhưng sự thực của hiện tại chỉ là những cơn ho xé phổi, suốt đêm không thể nằm được vì ngạt thở, người Trang cứ lịm dần đi. Trang lại ngồi dựa lưng vào tường. . .
Một hôm Trang gần chết ngất vì ngạt, Vũ phải cuốn tất cả chăn đệm của mình cho Trang ngồi dựa lưng để cố giữ lấy hơi thở. Rét đến thau nước trong phòng cũng đóng lại thành băng. Hùng ngồi ngủ gật bên cạnh lò điện để sưởi. Và lúc giật mình tỉnh dậy không hề dám than tiếc bộ quần áo rét độc nhất đã bị cháy xém mất một bên ống. . .
Lắm hôm tuy thực mệt nhọc cũng không thể nín cười được với những lời khôi hài của Nguyễn, anh ở phòng trên và rất thích trốn vợ đến chơi với bọn Trang, và lúc đến không bao giờ quên mang theo trà và kẹo đậu phụng. Anh thường bảo Trang:
- Cô chóng khỏi đi rồi tôi kể lịch sử đời tôi cho cô nghe, thực là một thiên tiểu thuyết, phiêu lưu mạo hiểm và cả du ký nữa. Này nhé, sang Tầu, bắn chết một người, nên bị tù 8 năm ở Quảng Châu, ra tù đi lính mướn và làm qua bao nhiêu nghề mạo hiểm khác nữa, vào đội lính xe tăng được quân đội Mỹ đưa sang huấn luyện ở Diến Điện. Có vợ khắp các xứ, đi khắp nước Tàu. Về Việt Nam tước khí giới quân Nhật xong lại sang Tàu. Chỉ huy một Lữ đoàn . Bây giờ bị cái cô vợ trẻ này nũng nịu quá thành ra nhụt cả chí khí anh hùng.
- Thế năm nay anh bao nhiêu tuổi?
- Vợ tôi vẫn tưởng tôi mới 30, nhưng sự thực thì. .. . . . xin cô cũng làm ơn tưởng như thế cho.
Thấy cuốn truyện Kiều để trên bàn, anh vớ lấy đọc và bảo:
- Tôi đố ai biết cô Kiều hơn cô Vân bao nhiêu tuổi?
Không ai trả lời anh tiếp:
- Bao nhiêu tên đất trong này tôi đều đi qua cả. Cô Kiều mới lưu lạc có 15 năm mà đã than rằng hết xuân, vậy như tôi đây lưu lạc những hơn 25 năm thì còn gì là xuân nữa hở trời.
Nhưng anh bỗng nín bặt trong khi mọi người cười, vì nghe tiếng bà vợ trẻ đang nheo nhéo gọi ở cầu thang:
- Yuan a, Yuan a!
Anh vừa chạy vưà nói:
- Nếu tôi là Từ Hải chắc cũng không thể nào làm khác được!

Bọn Trang dự định về Quảng Châu thành ra ai cũng cố làm cho số hành lý càng ngày càng nhẹ. Một hôm Vũ đi phố về hớn hở bảo Trang và Lưu:
- Hôm nay ngoài cơm nhà binh ra, chúng ta có một bữa tiệc thịnh soạn đây!
Trang nhìn tay Vũ thấy một gói mì và rau cải:
- Giầu thế cơ à! Có mấy cuốn sách nát mà đổi được lắm thế này?
Vũ rút trong túi ra một nắm giấy bạc, ném lên bàn:
- Đã hết đâu, còn đây nữa! Thực là bất ngờ, lúc tôi đang cầm mấy cuốn sách nhìn vào các hàng sách cũ không biết nên vào hàng nào thì bỗng nhiên có người vỗ vai hỏi:
- Mấy cuốn sách ông có bán không, bán bao nhiêu?
- “ Bao nhiêu cũng được!”
- “ Bao nhiêu thì cứ nói đi mà.”
- “Cần quái gì, bao nhiêu cũng được”
Hai người cứ dùng dằng mãi cho đến khi đi hết quãng đường ấy, người kia bèn rút ra một nắm giấy bạc nhét vào túi tôi, tôi không xem bao nhiêu tiền và người kia cầm lấy mấy cuốn sách ấy cũng không xem là sách gì nữa, ai đi đường nấy!
- Dễ chịu quá nhỉ!
- Có lẽ họ tưởng mình là một thư sinh nghèo túng đi bán sách, và họ cũng đã từng có cái kinh nghiệm dìm giá của các hàng sách nên có ý mua giúp, và có lẽ họ mua mà cũng không dùng đến.

Có nhiều hôm đi chơi phố, bỗng nhiên thấy một người ăn mặc rất lành lẽ, áo quần giầy mũ đều bằng bông rất đủ ấm, tay nắm một mớ giấy bạc chìa ra trước mặt Trang, miệng cuời cười lẩm bẩm nói gì không rõ. Anh Nguyên bảo:
- Ăn mày đấy! Họ cầm một nắm giấy bạc để tỏ ra rằng đã nhiều nguời cho họ rồi, vậy mình cũng phải cho thêm vào đi! Trang bảo:
- Nhưng sự thực thì lão ấy còn giàu hơn chúng mình cơ mà!
Lại còn khắp các ngả đường chỗ nào cũng có ăn mày ngồi, có người đắp chăn nằm ngáy khò khò, bên cạnh một tấm giấy viết rõ tình cảnh khổ sở và một cái thau đựng đầy bạc. Ai đi ngang cứ việc ném tiền vào đấy, và người xin tiền ngủ đẫy giấc, thức dậy thấy sẵn tiền chỉ việc bỏ vào túi là xong.
Trang cũng có dịp đi chơi các công viên, phần nhiều đều phải mua vé vào cửa, và bên trong nếu có vườn động vật hay thực vật thì phải mua thêm vé nữa mới được vào xem. Trong vườn động vật chỉ có một ít ngỗng vịt, nai, các thứ chim thường thấy và khỉ mà thôi. Ra về Trang có cái cảm giác như mình bị lừa vậy, nhưng những người xem khác thì có vẻ thỏa mãn lắm. Có lẽ tại họ quen sống trong thành phố cửa nhà san sát, ngoài đường thì người đi lại như ngày hội.
Được xem một cảnh có cây có trời, thở một chút không khí trong sạch, hay bước một bước mà chân không phải vướng người trước và người sau. Được như thế họ đãø mãn nguyện lắm rồi.

Một buổi sáng mùa Xuân trời còn rét, đoàn Quân Xa rời Thượng Hải tiếp tục cuộc hành trình trở về phương Nam, vào ngày kỷ niệm 72 liệt siõ Hoàng Hoa Cương. Cờ thanh thiên bạch nhật treo đầy các cửa nhà, đường phố, người đi lại đông nghẹt. Đoàn xe chầm chậm len vào giữa đám người và cờ. Bọn Trang đưa khăn tay ra vẫy, một vài người vẫy lại, có lẽ họ muốn an ủi những kẻ ngồi trên quân xa là kẻ ra đi không hẹn ngày về.
Ra khỏi tỉnh Giang Tô đến Triết Giang với những cánh đồng cải hoa vàng bát ngát, doàn xe ngừng lại ở Hàng Châu.
Bọn người phiêu lưu này đã đi từ Thanh Đảo về, nên dầu mệt mỏi, họ tìm cắm trại trong khu vườn rộng bên cạnh hồ. Gió Tây hồ hiu hắt thổi uốn cong những cành liễu tha thướt rủ. Gió làm lộng cánh màn trắng nuốt của những chiếc du thuyền.
Người đẹp Hàng Châu đi dạo dưới rặng liễu rủ bên hồ, những người đang bơi thuyền trên hồ, và từng đoàn đàn bà già trẻ đeo bọc hương, chống gậy leo núi đi lễ chùa, vẽ một bức tranh đặc sắc của Trung Quốc.
Đêm thứ nhứt sau khi bơi thuyền đã mệt rồi, Trang đang nằm mơ màng trong chăn, bỗng nghe có tiến ồn ào ở chiếc xe bên cạnh của người Liên trưởng.
- Sao lại làm thế, thả nó ra!
Tiếng người Ban trưởng.
- Chúng tôi trót giết mất rồi!
Ôïng Liên trưởng phàn nàn:
- Phiền nhỉ, thôi thế thì các người chia nhau vậy!
- Ông cũng uống với chúng tôi một cốc rượu nhé?
Ôïng Liên trưởng dẫy nẩy lên:
- Không, không, đời tôi chưa từng bao giờ!
- Ồ, việc quái gì, chưa từng thì bây giờ hãy thử xem sao.
Mấy phút sau nghe tiếng chó kêu ăng ẳng rất thảm thiết. Không
ngủ được, Trang trở dậy đi vòng ra vườn sau “ điều tra”. Thì ra lúc chiều cửa vườn mở có một con chó béo tốt ở đâu chạy vào, bọn lính đóng cửa vườn lại để nhốt chó và trình với ông Liên trưởng. Khi thấy ông ta bảo thả ra, họ bèn nói dối là đã giết rồi để không thể nào làm khác được.
Không muốn bỏ phí một cái cơ hội du lịch Hàng Châu danh thắng, mỗi ngày bọn Trang đi xem cảnh đẹp, hay đi viếng các đền chùa cổ tích nổi tiếng. Một hôm đi xem miễu mộ cha con Nhạc phi, một công thần nhà Tống. Bỗng nhiên trời đổ mưa, bọn Trang bèn đi mãi về phía sau đền, nơi thờ mẹ Nhạc phi, trông thấy rất nhiều người cầu xăm, anh Hùng cũng rút một thẻ và tìm ra được bốn câu thơ có ý nghĩa rằng nên an cư lạc nghiệp và phải biết “ tri túc” anh xem xong gật gù cười bảo:
- Chà, Thánh Mẩu linh thật, ngót một năm nay mình chuyên làm nghề thất nghiệp, lười đã quen thân, bây giờ Thánh Mẫu lại khuyên rằng nên an cư giữ cái nghề “ thất nghiệp” chứ đừng nên tìm việc gì, thực là dễ chịu quá!
Và lúc trở về nơi cắm trại trần xe bằng vải có một lỗ thủng. Trận mưa tai hại vừa qua, như một vòi nước máy, tưới vào cái xách đựng luơng thực. Anh nhặt những hộp bánh ướt, nhão như bùn vứt qua cửa xe gật gù:
- Thánh Mẫu mới thiêng làm sao! Bà ta bảo mình nên tri túc, nghĩa là ngày hai bữa cơm lính đủ rồi, còn mua những cái quái này làm gì!
Không những cảnh đẹp Hàng Châu được bọn Trang thưởng thức, cả những món ăn danh tiếng của Hàng Châu như món măng nổi tiếng, cũng được học hỏi, lấy cớ rằng phải biết để cho rộng kiến văn.
Sau khi được tin những quãng đường bị Cộng quân cắt đứt đã lấy lại được, đoàn xe lại lên đường, từ giã Hàng Châu với đầy luyến tiếc. Lúc đoàn xe chầm chậm vượt qua sông Tiền Đường, Vũ anh bạn rất nghệ sĩ lại bảo:
-Kìa đúng chỗ kia là nơi cô Kiều nhẩy xuống tự tử đấy!
Anh nói bằng giọng chắc chắn và không cười, như chính mình đã được trông thấy cô Kiều nhẩy xuống sông vậy. Qua khỏi cầu từ lâu mà anh vẫn còn lim dim đôi mắt, mơ màng tưởng chừng như chính mình là Kim Trọng lúc đứng bên bờ sông mơ bóng giáng nàng Kiều.
Đoàn xe lại bắt đầu len vào những trái núi hiểm trở trong đám sương mù buổi sáng dầy đặc. Hai bên đường hoa đào nở đỏ rực rỡ, rơi đầy xuống những giòng suối giòng sông, hoa mơ trắng xóa nở đầy trên sườn núi. Nhìn giòng nước chảy cuộn hoa trôi theo, Trang lại nhớ đến truyện cổ tích” Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai”. Năm xưa, từ một thuở rất xa xưa, có hai người họ Lưu và họ Nguyễn rủ nhau vào núi hái thuốc. Họ men theo giòng sông có những cánh đào trôi, họ bơi thuyền ngược giòng nước tìm đến nguồn đào và gặp người Tiên ở động Thiên Thai. . .
Hôm nay bọn người phiêu lưu cũng đi theo dấu hoa đào. Nhưng không phải tìm đến Đào nguyên. Họ chạy như chớp về phương Nam nơi chưa có đạn lửa.
Những đêm lên đèo trời mưa tầm tả, trên con đường nguy hiểm, đèn xe yếu, cầu lại gẫy hay bị phá, nên thường họ phải dừng lại chớ không dám đi liều. Trên con đường độc đạo, hai bên là sườn núi, đoàn xe đậu liền nhau im lìm. Trang vẫn ốm nằm trong xe, vừa đói vừa rét, đợi nghe những tiếng súng đánh nhau và sẵn sàng để bị bắt như mọi người nếu đoàn xe bị bao vây. Nhưng Trang được may mắn không nhìn thấy những mũi súng chĩa ngay vào chiếc xe mình.
Đoàn xe đi hết Triết Giang và vào địa phận Phúc kiến. Nơiø hàng chục rặng núi liên tiếp nhau, đường không lúc nào bằng phẳng, hết lên đèo lại xuống đèo, xuống rồi lại lên. Những chiếc cầu mục nát vắt vẻo trên sườn núi rung lên kêu răng rắc dưới sức nặng của chiếc xe nhà binh như muốn đổ. Những lúc đó trong mắt Trang những chiếc cầu cũ nát xấu xí ấy mới thực là quí giá đẹp đẽ đáng yêu nhất trên đời! Vì mỗi khi gặp góc cầu nào bị phá, một nửa ngày giờ của mọi người đều tiêu phí cả vào công việc sửa chữa. Cứ mỗi khi qua khỏi một chiếc cầu, họ lại thở dài khoan khoái và sung sướng như vừa thoát khỏi một tai nạn. . .
Trên con đường thiên lý dài dằng dặc, đoàn xe vẫn ngày đi đêm nghỉ không ngừng. Cuộc sống chung đụng với đám quân và dân Tàu làm cho tầm mắt Trang mở rộng ra một chút. Mỗi chiều đoàn xe dừng lại ở một thôn trang vắng vẻ, bọn lính và sĩ quan lại chia nhau đi lùng khắp xóm làng để tìm chỗ tắm rửa, ngủ nhờ, nấu cơm và mua gà vịt, trứng v. v. .
Trang còn nhớ đêm hôm ấy cả bọn đều ngủ ngồi trên xe trong một khu rừng vì chiếc cầu ở đàng trước đã bị phá. Đoàn xe hơn 90 chiếc phải từ từ lội sông. Tính ra ngày mai mới đến lượt xe Trang vì mỗi chiếc qua sông mất đúng 15 phút. Mọi người đang mơ mơ nửa thức nửa ngủ, bỗng nghe soạt một tiếng ở trong bụi cây bên đường. Người ban trưởng giật nẩy người lên hốt hoảng gọi vợ:
- A Hoà, xám pao! (bọc áo)
Và hai vợ chồng nhanh như chớp, vồ lấy cái bọc con lúc nào kè kè cắp
theo bên mình, nhảy choàng xuống đất và chui vào gầm xe. Khi biết rằng đấy chỉ là mấy con vật trong rừng, vì đoàn xe đến gần không ngủ được, nên kéo nhau đi nơi khác, ông ta bảo Trang:
- Cô đừng tưởng! hừ, hừ bọn thổ phỉ ghê gớm lắm! Cô nên học cách chúng tôi, chọn lấy mấy bộ quần áo cần nhất đeo sẵn trong mình, nếu nhỡ bị chúng bắt thì có cái để thay.
Trang rất buồn ngủ. Tuy lần này muốn lơ mơ lại một chút thôi cũng không được, vì trên chiếc xe đậu trước Trang bọn chó con và gà con bị nhốt lại kêu ầm ỹ.
Trang nhận thấy khi đến một địa phận nào, Đoàn quân cũng lãnh được phần lương thực nhiều hơn số người. Trang không hề thấy có sự điều tra hay khám xét nào nên nàng đoán rằng cái gì cũng phải có lý do. Số xe độ 90 chiếc thì họ lãnh đủ dầu xăng, lốp xe và các phụ tùng khác cho hơn 100 chiếc. Đến một thành phố nào, mấy đêm đầu Trang cũng không ngủ được vì về đêm các quan mới cho lính lăn các thùng dầu xăng ầm ỹ cả lên. Thì ra họ gửi bớt đi, đổi lấy vàng để mang theo cho nhẹ! Không những “ gửi” số dầu thừa, họ còn gửi cả một nửa số cần dùng, khi xe hết xăng nằm lỳ ở bên đường trong một khu rừng hay ngọn đèo nào đấy, họ phái một chiếc xe con đi báo tin cho địa phương gần nhất đến cứu.
Còn một cách làm tiền nữa là nhặt nhạnh những hành khách chạy loạn trên đường. Cứ một chỉ vàng hay 6 đồng bạc trắng “ tài thầu “ là có thể đi một quãng độ 50 cây số. Trang không biết họ chia nhau ra sao chỉ thấy vợ chồng người ban trưởng phụ trách lái chiếc xe có Trang ngồi có vẻ hậm hực lắm.
Tuy thế đêm đến thỉnh thoảng cũng được nghe một vài tiếng tiêu vọng lại não nùng. Trang không biết đây là Xuân nữ thán hay Vọng mỹ nhân, Quá Quan hay Tô Vũ mục dương và người thổi là ai, chỉ cảm thấy trong đám quân nhân cũng còn có một vài hồn thơ. Các bạn Trang thường cười bảo đấy là tiếng tiêu sầu của người chiến sĩ gửi đến để hòa với tiếng “ violin” của Trang đêm đêm vẫn kéo không ngừng. Trên suốt khoảng đường dài nàng vẫn còn ốm về đêm và bệnh của Trang đã được thay bằng một danh từ mới :” Tiếng đàn violin”.
Đến Giang Tây và từ giã Giang Tây với những trận mưa thình lình, đoàn xe bắt đầu vào địa phận Quảng Đông. . .
Đến Khúc Giang, đoàn xe ngừng lại để chữa một số xe hỏng và kiểm điểm những tổn thất của cuộc hành trình. Trong mấy tháng trời họ đã tiêu phí mất một tháng ở Thượng hải, một tháng du ngoạn Tây hồ ở Hàng Châu, những ngày “ nghỉ mát” không ngờ. Còn lại một tháng đã vượt được gần hai nghìn cây số. Và trong đoàn xe vài chiếc đỗ bên ruộng, vài chiếc rơi xuống cầu, vài chiếc lúc lên đèo vì máy hãm không tốt nên thụt lùi, và lùi mãi xuống những chiếc hố sâu bên sườn đèo, vài chiếc bị phục kích bắn hỏng, một vài người chết, hay bị thương . Ngạc nhiên vì trong số những xe và những kẻ bị nạn không có mình, bọn Trang thở dài nhẹ nhàng như tỉnh một cơn ác mộng. Cám ơn Trời. Cám ơn mẹ.
Đến đây đường xe lửa đã thông, bọn Trang từ giã người Liên trưởng và các bạn đồng hành đổi sang xe hỏa về Quảng Châu. Và Trang đã được mục kích một cảnh tượng chạy loạn bất hủ trên chuyến xe hôm ấy.
Người soát vé hỏi một đám hành khách :
- Đi đâu?
- Chạy loạn.
- Chạy về đâu?
- Quảng Châu
- Vé đâu?
- Không có.
- Ô hay, không mua cả vé thì nửa vậy, nếu không thì. . (người soát vé ngửa tay ra) chút ít vậy, chứ sao lại. . . vô lý thế!
- Một xu cũng không có!
Người soát vé phát cáu:
- Các người đã không có vé thì đi xe chậm chứ sao lại đi xe nhanh hở.
Người bị hỏi vé cũng hơi cáu:
- Các ông này mới lạ chứ! Người ta đã không có tiền nếu đi xe chậm ở những mấy hôm trên tầu thì lấy gì mà ăn hở.
Người soát vé sợ hãi muốn lẫn sang toa khác nhưng người hành khách còn mắng theo:
- Người ta chạy loạn từ Bắc kinh về đây hết sạch cả tiền, chính phủ đã không giúp thì thôi lại còn bắt mua vé!
Người soát vé cũng trả lời có vẻ thẫn thờ:
- Nhưng nào tôi có phải là chính phủ đâu!
Trang theo sát cánh đoàn dân chạy loạn để đuợc xem nốt tấn kịch lúc tầu đến Quảng Châu.
- Vé đâu? Nộp vé lại rồi hãy ra cửa!
Người hiến binh gác cửa đứng cạnh người thu vé vừa hỏi vừa chận đám người đang ồ ạt chen nhau ra trước.
- Không có vé!
- Không có vé thì đừng ra.
Một thiếu nữ có lẽ là em gái của người hành khách chạy loạn lúc trên tầu bước dấn lên cười nhạt bảo:
- Này, tôi bảo cho mà biết người ta đi từ Khúc Giang về đây ngót 300 cây số còn chả sao nữa là! Bây giờ chỉ còn ra cửa rõ khéo lôi thôi!
Cô ta đẩy người hiến binh lẫn cả người soát vé sang bên cạnh để lấy lối đi và hơn nữa còn chạy ra chạy vào mấy lần để khuân nốt đám hành lý còn sót lại bên trong ga dưới đôi mắt ngạc nhiên tròn xoe của người hiến binh. Gái thời loạn!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn