Chiếc Bóng Bên Đường

25/01/20071:19 SA(Xem: 2003)
Chiếc Bóng Bên Đường

Dạo trước Châu vẫn cười nhỏ Linh Chi vì cái tánh lưng chừng, không biết mình muốn gì của nó, hay để bạn lôi cuốn chứ không tự quyết định việc cho mình, không muốn đi những chỗ nhảy đầm, nhưng rồi lại đi, để rồi đến nơi trong khi thiên hạ vui chơi thì nó lại ngồi nhàm chán, ngáp dài. Có ai bắt nó phải đi?

Châu bây giờ cũng thế, biết là mình đã qua cái lứa tuổi học trò, không còn say mê những buổi party đông người ồn ào nhưng rồi sợ một tối thứ bảy nằm nhà buồn nản, Châu đã theo cô bạn đi dự tiệc sinh nhật của một người bạn khác. Đến nơi, Châu thấy ngay mình lạc lõng trong đám đông, tay chân lúng túng, Châu mới hối tiếc là đã đi. Nhưng hình như chẳng ai để ý đến sự lúng túng của Châu. Từng cặp, từng đôi lả lướt. Khung cảnh ấm cúng.
Trong khi đó lại có người đàn ông cứ để ý cô gái ngồi lẻ loi trong góc phòng. Ông thấy không phải là cô không có ai để ý. Vài thanh niên tới mời cô nhảy, nhưng cô cứ lắc đầu, nên họ đành để cô yên. Cô ngồi gõ nhịp mấy ngón tay trên thành ghế.
Người đàn ông đó là ông anh của cô gái đang ăn mừng sinh nhật. Ông và bà vợ đã vui vẻ phụ em tiếp đãi đám khách trẻ. Vợ ông là Mỹ trắng. Bà đem bánh mời Châu vì thấy nàng chưa có bánh. Nàng còn chần chừ thì bạn nàng là cô gái đang mừng sinh nhật chạy lại nói, nếu bồ chưa thích ăn bây giờ thì để tui bỏ hộp cho bồ mang về nha, ăn thử tí bánh trái cây cho vui mà?

Khuya về, Châu ngồi gác chân lên xa–lông vừa ăn bánh vừa xem TV. Tối thứ bảy mà chẳng có phim gì hay! Châu cứ vặn hết đài này qua đài khác. Cuối cùng, nàng cũng bắt được phim Roman Holiday, một phim tình cảm nhẹ nhàng kể về một nàng công chúa chán cuộc sống cung điện và những buổi lễ nghi gò bó nên đã trốn ra ngoài chơi, gặp và thương một anh chàng nhà báo. Đoạn cuối, anh nhà báo đã tặng cô công chúa những tấm hình về cuộc đi chơi của hai người mà không dùng chúng vào việc thương mãi có lợi cho mình. Coi phim cảm động quá, nàng chỉ muốn khóc. Tưởng nàng không còn khóc được nữa. Nàng thở dài, nhớ về mối tình cũ của nàng. Chia tay cả năm mà tôi vẫn chưa quên anh ấy!

Một tuần sau, trong cuốn album của cô em, có hình cô gái đó. Cô em chỉ tấm hình nói với ông anh:
-Châu, bạn em, nó đẹp mà buồn quá, cứ thủy chung chờ một gã đàn ông chẳng còn yêu nó! Anh có nhớ bữa sinh nhật của em không, anh đã thấy nó rồi? Cái con nhỏ ngồi một chỗ, không nhảy đó!
Cô gái trong hình như nhìn ông, với đôi mắt to và buồn. Người đàn ông có vợ muốn nói với cô em:
-Cho anh xin tấm hình này!
Nhưng khó mở lời quá, ai mà hiểu được ông xin để làm gì. Không dám xin hình, ông cố giữ hình ảnh cô gái trong trí nhớ của ông. Giữ nơi đó thì không ai biết cả! Ông không biết nếu ông cứ nghĩ về cô gái thì có phải ông đang ngoại tình trong tư tưởng không đây? Là tình yêu trai gái hay là tình cảm của một người dành cho một người đồng hương với mình?

Tháng sáu đã có những ngày nóng 80 độ. Hôm nay trúng vào một trong những ngày nóng đó. Không ai ngờ! Vì vùng Tây Bắc thường cũng phải tháng bảy, tháng tám mới là hai tháng nóng nhất. Cuối cùng thì cái lễ ra mắt ông bà, thưa gửi hai bên cũng đã xong, và nhà trai đang rước cô dâu đi. Trong đám đông khách khứa, họ hàng, bạn bè, Châu đang nhón gót và cố nhìn cô dâu, chú rể qua cái vai cao của một người đàn ông đang đứng trước mặt cô. Vô ích: ông ta quá cao và bờ vai ông ta quá rộng. Ông ta choán hết khoảng trống trước mặt Châu. Ông ta cũng điếc nữa! Hai lần Châu nói xin lỗi, kêu ông ta nhích qua một tí để Châu nhìn được chú rể mở cửa đưa cô dâu vô xe, mà ông ta đã không nghe. Lần này Châu nói lớn tiếng:
-Xin lỗi!
Châu định làm gan đưa tay đẩy ông ta, nhưng ông ta đã nghe, ông ta lách người nhường qua một bên để Châu tiến tới. Châu nói cám ơn mà không buồn xoay đầu nhìn mặt người đàn ông. Châu chỉ muốn nhìn cô dâu chú rể một lần, nhưng quá muộn, đoàn xe rước dâu đã rời bánh rồi. Châu lo là bạn sẽ giận mình, bạn sẽ nghĩ là mình đã không đến dự đám cưới của bạn. Giờ giấc rời nhà đã tính trước, ai dè có một cái tai nạn trên xa lộ, liên quan tới nhiều chiếc xe, làm nguyên cái hướng đi về hướng Nam bị tạm thời đóng hai tiếng đồng hồ, Châu bị kẹt trong luồng xe cộ đó, rồi cảnh sát mở đường cho đi, thế là Châu đến trễ, không kịp chào cô dâu chú rể. Châu quay nhìn người đàn ông còn đang đứng bên cạnh. Ông bèn lên tiếng:
-Cô đừng lo, thế nào rồi tối nay cô cũng gặp họ ở nhà hàng mà!
Người đàn ông chắc là đã thấy nét thất vọng trên khuôn mặt Châu nên mới nói như vậy. Và ông ta cũng vừa nhận ra nàng là cô gái mà ông đã gặp ở bữa tiệc sinh nhật của cô em. Đêm đó, khuôn mặt cô thật buồn. Nhưng hôm nay thì khác. Hai má cô hồng, đôi mắt tinh anh. Cô trông còn trẻ lắm, chưa tới ba mươi. Có lẽ vì cô trang điểm thật nhẹ. Một chút phấn hồng, một chút môi son. Cô có làn da mỏng mịn.
-Nhưng tôi lại không đi dự tiệc được! Lát nữa tôi phải ra phi trường rồi!
Ông cảm thấy như là thân thiết với cô gái nên ông mới nói đùa:
-Cô làm gì mà đi dự đám cưới như chạy giặc vậy?
-Ông không biết đâu, đáng lẽ thì tôi đã đi chuyến sớm rồi nhưng vì muốn dự lễ cưới của Băng Như nên mới đổi chuyến đi trễ hơn. Tôi lo bạn tôi sẽ giận.
Người đàn ông mỉm cười, nói rồi bạn cô sẽ hiểu mà không giận cô đâu. Không hiểu sao Châu đã thấy hết giận ông ta. Thì ra nàng cũng dễ quên. Ông vồn vã tử tế, hỏi cô uống gì, tôi đi lấy cho? Bây giờ nàng mới biết là nàng khát nước. Nàng gật đầu. Trời nóng quá. Chắc phải xin chai nước lạnh rồi chuẩn bị đi phi trường là vừa, hy vọng là không bị kẹt xe lần nữa. Rồi nàng cứ khăng khăng phải đi ngay, không cách nào người đàn ông giữ nàng ở lại lâu hơn, vì lúc này người đàn ông không tìm ra một lý do gì chính đáng để giữ nàng cả.
Trong đầu ông: Chắc cô không nhớ tôi, nhưng tôi thì nhớ rõ gặp cô bữa sinh nhật.

Một năm đã trôi qua từ bữa sinh nhật đó. Hiện giờ, người đàn ông vừa bị vợ ly dị. Không phải lỗi của ông có mèo mỡ gì cả. Đúng ra là lỗi của người vợ. Nhưng xứ này chuyện ly dị xảy ra như cơm bữa mà không cần lỗi phải của ai. Cứ muốn thôi nhau thì cứ thôi dễ dàng. Người vợ, ông quen và lấy thời hai người còn học đại học. Khi miền Nam sắp mất, ông một mình chạy được. Thuở đó, gái Việt ở nước ngoài còn hiếm, chưa có những đợt vượt biên, đợt đoàn tụ gia đình, đợt HO nên lập gia đình với người khác chủng là chuyện khó tránh khỏi. Họ có chung một đứa con trai mười tuổi. Bao năm, người vợ không đi làm. Đến khi bà đi làm thì bà gặp rồi yêu thương người khác, và đòi ông trả lại sự tự do cho bà. Người vợ cũ theo tình nhân mới cùng màu da trắng với bà, không dẫn con theo. Chú bé ở lại với người đàn ông. Không trở ngại gì, vì xưa nay chính ông là người gần gũi săn sóc nó. Cuộc hôn nhân dị chủng sống với nhau lâu, càng ngày càng xa cách, nếu người vợ không đòi chấm dứt thì ông cũng nghĩ là ông sẽ sống tới ngày răng long tóc bạc với bà, vậy mà sau khi ký giấy tờ ly dị, ông lại cảm thấy cõi lòng trống vắng lạ thường. Ông quan niệm dù sao lúc còn vợ cũng coi như còn một gia đình. Người ngoài đâu ai biết được gia đình đó có êm ấm hay không. Mất vợ, ông như hụt hẫng.

Những ngày này ông lại nhớ nhiều về cô gái. Ông nghĩ là ông đang tương tư cô. Cứ như cậu học trò mới lớn. Ông buồn cười với ý nghĩ đó. Rồi ông chắc chắn là ông sẽ có cách tìm lại cô.

Khi Châu đi công tác ba tuần trở về thì cô dâu chú rể đi hưởng tuần trăng mật cũng chưa về. Cái “mét sệt” của Băng Như để lại trong máy nhắn nhà Châu:
Đi đâu mà vội thế? Châu ơi, có người đã trách như thế đó. Tau chỉ làm nhiệm vụ nhắn lại thôi. Mi làm chi thì làm, nhớ đừng hốt hồn ông anh tau.
Châu chưa gọi cho Băng Như thì ngay thời gian đó, người tình cũ trở lại, làm Châu không có dịp thắc mắc hồn ông anh nào mà cô bạn sợ Châu hốt mất. Nhân như trưởng thành chín chắn ra sau vài năm xa cách. Nhân cũng thú thật là anh có một đứa con với một phụ nữ da trắng. Anh nói hối tiếc, tưởng cô ta đã uống thuốc ngừa thai! Hằng tháng anh phải gửi ba trăm tiền nuôi đứa nhỏ. Anh xin nàng thứ lỗi việc trước đây anh đã bỏ rơi nàng, và nếu bây giờ nàng còn yêu anh thì anh sẽ là của nàng vĩnh viễn. Châu có buồn chuyện Nhân có con rơi, nhưng yêu anh, Châu chấp nhận quên đi lỗi lầm của anh. Họ lại yêu nhau tưởng như sợ mất nhau lần nữa.

Sau đó, trong vài lần nói chuyện với bạn, Như cũng quên không nhắc lại lời nhắn đó vì Như thấy Châu đã trở lại với người tình cũ, cô thấy cũng không ích gì mà nhắc.
Người đàn ông chần chừ tới mấy tháng trời, cuối cùng mới lấy đủ can đảm gửi cho Châu một cái thư. Ông giở cuốn sổ địa chỉ màu đen. Cái địa chỉ của nàng đã được ông cẩn thận cất trong đó. Viết thư thì dễ hơn gọi phôn. Vừa độc thân trở lại, ông còn lạ lùng, bỡ ngỡ với cách làm quen với phái nữ. Gửi thư đi rồi, ông cứ thấp thỏm lo. Viết ngắn quá, sợ không gây được sự chú ý nào của cô. Mà viết dài thì ông cũng ngại, biết viết gì đây?
Kỳ trước chưa kịp hỏi tên cô. Nhưng không sao, tôi đã hỏi cô em của tôi. Tôi tên là Định. Xin lỗi đã đường đột gửi thư cho cô, mong cô không giận. Chờ tin cô.
Chỉ viết được có thế. Nếu ông may mắn được cô hồi âm thì khi đó ông sẽ có ý mà viết dài hơn, ông tự nhủ.
Châu coi xong, vô tình theo thói quen nàng xé thư quẳng vào sọt giấy rác. Phải thôi, nàng cũng không có ý định trả lời. Lúc này Châu đang bận rộn với tình cảm cũ đang được làm mới lại. Nhân vừa hỏi nàng làm vợ và nàng cũng vừa bằng lòng. Anh sẽ đưa nàng đi chọn nhẫn cưới. Cái thư không làm nàng bận tâm mấy.
Nàng sắp lấy chồng. Nàng gửi thiệp cưới cho cô bạn. Cô bạn không nhớ gì tới ông anh. Một hôm chỉ vô tình cô nói với ông:
-Anh Định à, anh còn nhớ nhỏ Châu không? Nó điên thì thôi! Lấy ai không lấy lại đi lấy cái thằng cha cà chớn! Em ái ngại cho nó lắm, em có khuyên nó hãy suy nghĩ cho chín chắn trước khi có quyết định gì. Nó lại nói nó biết trái tim của nó chỉ yêu có một người. Biết nó thích thơ, chả lại tán tỉnh nó với bao vần thơ, toàn là thơ của ai, chứ đâu phải của chả, chả làm gì biết làm thơ! Nghĩ lại, em biết em cũng không nên bực tức gì cả, vì không phải chuyện của mình, em không nên xía vô.

Nghe tin Châu đi lấy chồng, người đàn ông chỉ biết thở dài một mình:
-Chắc là chúng mình không có duyên phần!
Rồi một thời gian không lâu sau đó, người đàn ông cũng đi lấy vợ. Ông không thích đời sống độc thân, bếp núc tẻ lạnh. Ông đã từng nhủ khi ông lập gia đình lần nữa thì ông sẽ kiếm một cô vợ VN; như vậy thì mới hy vọng ông không bị vợ bỏ. Người quen làm mai cho ông một cô gái khá lớn tuổi con của một gia đình HO mới qua Mỹ. Vì thời cuộc, cha đi cải tạo, cô đã phải nghỉ học sớm, phụ mẹ lo gia đình, lo các em, cô bỏ mất tuổi thanh xuân của cô. Cô không đẹp và lanh lẹ bằng Châu là một người đã ở Mỹ lâu năm và đã cập nhật được đời sống mới. Người vợ ngoan ngoãn, chập chững đi khép nép bên người chồng nhờ chồng chỉ dẫn từng ly từng tí. Ông lại lấy đó làm vui. Họ đều an phận trong vai trò họ đóng. Ông ăn cơm Việt mỗi ngày, để nhạc Việt nghe trong xe. Ông trở về sinh hoạt với cộng đồng Việt.

Dòng đời đưa đẩy rồi có một ngày chớm thu, Châu đưa con đi chơi công viên nơi bờ hồ. Lúc này, Nhân đã bỏ hẳn mẹ con nàng chạy theo một bóng hình khác. Châu làm bà mẹ độc thân nuôi con. Tưởng như đổi lại thời gian ngắn làm vợ của Nhân, Châu lời được một đứa con-là bé Thanh, rất ngoan. Còn nỗi buồn, nỗi cô đơn thì vẫn như xưa. Vẫn dính theo nàng!
Châu gặp một cặp vợ chồng Việt cũng dắt một đứa con gái nhỏ. Nàng thấy người đàn ông quen quen, mà không nhớ là đã gặp ở đâu. Tóc ông đã hoa râm, bà vợ cũng không còn trẻ mà con của họ còn nhỏ lắm. Dưới mắt nàng, cái gia đình tí hon đó trông hạnh phúc. Còn người đàn ông thì nhận ra Châu ngay, ông nghĩ nét mặt Châu vẫn buồn buồn như lần đầu ông gặp. Chỉ khác lần này Châu đã là thiếu phụ với một con nhỏ. Cô bé cũng cỡ tuổi con ông.
Hai đứa bé chẳng mấy chốc làm quen nhau. Chúng vui đùa đẩy nhau ở ghế xích đu. Líu lo dùng tiếng Mỹ nói với nhau. Cũng có vài đứa trẻ con Mỹ. Cha mẹ hay ông bà nội ngoại gì đó đưa chúng ra đây chơi. Tiếng cười giỡn của tụi nhỏ làm náo nhiệt một khu công viên. Vợ chồng người đàn ông ngồi ở ghế đá phía bên này, nhỏ to điều gì không rõ. Châu ngồi lặng yên một mình ở ghế đá phía bên kia. Cả cặp vợ chồng đó và Châu đều đưa mắt theo dõi hai đứa trẻ đang chơi với nhau. Nửa tiếng sau, Châu kêu con và sửa soạn dắt con ra về. Con bé chạy quật lại chào bạn của nó. Hai đứa bé quyến luyến, dặn dò sẽ gặp lại. Rồi bóng Châu và con xa dần.
Nghe con gái méc là bạn mới của nó không có ba, người đàn ông cảm thấy ái ngại cho thiếu phụ. Trong thâm tâm, người đàn ông vẫn muôn đời nhớ về cô gái năm nào.
-Chẳng lẽ cả cuộc đời mình cứ đuổi bắt nhau như thế này?
Thật sự thì cũng đã có một thời điểm mà người đàn ông và cô gái đều lẻ bóng. Chỉ là họ đã không có dịp may mắn để tìm hiểu nhau ở thời điểm đó thôi. Cần một chút xê xích, họ có thể là đôi vợ chồng tốt số, nếu ngày đó Nhân không trở lại và Châu bỏ thì giờ ra trả lời lá thư của ông. Biết đâu! Biết đâu! Nhưng tất cả bây giờ đối với nhau, họ chỉ là những chiếc bóng bên đường.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn