Có Chăng Đâu Đây Niềm Hạnh Phúc?

18/09/20071:19 SA(Xem: 2217)
Có Chăng Đâu Đây Niềm Hạnh Phúc?

Đã mười hai năm, Ngọc xa thành phố nhỏ. Cha mẹ nàng ly dị. Cha nàng được quyền dẫn nàng theo, mà không có sự phản đối nào của mẹ nàng. Năm đó, nàng vừa được mười bảy tuổi. Nàng học năm cuối trung học và những năm đại học bên New York, vì cha nàng có công việc làm ăn ở New York nên đã về đó sinh sống. Mười hai năm, cha nàng vẫn không lấy vợ khác. Hai tháng trước, ông mất sau một cơn bạo bệnh kéo dài một năm trời. Nàng quyết định trở về Sumner một lần, vì dù sao nàng cũng có một bà mẹ còn đang ở nơi này. Bao lâu nay cha nàng đã cấm không cho nàng liên lạc với mẹ. Thấy ông côi cút ở vậy lo cho mình, nên nàng không muốn làm buồn ông, đành phải nghe lời ông. Bây giờ ông đã không còn nữa, nàng không còn lý do nào để không gặp lại mẹ. Nàng cũng muốn có một câu trả lời rõ ràng nơi bà. Tại sao hai người ly dị? Để từ đó có những câu hỏi tiếp. Tại sao cha không cho đứa con duy nhất là nàng gặp lại mẹ? Tại sao bao nhiêu năm qua mẹ nàng đã không đi tìm gặp nàng? Cũng không viết cho nàng một lá thư nào?
Từ phi trường, nàng tự mướn xe lái về nhà, vì không muốn làm phiền mẹ nàng. Xa nhau quá lâu, nàng không biết bà sẽ phản ứng như thế nào, chứ riêng nàng, nàng thấy bồi hồi lắm.
Con đường chính của thành phố có lẽ đã được nới rộng, vì nàng thấy nó rộng hơn, xe cộ nhiều hơn, tiệm quán tấp nập hơn, nhưng nó vẫn yên tĩnh rất nhiều so với New York. Đầu đường vẫn là cái thư viện quen thuộc, nơi nàng vẫn đạp xe đạp đến đó ngồi học hay mượn sách mang về nhà đọc. Những cây poplars bên hông thư viện vẫn rậm rạp cành lá xanh tươi. Quẹo qua một dãy phố khác là thấy ngay quán kem Dairy Queens, nơi tụ tập đám bạn VN, năm sáu đứa không nhiều lắm, vì dạo đó chỉ có vài gia đình người Việt được những người bảo trợ đưa về đây ở. Trong những gia đình đó có gia đình của Tùng. Nhắc tới tên đó, bỗng nhiên nàng thấy xúc động. Tùng hơn nàng một tuổi nhưng hơn nàng tới hai lớp, vì Tùng đi học sớm. Tùng là người yêu đầu tiên của nàng.
Mười hai năm! Nàng vừa nhìn thấy trên một tấm bảng cao có quảng cáo một banana split đã gần ba đồng, ngày xưa chỉ có 99 xu. Đó là một món kem, trong đó để một trái chuối được rạch ra làm đôi, bỏ hai bên hai scoops kem, rồi nước mứt dâu tây, thơm, chocolate. Những hạt đậu phụng, hạt hạnh nhân nghiền nhỏ rải lên trên.
Nàng bây giờ đã 29 tuổi, thì Tùng cũng đã 30 tuổi. Chẳng biết Tùng đã có vợ con gì chưa? Tùng đang ở đâu, đang làm gì? Nàng không biết một chút tin tức nào về Tùng. Thật ra, nàng cũng không muốn biết, vì lúc ra đi, nàng đang giận Tùng đến nỗi tưởng như đã thề là sẽ không bao giờ thấy mặt anh ta nữa. Ở xa, nàng cũng cắt đứt mọi liên lạc bạn bè. Nói đúng ra, dạo đó nàng không có một cô bạn nào đáng gọi là thân cả, nàng chỉ thân có Tùng thôi. Vừa là bạn, vừa là người tình.
Nàng lái xe vô đậu trong driveway, xuống xe, ngập ngừng nhìn căn nhà quen thuộc mà nàng đã sống trong năm năm. Vẫn bụi lilac màu tím nhạt nằm bên góc cửa sổ. Vẫn cây táo đỏ bên lối đi vào ngõ sau. Căn nhà đã cũ nhiều với mái ngói rong rêu. Bậc thềm cũng có rong đóng, màu xanh lá mạ. Bao năm, mẹ nàng vẫn giữ căn nhà. Nàng không hiểu tại sao. Bà có thể bán nó đi, dọn về thành phố lớn, cho dù không lớn bằng New York. Vậy mà bà vẫn bám víu với thành phố nhỏ này.
Hôm nàng gọi cho mẹ biết nàng muốn về thăm bà, nàng có thể cảm được bên kia đầu dây, mẹ nàng sững sờ, cảm động không nói nên lời. Nàng thì vẫn đóng vai kẻ lạnh lùng, để cho mẹ nàng biết là nàng vẫn chưa hết giận bà. Số phôn vẫn như cũ, chỉ có số vùng là thay đổi, nàng cũng gặp chút khó khăn mới tìm ra được nó.
Nàng giật mình thấy mẹ nàng đứng nơi hiên cửa nheo mắt nhìn ra, rồi khi thấy được nàng thì bà vội vã chạy đến. Con đã về tới! Bà ôm lấy vai nàng siết chặt. Sao không để mẹ cho người đi đón!
Nàng nghĩ thầm mười hai năm mẹ con mới nhìn thấy nhau. Bao năm qua, bà có nhớ mình không?
Mẹ phụ xách một cái vali nhỏ. Nàng xách một vali lớn và một túi xách tay. Mẹ đi trước, nàng đi sau. Nàng lẳng lặng theo mẹ vào nhà. Trong nhà, phòng khách, bàn ăn có những bình hoa tươi. Hoa hồng, hoa lilac. Mẹ nàng còn nhớ là nàng rất thích cắm hoa tươi. Nàng lại gần bình hoa hồng, cúi đầu xuống ngửi một cánh hồng, và khen hoa thơm. Nàng quay lại thấy mẹ nàng cười dịu dàng nhìn nàng. Tuy vậy vẫn có một ngăn cản nào đó không cho mẹ con nàng thấy được gần hơn. Nàng vẫn chưa thấy muốn ôm choàng lấy mẹ như sách vở vẫn tả cảnh một người con khi đi xa trở về luôn luôn làm thế.
-Bụi lilac trước nhà vẫn còn!
-Mẹ trồng bụi khác đó con. Cái bụi hồi đó đã chết rồi.
-Cũng màu tím nhạt...con ngỡ bụi lilac cũ.
-Ừ, mẹ tìm một bụi cùng màu cây cũ. Con tắm nghỉ ngơi một chút rồi mẹ dọn bún bò cho con ăn, mẹ còn nhớ hồi xưa con thích ăn món bún này, phải là mẹ nấu, phải bỏ ớt màu cay thật cay. Đi đường xa chắc đói.
Nàng theo mẹ bước lên lầu. Mẹ nàng đi trước, vừa bước đi vừa nói. Mẹ vẫn giữ căn phòng cũ của con, lâu nay không ai sử dụng. Nàng muốn hỏi lại, tại sao? Có phải mẹ vẫn có ý trông chờ con trở về? Nhưng nàng đã yên lặng.
Cả hai, không ai nhắc tới người đàn ông. Trước đó ở phòng gia đình nàng thấy vẫn chưng hình của nàng và mẹ nàng. Hai mẹ con cười trong hình. Tấm hình đó chụp khi nàng vừa xong lớp tám. Nhà đang có nhiều bạn bè của nàng đến chơi. Bạn Mỹ có, bạn Việt có. Chắc chắn là cha nàng đã chụp cho mẹ con nàng tấm hình đó. Nàng cũng có thể chụp cha nàng. Bây giờ nàng không nhớ chắc. Nhưng hiện giờ trong nhà không có chưng bày một tấm hình nào của cha nàng.
-Con về ở được bao lâu?
Sau đó hồi lâu mà chưa thấy nàng trả lời, mẹ nàng bèn nói tiếp:
-Mẹ cũng mong con không phải đi nữa.
-Con không tính về ở luôn.
-Chỉ còn hai mẹ con!
Ngọc có nghe được tiếng thở dài của mẹ. Nàng giả lơ, như không nghe. Bước vào phòng, đến bên cửa sổ, mẹ nàng kéo màn lên. Ánh nắng chiếu vào phòng. Bất ngờ nàng nghe bà nói:
-Mẹ có cho thằng Tùng biết là con về.
Trái tim nàng trong vài giây tưởng như ngừng đập.
-Tùng vẫn ở đây? Thành phố nhỏ này?
-Ở đâu thì người ta cũng cần bác sĩ mà con.
-Tùng là bác sĩ?
-Ngày đó mẹ đã đoán biết là nó sẽ có danh phận. Chỉ có ba con là không nghĩ vậy. Ổng đã lầm! Ổng đã lầm nhiều thứ, chứ không phải chỉ có chuyện thằng Tùng thôi. Xứ này, mọi người đều có cơ hội như nhau mà.
Nàng nhớ cha nàng không thích Tùng. Ông chê gia đình Tùng không được danh giá. Ông hay nói, bộ cứ tưởng có cơ hội qua được Mỹ rồi thì ai cũng như ai sao? Về cha của Tùng, gốc làm tài xế cho sở Mỹ thì vẫn là gốc làm tài xế Mỹ! Cuối tuần, cha Tùng hay nhậu nhẹt say sưa, rồi lái xe bị cảnh sát chận, viết cho giấy phạt. Cha nàng biết rõ chuyện ấy nên hay nói với nàng:
-Cha nào con nấy! Người xưa vẫn nói như vậy. Rồi con nhìn đó sẽ thấy về sau thằng Tùng như thế nào!
Nàng không đồng ý với quan niệm của cha, nhưng nàng không dám phản đối.
**
*
Đêm, một mình trong căn phòng quen thuộc của mình, nàng không tài nào ngủ được. Ánh trăng chiếu sáng vào phòng, có bóng những nhánh thông chao động trên trần nhà. Đôi mắt nàng cứ mở to. Nàng lăn trở không biết mấy chục lần. Buổi chiều, trong bữa ăn, nàng cảm thấy nàng có gần mẹ một chút, nhưng nàng vẫn chưa vứt bỏ cái vỏ ốc lạnh lùng của mình. Hình như mẹ nàng có chờ đợi nơi nàng những câu hỏi, nhưng thấy nàng ít nói, bà cũng nói năng cầm chừng. Tâm trạng của bà lúc đó là cố làm cho con được thoải mái, ở chơi lâu lâu cho đến lúc bà có lại được đứa con yêu dấu ngày xưa.
Chuyện trở về lần này là nàng cần cái đáp số giữa nàng và mẹ nàng. Không phải giữa nàng và Tùng. Bây giờ nghe Tùng vẫn chưa có vợ và đang có mặt nơi thành phố nhỏ này làm nàng hụt hẫng. Có phải chuyện sẽ đơn giản hơn, nếu Tùng đang ở một nơi nào mà nàng không cần biết đến.
Bao năm qua, dù bao lần nàng tự nhủ phải quên người ấy đi, nhưng không tài nào nàng quên được. Bận rộn, trách nhiệm với công việc, với cha nàng, có đôi khi nàng tưởng việc quên Tùng thì dễ thôi. Nhớ nhung nàng không mong muốn gặp lại. Bởi vì mười hai năm rồi, một thời gian dài để xóa nhòa mọi kỷ niệm kia mà. Ai cũng có những đời sống riêng tư của mình với những kỷ niệm mới xuất hiện.
Nàng nghĩ mông lung rồi mệt mỏi thiếp đi lúc nào không hay. Sáng hôm sau khi nàng thức dậy thì mặt trời đã lên khá cao. Nàng nghe tiếng động ở dưới nhà, biết là mẹ nàng đã thức dậy và đang làm gì đó. Nàng xuống giường, chậm rãi bước xuống cầu thang, thấy mẹ nàng đang lục đục trong bếp. Nàng biết mẹ nàng là y tá ở bệnh viện thành phố. Xem chừng mẹ lấy ngày nghỉ để ở nhà chơi với nàng.
Bà đang cuốn bánh cuốn nhân thịt. Những năm ở với cha, nàng tập quen thức ăn Mỹ, cho dễ đi tiệm và nấu nướng hơn. Cha con ai cũng vô bếp được, có khi cùng nhau nấu nướng. Nhưng những năm nàng bận rộn chuyện học hành, thì ông mướn một bà Tàu ở gần đến lo chuyện ăn uống. Thế là cha con ăn đồ ăn Tàu! Rồi mấy năm sau này có cô Năm. Cô lo chuyện đó, lẫn chuyện nhà.
-Mẹ không cần phải cực như thế.
-Có cực gì đâu con. Mẹ vẫn hay làm...mà không có ai ăn!
Nàng hiểu được trong mỗi câu nói của mẹ hình như có câu than vãn che dấu trong đó. Nàng nghĩ thầm. Sao mẹ không đi tìm con? Sao mẹ không gọi cho con? Chỉ cần cầm cái điện thoại lên! Con thì không dám làm, vì con sợ ba, chẳng lẽ mẹ cũng sợ ba? Mẹ không thắc mắc bao năm nay con sống như thế nào?
Nàng đứng bên cửa sổ bên hông nhà. Mắt ngó qua bên nhà hàng xóm:
-Ông bà Smith còn ở đây không mẹ? Con nhớ những năm đó, ông Jack cũng đã lớn tuổi. Ông hay trồng trọt chi đó bên kia hàng rào và hay vọng sang nói chuyện với con.
-Ông Jack mất rồi, mấy năm trước, bà Ruth vợ ông thì còn, nhưng yếu lắm, không ở một mình được, phải vô Nursing Home. Nhà có chủ mới được hai năm rồi. Cô con gái Barbara của họ theo chồng đổi đi xa, không muốn giữ cái nhà. Bữa cô ta để garage sale bán những vật dụng trong nhà không xài nữa, nhiều người lái xe ghé coi mua đồ, vui lắm. Mẹ có qua phụ Barbara ngồi thu tiền. Ôi thôi cũng nhắc bao nhiêu chuyện cũ. Cũng có nhắc tới con. À con còn nhớ thằng Mark không?
-Chơi bóng rổ nổi tiếng trong trường con, con của ông bà Smith?
-Cậu ta hơn con mấy tuổi. Bị tai nạn trong một lần đi chơi trượt tuyết, bây giờ phải ngồi xe lăn, thật tội nghiệp!
-Thay đổi nhiều quá! Còn nhà cô Ann (căn nhà đối diện), cổ còn ở đây không? Hồi nãy vừa về, con thấy có ai đang cắt cỏ, cái sân trước nhà cổ.
-A! Thằng Larry, chồng thứ ba của cô ta đó. Ly dị hoài, mà rồi cũng lấy chồng hoài.
Nàng bật cười:
-Con nhớ hồi đó cổ cặp với anh chàng Brian đầu đường xóm mình mà!
-Ừ, thằng Brian là chồng số một, rồi thằng Tom, rồi bây giờ là thằng Larry. Chồng mỗi năm mỗi trẻ đi, ngộ lắm!
Nói tới đây, mẹ nàng đặt dĩa bánh cuốn trước mặt nàng, trìu mến nói:
-Đây, con ăn ngay cho nóng mới ngon.
-Mẹ ăn luôn!
-Mẹ không quen ăn sáng, chưa thấy đói con à.
Trong lúc nàng ngồi ăn dĩa bánh cuốn thì cái phôn reng. Mẹ nàng vẫn tiếp tục làm cái này cái nọ, dù là bà đang gần cái phôn hơn nàng. Phôn vẫn tiếp tục reng. Cuối cùng thì bà bắt lên, nghe xong, bỏ xuống, rồi nói như phân bua với nàng:
-Họ cần mẹ ở nhà thương. Có một ca mổ khẩn. Con ở nhà một mình được không?
-Mẹ cứ đi. Dĩ nhiên là con ở nhà một mình được, con năm nay đã gần 30 tuổi rồi, mẹ quên sao?
Mẹ nàng cười:
-Tuổi của con thì mẹ nhớ chứ. Nhưng sao mẹ vẫn không thấy con lớn thêm tí nào! Thật ra, con ở xa mới về. Mẹ đã xin phép nhà thương lấy ngày nghỉ để chơi với con rồi. Mẹ con lâu ngày mới gặp lại! Nhưng họ đang cần mẹ quá. Con ở nhà, không đi đâu nhé! Xong việc, mẹ sẽ về ngay.
-Vâng, con sẽ ở nhà. Mẹ cứ an tâm đi.
Mười lăm phút sau, mẹ nàng đi rồi, nàng đứng rửa mấy cái dĩa. Nắng rọi vô bếp. Cái nắng Tây Bắc bao giờ cũng dịu dàng, nhè nhẹ. Vườn sau yên tĩnh. Nơi góc vườn có một cây lê đậu đầy trái nhỏ. Vài con ong bay lượn. Nàng chùi tay, rồi mở cửa bước ra ngoài. Một luồng gió mát dễ chịu. Nàng có cảm tưởng như nơi này mới thật là nhà của nàng, dù thời gian nàng sống ở đây không lâu bằng thời gian nàng ở bên New York. Ở bên đó, cha con nàng đã ở trong những cái apartments sang trọng, tiện nghi. Nhưng cha nàng không làm chủ một căn nhà hay một căn chung cư nào, vì không muốn chứ không phải là không có khả năng mua. Lúc mất, ông cũng không muốn nằm yên một chỗ, ông muốn được đốt, rồi mớ tro tàn đem thả ra ngoài biển. Ông dặn nàng cứ thế mà làm. Nhớ tới đây thì nàng cũng nhận ra bao năm nàng chưa làm điều gì theo ý nàng. Toàn là theo con đường cha nàng đã vạch ra. Học đàn, chơi đàn. Quen người này, không quen người nọ. Chỉ nên quen những ai mà có lợi cho con đường sự nghiệp của nàng thôi.
Nàng ngồi ở bậc thềm gạch, đắm chìm trong dòng ký ức, rồi giật mình khi bất chợt nghe tiếng nói nhỏ, ấm sau lưng:
-Ngọc khỏe không? Anh nghe nói Ngọc về chiều hôm qua. Kẹt ở nhà thương, chứ không đã đến thăm em ngay.
Nàng đứng lên, xoay người, thấy một người đàn ông cao to. Tùng đó! Gã con trai mới lớn của ngày xưa, Tùng của nàng từng yêu không còn nữa. Trước mặt nàng là một người đàn ông chững chạc, cơ thể đã phát triển đầy đặn, đẹp trai. Sơ mi, cà vạt giản dị. Chàng trông bác ái như một ông bác sĩ.
Tùng không lớn hơn nàng bao nhiêu, nhưng Tùng vẫn quen lối xưng hô như thế, anh em ngọt xớt.
-Anh mới đến? Mẹ nói anh bây giờ đã là một ông bác sĩ nổi tiếng của vùng này. Mẹ còn nói...
Nàng ngập ngừng, rồi lờ qua chuyện khác. Nàng không muốn nói là nàng biết anh vẫn chưa có vợ. Chuyện riêng tư của Tùng có phải là chuyện cho nàng quan tâm tới nữa đâu. Mười mấy năm qua, chàng ở đâu, đang làm gì, nàng có bao giờ đi hỏi ai, dù rằng trong đầu nàng, cứ thỉnh thoảng là nàng vẫn bâng khuâng nghĩ tới Tùng.
-...anh có cơ hội làm ở những thành phố lớn, bệnh viện nổi tiếng mà anh lại chọn trở về nơi này.
-Cũng như em, anh biết trước sau rồi cũng có cái ngày này. Em trở về và sẽ không đi xa nữa. Ba em mất, anh có nghe tin. Anh xin chia buồn với em.
-Em chưa tính là sẽ ở hẳn lại đây. Ba em mất rồi, em cũng muốn thay đổi chỗ ở, thay đổi không khí, nhưng em chưa tính gì. Chuyện nhà, có vài thắc mắc chưa tìm ra câu trả lời. Thuận tiện thì ở vài tuần, không thuận tiện thì tuần trước còn, tuần sau đã đi.
Chàng muốn nói, đúng vậy, chuyện của chúng mình, anh cũng có những thắc mắc muốn hỏi. Nhưng biết là nàng mới trở về, chàng không muốn cho nàng bận tâm vì những điều đó.
-Thỉnh thoảng anh vẫn thấy em trên TV, trên những tờ báo văn nghệ. Người ta đề cập đến sự thành công của em. Chỉ thế thôi, còn đời sống riêng tư của em, các phóng viên có nói em không muốn nhắc tới. Bao năm qua, em làm gì, em có thể cho anh biết với không? Ý của anh là em sống có vui vẻ không, có hạnh phúc không? Mà thôi, từ từ em ạ, em còn ở đây, anh sẽ lui tới thăm em, mình sẽ có nhiều chuyện để nói. Em không phiền, mỗi ngày anh được em cho phép đến thăm một chút?
Nàng cũng không đòi hỏi gì hơn. Về đây dĩ nhiên là nàng không thể nào mà tránh không gặp Tùng. Quá khứ nếu không nhắc tới, thì mọi việc sẽ trôi qua bình thản, cho đến ngày nàng rời khỏi nơi này. Nàng đã thay đổi. Tùng cũng đã thay đổi.
Nàng gật đầu, nói:
-Em thì không thấy anh nên bây giờ em ngạc nhiên nhìn anh thay đổi nhiều lắm.
Nàng rất thành thật khi nói lên điều đó.
**
*
Ngày hôm sau như đã hẹn, Tùng đến nhà đưa Ngọc đi vòng vòng thành phố cũ. Sau cùng ghé công viên. Hai người ngồi trong một quán ăn, nhìn ra cái hồ lớn qua khung cửa kính. Mùa hè, trời nước đều trong xanh. Trong hồ có những đàn vịt ung dung bơi lội. Ngoài xa có vài chiếc tàu nhỏ. Trên lối đi tráng xi-măng dọc theo bờ hồ, nhiều người đi bộ, đạp xe đạp. Có cặp tình nhân tay quàng tay sánh vai, vừa đi vừa nói cười. Cũng có cặp già quắt ngồi trên ghế đá lặng yên nhìn ra mặt nước lóng lánh. Có bà dắt chó đi dạo, chú chó con bé tí. Có đám trẻ con chơi trò đuổi bắt.
Nhìn mông lung khá lâu rồi nàng phá tan bầu không khí giữa hai người, nàng nói:
-Chắc mùa hè năm trước cũng những cảnh vật này. Mùa hè hai năm trước nữa cũng thế đó. Nhưng có lẽ cảnh cũ, nhưng người thì mới. Làm sao mình biết được những người này cũng là những người của năm ngoái, năm kia?
-Hay người của mười hai năm trước bây giờ trở lại đây, như anh và em?
Nàng phì cười:
-Chắc chỉ có anh và em! ừ, hồi đó tụi mình cũng hay ra đây chơi.
Chàng muốn thăm dò tình cảm của nàng nên cố ra thản nhiên nói:
-Anh đã hôn em lần đầu ở ghế đá kia.
-Lúc em vừa cho một muỗng kem dâu vào miệng.
-Em còn nhớ?
-Dĩ nhiên là em còn nhớ. Còn nhiều nơi nữa.
-Chẳng hạn...?
-Cái thư viện ở dưới phố cũng là chỗ hẹn hò của đám bạn bè. Và cái quán kem Dairy Queens, những chiều thứ sáu tan học hay đến đó ăn một cái banana split, những năm đó chỉ tốn mất một đồng. Bây giờ em vừa thấy nó lên ba đồng!
-Anh bao em nổi, không những một cái mà nhiều cỡ nào, tùy em có sức ăn không.
-Em biết, anh bây giờ là bác sĩ rồi mà.
-Nhưng anh lại không nổi tiếng bằng em: em đánh đàn cho tổng thống nghe. Em ngồi ăn với các bà thống đốc. Ra đường, người ta nhìn ra em là ai và chạy theo xin chữ ký!
-Em lại muốn đi đứng tự nhiên, không ai biết em là ai! Không! Nói đúng ra, đôi khi em không biết em muốn gì nữa. Nếu không ai để ý đến em thì chắc chắn em cũng buồn lắm. Cái nghề của em cần khán thính giả. Em thành công hay thất bại là nhờ họ. Cũng như nghề của anh thì cần bệnh nhân. Nhưng chắc anh không mong có nhiều người bị bệnh đâu há! À, anh cần họ để trả nợ trường chứ.
Nàng tưởng là giữa họ sẽ không còn gì nhiều để nói. Vậy mà có trăm thứ chuyện để nói.
-Em đang nghĩ gì?
-Em không nghĩ gì cả!
-Bỗng dưng thấy em trầm tư.
-Nơi này thanh bình quá!
-Em đang nhớ New York?
-Không, anh à. Em chợt để ý mỗi nơi có một nhịp sống đặc biệt của riêng nó.
Hai người đi bộ dọc theo bờ hồ. Gió từ ngoài hồ thổi vào mát rượi. Nàng đi sát bên cạnh chàng. Nàng có một cảm giác thanh bình lạ thường. Chàng đã tạo cho nàng cái cảm giác đó chăng? Nàng không biết. Nàng chỉ biết gặp lại chàng không khó khăn như nàng vẫn tưởng. Bao năm nàng giận hờn chàng, có thật như thế chăng? Ngày đó Tùng đã lỗi hẹn, đã bỏ nàng mà theo Pamela, cô bạn Mỹ cùng trường như cha nàng vẫn nói với nàng như vậy.
-Có bao giờ em nhớ về thành phố này?
-Dĩ nhiên là em có nhớ, nhưng đời sống lại cũng bận rộn quá, nó không cho mình có thời giờ để nhớ.
-Loan đã có hai con.
-Em có nghe mẹ em nói. Còn anh, sao vẫn còn độc thân?
-Vì chưa gặp ai chịu chia sẻ đời mình. Ô kìa, sao lại đi hỏi anh, anh là đàn ông con trai, anh có thể lấy vợ muộn được mà. Còn em?
-Em cũng có thể bắt chước anh mà nói, tại em chưa gặp tri kỷ! Nói đúng hơn, chắc là tại em vô duyên, nên chưa được ai hỏi cưới hết.
-Em chỉ nói chơi. Chứ em đẹp, em dễ thương thế kia!
-29 tuổi rồi, anh Tùng ơi! Dù anh có nói an ủi thì cũng không dấu được sự thật phũ phàng. Rồi đây, em sẽ sống một mình...như mẹ em. Em sẽ là gái già! Cuộc đời sẽ hiu quạnh. Em sẽ hái ra tiền, nhưng lại không có ai chia sẻ với em.
Giọng nàng trở buồn, khuôn mặt trông u hoài. Mà trước đó hai người đang nói chuyện vui vẻ, và nàng đã vui.
Chàng muốn ôm lấy nàng, hôn lên đôi môi vừa thốt ra lời than thở đó, nhưng chàng chẳng dám làm. Chàng biết và chàng tự nhủ, đừng làm nàng sợ.
-Ai lại để yên cho em làm gái già chứ.
Và chàng đưa tay qua nắm bàn tay bé nhỏ của nàng, rồi nói tiếp:
-Em cứ nghĩ lung tung! ...Em gầy quà nè! Em phải giữ gìn sức khoẻ, đừng làm việc quá sức, phải để đầu óc thoải mái.
-Anh lại cho toa như bác sĩ!
-Anh là bác sĩ.
-Em chưa thấy bằng, em không tin. Đưa cho em coi rồi em mới lấy toa.
-Đừng làm khó anh! Nếu không chịu nghe anh như nghe một ông bác sĩ thì hãy nghe anh như nghe một người bạn.
-Nói nghe được! Em đang cần một người bạn.
Giọng nàng tha thiết quá. Chàng nói như thế, nhưng trong bụng thì chàng lại mong, không, anh không muốn em coi anh như một người bạn. Anh muốn em coi anh như một người yêu, anh lúc nào cũng yêu em.
Nhưng nàng lại hỏi sang chuyện khác:
-Ba má anh khoẻ không? Có bao giờ họ cãi vã nhau không? Họ sống có hạnh phúc không?
-Em muốn đi thăm ba má anh không? Má anh vẫn nhắc tới em.
-Má anh nhắc tới em?
-Đúng vậy! Trong những người bạn của anh, má anh yêu quý em nhất.
-Bạn trai hay bạn gái?
Chàng nheo mắt cười:
-Bạn gái.
**
Mẹ Tùng đón nàng vồn vã. Bà ra tới tận sân khi nàng vừa bước xuống xe.
-Bác nghe thằng Tùng nói con vừa về. Bác mong con đến thăm bác mà sợ con còn giận thằng Tùng mà không đến. Có nghe ba con mất, một mình con phải lo mọi thứ, tội nghiệp con!
-Con có cô Năm và cũng có chú Ba từ Cali bay qua. Sau đó, chú có nói muốn con về Cali ở, nhưng con chưa tính gì.
-Bác không biết con có chú ở bên Mỹ này!
-Chú qua một lượt với gia đình con, có ở đây một thời gian ngắn, có lẽ bác không nhớ.
Vậy mà cũng bao nhiêu chuyện từ sân vào nhà.
Vào bàn ăn, bà âu yếm nói:
-Con ngồi đây. Con ngồi bên bác và thằng Tùng. Thấy con về bác vui quá! Tội nghiệp mẹ con, bả trông đứng trông ngồi ngày con về.
Bác trai nãy giờ chỉ cười, bây giờ mới lên tiếng:
-Má nó để cho cháu Ngọc ăn tự nhiên, hỏi nhiều quá!
Nàng bao giờ cũng thấy thoải mái với gia đình Tùng. Ngày xưa, nàng hay đến nhà Tùng chơi, khi đó, ba má Tùng còn thuê căn chung cư ở đường số 5, bên này ngó sang bên kia là cái quán ăn McDonalds. Căn chung cư nhỏ chỉ có hai phòng. Ba má Tùng chiếm một phòng, Loan chiếm một phòng. Tùng ngồi học ở cái bàn nơi phòng khách và tối thì ngủ ngay ở xa-lông bên cạnh. Nàng nhớ thủa đó mẹ Tùng không có đi làm. Chỉ có ba Tùng làm nghề quét dọn cho một trường trung học. Một lợi tức nên không đủ tiêu chuẩn mua nhà. Tùng đi giao báo buổi sáng được hai trăm bạc cũng vừa đủ tiền xe buýt, ăn trưa.
Mùa hè, nàng với Tùng cùng đám bạn hay ra nông trại đi hái dâu dưa để kiếm tiền xài. Chiều về tắm rửa xong là hẹn nhau ra kéo ghế ở cái tiệm McDonalds quen thuộc trước nhà Tùng. Tùng vừa cho nàng biết cái tiệm hamburgers đó bây giờ vẫn còn.
Căn nhà này ba má Tùng mua được cũng mười năm rồi, khang trang, ấm cúng. Nó nằm trong một khu toàn người già ở nên yên tĩnh. Tùng ở riêng, có một căn nhà rộng lớn tự mướn người cất lên, nằm trên đồi cao nhìn xuống vịnh Puget Sound. Ba má Tùng sống khu này quen rồi, nên không muốn đi theo Tùng. Nhưng hầu như ngày nào Tùng cũng về đây ăn cơm, để cho ba má vui. Vì Loan lấy chồng đi xa, nhà vắng vẻ. Hôm qua, Tùng có nhắc đến người chị lớn của Tùng, vừa mới được bảo lãnh qua. Bên chồng chị ở Denver làm giấy bảo lãnh nên cả gia đình nhỏ của chị qua sống bên ấy. Tùng nói:
-Giá mà chị Thảo được ở gần bên má anh thì má anh sẽ vui lắm. Con gái hay thủ thỉ với mẹ, Loan đi lấy chồng xa, má anh buồn lắm. Anh có đi xa thì má anh cũng không buồn đâu.
Nàng cười nói:
-Thì anh thử đi xa xem má anh có buồn không thì biết.
-Anh đã đi học xa bao nhiêu năm.
-Hừm, đi học thì nói làm gì. Mà lễ lộc anh cũng hay về phải không?
-Đúng vậy!
-Thì coi như tạm thời vậy thôi.
Nhớ chuyện hôm qua, nhìn cảnh gia đình đầm ấm của Tùng trong bữa cơm hôm nay, rồi nàng lại buồn buồn nghĩ tới mẹ nàng. Sao bao năm nay nàng bỏ mẹ mà nàng không thắc mắc mẹ sống ra sao? Chắc chắn là mẹ nàng có trách nàng mà không nói ra. Nàng bênh ba nàng hay nàng sợ ông? Ông làm gì mà nàng sợ?
Nàng vội xoá đi những ý nghĩ trong đầu, cầm cái muỗng múc nước phở đưa lên miệng.
Lúc Tùng đưa nàng về nhà, đêm 16 trăng sáng tỏ, ánh trăng cứ theo miết hai người. Nàng khen trăng đẹp quá. Nàng nói như thế, không phải chỉ một lần. Trăng ở New York không được sáng như thế này. Nhiều cao ốc quá, nhiều đèn điện quá. Tùng phì cười nói với nàng:
-Trăng ở thành phố này đẹp hơn trăng ở New York phải không?
**
*
Qua tuần thứ hai...Chuyện gì cần nói thì cũng đã tới lúc phải nói. Nàng biết nàng phải lên tiếng trước:
-Mẹ không bao giờ viết thư cho con?
-Mẹ có viết nhưng con không nhận!
-Mẹ gửi thì con sẽ nhận. Mẹ không gửi!
Mẹ vào phòng bà, vài phút sau mang ra đưa nàng một xấp thư dày. Những lá thư đề gửi tên nàng. Những lá thư đã gửi đi, đã được đóng dấu bưu điện, nhưng bị trả lại vì không có người nhận. Mẹ nói, mẹ không nghĩ là mẹ đã viết sai địa chỉ.
-Ba đã...không cho con nhận thư của mẹ?
-Mẹ cũng nghĩ vậy...và mẹ đã không giận con. Nhưng mẹ không có cách nào liên lạc trực tiếp với con được. Nhiều lần mẹ cũng có gọi điện thoại! Mẹ gặp ba con hay cô Năm con trả lời. Họ dứt khoát không cho mẹ nói chuyện với con. Nhưng bằng cách này, cách nọ, mẹ luôn luôn theo dõi bước chân con đi.
Bà Năm là người chị họ của cha nàng, nàng kêu cô Năm.
-Sao ba lại làm như vậy? Dù gì mẹ cũng là mẹ của con.
Mẹ nàng thở dài:
-Ổng làm như thế là để trả thù mẹ, vì ông biết là mẹ rất thương con.
-Để trả thù chuyện gì? Mẹ đã làm gì đến nổi ba mẹ phải dùng cách trả thù để đối xử với nhau? Năm đó con cũng đã lớn, chứ đâu là một đứa trẻ mới lên bốn lên năm mà cả cha lẫn mẹ đều dấu con, đều không cho con biết chuyện gì đã xảy ra, sao cha mẹ phải xa nhau?
-Mẹ đã lầm lẫn: đã lấy ba con. Mẹ không nên lấy người mẹ không yêu. Nhưng vào thời điểm đó, lại là biện pháp duy nhất. Cha mẹ nào lại chịu cảnh con gái chưa cưới hỏi mà đã mang bầu. Tuổi trẻ nông nổi, làm chuyện sai lầm! Sửa cái sai lầm này thì lún vô cái sai lầm khác. Chỉ thấy ba con yêu mẹ.
-Dù gì ba mẹ cũng đã lấy nhau, cho con một cái tên đàng hoàng hợp thức hoá.
-Lúc đó ai cũng nghĩ như vậy. Mọi người sống với cái vỏ bên ngoài. Ngay cả tiếng cười thoát ra cũng không biết mình đang vui hay đang buồn! Rồi tình yêu cũng đổi ra thù hận, mẹ không ngờ!
-Ba yêu mẹ mà!
-Đúng vậy! Nhưng đó là lúc chưa lấy mẹ. Lấy nhau rồi, ba con bắt mẹ phải coi ổng như người ân. Dù ổng đã biết sự thật từ lúc đầu.
-Sự thật gì?
-Con không phải là con của ổng!
-Sao bây giờ mẹ mới nói cho con biết?
-Mẹ muốn nói từ lúc con vừa ra khỏi nhà. Nhưng mẹ không làm sao liên lạc trực tiếp với con được. Chắc lỗi tại mẹ chưa ráng hết sức để tìm con.
Bây giờ thì nàng hiểu tại sao mẹ nàng vẫn giữ lại căn nhà này, cái địa chỉ này, bà không đi đâu cả.
-Con sống với mẹ cho tới khi con 17 tuổi.
-Những năm đó ba con không cho mẹ nói.
Nàng muốn trách mẹ sao bà sống như thế được-để một người đàn ông độc tài quyết định mọi thứ. Nhưng nàng dừng lại, vì chợt nhận ra, nàng có khác gì mẹ đâu, người đàn ông đó cũng đã độc tài, độc đoán trên đời sống của chính nàng. Sao bao năm nay, nàng không bung ra, nàng trách sao mẹ nàng không tìm cách liên lạc với nàng, thế còn nàng thì sao, bao năm nay sao không chịu đi tìm mẹ. Nếu nàng trách mẹ thì ai sẽ trách nàng?
-Vậy là mọi người cứ sống giả dối. Mẹ không có hạnh phúc. Ba không có hạnh phúc. Con sống vật vờ trong một thế giới giả dối mà không hay. Ôi! người cha mà lâu nay con kêu là ba thì lại đâu phải là cha ruột của mình!
Nàng nói lớn tiếng nhưng trong lòng thật sự là nàng bị cái sốc bất ngờ, chứ không phải giận mẹ. Sốc vì cái gốc gác cội nguồn của mình trong thoáng chốc đã thay đổi tất cả.
-Vậy thì...con là con của ai?
-Con là con của mẹ!
Nàng chua chát:
-Biết đâu con cũng không phải là con của mẹ!
-Con đừng nói như vậy. Con chính là con của mẹ, mẹ đã mang nặng đẻ đau ra con. Mẹ xin lỗi con là lâu nay mẹ đã không cho con biết. Con cần biết sớm hơn.
Đêm đó cả mẹ con đều khóc. Đêm đã khuya lúc nào cũng chẳng ai hay. Buổi sáng, nhìn thấy mẹ, nàng muốn nói, “Con xin lỗi mẹ.” Mà không nói được.
Sau đó lúc ở bờ vịnh, nàng nói với Tùng là nàng chẳng giận mẹ nàng đâu, chẳng qua mọi việc bất ngờ quá. Nàng về nhà, chỉ muốn trách cứ mẹ, đâu ngờ lại biết thêm chuyện chẳng ngờ.
-Dù sao, bây giờ mẹ cũng chẳng còn ai. Chỉ còn có em. Mà em cũng vậy.
Mới đầu nghe kể chuyện, Tùng cũng muốn mở lời khuyên lơn, nhưng thấy Ngọc nói như vậy thì chàng cũng mừng.
Ngọc dựa đầu vào vai Tùng. Nàng biết nàng đang cần một bờ vai, thế thôi.
Tùng nói nhỏ bên tai nàng:
-Hãy làm cho mẹ em vui. Em hãy ở lại nhà. Đừng đi đâu nữa. Mẹ em đang cần em.
Tùng cũng muốn nói, và anh, anh cũng đang cần em, nhưng chàng đã kềm lại được, vì Ngọc mới trở về sau bao năm xa cách, còn sớm quá, để nói chuyện thương yêu.
-Em quyết định rồi, em sẽ ở lại nhà với mẹ. Em muốn bù đắp cho mẹ những năm em đi xa. Mẹ có tội tình gì đâu. Cứ tưởng bao năm mẹ cứ bám lấy căn nhà chờ em về, thấy tội nghiệp mẹ quá. Em sẽ làm mọi thứ để mẹ vui. Em cũng sẽ không giận người mà bấy lâu nay em đã kêu bằng ba. Dù là ông đã chia cách mẹ con em, đã chia cách anh và em. Đằng nào ông cũng đã không còn sống nữa.
Nàng cố không khóc nhưng những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Chàng xoay nhẹ mặt nàng để hai mặt đối nhau, chàng lấy khăn lau nước mắt cho nàng. Chàng quá vui khi nghe nàng chọn sẽ không đi xa. Chàng không kềm được nữa, nhìn thẳng vào mắt nàng, chàng nói:
-Đừng quên rằng, em ở lại thì còn có anh vui nữa. Anh vẫn thương nhớ em, em biết không?
Nàng gục đầu vào ngực chàng, thấy ấm áp quá.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn