Gabriel García Márquez : Thời Thơ Ấu Và Tuổi Trẻ

22/06/20071:19 SA(Xem: 2192)
Gabriel García Márquez : Thời Thơ Ấu Và Tuổi Trẻ

Mùa thu ở xứ Tây là mùa của sách. Với kết quả thường niên của các giải văn chương, từ Nobel đến Goncourt, Fémina… sách truyện xuất hiện tưng bừng, màu sắc như lá thu, sống động hơn bất cứ thời điểm nào trong năm. Giữa những cái tựa được quấn vòng thêm một mẩu băng giấy trang trọng quảng cáo là tác phẩm đoạt giải này giải nọ ấy, Vivre pour la raconter [1] (Sống để kể chuyện) giản dị một nền chữ trắng hình xám xanh với tấm ảnh Gabo - vâng Gabo, tên gọi thân mật từ những người bạn đã hơn năm mươi năm của tác giả - chắc chụp hồi chưa biết đi, đã quyến rũ tôi nhất. Hẳn nhiên không phải tấm hình đứa bé, dù Gabo trong chiếc áo đầm con gái tay cầm mẩu bánh bích-qui, lòng ngươi tròn to rất dễ thương, lôi cuốn tôi đến thế. Cũng không thể nói chỉ mỗi cái tên người viết Gabriel García Márquez, mà cả hai yếu tố : tên ông và tựa truyện. Vivre pour la raconter, không thể là gì khác hơn hồi ký của Gabriel Márquez tôi từng chờ đợi, từ một thời đọc Trăm năm cô đơn, Tình yêu mùa dịch tả, Lá trong gió lốc…Ngoài trí tưởng tượng phong phú, nhà văn thường viết dựa vào những kinh qua và từ cảm xúc bắt gặp trong cuộc sống ; tôi nghĩ : cuộc đời Gabriel Márquez không những phải rất giàu có sự kiện thú vị mà ông hẳn là một con người sống hết mình, quấn quyện quay cuồng với nó, tựa trong một cơn bão lốc. Trong ý nghĩ ấy, vô tình tôi đã chờ mong tập hồi ký này.

Tác giả bắt đầu tự truyện bằng chuyến đi của chàng thanh niên 23 tuổi, gốc người Caraïbes – Colombie Nam Mỹ, theo mẹ trở về làng Aracataca để bán căn nhà thừa kế, nơi anh ta sinh ra và sống những năm tháng đầu đời với ông bà ngoại. Căn nhà nằm trong vùng đất mùa nắng nóng hốt hơi kim loại nung, mùa mưa thối trời vữa đất. Nơi đó, Công ti Chuối chế ngự và bóc lột người dân cho đến lúc gây ra biến cố kinh hoàng : một buổi sáng năm 1928, quân lính tàn sát công nhân Công ti Chuối cùng gia đình họ đang tập trung đình công đòi quyền lợi. Cuộc thảm sát trên thực tế vốn sẵn mang tính cách hoang đường còn được huyền ảo hoá hơn nữa trong Trăm năm cô đơn, tác phẩm đã đưa chàng thanh niên ấy lên đỉnh cao nhất của văn chương : Nobel, năm 1982. Hoang đường và huyền ảo vì những chứng nhân ngoài đời chỉ nhớ mông lung về cuộc thảm sát, ngay cả ông ngoại của Gabriel – đại tá Nicolás Márquez – cũng không thể xác nhận số tử thương là trăm người hay ba nghìn. Còn trong tác phẩm, ba ngàn xác chết trên quảng trường đột nhiên biến mất, không dấu tích, nhưng một nhân vật giòng họ Buendía lại thấy mình nằm trên một con tàu chở đầy xác người âm thầm chạy trong đêm tối.

Chuyến về quê bán nhà ấy là khởi điểm của một vòng ngược thời gian, để tác giả kể lại thời niên thiếu của mình với những mô tả thú vị về từng thành viên trong gia đình, từ ông ngoại loay hoay nặn những con cá vàng, bà ngoại đổ những chiếc bánh kẹo hình con thú, hai hình ảnh này đúng là những nhân vật đã lập ra làng Macondo ám ảnh trong tiểu thuyết của G.M. Cha Gabriel, nhân viên sở giây thép thời trẻ và sau đó mở cửa hiệu thuốc, một con người khó hiểu và khó lung lạc. Mẹ, người đàn bà dễ thương thật gần gũi và hy sinh cho các con, bà kiên cường lèo lái một gia đình nghèo túng với 15 đứa con : con mình và con rơi của chồng mà bà tự nguyện đem về nuôi chỉ vì « đã cùng dòng máu với những đứa con tôi thì không thể để chúng sống vất vưởng bất cứ đâu ». Ông bố kỳ vọng Gabriel, đứa con trưởng, phải ít nhất tốt nghiệp đại học, thay cho sự dang dở về học vấn của chính mình, trong khi ngay từ nhỏ con ông đã mơ ước trở thành nhà văn. Nhờ mẹ can thiệp Gabriel đã được phép rời ngôi nhà gia đình ở đồng quê về thủ đô Bogotá tiếp tục trung học.

Tại Bogotá, trong không khí tranh chấp không nương nể giữa phe bảo thủ và đảng tự do, nhất là trên cái nền một xã hội thoái hoá, nghèo khổ, bên bờ vực, cậu học trò chỉ có độc hai bộ quần áo này – mỗi ngày vừa tắm vừa giặt dưới vòi nước – chẳng những được tiếp cận với các khái niệm chính trị xã hội còn tìm ra phương tiện để đọc những tác phẩm văn chương thế giới nổi tiếng, một đam mê lớn suốt đời. Nhưng Gabriel không thích và lười học, ngoài đọc sách, tụ tập bạn bè trong ký túc xá, rủ nhau trốn ra ngoài chơi gái, cậu làm thơ, còn thêm tài đặc biệt là soạn và đọc những bài diễn văn, ngay cả điếu văn, trong những dịp lễ lạc ở trường học. Gabriel cho đó là tài vặt vãnh, nhưng chính nó đã khiến cậu được mọi người nể phục và nhiều lần cứu thoát sự thiếu thốn vật chất cùng nguy kịch. Nó cũng mang lại cho chàng thiếu niên, tuy được hưởng bản chất dí dỏm duyên dáng của mẹ nhưng khá nhút nhát và khiêm nhường, rất nhiều bạn. Trong số đó có người thành danh và rất chân tình. Những người bạn thời ấy nếu gặp chàng thanh niên Gabriel ngoài đường với hàng râu mép, cặp lông mày bừa bộn, đôi dép thầy tu và chiếc áo sơ-mi in bông hoa, có lẽ vì túng thiếu thường xuyên nhiều hơn là do gu ăn mặc của chàng là thế, sẽ thương xót lắc đầu gọi đấy là một trường hợp tuyệt vọng. Sau khi thi đỗ tú tài, Gabriel phải nghe lời bố ghi tên vào đại học luật để được ở lại Bogotá, đây cũng là khoảng thời gian truyện ngắn đầu tiên của Gabriel xuất hiện trên phụ chương văn học của El Espectador tờ báo chọn lọc nhất thời đó, cậu cũng khởi sự tập viết xã luận dù để trám cột vào giờ chót, lại chẳng có quyền ký tên. Và chỉ kiếm được ba đồng pesos mỗi ngày, thời chủ báo đặt chàng viết những bài xã luận, không tính theo số trang giấy mà theo chiều dài bao nhiêu thước tấc.

Ngày mùng 9 tháng tư 1948 quần chúng Bogotá nổi loạn khi một nhà chính trị cấp tiến của đảng tự do được dân tin yêu bị ám sát. Chỉ trong một ngày Bogotá cháy hoang khói lửa, đường phố đầy tử thi. Biến cố này buộc Gabriel phải bỏ thủ đô để về Carthagène des Indes một nơi còn ngoài vòng hỗn loạn, một thành phố hấp dẫn mà « gió biển cùng tiếng tàu hụ vào sáng sớm đã giảm bớt sự huyên náo của những tiếng kèn đồng Caraïbes và sự khiêu khích của mấy cô gái nhảy không mặc quần lót, váy họ hất cao tới thắt lưng cùng gió. Thỉnh thoảng, một nàng chim não nùng từng quen biết bố tôi giữ lại ngủ với cô ta và chia sẻ cho chút tình còn sót lúc rạng đông ». Nhờ bạn bè và chủ biên các báo đã chú ý đến các truyện ngắn của mình giúp đỡ, mời cộng tác, Gabriel bấy giờ vừa hơn hai mươi thực sự đi vào con đường báo chí, mặc dù cậu không ngớt xác định « Tôi đã biết rằng làm báo không phải thiên hướng của mình. Tôi muốn là một nhà văn không giống các nhà văn khác ».

Từ Carthagène rồi di chuyển đến Barranquilla, cùng một số bạn bè rành nghề sáng lập tuần báo Crónica, Gabriel giữ chức chủ bút rất hào hứng dù đồng lương không đủ sống cho chính mình. Chẳng bao lâu, chính phủ Bogotá trong tay đảng bảo thủ đã dùng quân đội khống chế các cuộc nổi dậy của quần chúng, tình trạng giết chóc không an ninh lan tràn khắp nơi, đến cả ngôi làng của gia đình Gabriel. Cuối cùng bố mẹ cậu quyết định đem con cái tản cư, gọi Gabriel bỏ nhóm nhà báo, cùng về Carthagène sinh sống, làm việc trong văn phòng điều tra dân số để kiếm tiền giúp gia đình càng ngày càng túng thiếu. Lợi dụng hoàn cảnh, Gabriel thú tội với bố đã thi trượt năm thứ ba đại học luật và xin bỏ học để vừa đi làm công sở vừa tiếp tục viết báo và hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên : « Về sống ở Carthagène là đúng lúc và hữu ích sau kinh nghiệm làm tờ Crónica, và đã cho tôi một không gian thuận lợi để tiếp tục viết cuốn Lá trong gió lốc, nhất là nhờ cơn sốt sáng tạo ngự trị trong căn nhà, nơi tất cả những điều huyễn hoặc hình như đều là khả thể. Tôi chỉ cần kể lại một buổi ăn trưa, bố con tôi đang bàn cãi về những khó khăn của các nhà văn khi họ muốn viết hồi ký mà không nhớ ra được gì. Cuqui [em trai Gabriel] lúc ấy chưa được 6 tuổi, đã lôi ra từ đó một kết luận giản dị bậc thầy : Thế thì, nó nói, ông nhà văn chỉ việc viết hồi ký trước tiên, khi ông ta còn nhớ được tất cả ».

Tuy nhiên, « do vận hạn, không sự tài tình, chịu đựng, không cả tình yêu thương nào đủ để đi đến cùng sự nghèo khốn ». Văn phòng kiểm tra dân số đóng cửa, tiền công làm báo không đủ, Gabriel quyết định trở lại Barranquilla kiếm sống đồng thời « học viết với niềm say mê và nỗi tham vọng điên dại trở thành một nhà văn không giống các nhà văn khác ». Bản Lá trong gió lốc đầu tiên tạm xong, Gabriel đưa cho nhóm bạn văn sĩ của mình đọc. Một người bạn thân đã cho những nhận xét mà cậu thấy thật đúng, « trừ một đoạn mà anh ta thấy gượng gạo, dù tôi đã giải thích đó là một quãng đời niên thiếu thật sự của tôi. Anh ta phá lên cười nói : - Ngay cả sự thật cũng nhầm lẫn một khi cách viết quá dở ». Loay hoay giữa viết báo, viết văn và kiếm sống bằng cách đi bán sách tại tư gia nhưng không đưa đến đâu, cuối cùng Gabriel quyết định quay lại thủ đô Bogotá mà cậu đã bỏ đi từ ngày bạo động khủng khiếp 9 tháng 4.

Lần này, tờ El Espectador, từng được đài BBC thời ấy đánh giá là nhật báo hay nhất thế giới, dành ngay cho Gabriel một chỗ trang trọng trên trang xã luận, và chàng được mời vào ban chủ biên. Buổi đó chưa có trường báo chí, muốn học nghề là phải hít thở mùi mực để học tại chỗ, El Espectador đã cung cấp những bực thầy giỏi giang, sẵn sàng nhất nhưng cũng khó khăn nhất. Cũng tại đây, Gabriel đã thực hiện được mơ ước viết phóng sự, nhờ chủ biên tờ báo « không tha thứ cho tôi khi thấy tôi để mất mình trong mấy trò nhào lộn trữ tình, trong khi xứ sở thiếu phóng sự viên xung kích. Và tôi, lại tưởng rằng phóng sự là cách tốt nhất để tường thuật đời sống hằng ngày ». Bắt đầu từ đây, những phóng sự tôn trọng sự thật và kinh nghiệm nghề nghiệp, chẳng hạn « đừng bao giờ quay mắt khỏi gương mặt kẻ mình phỏng vấn, nó có thể bày tỏ nhiều thứ hơn giọng nói, và đôi khi ngay cả điều ngược lại », đã đưa tên tuổi Gabriel lên hàng đầu. Nhưng chính nguyên tắc chỉ thuật sự thật, hoàn toàn sự thật, không phải được bất cứ ai chấp nhận đó đã gây ra những đe doạ nguy hiểm cho mạng sống của Gabriel. Nên cuối cùng, nhân tờ báo cần đặc phái viên cho hội nghị của bốn cường quốc thế giới tại Thụy Sĩ, Gabriel đã bằng lòng lên đường rời xứ sở. Hồi ký về ba mươi năm đầu của nhà văn Gabriel García Márquez chấm dứt bằng năm dòng thư ông viết trên máy bay đi Genève, cho một thiếu phụ mặc áo xanh, tóc cắt như cánh chim yến, ngồi trước cửa nhà từ bảy giờ sáng mà không biết rằng mình ăn mặc đẹp từ sáng sớm như thế cho ai. Thư ấy cốt để giao hẹn với nàng « Nếu trong vòng một tháng, không nhận được hồi âm cho lá thư này, tôi sẽ ở lại Âu Châu mãi mãi ». Gabriel nào ngờ khi ông đặt dấu chấm cuối cùng cho tập hồi ký cũng là ngày ấy và giờ ấy người mẹ lạ lùng của ông nhắm mắt lìa đời.

Khi gấp lại cuốn sách, tôi biết không phải dòng đời với thân thế và các đoạn đường đưa tác giả đến với sự nghiệp văn chương là những điều quyến rũ tôi nhất mặc dù chúng là cái sườn của tập hồi ký. Chúng cần thiết như rễ và thân cây, nhưng cành và lá với hình thái cùng màu sắc mới là yếu tố tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của cây này so với cây khác. Chính những câu chuyện tác giả kể về mình, về những con người, sự kiện xảy ra quanh đời sống ông, và cách ông nhìn cũng như suy tư về chúng mới là những điểm, mà theo tôi, tạo nên hấp lực của Sống để kể chuyện, cũng không thể bỏ qua cái tài kể chuyện hiếm có của Gabriel Márquez. Trong hồi ký, ta nghe được giọng ông miên man, nhưng có lẽ cũng vì thế ở một đôi chỗ nhiều sự việc đa tạp được ông đưa ra cùng một lúc khiến người đọc hơi khó theo dõi. Ngay từ nhỏ G.M. vốn đã là người thích nói, thích thuật chuyện, bản tính hẳn thừa hưởng từ bà ngoại, người đàn bà dễ tin và nhạy cảm đã sáng tạo ra cả một thế giới thần diệu. Thế giới này mê hoặc và có ảnh hưởng sâu xa không những trên các tác phẩm của G.M. trước đây mà ngay cả bây giờ, người đọc cũng bắt gặp chút gì huyễn ảo trong không gian tập tự truyện này, đem đến cho nó sức quyến rũ khác lạ. Thú vị nhờ sự huyền ảo cảm thấy ấy trong hồi ký chính là hiện thực và ngược lại, những sự kiện thực tế lại mang tính chất hoang đường, qua ngòi bút cuả ông.

Từ những câu chuyện với nội dung, nhân vật, hình ảnh khác thường, tưởng chỉ có trong tiểu thuyết, từ những gặp gỡ lạ lùng và một gia đình mà mỗi thành viên đều kỳ cục như gia đình ông, tác giả đã đưa người đọc vào một thế giới hết sức sống động. Độc giả hoà nhập vào với những cảnh đời, tâm trạng đang được người viết thuật lại một cách không chiếm ngự, trong những lời lẽ bình dị nhưng chẳng thiếu ngạc nhiên lí thú và những chấm phá duyên dáng, như đoạn đối thoại giữa Gabriel và mẹ :

« - Mẹ hãy nói với cha là con chỉ muốn mỗi một điều trong đời : là văn sĩ, và con sẽ là thế.

- Cha con không phản đối việc con là cái gì con muốn, nhưng ông ấy ao ước con học hành xong xuôi.

Mẹ nói, không nhìn tôi, giả đò chú tâm đến đời sống bên ngoài cửa sổ hơn là tới cuộc bàn luận.

Tôi nói với bà :

- Thôi khỏi nhọc lòng nài nỉ, mẹ thừa biết là con không nhượng bộ đâu.

Thế là, bà nhìn thẳng vào mắt tôi, ngẫm nghĩ và hỏi :

- Mà tại sao con tin rằng mẹ biết ?

- Tại vì mẹ và con, chúng mình giống hệt nhau. »

Gabriel Márquez làm chủ ngòi bút thật tài tình như Alvaro Mutis, tiểu thuyết gia người Colombie và bạn thân của G.M. đã nhận xét về tự truyện này : « Một trong những khía cạnh đã để dấu ấn sâu đậm trong tôi là thấy làm sao một nhà văn đã suy ngẫm và thông thạo thuật kể chuyện như García Marquez lại chẳng bao giờ can thiệp vào diễn tiến của cuộc đời mình đang kể. Đứa nhỏ anh giới thiệu với chúng ta sống đời sống của nó và khám phá ra thế giới như một đứa trẻ. Cũng y như thế với một thiếu niên, một sinh viên và một nhà văn trên đường đi tới định mệnh của mình »[2].

Bình dị trong cách kể, nhưng chẳng phải vì thế tác giả không chú trọng đến văn phong. Câu chữ ông dùng để tả cảnh tả tình mênh mang và đây đó phù hợp với những không gian ươm chất mông mị phù ảo. Đây là đêm u hoài, già cả trong thành phố cổ Carthagène : « Thực ra, việc không có xe hơi trong thành phố là điều bắt buộc vì chúng ngược chiều với thực tế lịch sử : xe hơi chẳng thể chạy trong những con đường nhỏ hẹp khúc khuỷu mà về đêm, những con ngựa gầy còm gõ vó sắt trên mặt đá. Khi trời nóng hốt, các cửa sổ lan can mở ra khí mát khu vườn, và con đường chứa đầy vọng âm ma quái của những chuyện trò thầm kín nhất. Thiu thiu mơ màng, mấy ông già nghe bước chân lén lút đi về vang trên đường, họ ngóng tai nhưng không buồn mở mắt, đến khi biết đó là ai liền chán nản lầm bầm : « A, thằng José Antonio đi tới nhà Chabela ». Trên thực tế, điều duy nhất làm cho những kẻ mất ngủ ấy bực bội là những cú đô-mi-nô khô khan đập xuống bàn cờ đã vang động khắp phố phường thành luỹ. »

Qua quá trình tự tìm hiểu hay học từ những bạn bè thành danh, G.M. đã đề cập đến vấn đề văn phong, cách viết và cách dựng truyện của một nhà văn trong hồi ký. Độc giả quan tâm đến các khía cạnh này sẽ tìm thấy ở đây nhiều suy nghĩ và nhận xét đặc biệt : « Tôi đã nhanh chóng biết rằng kể cho người khác những câu chuyện song song với chuyện mình đang viết – tuy nhiên không để lộ ra điểm thiết yếu của nó – là một phần quan trọng của ý tưởng và văn pháp trong tiểu thuyết ». Ngoài chuyện viết, dĩ nhiên tác giả cũng nói đến những bài học, những kinh nghiệm sâu xa ông thu lượm được qua việc đọc sách, để áp dụng cho nghề viết văn. Ông hào hứng nhắc đến bao nhiêu tác phẩm từ Ngàn lẻ một đêm ở thời thơ ấu, đến khám phá Ulysse của Joyce, Mrs Dalloway của Virginia Woolf, rồi Kafka… mỗi thể loại là một thí dụ, một so sánh, một rút tỉa kinh nghiệm để thấy sự thành công trong nghề viết không thể hoàn toàn dựa trên thiên khiếu.

Cuốn tự truyện đã đẩy tôi vào một Colombie vừa thơ mộng hoang dã vừa tàn bạo và mê hoặc, nơi mà thiên nhiên, quyền lực, rượu chè, đàn bà và những lối sống khi gần như thánh thiện lúc hoang đàng đã cuộn lại với nhau trong một cơn điên loạn. Và trong đó, thế giới Márquez lung linh sắc thái : đối thoại sống động và giai thoại ý nhị tươi vui không ngừng xen kẽ với những sự kiện trầm trọng ẩn uất, như bao tia nắng bừng lên để thắp sáng chút gì cho không gian u tối của những con người sống trong khung cảnh một đất nước tụt hậu, nghèo nàn, vừa thoát khỏi thống trị của Tây Ban Nha là rơi vào nội chiến. Tác giả cung cấp cho người đọc một số lượng thông tin rất lớn về hoàn cảnh xã hội, tinh thần người dân Colombie ở phần đầu thế kỷ 20 cũng như tình hình chính trị của quê hương ông. G.M. thật tài tình khi dù đã là những trang cuối, ông còn gây được xúc động mãnh liệt và làm cho người đọc bị căng thẳng bằng hai đoạn viết về thảm cảnh cựu chiến binh sau chiến tranh Đại Hàn, và về mấy ngàn đứa trẻ thôn quê bị quân lính rứt lìa khỏi cha mẹ đem bỏ vào viện mồ côi. Sự phân ly tàn nhẫn này đau xót thay là một phương kế của chính quyền trong chiến lược diệt trừ quân du kích : « Chỉ dựa trên các quan sát hậu cần quân sự đơn giản, hơn ba ngàn đứa trẻ thuộc mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh đã bị tách lìa cha mẹ, chúng bị phân tán đi các trại mồ côi trong toàn quốc. Ba mươi đứa không cha hay không mẹ, có cả những trẻ song sinh mới mười ba ngày. Việc này đã được tổ chức trong vòng bí mật tuyệt đối, dưới sự che đậy của phòng kiểm duyệt, cho tới hôm một phái viên của El Espectador điện báo cho chúng tôi về các hướng tìm tin đầu tiên từ Ambalema, hai trăm cây số cách Villarrica (nơi xảy ra sự việc)…Một số đông trẻ nhỏ này được làm lễ đặt tên hành chính ở trại mồ côi, và để có thể phân biệt người ta đặt cho chúng những tên họ địa phương, nhưng chúng rất đông, rất giống nhau và thật nhanh nhẹn đến nỗi trong giờ ra chơi chẳng thể nhận ra đứa nào với đứa nào ; nhất là khi trời quá lạnh bọn nhỏ phải chạy trên các cầu thang và hành lang để sưởi ấm. »

Bằng giọng văn như thế, G.M. đã trải ra cả thời ấu thơ cùng tuổi trẻ của ông, với miên man chân tình, và trong ý nghĩa của dòng chữ giản dị ông viết ở đầu tự truyện : « Cuộc đời không phải là những gì người ta đã sống, mà là điều nhớ được và nhớ về chúng ra sao ».

Mai Ninh

Cuối tháng 11, 2003
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn