Bản Năng Và Lý Trí

12/06/20071:19 SA(Xem: 2264)
Bản Năng Và Lý Trí

Đứa nhỏ đã theo chúng tôi một đoạn đường khá dài, dễ chừng trên ba cây số.  Nó là con bé người Hmong chỉ trạc bốn đến năm tuổi.  Nó đi bên cạnh đoàn du lịch của chúng tôi, miệng không ngớt lải nhải:
- Mua…
Tôi nói với nó:
- Không mua.
- Mua.
Mặc nó mè nheo, tôi nhất định bảo:
- Không, dứt khoát không mua.
Buổi sáng sớm trước khi đi vào vùng đất đỏ trơn trợt và loang lổ những vũng nước để rồi gặp nó, bầu trời đã đen sẫm và những giọt mưa bắt đầu lát đát rơi xuống.  Qua tấm áo lạnh khá dày được tôi mang theo khi chuẩn bị chuyến đi thăm miền Bắc, những ngọn gió của mảnh đất Sa Pa nằm lưng chừng ngọn núi Fansipan này vẫn khiến tôi rùng mình và cảm thấy chiếc áo còn quá mỏng. Tôi nghĩ đến chuyện ra chợ Sa Pa tìm mua cho được chiếc áo lạnh khác dày hơn, nhưng ý nghĩ đó bị dập tắt ngay lập tức.  Tôi vốn khó tánh trong việc tìm  mua áo quần, bây giờ ở trong cái thị trấn đa phần là người thiểu số, tôi không tin là trong một thời gian ngắn độ nửa tiếng đồng hồ tôi có thể tìm thấy một chiếc áo lạnh tương đối làm tôi vừa lòng; chưa kể chiếc va-li đầy ắp đồ đạc mang sang từ Mỹ đang đợi chờ chúng tôi ở khách sạn Hà Nội để được khênh vác về Sài Gòn, thì với chiếc áo lạnh dầy cui, chỗ đâu nữa để nhồi nhét, chưa kể khí hậu Sài Gòn lại nóng chảy mồ hôi mà mang thêm áo lạnh thì quả thật làm chuyện điên rồ.  Tôi bỏ rơi ý nghĩ mua thêm áo lạnh.  Nhưng chẳng lẽ phải chịu trận với  cái rét?  Chồng tôi đề nghị mua những chiếc khăn quàng và nếu có thể được thì mua loại to và dày vì chắc chắn chúng sẽ trở thành những vật tùy thân hết sức cần thiết.
Trời đã lắt rắt những giọt mưa.  Đọc lại tờ chương trình, tôi hiểu là đoàn chúng tôi sẽ đi bộ những quãng đường dài nơi xe cộ không thể vào được để đến các thôn bản xa xôi.  Nhìn cơn mưa, cảm nhận cái lạnh, tôi hơi hối tiếc sự lựa chọn đến bản làng bằng cách cuốc bộ. Tôi nghĩ, “Phải chi tôi có thể thay đổi chương trình.”  Nhưng ý nghĩ đó bị dừng ngay.  Dầu sao máu phiêu lưu trong tôi vẫn nặng hơn.  Tôi quyết định ra chợ.  Quay sang anh hướng dẫn viên còn rất trẻ, chỉ trạc trên hai mươi, tôi hỏi:
- Tôi tính ra chợ mua mấy chiếc áo mưa và mấy chiếc khăn quàng, em biết tiệm nào bán những thứ đó?
- Chị có thể đến căn tiệm ngay đầu đường, nhưng nên mua loại poncho mới có thể chịu đựng được những cơn mưa phùn sắp sửa đổ xuống vào ngày hôm nay.
Khi trở về khách sạn với những chiếc áo mưa poncho và những chiếc khăn quàng cho cả gia đình, thì cũng vừa lúc chiếc Jeep trờ đến để chở chúng tôi một khoảng đường giúp thu ngắn đoạn đường lội bộ. Chiếc xe rồ máy mang theo chúng tôi chạy chỉ khoảng vài phút thì phải dừng lại vì đất đá do những cơn mưa từ đêm hôm trước đã đổ xuống chận ngang con lộ gập ghềnh chật hẹp.  Nhìn bên ngoài xe, mưa đã nặng hạt.  Nghĩ đến việc phải lội bộ giữa cơn mưa như trút nước, tôi chần chừ, nhưng cuối cùng cũng đành mang theo túi xách bao gồm những vật dụng cần thiết để ngủ qua đêm trong bản, rồi choàng chiếc poncho qua khỏi đầu, chui ra khỏi xe.  Một nhóm khoảng mấy chục người Hmong với dù, với nón bất chấp cơn mưa đã chực chờ sẵn đâu đó ào ạt chạy đến cùng những chiếc gậy tre trên tay:  
- Mua gậy – Hết người này nhao nhao đến người khác nhao nhao làm điếc tai nhóm thăm viếng Sa Pa gồm ba người chúng tôi và hướng dẫn viên.
Đưa mắt nhìn con dốc trơ lớp đất sét màu đỏ ướt nhẹp, trơn lởn như mỡ, nghĩ đến chuyện có thể bị ngã, tôi quyết định phải mua cây gậy để chống.  Vừa giơ tay định lần trong túi lấy tiền, những bàn tay cầm gậy đã ồ ạt vây quanh tấn công:
- Mua gậy.  Gậy đây chị ơi! -  Những tiếng nói lơ lớ không ngớt dồn dập.
Cầm sẵn tiền trong tay mà lòng phân vân.  Mua cho ai?  Tôi chỉ cần độc nhất một cây gậy.  Mấy chục bàn tay vẫn tiếp tục chờn vờn trước mắt.  Tôi không thể có bất cứ chọn lựa nào.  Những bàn tay đều giống nhau – cầm những chiếc gậy tre khoảng tầm cỡ để chống.  Những khuôn mặt với những đôi mắt đều giống nhau – thành khẩn van nài tôi mua cho bằng được.
- Không mua nữa.  –  Tôi trả lời, mặc cho ý nghĩ có thể bị ngã nếu không có gậy, tôi dứt khoát nhét tiền trở lại túi, vẹt đám đông bước đi.
Tiếng nhao nhao tiếp tục vọng vào tai.  Vài người theo đuôi chúng tôi với hy vọng bán được vài cây gậy với giá hai ngàn đồng bạc Việt khoảng hơn mười xu tiền Mỹ một cây.  Một số tiền quá nhỏ đáng lý tôi không cần phải vận dụng khối óc nhằm chọn lựa giữa những đôi mắt để mua gậy; vậy mà tôi phải làm chuyện đó nếu muốn có cây gậy cầm tay hầu chống đỡ việc trợt té, còn không thì cũng đồng nghĩa với sự từ chối một tiện nghi xem ra cần thiết cho mình vào lúc này.
Đường càng đi càng dốc và với lớp mỡ đất sét màu đỏ thẫm bị vết chân người dẫm lên càng thêm trơn khiến tôi suýt ngã mấy lần.  Hai bên đường là những ô ruộng bậc thang ngập nước, thiếu vắng những ngọn mạ xanh vì có lẽ trời còn chưa hết mùa đông nên chưa đến lúc được người gieo mạ.  Rải rác trên những chặng đường là những ngôi nhà của người thiểu số hết Hmong, đến Dao, rồi đến Tày, tôi nhìn nhưng không thể phân biệt được nhà của dân tộc thiểu số nào vì tất cả đều làm bằng gỗ và đa số lợp tôn.  Nhờ anh hướng dẫn, tôi có thể phân biệt được một ít ngôi nhà của người Dao vì chúng tương đối khang trang hơn.  Qua mỗi chặng đường ngắn đoàn chúng tôi lại bắt gặp những phụ nữ Hmong mời gọi mua những chiếc còng đeo cổ, những miếng vải thêu đeo tay…
Tôi không muốn đeo những chiếc còng, không muốn mua những vòng đeo tay để tặng bạn bè, càng không muốn bị ràng buộc vào sự chọn lựa qua những đôi mắt như lúc tính mua cây gậy chống.  Tôi lắc đầu trước bất cứ lời mời mọc nào.
Chúng tôi đến một khúc quanh vắng bóng những lời mời gọi mua bán.  Lòng đang mừng vì thoát được những mời mọc phiền toái thì con bé người Hmong nhỏ thó đó xuất hiện.  Nó chỉ cao bằng đứa bé lên ba lên bốn.  Nhìn quanh, tôi không thấy một ngôi nhà nào gần đó nên không thể đoán được nó đến từ đâu hay chờ sẵn đã lâu lắm rồi giữa đoạn đường tuy có phần bằng phẵng hơn, nhưng cũng đầy ắp lớp đất đỏ trơn trợt.  Con nhỏ: đầu không đội nón, chân chỉ mang đôi dép nhựa lẹp xẹp, trên người là chiếc áo bằng vải thô màu đen, với váy đen viền bằng những sợi chỉ mầu; trong khi trên người tôi: chiếc áo lạnh bên trong, khăn quàng nơi cổ, tròng thêm chiếc áo mưa kiểu poncho bên ngoài còn thấy thấm lạnh.  Vậy mà nó, chỉ mặc phong phanh như thế, chưa kể áo quần dường như đã bị ướt và mái tóc chấm ngang vai của nó cũng đã bị nước mưa bết lại, thì nó phải lạnh đến thế nào!  Nó ăn mặc như thế đó đang đi bên cạnh tôi, cất giọng tuy nhỏ mà chắc để nài nỉ tôi mua những vật đeo tay nằm trong bọc ny-lông mà nó đang cầm trên tay:
- Mua… - Một tay nó giơ bịch ny-lông, tay kia chỉ vào mấy mấy sợi dây màu đen khoảng một cm bề ngang, được thêu bằng chỉ đủ màu xanh đỏ kiểu chữ thập và vài chiếc còng màu bạc.
Những giọt mưa đã có phần thưa thớt nhưng chưa chịu dừng hẳn.  Tôi quay sang hướng dẫn viên than phiền:
- Cha mẹ nào lại để con nít nhỏ xíu chịu lạnh đội mưa đi bán như thế này?
Anh hướng dẫn bảo:
- Nơi đây có nhiều sắc dân, nhưng chỉ có người Hmong là đi bán đồ, các dân tộc khác không làm chuyện đó.
Tôi nói với anh:
- Bán buôn không có gì bậy, nhưng bắt đứa con nít đi bán giữa một ngày mưa lạnh như thế này thì có khác gì việc hành hạ đứa trẻ.  -  Vừa nói tôi vừa thò tay vào túi.
Bởi vậy tôi khuyên chị không nên mua cho nó.  Đa số khách du lịch thường thấy mấy đứa nhỏ tội nghiệp nên mua, họ đâu biết là mua như vậy khác gì khuyến khích cha mẹ chúng tiếp tục đẩy chúng ra đường buôn bán, chưa kể khi chúng kiếm được tiền sẽ tham mà bỏ học.
Thấy tôi cho tay vào túi, có lẽ anh hướng dẫn ngỡ tôi muốn mua món đồ cho con bé nên can ngăn.  Trong khi tôi chỉ thấy tội nghiệp nó nên muốn lấy ra ít tiền cho nó, còn những món đồ nó bán tôi thật sự không cần và cũng không thích nên không muốn phải nhồi nhét thêm vào mớ hành lý của mình.
Có lẽ con bé không hiểu rõ tiếng Việt hay cố tình không nghe lời anh hướng dẫn nên vẫn tiếp tục đi bên cạnh, mũi nói sụt sịt như đang bị cảm lạnh, miệng lải nhải:
- Mua..
Tôi vừa tội nghiệp nó, vừa muốn nghe lời anh hướng dẫn, nên lưỡng lự chưa rời bỏ hẳn ý nghĩ muốn cho nó tiền.  Tôi cất giọng ỡm ờ:   
- Để xem.
- Mua…
- Đã bảo để xem đã.
- Mua… - Con nhỏ tiếp tục lì lợm nài ép.
Sự lì lợm của nó giúp tôi dứt khoát:
- Không mua đâu, về đi.
- Mua…
- Không mua.
Con nhỏ không bỏ cuộc:
- Mua…
Tôi không trả lời, chân đều bước mà lòng nảy sinh ý nghĩ là dường như giữa tôi và nó đang bắt đầu mở ra trận chiến hơn thua xem ai lì hơn ai. Tôi trả lời:
- Không.
Làm như không nghe thấy chữ không của tôi, nó vừa bước theo tôi vừa nói:
- Mua đi…
Mưa nặng hạt trở lại.  Tôi quay sang con nhỏ.
- Về đi mưa quá rồi!
- Mua…
Con nhỏ húng hắng ho.  Tôi quyết liệt:
- Về kẻo bệnh.  Không mua.  Đừng theo nữa.
- Mua…
- Không.
- Mua…
Tôi và nó không ai chịu thua ai.  Tôi không thèm trả lời nó.  Con nhỏ tiếp tục lẽo đẽo bên cạnh, mũi sụt sịt, miệng phát ra mấy tiếng ho rời rạc.
Dầu sao cũng không thể để con nhỏ đội mưa đi mãi như thế này.  – Tôi nghĩ, -  Con bé bị cảm thật rồi, không khéo bị sưng phổi thì khốn.
Tôi chỉ tay vào một sợi giây đeo tay làm bằng vải:
- Bao nhiêu?
- Hai ngàn.
Tôi dí vào tay nó tờ giấy bạc năm ngàn:
- Không mua.  Lấy đi, cho đó.
Con nhỏ lắc đầu, tay không cầm tờ giấy bạc:
- Mua…
- Đã nói không mua. -  Tôi đưa tiền lần nữa, - Cầm đi.
- Mua…
Tôi nghĩ bụng, “Lì lợm vậy mà còn làm cao.”  Muốn chắc ăn tôi hỏi thêm lần nữa:
- Lấy không?
- Mua…
- Không mua.  Lấy tiền đi.
- Mua…
Tôi bực mình bỏ tiền trở lại túi.  “Không lấy thì thôi, bệnh ráng chịu,”  tôi lầm bầm.
Thấy vậy, người hướng dẫn lên tiếng:
- Nó không lấy tiền đâu.  Người thiểu số ở đây rất thật thà chẳng khi nào chịu lấy không món gì của ai.  Bởi vậy đời sống ở đây rất bình yên.
- Nhưng nó biết tôi không muốn mua.  Đáng lẽ nó không nên nài ép.
Không nghe anh hướng dẫn nói gì.  Có lẽ không biết phải trả lời tôi như thế nào.  Tôi tiếp tục bước, con bé im lặng đi cạnh tựa như bạn đồng hành với bọn tôi.  Tôi giả bộ phớt lờ nó mà trong lòng dày đặc câu hỏi, rõ ràng là nó cần tiền và theo đuôi chúng tôi nài nỉ chúng tôi mua cho bằng được những món đồ, bất chấp liêm sĩ.  Nhưng còn hành động từ chối lấy tiền của nó lại là hành động đầy tự trọng.  Nó có liêm sĩ hay không?  Nếu có, thì liệu cái liêm sĩ đó có thể lý giải được không?
Mưa chợt ào ào rơi xuống.  Gió đẩy những giọt mưa đập xéo vào người làm rát da mặt và làm chiếc áo mưa dán sát vào người.  Khoảng không gian trước mắt như mờ hẳn đi.  Tấm poncho sũng nước chảy dài xuống hai bắp chân qua lằn vớ làm ướt lạnh đôi chân nằm bên trong đôi giày Nike.  Tôi loay hoay sợ bị ướt hơn nữa và sợ trượt té bởi mặt đất trơn trợt.  Tôi bỏ quên sự hiện diện của nó nhưng đầu óc chưa xóa bỏ ý nghĩ về nó hay sự dằn co hơn thua với nó.
Đi thêm một đoạn đường ngắn nữa, tôi nghe tiếng ho của nó nổi lên dồn dập hơn.  Tôi quay ngang, thấy nó vẫn còn lẽo đẽo bên cạnh.  Con nhỏ bị sưng phổi thật rồi!  Không còn kịp suy nghĩ , quên hẳn sự lì lợm của nó, tôi lần tay vào túi quần lôi ra tờ năm ngàn lúc nãy.
- Mua một cái. -  Tôi chỉ vào mớ dây nằm bên trong chiếc túi ny-lông trên tay nó.
Con bé cầm tiền, rồi lôi ra một sợi dây vải đeo tay đưa cho tôi, xong thối lại tôi ba ngàn.  Tôi lắc đầu:
- Cho đó…
- Không lấy.
Sợi dây với những đường thêu chữ thập khéo léo.  Muốn thêu một sợi dây như thế phải mất bao nhiêu công sức mà bán chẳng được bao nhiêu. Nhưng dẫu sợi dây đẹp đến đâu, tôi vẫn hoàn toàn không cần đến nó, càng không muốn giữ nó, chưa kể việc mua cho nó đã làm cho tôi thấy rõ tôi đã thua nó chỉ vì nó lì hơn tôi.  Tôi muốn quăng sợi dây xuống đất.  Cho nó biết sự lì lợm đồng nghĩa với sự ép buộc người khác.  Cho nó biết là nó đã làm phiền tôi.  Cho nó biết là cái đầu của một con bé con như thế không thể nào hơn tôi, người lớn hơn nó gấp cả chục lần.  Đồng thời cho nó biết tôi chịu thua nó chỉ vì tiếng ho của nó.  Vì không muốn chịu trách nhiệm sự cảm lạnh của nó.  Vì muốn tống nó đi cho khuất mắt để đỡ thấy phiền toái và tội lỗi.  Tôi cần quăng sợi dây trước mặt nó.  Tôi cần quăng ngay sợi giây, phải hành động nhanh lên trước khi con bé bỏ đi.
Nhưng ơ hay!  Đâu ai bắt tôi chịu trách nhiệm việc nó bị bệnh bao giờ!  Bỗng chốc tôi thấy mình đứng yên, đầu tôi cúi xuống loay hoay lần tay qua chiếc poncho, cẩn thận bỏ chiếc giây vào túi cho khỏi ướt.  Khi tôi ngước đầu lên, con bé đang đi ngược chiều với chúng tôi và gần biến mất ở một khúc quanh.  
Tưởng rằng việc cẩn thận cất giữ sợi dây sẽ khiến tôi tức tối, tự sỉ vã vì đã bị thua một đứa bé.  Nhưng không, chẳng những không giận mình, tôi lại thấy lòng nhẹ nhõm hơn, nghiệm ra là tôi đã cố gắng cân bằng giữa lý trí và tình cảm từ hành động không mua gậy, đến việc muốn cho tiền và cuối cùng không quăng sợi dây trước mặt nó.  Nghĩ đến nó, tôi lại thấy nó xử sự bằng bản năng trong đó có bản năng muốn tạo sự thương yêu của cha mẹ cũng là một phần của bản năng sinh tồn bằng cách bán cho bằng được những món đồ.  Sự lì lợm theo sát chúng tôi của nó cũng làm cho tôi hiểu thêm điều nữa là lòng tự trọng thường đứng sau bản năng. Tuy nhiên bản năng đó đã được giới hạn không để phát triển quá mức qua sự tự trọng không chịu nhận món tiền bố thí.
Cuối cùng tôi thấy dường như tôi và nó không ai thua ai.  Nó bán được món đồ.  Tôi bắt gặp được lương tâm.  Cả hai đều biết dừng lại ở một điểm nào đó để có thể hãnh diện làm một con người. Dầu sao tôi vẫn còn chút hối hận là đã không mua cho con bé món đồ sớm hơn chút nữa. Cầu trời cho con bé đừng bị cảm nặng.
Ngọc Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn