Thương Tiếc

01/03/20071:19 SA(Xem: 2472)
Thương Tiếc

Thằng bé đứng chờ được hơn nửa tiếng đồng hồ, lòng thấp thỏm chỉ sợ bà cụ hứa mà không đến! Hôm qua vào giờ này bà đã có mặt tại nơi đây. Nó nóng ruột, nhưng cuối cùng chiếc xe ôm với bóng dáng quen thuộc của bà cụ cũng xuất hiện.

Hôm đầu nhìn vẻ mặt phương phi của bà, nó đoán là Việt kiều. Ở̉ cái đất Biên Hoà này chỉ có Việt kiều dù già, da dẻ tuy nhăn nheo nhưng vẫn trắng trẻo và không xếp lớp hay khô đét như mấy bà già dưới xóm. Trông bà cụ không thể trên bảy mươi. Nó đoán cho vui, chứ tuổi tác của mấy Việt kiều khó bề đoán nổi. Điều quan trọng là bà cụ đã trở lại, và đời nó xem như lên hương. Trước kia năm khi mười hoạ mới có người đến viếng mộ, mướn nó giẫy cỏ mộ thân nhân của họ và một hai nấm mộ chung quanh. Mộ thân nhân thì họ bắt nó phải giẫy thật kỹ, còn của láng giềng với người chết thì giẫy đại khái, xem như tình lân bang. Những lần đó một mình nó phải cáng đáng tất cả mọi việc, người mướn đứng xem, sau đó may mắn họ trả cho nó được vài ngàn bạc.

Bà cụ lại khác, bà ngồi bệt trên đất. Vì không có cuốc bà đã tận dụng đôi bàn tay đã run rẩy vì tuổi già để ráng sức kéo bật rễ từng nắm cỏ nhỏ. Bà thực hiện công việc làm sạch ngôi mộ hết sức kỹ lưỡng. Khi nó vừa làm sạch cỏ ở ngôi mộ thứ nhất, bà muốn ngôi mộ thứ hai cũng phải được tươm tất như thế, chưa kể còn cẩn thận mang theo cọ và sơn trắng để sơn phết mộ. Làm kỹ, nhưng tiền công bà trả thì hết chê, nó đòi mười ngàn, chẳng những không cò kè trả giá, bà đưa ngay cho nó một xấp tiền dày cộm. Lúc chiếc xe ôm chở bà đi khuất, ngồi đếm đi đếm lại, nó tưởng mình hoa mắt vì số tiền lên đến một trăm ngàn. Đây là lần đầu tiên trong đời nó kiếm được số tiền lớn như vậy trong một ngày. Điều hơi lạ là sau khi cúng vái xong, trước khi về bà dặn đi dặn lại nó mỗi ngày cứ vác cuốc ra nghĩa địa khoảng sáng sớm để phụ với bà làm cỏ và sơn phết thêm một số nấm mộ nữa. Nó thắc mắc, sao con cháu của bà cụ lại chết đông đến thế? Điều đó xui cho bà mà hên cho nó, nếu không, cao tay lắm người ta chỉ thuê nó một lần rồi thôi, nghĩa là hai bên không bao giờ gặp lại, hoặc lâu lắm mới gặp lại, dầu tận dụng trí nhớ cũng khó nhớ mặt.

Có lẽ nó không để ý đến nghĩa trang này làm gì, nếu không kiếm được tí tiền công cuốc đất giẫy cỏ từ một số người thỉnh thoảng lắm mới đến thăm thân nhân còn nằm tại nghĩa trang. Lúc vắng người, không kiếm được tiền, nó lại ước phải chi người ta đừng cất những ngôi nhà lụp xụp bên trên những ngôi mộ để bây giờ từ hàng ngàn ngôi mộ chỉ còn lại vài trăm như thế này, và nhất là công an đừng làm khó dễ khách viếng mộ thì có lẽ hàng ngày nó kiếm đủ sống nhờ việc giẫy cỏ, phụ sơn phết lại những ngôi mộ của người đã chết.

Cũng may là còn sót lại vài trăm ngôi mộ nó mới kiếm được tí tiền phụ vào những đồng tiền ít ỏi mẹ nó kiếm được nhờ vào việc buôn bán qua quít. Và có lẽ nhờ hấp thụ tánh của mẹ nó, ưa tin vào sự linh thiêng, dầu nhà nghèo, nhưng kệ thờ người đã khuất trong nhà bao giờ cũng tươm tất. Mẹ nó bảo nếu không tin thế, chẳng đủ sức chịu đựng giữa thời buổi “mật ít ruồi nhiều” này. Cứ trông khu nghĩa trang này đủ biết, mỗi lần thấy có người thăm mộ là có khối thằng xông vào giành giựt. Nó tin vào sự siêng năng, cần mẫn nhưng nó cũng tin có sức lực vô hình nào xô đẩy để người ta chú ý đến nó. Tuy không thể kiểm chứng để biết vì lòng tin hay do bản tánh ít ham chơi, nó thường quanh quẩn khu nghĩa trang, nên kiếm được nhiều tiền hơn những thằng khác. Dầu sao chăng nữa, gặp bà cụ này xem như nó được người chết phù hộ, nếu không thế, chẳng thể nhận được tiền bo hậu hĩnh như vậy.
Thấy bà cụ đến, nó hăm hở dắt bà trở lại nơi hai ngôi mộ đã được làm sạch vào ngày hôm qua. Bà bảo nó giẫy sạch cỏ thêm mấy ngôi mộ chung quanh. Làm như chỗ này ít người qua lại nên cỏ ống mọc thật cao. Thân hình nó nhỏ, nhưng sức bà cụ cũng không nhiều nên nó ăn đứt bà cụ trong việc giẫy cỏ. Nó nghĩ, ăn tiền của người ta thì phải làm cho đàng hoàng, cho nên tuy trời nắng chang chang nó vẫn tiếp tục cắm cúi cuốc những nhác cuốc, chẳng bao lâu cỏ đã vun cao thành đống.

Phía thằng bé cỏ đã nằm rạp. Phía bà cụ những cây cỏ ống vẫn còn cao rệu, che gần khuất nấm mộ và gần khuất luôn cả thằng nhỏ. So với sức lực bây giờ với thời xưa, bà thấy mình yếu lắm rồi, ngay như việc nhổ cỏ, phải cố gắng lắm, lâu lâu mới kéo bật rễ được một nắm. Mới nhổ được vài nắm đã thấy mệt. Bà dừng tay nhìn quanh khu nghĩa trang. Trời đẹp và khu nghĩa trang lặng ngắt, ngoại trừ tiếng cuốc bập vào đất và tiếng sột sạt của cỏ bị vứt vào thành đống từ phía thằng nhỏ lẫn tiếng xe chạy từ phía xa lộ Biên Hoà văng vẳng vọng lại tạo thành một thứ âm thanh kỳ lạ, như hư như thật làm bà có cảm giác đó là tiếng của những hồn ma cô đơn đang rầm rì rên rỉ. Không còn ai và không còn thứ âm thanh nào khác. Bà tự hỏi không biết thân nhân của những người nằm bên dưới các nấm mộ đã bây giờ ở đâu? Có lẽ họ cũng giống như bà, mấy chục năm ôm ấp nỗi sợ hãi, con cái nằm đây, thân nhân nằm đây mà mỗi lần đến thăm đều bị làm khó dễ, phải nhìn trước nhìn sau sợ bị công an theo dõi, sợ bị làm khó dễ, riết rồi vì nỗi sợ hãi, vì không muốn bị phiền phức bà cũng như họ đã cố gắng hạn chế tối đa việc thăm viếng, cố nghĩ người chết rồi coi như đã yên, cũng hiểu và thông cảm cho người còn sống. Đến chừng liều mạng trở lại, hình con cũng mất mà nấm mộ của nó cũng không còn. Bà đau lòng biết mấy mà không làm gì được cho nguôi ngoai được nỗi đau đó. Bà thở dài, mới đây mà đã hai mươi mấy năm, chừng như thời gian không bước những bước rón rén mà giẫm sầm sập vào cuộc đời bà.

Còn đâu mộ của con bà! Còn đâu những ngôi mộ trắng toát được xây cùng một kiểu nằm ngay hàng thẳng lối! Còn đâu ngôi chùa nhỏ lúc nào cũng đầy người đến nhang khói thờ phụng! Còn đâu cảnh người thân tấp nập đến viếng mộ vào dịp Thanh Minh! Còn lại là những ngôi những ngôi mộ lem luốc đổ vỡ. Còn lại nơi chùa là những bờ tường đen sạm vì rêu phong, những bình nhang vỡ vì bàn tay người. Còn lại là sự tiêu điều hoang vắng. Còn lại là nỗi đau thấm tận đáy lòng!

Bây giờ đứng trước những ngôi mộ, bà không khỏi tự chất vấn, tại sao nỗi sợ hãi lại có thể lấn át tình máu mủ ruột thịt, lấn át tình thương, lấn át tình người với người khiến bà thiếu sót bổn phận thăm viếng đứa con thân yêu đã từng nằm tại nghĩa trang này. Lúc đó bà sợ đủ thứ, sợ đói, sợ kinh tế mới, sợ con cái bị khổ, sợ những buổi tối phải đến phường ngồi nghe những người trẻ bằng con cháu bà, chữ nghĩa còn tệ hơn người buôn gánh bán bưng ở ngoài chợ lên lớp dạy bảo. Một tiếng động nhỏ nơi cửa vào ban đêm bà cũng thấy sợ, một người bạn quen của thằng con trai đã chết đến viếng, bà cũng nhìn trước nhìn sau. Bà biết rõ bà không sợ chết, nhưng không biết tại sao bà lại sợ những thứ đó. Cứ thế bà sống lây lất với nỗi sợ hãi lẫn đau khổ, thù ghét, giận dữ, tất cả ứ đầy cho đến giờ này khi tuổi đời đã chồng chất, không biết ra đi ngày nào mà những nỗi khổ tâm đó tiếp tục tràn đầy trong lồng ngực và không ngớt nung nấu tâm can để bà quyết định phải quay trở về,

Tuổi đời đã quá bảy mươi. Gia đình thì đề huề với dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại ở Mỹ, thế sao tâm bà ngày ngày vẫn chìm đắm trong nỗi bất an? Phải rồi, làm sao tâm bà yên cho được khi đứa con đầu, đứa con bà thương yêu nhất đã không thể nằm yên, xác mất mà mộ cũng không còn. Rồi đây làm sao bà có thể yên tâm nhắm mắt đi gặp lại nó nơi thế giới bên kia?

Bà nhìn về hướng chiếc bệ. Đứa con ngày nào được ngồi thảnh thơi trên đó, giờ biến mất chỉ còn chiếc bệ sứt mẻ, đen sạm vì màu thời gian, trơ trọi đứng một cách vô duyên giữa khu nghĩa trang sập xệ. Người ta thường bảo “nghĩa tử là nghĩa tận”, chết xem như là xong một cuộc đời ở trần thế này; người chết chẳng còn có thể làm hại ai, thế tại sao sự thù oán vẫn còn dai dẳng đối với những người đã nằm yên dưới mồ? Nhiều lúc bà tự hỏi liệu người chết còn biết giận hờn, đau đớn hay không? Bà không thể trả lời giùm cho người chết, nhưng bà biết rõ bà, người mẹ có đứa con nằm dưới mộ, bà vẫn đau khổ, giận hờn và còn tức tối hơn nữa khi những người không từng bị mất mát, lại bảo bà phải quên giận, quên hờn, quên đi sự dày xéo lên trên những nấm mộ của người đã chết, và quên luôn sự hành hạ đối với người còn sống. Họ có biết là khi họ mở miệng nói lên những điều đó, thì đồng nghĩa họ bảo bà hãy chết đi, đừng nên tiếp tục sống trong cuộc đời này.

Hình ảnh một buổi trưa cách nay hơn ba chục năm hiện rõ trước mắt bà. Giữa trưa bà đang nhúm bếp lửa để sửa soạn bữa cơm cho gia đình thì nghe tiếng giày botte de saut, rồi đứa con trai lớn nhất của bà đã hiện ra trước mắt. Dáng cao lớn của nó đứng chật hết khoảng cửa thông từ nhà trên xuống căn bếp nhỏ xíu ám đầy khói. Rồi nó đến gần dúi vào tay bà mấy tờ giấy bạc.

- Lương lính của con đó mẹ. Mẹ giữ chút ít cho các em.

- Thôi con ạ! Đồng lương con đâu được bao nhiêu mà đưa cho mẹ. - Bà dúi lại mấy tờ trăm vào tay thằng con.

- Con đủ tiêu rồi, mẹ giữ lấy cho các em.

Bà nhìn thằng con. Đứa con hiếu thảo mà bà thương nhất nhà. Bao giờ mẹ lại chẳng thương con trai, nhất là con trai đầu lòng, bà an lòng với ý nghĩ như vậy. Bà thấy da nó chừng như đen hơn. Người nó có vẻ dạn dày hơn ngày bà tiễn nó vào quân trường Quang Trung cách nay mấy tháng. Thời buổi giặc giã nầy, nhà nào có con trai lớn đều sợ con phải đi lính, sợ con phải ra trận. Những bà mẹ như bà đâu bao giờ muốn con mình phải cầm súng giết người. Lắm khi bà tự hỏi, tại sao cuộc đời bà không bao giờ được yên? Cha mẹ bà đã bị đấu tố chết ở miền Bắc. Bà sợ hãi lén trốn theo họ hàng vào Nam từ năm năm tư. Bây giờ họ lại vào đây, bà không biết chạy đâu nữa bây giờ, có lẽ vì thế mà con bà buộc phải đi lính.

- Con chọn binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.

- Hả, con nói gì!

Bà hoảng sợ tưởng mình nghe lầm. Thủy Quân Lục Chiến! Sao nó lại chọn cái binh chủng dữ dằn như vậy? Sao nó không chọn Địa Phương Quân cho gần nhà. Như thế là con bà sắp sửa thật sự xa bà. Bà thấy thảng thốt. Người bà tê cứng. Hình ảnh bà bạn hàng xóm gục đầu bên chiếc quan tài được phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ của đứa con trai nằm chênh vênh nơi căn phòng khách chật hẹp, với mấy ngọn nến leo lét giữa buổi chiều chạng vạng hiện rõ trước mắt bà. Cảnh tượng thê thảm này ám ảnh trong tâm khảm bà mỗi lần bà nhìn mấy thằng con trai, nhất là thằng con đầu ngày một lớn như thổi. Nó là nỗi ám ảnh không nguôi đối với những bà mẹ như bà có con trai ở tuổi quân dịch. Nhiều lần bà cố xua đuổi hình ảnh tang thương đó và bà cố ăn ở hiền lành, để tin rằng những chuyện như thế chỉ có thể xảy đến cho ai khác, chứ nhất định không bao giờ có thể xảy đến cho cá nhân bà. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, có lúc bà đâm nghi ngờ và ôm mối sợ hãi. Có đúng thế không? Trường hợp của cha mẹ bà thì sao? Có bao giờ bà nghĩ đến trường hợp cha mẹ bà lại có thể bị đấu tố? Cái buổi tối cha mẹ bị lôi ra trước đám đông dưới ánh lửa lập loè của những ngọn đuốc, quằn quại dưới trận mưa đá và gạch của dân làng... Những hình ảnh khủng khiếp đã từng xảy đến cho bà một lần, liệu có bao giờ xảy đến lần nữa? Không thể nào có chuyện đó, bà tự trấn an, có lẽ trước kia bà đã không ăn chay, niệm Phật, không bố thí đủ, nên mới gặp cảnh khổ như thế. Bây giờ bà đã hết lòng với ông bà, với Trời, với Phật thì chẳng lẽ Ông Bà, Trời Phật không có mắt, lại bỏ bà, hơn nữa bà cũng tin tưởng những chuyện thương tâm không thể cứ mãi xảy đến cho một người. Hằng đêm bà tiếp tục cầu nguyện. Ngày rằm bà đi chùa, ăn chay cầu cho con bà tai qua nạn khỏi, cho chiến tranh chấm dứt trước khi con trai bà đến tuổi quân dịch.
Chiến tranh mãi vẫn không chịu chấm dứt. Con bà đã bước vào tuổi quân dịch. Bà nghĩ đến chuyện cho con trốn lính. Nhưng trốn bằng cách nào đây? Nghĩ để mà nghĩ chứ bà biết nó đâu chịu trốn chui trốn nhủi, để rồi sống không ra sống. Thằng con vào lính rồi, bà lại cầu cho nó được ở lại thành phố dù thấy mình không phải, vì nếu ai cũng như bà thì lấy ai đánh giặc, và quân Việt cộng ở ngoài Bắc lại tràn vào thì chạy đâu bây giờ? Biết thế, nhưng mẹ nào không thương con, mẹ nào lại chẳng sợ mất đi đứa con yêu dấu của mình? Thôi thì chỉ còn biết cầu nguyện Trời Phật độ trì cho gia đình bà.
Đứa con nhìn bà cười:

- Mẹ à! Lỡ đi lính thì phải cho ra lính. Muốn yếu xìu thà trốn lính còn hơn.

- Nhưng con phải nghĩ đến mẹ và các em chứ? - Mặt bà đăm chiêu - Mà này, bây giờ có cách gì đổi sang binh chủng khác không?

- Đã đăng vào binh chủng nào thì phải chịu. Mẹ sao khéo lo. Binh chủng nào cũng thế, con người có số cả.

- Biết thế, nhưng mình tránh đạn, chứ làm sao đạn biết tránh mình. Mà chừng nào con ra đơn vị?

- Con chưa đi ngay. Còn được ở Sài Gòn này lâu. - Mặt thằng con rạng rỡ.

- Thật hả? - Bà cười, bớt căng thẳng – Bao lâu vậy con? Có cách gì mẹ lo cho con ở lại Sài Gòn luôn không? À này mày thay đồ nghỉ ngơi, để mẹ nấu cơm cho ăn.

- Con đã ăn ở ngoài rồi. Lo sao nổi mà lo hả mẹ? Vả lại lính Thủy Quân Lục Chiến thì phải ra trận, ai lại ở thành phố bao giờ!. - Người lính nhìn xuống nét mặt lo lắng của bà mẹ thấp hơn anh cả cái đầu, chợt nghĩ đến câu nói vô ý của mình vừa rồi, anh vội trấn an mẹ. – Số con đặt biệt lắm không dễ chết đâu. Mẹ coi đó, trong mấy ngàn tân binh mà họ chọn có mình con.

- Mày nói gì mà mẹ chẳng hiểu. Họ chọn mày để làm gì mới được chứ?

- Họ cho con ở lại đây làm người mẫu cho người ta tạc tượng. Chừng nào tượng tạc xong thì mới phải ra đơn vị.

- Tượng gì thế hả con? Họ tạc bao lâu mới xong?

- Con nghe nói là tượng để đặt ở Nghĩa Trang Quân Đội. Con còn ở lại đây cả năm trời lận.

Chưa kịp nghĩ nên lòng bà chợt reo vui. Như vậy là bà còn được gần con trong một thời gian nữa. Bà không cần biết tượng được đặt ở đâu và tượng đó là tượng gì, tại sao phải tạc. Chỉ biết là con bà chưa phải ra trận và biết đâu chừng, tượng tạc xong đôi bên hưu chiến và chiến tranh sẽ chấm dứt, hoặc một phép lạ nào đó, con bà sẽ tiếp tục được ở Sài Gòn.

Bà nhìn tướng tá cao lớn của thằng con bên dưới bộ đồ lính rằn ri của quân chủng Thuỷ Quân Lục Chiến. Bà đến gần đưa tay chạm vào bắp tay rắn chắc của nó rồi ngước nhìn lên khuôn mặt tuấn tú giờ đã sạm nắng, bà mang cảm giác bâng khuâng khác lạ. Đứa con thật gần mà như thật xa. Vốn là phần máu thịt của bà và bà thấy nó là của bà, nhưng có một cái gì đó làm bà có cảm tưởng nó không hẳn thuộc về bà mà thuộc về một cái gì đó hơn bà. Tại sao giữa hàng ngàn tân binh trong quân trường Quang Trung người ta không chọn ai lại chọn ngay nó để tạc tượng, nhất định bà phải có được một đứa con thật đặc biệt. Nhưng tại sao tượng đó lại đặt trước nghĩa trang? Bà chợt nghĩ đến cái huông. Nhiều người tin như vậy. Lòng bà nhóm lên chút sợ hãi.

Con bà cứ hằng ngày đi đi về về. Bà gần như quên bẵng nỗi lo một ngày đó con trai mình phải ra đơn vị. Bây giờ trong đầu bà toàn những câu chuyện thằng con kể về những ngày nó ngồi làm mẫu để được người ta tạc tượng. Bà nhớ vanh vách những chi tiết liên quan đến bức tượng. Người nặn tượng cho con bà là nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu, tượng sẽ được đúc bằng đồng, và có thể cao đến năm mươi thước. Bệ đá để bức tượng cũng sẽ cao độ ba mươi thước. Mỗi lần kể mấy chuyện này với mấy bà bạn và thấy vẻ trầm trồ xuýt xoa của họ bà không khỏi thầm hãnh diện. Làm sao mà bà không hãnh diện cho được khi cả nước mà chỉ một mình con bà được ngồi làm mẫu cho bức tượng vĩ đại, để mỗi lần người ta nghĩ đến bức tượng, người ta phải nghĩ đến con bà.

- Mẹ, tượng xong rồi, ngày mai con phải ra đơn vị.

- Tại sao? - Bà hốt hoảng.

Thằng con cười xoà:

- Ai chẳng phải đi. Con thế là may, người ta đã đi hết rồi!

Nỗi lo sợ trần ngập tâm trí bà. Có lý nào người mẫu của bức tượng vĩ đại như vậy không được đối xử một cách đặt biệt? Tình mẫu tử của bà nồng nàn biết bao nhiêu, tại sao không đủ cầm chân con bà? Còn ít tiền trong túi, bà tất tả chạy ra chợ, bà muốn làm điều gì đó cho đứa con thân yêu ngày mai phải ra đi. Thằng đó thích ăn thịt kho tiêu, những hạt tiêu xay nát vừa phải, được rắc lên những miếng thịt heo xắc mỏng kho trong nước màu mầu nâu đậm. Bà rắc tiêu thật nhiều bởi nó thích như vậy, những miếng thịt vừa mặn, vừa cay được ăn với những hạt cơm trắng và nóng. Bà cẩn thận xắc từng miếng thịt. Cẩn thận thắng nước màu. Cẩn thận quay đều cần trục của chiếc máy xay tiêu để những hạt tiêu được rớt đều trên nồi thịt kho. Tình yêu thương của bà như thế đó, nó gói ghém vào nồi thịt kho có chất nước sền sệt, vừa mặn mặn, ngọt ngọt, cay cay. Ngày nó còn ở trong quân trường, tuy cực khổ, nhưng bà được dịp thăm nuôi nó hay cuối tuần nó lại được phép về nhà và bà lại có dịp trổ tài kho thịt của bà. Còn bây giờ thì nó sắp thật sự xa bà vạn dặm, rồi đây lấy ai kho thịt cho nó ăn!

- Bà ơi! Cỏ sạch hết ở ngôi mộ này rồi, bà còn muốn dẫy thêm nấm mộ bên cạnh không?

Tiếng thằng nhỏ làm bà sực tỉnh. Thằng nhỏ chỉ độ mười một, mười hai tuổi là cùng. Lần đầu gặp nó, bà đã sợ nó không đủ sức giúp bà làm sạch cỏ một nấm mộ, nói gì đến chuyện sơn phết hay làm sạch đến nấm mộ thứ hai, thứ ba. Nào ngờ thằng nhỏng năng dữ, chừng như rất quen thuộc với công việc giẫy cỏ mộ. Bà gật đầu bảo nó làm sạch và làm kỹ thêm ngôi mộ thứ tư.
Mỗi ngày nó đều đứng vòng quanh khu nghĩa trang thê lương, tàn tạ này. Nó quanh quẩn ở đó để chờ đợi. Người đến viếng tuy vắng, nhưng đó là chút ánh sáng hy vọng giúp cho cuộc đời nó đỡ khổ. Bây giờ gặp bà cụ này, nó thấy cuộc đời nó thật sự đang gặp cơ may. Nó ngước lên liếc mắt về phía bà cụ.

Nhớ hôm đầu tiên, khi chiếc xe ôm vừa ngừng lại trước khu nghĩa trang, bà bước xuống trả tiền cuốc xe và dặn dò anh phu xe khoảng xế trưa thì trở lại đón. Vừa bước đi được mấy bước tiến vào khu nghĩa trang thì thằng nhỏ tay cầm chiếc cuốc đã lẽo đẽo theo sau với giọng Bắc lờ lợ của nó.

- Bà đi giẫy mộ phải không? Con giẫy lẹ lắm, bà mướn con nhé!

Trước khi đến đây bà có nghĩ đến sức lực giới hạn của một bà già nên nghĩ đến việc mướn người và có ý lo không biết tìm người ở đâu để mướn. Nào ngờ chuyện mướn được người lại đến dễ dàng như vậy, có điều trông tướng tá loắt choắt của thằng nhỏ, bà không mấy tin tưởng vào sức lực của nó. Tuy nhiên thà có một thằng nhỏ như nó bên cạnh còn hơn chỉ một mình lủi thủi nhổ cỏ với đôi bàn tay không, và có lẽ suốt ngày bà cũng không thể nào hoàn tất việc làm sạch dầu chỉ một nấm mộ. Đến chừng nhìn cách giẫy cỏ của thằng nhỏ thì bà thấy ý tưởng về thằng nhỏ lúc ban đầu hoàn toàn sai lầm. Những nhát cuốc của nó lao vào đám cỏ tranh hết sức thành thạo. Thằng nhỏ bảo bà cứ ngồi nghỉ để một mình nó làm, nó dám đoan chắc với bà trong một ngày mình nó giẫy vài ba nấm mộ như chơi. Nhìn thằng nhỏ làm việc, bà biết nó có lý nhưng dầu làm được ít hay nhiều, bà muốn chính bà phải có công trong việc làm sạch nấm mồ; không phải một nấm mộ mà nhiều nấm mộ. Nhìn những nhát cuốc của thằng nhỏ bổ sầm sập vào đám cỏ, nhìn dáng dấp nhỏ thó của nó rồi tự hỏi không biết thằng bé còn chịu đựng với bà được bao ngày nữa? Thuở thằng con lớn của bà còn nhỏ, nhà bà cũng nghèo, tuy không đủ sức cho nó học hết trung học, nhưng nó cũng không phải cực khổ như thế này. Rồi cái chết của nó. Rồi năm bảy lăm. Rồi thằng kế vượt biên. Xứ người ta có khác. Một mình thằng này xoay sở, bảo lãnh được cho cả nhà. Tất cả các con bà đều khá, mấy đứa lớn có đứa mở tiệm, có đứa học được nghề giỏi đi làm được khá tiền, mấy đứa nhỏ tiếp tục học hành, đều ra trường cả. Còn thằng nhỏ này, từng tuổi này đã phải làm những công việc quá sức như thế, bỗng dưng lòng bà dâng lên mối xót thương.

- Này cháu, nghỉ uống nước cho khoẻ rồi hẵng làm tiếp.

- Cháu chưa mệt, để cháu làm nốt chỗ này đã.

Thằng nhỏ ngừng cuốc ngước lên nhìn bà cụ.

- Mệt thì cứ việc nghỉ nhé cháu. Cứ từ từ, còn dưỡng sức vì bà cần cháu nhiều ngày nữa.

Thằng bé vừa ngẩng đầu đủ nói tiếng vâng, lại cắm đầu xuống cuốc mạnh vào đám cỏ còn dày đặc bao quanh ngôi mộ. Lòng nó mừng khấp khởi nghĩ đến những đồng tiền và thấy số nó sao may mắn, chỉ cầu cho công an đừng làm khó dễ mà thôi.

Vừa dứt lời, bà lần trong túi xách mang theo bên mình lấy ra hai gói xôi, chục quả trứng và bốn quả cam, cùng bó nhang khá lớn. “Chỉ tiếc là mình không còn đủ sức để mang thêm”, bà lầm thầm trong miệng. Rút ra vài cây nhang, bà nhìn tấm mộ bia đã bị ai đó đập phá làm tấm ảnh của người chết chỉ còn những chấm đen trắng, chẳng còn hình thù rõ nét. Lòng bà thấy nhói, nhớ đến bức hình của thằng con nằm trên đầu chiếc quan tài nhẹ hổng được phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ, bên cạnh đó là những cây nhang và những cây đèn cầy màu đỏ với ánh sáng leo lét. Mà không, bà nhớ lại thời gian trước đó nữa. Những ngày tháng chờ đợi và những lời cầu nguyện cho con được bình an.

Bức tượng con bà nghe nói đã được dựng lên đâu ngoài xa lộ Biên Hòa. Bà muốn xem bức tượng tròn méo như thế nào, nhưng tối ngày cứ quanh quẩn trong nhà lo cơm nước cho cả gia đình, chẳng đi tới đâu là đâu cả. Bà hy vọng ngày nào đó thằng con về phép sẽ dắt bà đến xem bức tượng một lần cho biết. Bà đếm từng ngày, từng giờ. Tháng thứ nhất qua đi, bà nhận được bức thư của thằng con gửi về với cái địa chỉ ở đâu bà cũng không biết, chỉ thấy nơi đầu bì thơ có mấy chữ KBC. Trong thư nó không nói đang thật sự ở đâu. Chỉ vắn tắt cho biết là vẫn bình an và bảo với bà đừng lo vì lớn rồi nó biết lo thân. Con viết như vậy, nhưng làm mẹ, làm sao bà yên tâm cho được. Bà cố suy nghĩ, không biết KBC là ở đâu, cuối cùng bà đoán K có lẽ là Kontum, nhưng còn B còn C thì bà chịu, hết đoán ra. Từ trước đến giờ trong nhà đâu ai đi lính để gửi những bức thư như thế này. Bà đi hỏi người chung quanh, cuối cùng thì biết K không phải là Kontum mà có thể là Pleiku, là Quảng Ngãi, Bình Định hay bất cứ nơi nào của bốn vùng chiến thuật.

Nỗi lo của bà đã biến thành sự thật. Con bà không bao giờ còn dịp trở về để đưa bà đi xem bức tượng. Bởi đứa con trai của bà bây giờ là tượng và tượng chính là đứa con thân yêu của bà. Xác của nó không có dịp trở về với bà. Người ta xác nhận con bà đạp trúng mìn, thân xác nó chỉ còn là những mảnh vụn bầy nhầy. Xác nó đã nhập vào đất, vào sông, núi, cây, cỏ; hồn nó không thể nhập vào xác, bà tin hồn con bà đã thật sự nhập vào bức tượng.

Cuối cùng bà cũng được dịp nhìn thấy bức tượng. Chiếc quan tài với ít da thịt của con bà chiếm một chỗ trong nghĩa trang. Mộ nó trông giống như bao nhiêu nấm mộ khác. Có điều lúc bà nhìn chiếc bệ với tượng con bà được đặt ngồi bên trên, bà nghĩ chính nơi đây mới thật là nấm mộ của con bà. Trông bức tượng không khác xương thịt của đứa con trai. Nét mặt cứng rắn mà khoan hoà. Thân thể đầy nhựa sống đang ngồi trong tư thế nghỉ ngơi với khẩu súng đặt trên đùi. Hai tay nó đặt trên súng, mắt nhìn vào một chân trời xa xăm nào đó thật bình an mà bà chắc chắn không có những hận thù, chém giết. Mỗi lần nhớ con, bà lại leo lên xe lam đến nghĩa trang nhìn ngắm bức tượng và cảm thấy được an ủi. Lắm lúc bà có cảm tưởng không phải chỉ mình linh hồn của con bà nhập vào tượng mà chừng như hàng ngàn linh hồn đã hoà nhập vào đó. Mỗi lần bà đứng bên mộ con thắp nhang, cảm giác mất con lại dâng lên lại khiến bà sụt sùi thương nhớ con. Ngược lại, đứng trước bức tượng nguyện cầu, cảm giác mất mát đó dường như biến mất, chừng như con bà đang còn lẩn quẩn đâu đây, đang vỗ về an ủi bà. Những lúc ấy, dường như không phải chỉ một linh hồn của đứa con trai yêu dấu mà là hàng ngàn các linh hồn của những thanh niên chết trẻ đã cùng cùng trở về để an ủi những bà mẹ như bà.

Có hàng loạt bài báo viết về bức tượng. Cả nước biết đn con bà. Ngày hôm nay có bài báo viết về sự linh thiêng của bức tượng. Lối xóm gần khu nghĩa trang cho biết đã nhìn thấy bức tượng, hay chính thật là con bà, cao lêu khêu, tay cầm nón sắt đi vào trong xóm xin nước. Bà lật đật nấu nước pha trà cúng con, rồi mang theo nước và nhang đèn tất tả leo lên chiếc xe lam đến cúng mộ con và cúng trước bức tượng. Hết tờ báo này viết về đứa con của bà, đến tờ báo khác. Hôm nay thì một tờ báo đoan chắc là nhiều người nhìn thấy con bà đứng dậy vươn vai. Bà tin những câu chuyện như thế có thật. Người bị thương ở trận mạc bao giờ cũng bị mất máu, bởi thế nếu con bà hay những linh hồn nơi những nấm mộ bị khát nước phải đi xin nước cũng là chuyện rất thường. Còn những bài báo, bà mua về đọc xong cắt ra để dành, giờ nào rảnh lại mang ra đọc tiếp.

Bà không theo đạo nào, ngoại trừ cúng giỗ người chết. Linh hồn của những người thân sẽ theo phù trợ gia đình. Người chết nuôi người sống. Người sống phải có bổn phận biết ơn người chết. Bà tin tưởng tất cả những điều đó. Theo bà, ngày nào người chết không được đối xử tử tế, ngày đó người sống không thể làm ăn khá giả. Những nấm mồ ở nghĩa trang này bị tàn phá như thế, bị bỏ phế như thế, hèn gì lúc ở Mỹ, bà nghe nói nước Việt Nam là nước nghèo nhất thế giới. Suy đoán ra bà thấy điều đó cũng phải. Chưa kể ông bà mình còn nói “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết,” đối với người chết mà còn tạo ra sự chia rẽ, thì người sống không thể hợp tác để xây dựng đất nước.

Thằng nhỏ ngừng cuốc, mở nút chai nước mang theo ngửa cổ ực vào từng ngụm, trong lúc đó quay về hướng bà cụ, thấy bà lộ rõ nét mệt mỏi. Thằng bé tính mở miệng hỏi mối liên hệ giữa bà cụ với người nằm dưới mộ, nhưng nghĩ lại thấy không nên, sợ gây mối thương tâm. Ngay như người bố dượng của nó đã qua đời trước năm 75́, mẹ nó cũng đâu bao giờ kể chi tiết về cái chết của ông. Đối với ông là người trong nhà mẹ nó còn thế, huống gì với bà cụ vốn là người dưng, hơn nữa nó chỉ người đi làm công lấy tiền, bà cụ trả tiền nó cuốc đất, không trả tiền để trò chuyện. Hơn nữa nó sợ bị hiểu lầm là làm biếng muốn kiếm chuyện để đỡ làm việc, nhỡ bà cụ đâm ghét không thèm mướn nó nữa.
Đã qua ngày thứ tư, bà và thằng nhỏ gặp nhau quanh những nấm mộ. Hôm nay thằng nhỏ thấy bà cụ ra chiều mệt mỏi rõ rệt. Trời nắng chang chang thế này mà ngày nào cũng lên đây nó còn thấy mệt huống gì bà cụ. Gần chục ngôi mộ đã được làm sạch, được sơn phết lại, tuy không đẹp bằng những ngôi mộ nơi bố dượng nó nằm, nhưng so với lúc đầu thì đã tươm tất gấp bội. Xong ngôi mộ nào bà cụ cũng cúng vái, cũng thầm thì nói chuyện thì sự tò mò ở nó đã lên cao độ.

- Bà ơi! Trời nóng quá, bà dùng miếng nước nhé! - Thằng bé đưa đẩy, dầu biết trước câu trả lời của bà cụ.

- Cháu cứ uống, bà có mang nước của bà rồi.
 
Bà cụ ngước mặt lên nhìn thằng nhỏ mặt đang đỏ gay vì nắng rồi nghĩ thầm, thằng nhỏ thật giỏi và thật tốt, không có nó thì mình không cách gì làm nổi, hôm nay phải cho nó thêm tiền.

- Sao bà liên hệ với nhiều người ở đây thế?

Nó hỏi thật nhanh, như sợ nếu không hỏi sẽ chẳng còn cơ hội để hỏi.

Bà suy nghĩ không biết phải trả lời thế nào để cho thằng nhỏ hiểu. Ngập ngừng trong chốc lát, rồi bảo:

- Tất cả là con của bà.... bà xem tất cả như con...

Khuôn mặt thằng bé vẫn còn lộ rõ thắc mắc. Nói thế nào cho nó hiểu nhỉ? Có nói có lẽ chẳng bao giờ nó hiểu. Lòng bà đau vì cái chết của thằng con. Lòng bà đau vì nấm mộ của thằng con giờ đã bị đào phá, vĩnh viễn không còn được yên nghỉ nơi nghĩa trang này. Lòng bà đau vì hình ảnh con bà ngày nào trên bệ giờ cũng nát tan mãi mãi không còn được ngồi bình yên nơi chiếc bệ. Con bà và những người nằm đây đã làm gì nên tội? Họ bảo con bà mang nợ máu với nhân dân. Ai nợ ai? Họ còn sống, con bà chết. Họ bảo con bà mang tội ác vì đã chống lại nhân dân. Ai mang tội với ai? Chính họ vào đây tìm giết con bà. Trong đời sao có thứ người ăn nói ngược ngạo đến thế, thứ người vừa ăn cướp vừa la làng. Họ bảo con bà là kẻ thù của nhân dân. Ai thù ai? Cha mẹ bà bị họ giết. Con bà bị họ giết. Con của biết bao nhiêu người mẹ bị họ giết. Con của bà bị đào mồ xới mả. Con của biết bao nhiêu bà mẹ bị họ bỏ tù. Con của hằng triệu bà mẹ như bà đã phải sống dở chết dở với cảnh đói khát. Con của hằng triệu triệu những bà mẹ như bà đã bị lùa đi kinh tế mới, bị chết nơi rừng thẳm. Rồi vụ Trần Trường và lá cờ máu. Bà muốn tìm bình yên trong lòng. Bà muốn tìm sự an bình cho những đứa con còn lại. Bà muốn quên tất cả để xây lại tương lai cho những đứa con còn sống. Bà đã bỏ chạy xa đến một nửa vòng trái đất. Bà đã thu người thật nhỏ giữa cộng đồng người ngoại quốc to lớn. Vượt thắng nỗi cô đơn. Vượt thắng nỗi nhớ nước. Vượt thắng nỗi nhớ nhà. Chỉ mong đời sống ngắn ngủi còn lại được nhìn những đứa con đứa cháu nhởn nhơ lớn, nhởn nhơ cắp sách đến trường, nhởn nhơ xây dựng tương lai. Tại sao họ không để bà yên? Tại sao họ còn muốn giành giựt? Tại sao họ còn muốn rượt đuổi? Nửa vòng trái đất chưa đủ xa hay sao? Bà suy nghĩ. Bà thắc mắc. Bà tự đặt câu hỏi. Từ đó hình ảnh cũ sống dậy. Bà đau. Bà giận. Lòng giận lòng đau của bà lây lan sang những người trẻ. Lòng giận của những bà mẹ như bà tràn ngập cả khu Sài Gòn Nhỏ. Bà đã đến đó mấy chục ngày đêm. Bà bỏ công, bà bỏ của, bà giơ cao ngọn cờ, bà giơ cao ngọn nến. Hằng đêm, hằng ngày những bà mẹ như bà tràn ngập khu Bolsa. Trần Trường phải thua. Hồ Chí Minh phải thua. Sài Gòn Nhỏ là của bà, của những người mẹ như bà dành cho sự yên lành, dành cho sự tự do cho những đứa con còn lại. Sài Gòn Nhỏ là niềm tin trong hiện tại. Sài Gòn Nhỏ là niềm tin ở tương lai. Bà phải duy trì niềm tin này. Các bà mẹ như bà không bao giờ có quyền đánh mất niềm tin tưởng đã mất nay được vun quén trở lại.

Lá cờ máu biến mất. Trần Trường cũng biến mất khỏi Sài Gòn Nhỏ. Nghe nói những đứa con của ông ta nheo nhóc. Nghe nói ông ta sắp bị nhốt tù. Bà lại thấy tội nghiệp. Bà lại thấy mủi lòng như bao lần bà đã bị mủi lòng. Bà lại muốn tha thứ như bao lần bà đã tha thứ.

Những đồng tiền của bà đóng góp. Những đô la Mỹ được mấy chục ngàn người đóng góp với mục đích dùng nó để đền bù cho những người bị thiệt hại và đền ơn cho những người từng chịu đựng gian khổ trong cuộc đấu tranh. Thế mà người ta đành lòng dùng số tiền đó để tậu building, làm tài sản riêng phục vụ cho bước đường công danh của một vài kẻ cơ hội. Rõ ràng bà đã bị phản bội...

Ngày tháng qua nhanh. Tóc bà trắng xoá. Chân bà bước chậm. Tay bà run rẩy. Nhưng nỗi buồn rầu, tức tối, giận dữ vẫn tiếp tục ứ đầy trong từng ý nghĩ, trong từng hơi thở. Rồi làm sao bà yên lòng nhắm mắt. Trán bà hằn thêm nhiều vết nhăn vì sự suy nghĩ.

Thằng nhỏ vẫn còn ngước nhìn bà như chờ đợi câu trả lời rõ ràng hơn thế. Bà chậm rãi hỏi nó:

- Cháu từng ghét ai bao giờ chưa?

- Có. Cháu bị thằng bạn chơi ăn giựt, suỵt nó ra.

- Vậy cháu còn muốn chơi với nó nữa không?

- Muốn, nhưng nó phải ngưng ăn giựt của cháu.

- Bà cũng thế. Cũng bị người ta quịt. Bà chờ đợi người ta trả lại những món nợ đó cho bà, chờ từ lúc bà còn bé như cháu cho đến giờ đầu tóc đã bạc cũng chẳng ai chịu trả. Bây giờ trải qua hằng bao nhiêu năm học hỏi, tìm tòi mới nghiệm được là người tham thì chỉ muốn vơ thêm, không bao giờ chịu nhả, và như thế mình sẽ không bao giờ lấy lại được những thứ đã mất. Muốn lấy lại, mình chỉ còn cách tự ra công sức để tìm lại, có thế mới hết ghét người đã ăn quịt mình. - Bà cụ nhìn thằng nhỏ cười, - Cháu biết bà tìm bằng cách nào không?

- Không.

Mặt thằng bé lộ vẻ ngơ ngác.

- Phải tìm cách xây dựng. Chỉ có sự xây dựng mới tạo được cái đẹp. Con người sẽ quên đi giận, hờn, đau khổ nếu được bao quanh bởi cái đẹp. Cháu còn nhỏ, cháu đủ thì giờ để làm một điều gì đó giúp cháu nguôi ngoai sự giận dữ đối với thằng bạn ăn quỵt cháu. Bà già rồi, trước khi bước sang bên kia thế giới, nợ ai bà muốn trả, ai nợ bà muốn đòi; không trả được cách này bà tìm cách khác để trả, không đòi được con nợ bà phải tự tìm cách xoá nợ, có thế lòng bà mới thanh thản tìm về chỗ vĩnh hằng.

Câu hỏi của nó thật đơn giản là những người nằm dưới mộ liên quan thế nào với bà cụ. Câu hỏi chỉ có thế mà bà lại trả lời vòng vo, hỏi một đàng trả lời một nẻo, chẳng hiểu thế nào cả. Có lẽ già rồi nên bà cụ trở nên lẩm cẩm. Nghĩ đến số tiền công lớn lao sẽ nhận được vào buổi chiều, nó lật đật trở lại ngôi mộ đang cuốc dở dang, bổ nhanh những nhát cuốc vào đám cỏ rậm rạp.

Thằng nhỏ đi rồi, bà̀ cầm nửa bó nhang chia làm bốn, bật diêm đốt cháy rồi cắm những cây nhang vào đầu ngôi mộ vừa mới làm sạch, chừa lại một ít rồi sang mấy ngôi mộ đã được làm sạch vào mấy hôm trước cắm vài nén vào đầu những bia mộ rồi ngồi xuống lâm râm khấn vái.

Nắng gắt, và trời không có lấy một ngọn gió, bà thấy người bà chừng như nóng hơn và thấy nhói nơi lồng ngực. Ngước mặt về hướng thằng nhỏ, bóng thằng nhỏ chỉ còn mấy nét chấm phá lờ mờ...

- Bà ơi bà! Bà sao thế.

Thằng nhỏ cuốc thêm được một lúc, ngước mặt lên bỗng thấy bà cụ đang nằm sóng xoãi trên mặt đất, lật đật bỏ cuốc chạy lại lay người bà cụ và thấy người bà cụ cứng đơ.

Ý nghĩ bà cụ đã chết làm nó hốt hoảng, lật đật đứng dậy bỏ chạy. Chạy được một quãng, nghĩ sao lại vội vã quay lại lục chiếc túi bà cụ mang theo, rồi soát nhanh nơi người bà cụ. Không thấy giấy tờ gì, ngoài xấp tiền Việt Nam và xấp đồng đô với con số một trăm rớt ra. Mắt nó sáng lên lật đật nhặt những đồng đô và xấp tiền Việt nhét vội vào túi quần, nghĩ sao lấy một nửa xấp đồng Việt bỏ trở lại túi bà cụ rồi lật đật chạy.

Nhưng thế nào công an cũng biết nó đã ở đây với bà cụ, đầu nó làm nhanh một con tính. Hay là báo với công an rồi mặc cho công an làm gì đó thì làm. Nó thấy hình như nó đang ăn quỵt bà cụ. Hay là đưa những đồng tiền cho mẹ, cho mẹ nó biết về cái chết của bà cụ. Có thể mẹ nó sẽ nhận đại bà cụ là bà con, có thế không ai còn dám gièm pha việc nó làm cỏ giúp bà cụ và biết đâu chẳng xin được phép chôn bà cụ. Nghĩ đến những đồng tiền đang nằm trong túi.

Chôn cất xong cho bà cụ vẫn còn dư khối tiền. Chẳng cần chôn đâu xa, cứ chôn bà ngay đây cho tiện, như thế con cháu bà cũng dễ tìm. Yên lòng với ý nghĩ đơn giản đó trong đầu, thằng bé lật đật chạy nhanh về hướng có những căn nhà lụp sụp nằm bên phải khu nghĩa trang.
 

Ngọc Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn