Chờ Đợi Những Mùa Tôm

16/06/20071:19 SA(Xem: 2263)
Chờ Đợi Những Mùa Tôm

Cứ mỗi lần gặp, bác lại nhắc ba, hỏi thăm ông bạn già ra đi từ mùa chuyển dịch. Ba bỏ phố về đồng, đào vuông, nuôi tôm. Con thưa, Ba con khỏe, nhưng ốm nhom, đen thui thùi lùi, cằn cỗi người đi. Như cây dừa Xiêm đầu liếp, khi nước bắt đầu thấm vào thớ đất mặn mòi, con người cũng khác. Khi nào rảnh, con mời bác về thăm ba con chơi. Chỗ ba con ở không xa nhà mấy, qua cây cầu có con đường nhỏ dẫn xuống mé sông, qua chuyến đò ngang, men theo cái bờ đã lở như cá chốt rỉa sẽ đến đập Bộ Phát. Lần theo mé kinh nhỏ, bác sẽ gặp ba con. Không biết bây giờ ba con đang làm gì. Nắng này, chắc ba con đi trồng cỏ nước mặn cho cỏ bò che phủ mặt nước, để nước đừng nóng lên. Chắc ba đang đóng lại cái cống tháo nước bằng gỗ. Chắc ba đang hì hụp xúc sình bồi lên cái bờ vuông vừa lở chiều qua… Mà có thể, bây giờ ba con đang ngồi uống trà, má con nấu bữa cơm chiều, con cá phi kho khô tỏa mùi mặn nồng trên bếp, má kể sáng này thấy được con tôm rồi, nó bằng ngón tay cái vầy nè. Hai ông bà cười, mơ về những giấc mơ xa xôi lắm. Con tin rằng, bác sẽ giật mình khi nhìn thấy ba má con như chính con giật mình khi nửa tháng, mười bữa mới gặp. Ông bà già đi nhanh, cái già tranh thủ từng ngày, từng giờ, mót máy từng khoảnh khắc của cuộc đời. Chỉ mới một mùa tôm thôi, bác à, nhưng đó là mùa tôm người nông dân vùng chuyển dịch vắt kiệt mình ra trước bao nỗi cực nhọc, buồn vui. Con vẫn tin rằng, làm vuông nuôi tôm làm cho người ta sống cùng, sống tận với cảm xúc của mình nhất. Vui thôi là vui cái hồi bắt đầu cất căn chòi nhỏ. Mỗi chuyến đi về, ba má con xách theo nào nồi niêu xoong chảo, nào là mùng mền chiếu gối. Ba con nói vui "cảnh nầy y chang tui với bà vừa mới cưới, được ra riêng". Một mái ấm dựng lên trên góc đất, nằm cặp mé kinh. Một chiếc xuồng nho nhỏ buộc đằng trước nhà. Dưới ruộng, đất đang cắt, đang đào, bờ bao ngạn lờ mờ hiện ra trong làn nước. Dọc theo xóm, nhà nào, người nào cũng hồ hởi. Nửa đêm, gió thổi hiu hút, trở mình nhớ nhà, nhớ đám con cháu ở nhà, tụi nó lúc nào cũng cười giỡn, cãi vả eo xèo, cãi cũng vui thiệt là vui. Rồi ba hỏi má, mình bỏ nhà, lặn lội vô đây để làm cái gì bà ha ? Má không nói vì cái gì, má chỉ an ủi, cùng lắm hai mùa tôm, có chút vốn kha khá rồi mình sẽ về. Cái hồi đó sao mà hy vọng tràn đầy, hy vọng lênh láng. Phải chăng vì niềm hy vọng khao khát vươn lên nên khổ cực tới đâu ba má con cũng chịu. Một đêm vài ba lần, ba má con thức dậy, đi rảo một vòng vuông, canh con nước ... Mức nước ngoài sông không cao, kinh cạn, đón con nước nửa đêm, hai ông bà ì ạch khiêng máy ra tát vô đầm nuôi. Chập chờn một chút, má choàng thức, rủ ba hì hụi đem máy vô chòi. Bác cũng biết, chuyện tiếp nước cho tôm từ cơ sở hạ tầng trồng lúa cũ đang là một trong nhiều khó khăn của chương trình chuyển dịch ở tỉnh mình. Nên chuyện nước ra nước vào ở chỗ ba con như một tiểu tiết, một chấm nhỏ mờ mịt trong 200ha chuyển từ đất trồng lúa sang nuôi tôm trong tỉnh. Không ai bảo ai, bà con ở xóm kinh tự lo, tự xoay xở riêng mình như hồi nào giờ vậy, nhà nước lo được bao thì hay bấy nhiêu. Có tủi thân, tủi phận thì lủi thủi than thở với nhau chơi, vậy thôi. Nhà nước còn phải lo tỉ tỉ chuyện lớn, chuyện mất còn khác. Những đêm mưa, sợ nước dâng ngập bờ, dầm mình đi tháo nước, những ngày nắng, lặn lội xúc từng gàu sình từ đáy đầm lên… Ba má con an ủi nhau, hồi trước giờ có khi nào nhà mình hỏng cực. Nào là trồng cải, trồng ngò đội đi chợ, nào là mua so đũa về làm nấm rơm, nào là đi mua lúa hàng xáo, rồi làm hai ba vụ lúa… Có làm gì mà không cực khổ, dậy sớm thức khuya. Nhưng không làm nghề gì khắc nghiệt như nuôi tôm, y như trên chiến trường, "thắng làm vua, thua làm giặc", mà là giặc nghèo, giặc đói mới chết. Ba tháng nhọc nhằn, ba tháng rót vào lòng đầy hy vọng, tôm chết. Lúc đầu còn chết từng vuông, từng chòm, sau chết cả vạt đồng, cả xóm, cả vùng. Tôm chết như người ta trở một bàn tay. Lẹ ghê, ngủ một đêm sáng dậy thấy tôm lụi vô bờ, nằm dại khờ trên gờ đất, ngọn cỏ, ngọn rong. Vớt từng con tôm nhỏ bằng ngón tay út lên lòng rưng rức, đứt ruột. Tở phở hỏi nhau làm sao mà tôm nó chết vậy kìa ? Có ai làm gì nó đâu mà nó chết, mình quý nó còn hơn mạng mình nữa mà? Tôm chết rồi làm sao cứu đây ? Cho nó uống thuốc gì, chích thuốc gì ? Ý trời, Anh là cán bộ ngoài tỉnh vô làm vuông, bộ không biết sao ? Làm sao biết được. Bụng xót như xát muối, te tái chạy đầu trên đầu dưới hỏi nhau những câu ngớ ngẩn mắc cười. Tôm chết rồi, cũng hệt như bà con ở xứ mình, ba má con mới biết mình hỏng nặng về kỷ thuật. Lăn lộn cuộc đời nông dân ngót năm mươi năm không có chút kinh nghiệm nào có thể đem vào chuyện này, má con nằm gác tay trên trán, thở dài, rút ra kết luận. Má tá hỏa khi biết hầu hết tôm giống trên thị trường không hề được kiểm dịch, đúng quy trình phải quăng cả trăm ký vôi bột mà mình xài có hai ba chục ký… Báo chí than bà con mình thiếu thông tin, thiếu hiểu biết rầm trời, các chú "ở trên" nhằn, bà con mình nóng vội quá. Nhưng bà con họ chờ bao lâu rồi hở bác, lâu quá là lâu rồi, từ đời cày cấy này qua đời trồng tỉa khác, họ kỳ vọng cái ngày vươn lên. Tôm chết, giống như một luồng nước lạnh tạt vào ngọn lửa trong lòng của mỗi người. Nhưng ngọn lửa ấy không tàn lụi, nó vẫn rạo rực cao ngọn từ tro ướt. Đã tắt hy vọng đổi đời từ cây lúa, người ta chờ đợi những mùa tôm. Ba má con chắc là bị "sốc", bác cũng biết, gì thì má con làm ruộng cũng giỏi có tiếng tăm mà. Bà cảm thấy buồn lắm. Hai ông bà gầy rộc, sọp người đi. Ba con thôi làm thơ. Con không biết tại sao. Con vẫn thầm mong ba làm thơ lại. Trời đất ơi, bây giờ ba mà làm thơ được chắc là hay lắm. Những bài thơ không chỉ có tình yêu nam nữ, không chỉ có bức bách đời thường, mà nó còn mang nặng những niềm vui nỗi buồn lớn lao, đông đúc của người nông dân. Ba con kể chuyện vui. Ba nói có chú nào ở đầu kinh dưới hồi thả tôm tới giờ không thấy nó nổi lên chơi chơi như bầy cá mẹ ròng ròng hay cá chép, cá mè, dượng vái đất nước ông bà cho chú thấy bầy tôm, cúng gì chú cũng chịu. Ai dè, bầy tôm nổi thiệt, nhưng mà lúc nó nổi lên tức là đã nhiễm bệnh rồi, và tôm chết đỏ đầm. Chú mới vái lại, ông bà phò hộ dùm con, khỏi thấy cũng được. Ông bà nào phò hộ nổi hả bác ? Trước những hiểu biết mịt mờ về con tôm, người nông dân cũng biết mếu máo cười mình. Ba con nói chuyện vui. Ba nói nuôi tôm trước sau gì cũng giàu, hỏng giàu cái nầy mình giàu cái khác. Chẳng hạn như không có tôm thì mình múc nước dưới đầm lên nấu lại thành muối, muối bây giờ bán cũng có tiền lắm chớ, giỡn sao. Nghe cứ buồn cười không chịu được, đau lòng không chịu được. Tôm lại thử lòng chịu đựng của nông dân, tụi nó mở đợt chết thêm vài ba đợt nữa. Đó là lý do tại sao lúc bác hỏi ba con giờ giàu chưa, con phì cười. Đợt tôm đầu, bán lai rai lấy lại được chút vốn mua con giống, ba má con đã là quán quân xóm kinh rồi. Má con bắt tép bạc lấy tiền mua đồ ăn mắm muối. Má nói, làm gì làm cũng đừng đụng vô mớ tiền bán tôm, đó là tiền gối đầu cho vụ sau, mùa sau. Bác cũng biết tài tháo vát của má con hồi chiến tranh, bây giờ cũng vậy. Má định ra kế hoạch sản xuất, má đi học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi tôm đi trước. Má luôn luôn vực cả nhà khỏi chán nản, tuyệt vọng. Má con có nhiều "bài" lắm, má nói tổ tiên họ Mạc của má linh thiêng lắm, hỏng lẽ nào ông bà để mình khổ hoài, má nói, một ký tép bạc, tép đất cũng ăn đứt giạ lúa theo giá bây giờ. Với ba, để thắp hy vọng như ngọn đèn không tắt, má nói về tụi con. Con bắt đầu biết vì lẽ gì mà ông bà dầm dãi. Không có cái gì riêng cho ba má con đâu, bác à, như bác, như hàng vạn người cha, người mẹ khác vậy thôi một lòng lo cho đám con. Nên có hai người già trên đồng trống hốc, gió giật mái chòi. Nắng đỏ ngầu. Mưa trắng xóa. Bà tóc bạc như nhuộm ở tuổi 50, sáng sáng xách nhúm tép đất ra đầu kinh xáng bán rồi về ngoài nhà, bơi vài xuồng gạo bỏ mối có, bán lẻ có. Chiều vô vuông đặt lú, nấu cơm. Ông già gầy gò, đen đúa mỗi tháng một lần về họp chi bộ, sẵn thăm nhà luôn. Thời gian còn lại lặn ngụp dưới ao đầm, vớt rong, trồng cỏ, vét bùn, đắp bờ. Sáng sáng, chiều chiều, đi xách nước ngọt bên kinh, hai tay lặc lè hai thùng qua cầu khỉ. Không ti vi, không sách báo, chỉ cái đài con con. Có họp hành gì người ta mời ba, má đốc ba đi, ba nói "Chân tui đóng phèn quá bà à", má năn nỉ, "ông mà chịu đi tui cạo bớt cho". Đêm, người canh chòi trên, người chèo queo chòi dưới. May mà còn những giấc ngủ nhọc nhằn sau khi đã trằn trọc thỏa thuê. "Thượng đế ban cho chúng ta hy vọng và giấc ngủ để đền bù cho những nỗi lo lắng của cuộc đời". Mà, bác đừng nghe con kể lể rồi thương xót ba con, rồi nghĩ "tội nghiệp, cái thằng hồi đó làm cán bộ oanh liệt vậy mà bây giờ sống khổ quá (nói cho văn vẻ chớ có oanh liệt khỉ khô gì)". Nếu có thương xin bác thương nhiều bà con khác, họ nghèo, chan chát chỉ chờ có con tôm, tôm càng chết nhiều, họ càng khổ. Má con còn ở nhà mảnh ruộng lúa đang xanh, còn cái quán nhỏ bán buôn cám gạo sống cũng được. Ba con thì giàu lắm, giàu gió giàu trăng, giàu bạn bè. Cái chòi lá của ba con vô cửa phải cúi người vậy mà không lúc nào ngớt khách. Bà con ở xóm kinh đi qua ghé uống ly trà, đi lại ghé ăn miếng bánh. Không có thông tin báo chí ba thôi buồn lòng vì vụ tham nhũng này, vụ tiêu cực kia, thôi buồn vì nhìn thấy cảnh gay mắt, chướng tai. Đôi lúc người ta thèm sống một cuộc sống như thế. Thèm sống với những lo lắng, ước mơ rất thường tình. Thèm ngồi trong một căn chòi thấp sũng nhưng đầy gió, vây quanh ly trà đượm khói, những người nông dân áo phèn, nước rõ long tong từ ống quần đầy bùn đất, nghe trên đài tiếng nói Việt Nam đang tường thuật trực tiếp trận bóng đá chung kết cúp quốc gia mà tức mình, "vụ tôm này mà suôn sẻ, thu hoạch xong, tui chạy ra chợ rinh liền cái ti vi tổ chảng về xúm lại coi cho đã". Nhắc tôm là rôm rả chuyện con tôm, chuyện kỷ thuật mới, chuyện con nước, con giống, chuyện sáng nay giá tôm sụt mất năm ngàn đồng một ký. Má con góp chuyện "Chỉ sợ tôm nhiều, giá cả đi vô con đường rẻ bèo như giá lúa, lúa ế mình còn để ăn được, chớ mấy ông "ở trển" lo không nổi đầu ra cho tôm, để dồn đống đó ăn ngán chịu gì thấu". Má và con tin rằng, dù lần lữa rồi thì những mùa tôm sẽ tới, bác à. Nó sẽ tới để thay đổi số phận, cuộc đời mỗi người, nó tới để đỉnh đạc báo rằng, chủ trương của nhà nước mình là đúng đắn, rằng cổ tích ngày xưa là có thật. Những con người lam lũ cực nhọc cả đời xứng đáng được trả công. Hồi nhỏ tới giờ con được dạy là phải biết hy vọng, lạc quan nhìn cuộc đời, bác à.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn