Ký sự nhân vật: Bắt phong trần phải phong trần
Kỳ 1: Kịch sĩ, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc
Vũ Đình Trọng/Người Việt
Một
“Một họa sĩ, vừa đi Paris với tôi về thì thêm: “Dĩ nhiên, sau mỗi chuyến đi, mở rộng tầm mắt, tôi không chối cãi được là có nhiều điều đã thẩm thấu qua tâm hồn tôi, và hắt trả ít nhiều trong tác phẩm”. Một đạo diễn có tác phẩm bị cấm (đây là loại người cho tới nay vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao lại sửa tới sửa lui cái tác phẩm như một tấm lòng thành của mình) cho biết rằng: “Trong tôi dường như lúc nào cũng có một nhu cầu bức bách cần chia sẻ với những người dân thất thế bất hạnh chung quanh và sáng tác của tôi dường như có bị ám ảnh bởi nhu cầu ấy...”
(Trích trong bài “Đi tìm người yêu” của Nguyễn Thị Minh Ngọc đăng trên www.gio-o.com.)
Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng bị cái ám ảnh ấy đè nặng ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1973, cô học sinh lớp 12B3 trường trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết đã có một vở kịch phi lý, nửa giỡn, nửa thật về cái chân lý mà theo cô không nhất thiết phải thuộc về những người đi trước, kể cả thầy cô mình. Hệ quả tất yếu là chị bị đuổi học, dù được một số thầy cô bênh vực. Sau khi “bản án” đuổi học được công bố, một buổi sáng chào cờ, anh chị em khối lớp 12 rủ nhau nghỉ học hết để đề nghị nhà trường cho Minh Ngọc đi học lại. Trước áp lực này, ban giám hiệu phải sửa “bản án” lại và chỉ phạt chị nghỉ một tháng. Chị nhớ lại “lúc ra hội đồng kỷ luật, họ cho tôi nói lời cuối cùng. Tôi chỉ nói được câu mà Thúy Kiều nói với Tú Bà là ‘Tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa’. Mà nói vậy chứ tôi đâu có chừa, nhưng tôi tin là tôi trinh bạch”, và cho đến giờ này chị vẫn tin tất cả những gì mình làm là đúng vì “điều cốt lõi là tôi không làm vì mình, mà vì những người thấp cổ bé miệng khác”.
Sau 30 Tháng Tư năm 1975, có một thời chị phải mưu sinh bằng thùng thuốc lá lẻ. Thi nhiều trường, nhưng chỉ đậu vô trường Sân Khấu, khoa Đạo Diễn. Ra trường lại kiếm sống bằng những tờ vé số, rồi chị cũng được đi dạy, làm đạo diễn, biên kịch, diễn viên... và những gì liên quan đến sân khấu.
Năm 1985, kịch bản “Đứng giữa đồi cao” của Nguyễn Thị Minh Ngọc đoạt giải thưởng kịch toàn quốc, người ta mới biết đến chị như một đạo diễn sân khấu, nhà biên kịch dù trước đó độc giả đã quen thuộc với những truyện ngắn của chị với bút danh Ngọc Minh. Sau đó, chị cùng với Huy Thống, Đặng Nhân, Hải Đệ... lập ra sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Từ đây những vở kịch do chị làm đạo diễn hay tác giả đã chinh phục không những giới trẻ mà ngay những người khó tính nhất cũng nhận ra được có một luồng gió mới đang thổi vào sân khấu vốn đã bị đông cứng vì những đơn đặt hàng.
Những vở kịch mang phong cách dựng và viết của Minh Ngọc lần lượt xuất hiện như “Nụ hôn có vị mặn của biển”, “Người tốt thành Tứ Xuyên”, “Con gái chị Hằng”, “Đoạn tình ca”, “Hòn vọng phu”, “Giấc mộng kê vàng”, “Người đàn bà thất lạc”, “Hồn Xuân Thu”, “Giữa hai bờ sương khói”, “Hãy khóc đi em”, “Hãy yêu nhau đi”, “Trái tim nhảy múa”, “Thằng Bợm có cái đầu to”... Hơn 50 vở kịch đều không đơn điệu, sáo mòn. Sân khấu như một nơi để chị nói cho mình và nói cho những người bất hạnh; kịch bản cũng chỉ là một cái sườn để chị chia sẻ những vấn đề chị đang trăn trở, đưa ra những hướng giải quyết những vấn đề mà cuộc sống hiện tại chưa thể giải quyết.
Những vở kịch của chị thường đụng đến những vấn đề gai góc của cuộc sống, và chị chợt nhận ra rằng mình đang mang trên vai hai nghề mà cả hai đều nguy hiểm ngang nhau: Viết văn và sân khấu.
Hai
“...Nhiều người khư khư tôi làm tất cả vì tôi, nhiều người nhún vai tỏ ý bất lực, nhiều người im lặng thở dài. Có người mạnh bạo hơn: Mỗi đợt tham gia hội diễn, tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại có thể ‘hèn’ đều đến thế. Dường như họ không phải sáng tạo cho chính họ nữa mà đang phấn đấu cho một nền văn hóa văn nghệ lấy ‘ban giám khảo’ làm gốc...”
“Có những phim Việt Nam tốn kém hàng tỉ đồng, hôm chiếu ra mắt với một công chúng miễn phí, cũng bị họ tỏ thái độ bằng cách rút lui từ từ để đến khi đèn sáng chỉ còn vài nhúm khán giả. Dù không bị mất tiền, họ vẫn tiếc điều họ đang bị đánh cắp: thì giờ... Nhiều đoàn nghệ thuật xập xệ, đi diễn ở những vùng xa chỉ với giá rẻ mạt nhưng họ đã không cấm được nhiều khán giả trách chê: ‘Biết vậy để mấy đồng đó mua bịch muối ăn cả năm còn có lý hơn nhiều’.”
(Trích “Đi tìm người yêu”)
Năm 2004, Nguyễn Thị Minh Ngọc được bầu là nhân vật sân khấu tiêu biểu. Nếu liệt kê các giải thưởng chị nhận được trong các lãnh vực điện ảnh, sân khấu và văn học thì theo chị cũng “mất vài trang giấy”, nhưng số kịch bản bị cấm cũng khá nhiều. Nhiều đủ để quân bình giữa cái được và không được, nên để giữ được thăng bằng trong tâm hồn để tiếp tục làm việc, chị tự trang bị cho mình một câu kinh của Ma Giáo trong truyện kiếm hiệp: “Sống chẳng lấy gì làm vui. Chết chẳng lấy gì làm khổ. Người đời thương ta lo âu hoạn nạn quả thực có nhiều. Ước gì ngọn lửa thiêng này thiêu tấm thân tàn của ta. Thành ra cố gắng tập như thắng không kiêu, bại không nản.” Cái triết lý được nhiều phần thưởng cũng không vui mừng mà tới lúc những đứa con tinh thần của mình bị cấm ra đời, hay bị vùi dập cũng không đau đớn đã giúp chị phần nào thanh thản. Nhưng “như tâm lý của một bà mẹ, đối với những đứa con tàn tật, thiếu tay thiếu chân, mình vẫn thương hơn” chị nghĩ “mình thương những tác phẩm bị cấm, bị cắt xén hơn những tác phẩm được ra đời bình thường”.
Chị thường là người đi trước, và điều đó có thể làm khó chịu những người đang ngồi ghế lãnh đạo. Điều giản dị là tại họ không đứng lên và đi theo sự phát triển của sân khấu đương đại. Có những sự thật giản dị và trong suốt ngoài đời nhưng lại trở thành lạ lẫm, thậm chí vô lý đối với một số người. Như thế thì “cái sự thật nào phải bóp méo đi để tác phẩm được ra đời? Và cái giá nào cần tô vẽ để chìu lòng ai đó, không phải ta... và khi đó, có còn nữa không, cái gọi là ‘tiết hạnh khả phong’ lại chính là những người đạp lên phẩm hạnh chính mình và người khác”.
Một sân khấu được phát triển theo những cái khung cũ kỹ có sẵn và áp đặt có gọi mời được những tài năng?
Ba
“...Ai cũng biết, cho đến giờ, vẫn không dễ gì mua vé xem vở ‘Dạ cổ hoài lang’. Hiện tượng này lẽ ra khuyến khích được nhiều kịch tác gia thì lại khiến họ chùn tay, bởi sau khi tổng hợp cá phân tích, anh em được yêu cầu phải sáng tác bằng hoặc hơn một tác phẩm đã đạt đỉnh cao của ba mặt: Nghệ thuật để chinh phục khán giả, doanh thu để yên tâm tái sản xuất và bù đắp thêm cho những tiết mục kém hơn và cuối cùng, phản ánh đúng đường lối, chủ trương chính sách để các cấp lãnh đạo đều nhất trí hoan nghênh...”
“Tiếc rằng đa số người viết kịch sau đó đều nhận ra mình đức mỏng, tài hèn... phấn đấu tối đa cũng chỉ đạt được hai trong ba yêu cầu đó; nên lòng tự trọng đã khiến họ cất giữ tác phẩm của mình trong ngăn kéo hoặc đi bán đổ bán tháo ở những chỗ vừa bán thuận mua để độ nhật mưu sinh.”
(Trích “Đi tìm người yêu”)
Có một sân khấu mới, sân khấu diễn đàn. Đây là loại sân khấu mà những vở kịch luôn có một đoạn kết mở, mở về phía khán giả. Những đoạn kết vô hậu sẽ làm nhức nhối khán giả, buộc khán giả phải bước lên sân khấu để thay đổi đoạn kết theo ý mình.
Trong một dịp sang Mỹ, chị được xem nhóm Noodle Club diễn vở “Love Story” theo dạng sân khấu này. Trước đó, qua những cộng hưởng với các đồng nghiệp ở Anh, Úc, Đức, Thụy Điển, chị đã áp dụng loại hình sân khấu giáo dục này vào một sân chơi mới cho sinh viên. Mục đích để tạo cho sinh viên một không gian mở để họ cùng tham gia, tạo thêm bản lĩnh cho họ để tự họ giải quyết những mẫu thuẫn phát sinh từ kịch đến đời. Ở sân khấu biểu diễn thì diễn viên cần thể hiện tài năng để tạo tên tuổi, còn loại sân khấu giáo dục thì theo chị “người diễn viên cần phải xóa mình đi, phải nương theo khán giả để họ bộc lộ ý định thay đổi đoạn kết. Nhân vật trung tâm của sân khấu này là khán giả chứ không phải diễn viên.”
Sân khấu giáo dục không phải là loại sân khấu để bán vé, nó chỉ tồn tại nếu các trường đại học mở cửa cho các sinh viên cùng tham gia. Chị nhớ lần đi huấn luyện cho những người phụ trách phong trào ở các trường đại học toàn quốc tại Huế, đa số các anh chị của các trường miền Nam thì ủng hộ, nhưng đa phần người ở ngoài Bắc thì mang cảm giác như mình xúi sinh viên chống họ. Chị cho là “làm cái này giống như đi truyền đạo, mà truyền đạo thì cũng có thể tử vì đạo lắm. Nhiều ông chống rất quyết liệt, thậm chí bỏ ra khỏi lớp. Nếu họ ủng hộ mình, coi như họ tự xóa bỏ họ, bởi vì nhiều trường đại học còn muốn quản lý theo kiểu vua chúa, áp đặt. Họ là số 1, sinh viên phải nghe theo, không được có ý kiến khác. Rất mừng là đa số dân miền Nam ủng hộ, rủ về tập huấn, nhưng tiếc không thể đi hết, và cũng không đào tạo được nhiều người thay”.
Chị kể “một ông thứ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo nói với tôi là giáo dục Việt Nam tụt hậu đến 50 năm. Có 3 cái bị lạc hậu là sách giáo khoa, phương pháp dạy và chương trình học. Cái nặng nề nhất là phương pháp dạy, chúng ta đã dạy một cách độc thoại, áp bức. Ông ta rất thích cách giáo dục bằng sân khấu của chúng tôi vì nó rất thú vị với giới trẻ. Thực ra kiểu này các nước văn minh người ta làm lâu rồi, còn bây giờ nhà nước thấy cần cho thế hệ tương lai thì phải rót tiền vô làm thôi chứ tôi đâu làm Tôn Hành Giả phân thân đến nhiều trường tác nghiệp hết được.”
Kết thúc khóa huấn luyện, chị được thưởng 200,000 đồng, tiền Việt Nam tương đương khoảng 13 đô la Mỹ! Ai là người tiếp nối con đường chị mở nếu chỉ nhận được thù lao tượng trưng?
Vẫn chưa có câu trả lời.
Kỳ 2: Đạo diễn, kịch sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc
Vũ Đình Trọng/Người Việt
(Tiếp theo và hết)
Bốn
“Nếu ví người nghệ sĩ sáng tác như ‘chàng tuổi trẻ gan dạ trên ba chiếc đu bay’ như vậy thì trong lúc nôn nả tìm cách đưa tác phẩm ra công chúng, nhiều người trong chúng tôi ưa quên rằng dưới ba chiếc đu bay ấy không có lưới an toàn. Nhiếu đạo diễn cho rằng loại kịch tôi viết rất khó bán vé và khó được lòng nhiều người nhưng thôi, lối nhỏ, tuy không an toàn, vẫn là lối của ta. Tôi lại nghĩ khác, cứ làm hết sức mình, khán giả sẽ không bỏ ta và lãnh đạo nào nỡ dẹp đi một tác phẩm không vi phạm luật pháp, lại được công chúng đồng tình.
Thực tế thì không vậy. Không phải tôi mà bạn bè tôi. Vở đang ăn khách lại phải bị ngưng.Khi nghe thắc mắc tại sao cũng kịch bản đó, tác giả đó, diễn viên đó mà địa phương khác vẫn sản xuất băng vidéo phát hành toàn quốc, chúng tôi được một vị quản lý văn hóa hắt trả 'Bộ thấy người ta đi ăn cướp, làm đĩ rồi bắt chước theo sao?' - Có những vở ông khen tràn cung mây thì chúng tôi, những người làm nó lại vô cùng xấu hổ (nhưng không hoang mang). Có khi ông nói giọng tâm sự: 'Mai mốt anh nghỉ hưu rồi tụi em mới thấy thiệt thòi và nghĩ lại thương anh. Hiếm có người liêm khiết, trấn thanh long đao nơi cửa ải mà không để lọt lưới bọn ‘diễn tiến hòa bình’ trong sân khấu chúng ta!’ Mỗi lần gặp ông tôi cứ nhớ câu chuyện về một vị linh mục cứ hùng hục làm những chuyện phản đạo mà cứ ngỡ mình đang bảo vệ đạo. Khi ông quỳ xuống tượng Chúa kể công, trong câu chuyện hài hước ấy, chúa nói rất tiếc là chân ta đã bị đóng đinh, không thì ta sẽ đá cho con không còn ở làng này mà phá đạo”.
(Trích trong bài “Đi tìm người yêu” của Nguyễn Thị Minh Ngọc đăng trên gio-o.com.)
Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì có 4 mafia trong văn hóa văn nghệ, đó là Quyền Lực, Đồng Tiền, Tình Yêu và Tôn Giáo, chúng trói sự sáng tạo trong nghệ thuật. Trong 4 loại mafia đó, Nguyễn Thị Minh Ngọc sợ nhất là Tình Yêu. Chị chia sẻ:
“Mình thương người này quá nên sửa tác phẩm của mình đi. Cái mình thích thì lại không làm được, trái tim mình mềm đi thành ra khó đối phó với em mình, gia đình mình, rồi bạn bè, học trò năn nỉ. Tác phẩm thiếu đi sự sắc xảo nên uổng đi tâm huyết của mình.”
“Tôi giống như cô gái điếm trong vở ‘Người hảo tâm thành Tứ Xuyên’, một cô gái không biết lắc đầu, không biết từ chối thành ra cô ta dễ bị ‘banh xác’ lắm. Để tồn tại, cô phải biến thành người đàn ông chuyên môn lắc đầu. Vở kịch có một đoạn kết mở để khán giả tự trả lời xem cô ta phải sống như thế nào. Thành một người gật đầu mãi thì không thể sống được, mà lắc đầu mãi thì ác quá. Không thể làm một con người có trái tim sắt đá, vấn đề là phải sống làm sao để có thể giúp người khác trong sức của mình.”
Ngoài đời, Nguyễn Thị Minh Ngọc chỉ “xém bị banh xác” thôi. “Xém bị banh xác” bởi 1 trong 4 mafia văn hóa văn nghệ.
Khi bài báo “Đi tìm người yêu” của chị được đăng trên tờ Sân Khấu thì không những chị bị khó khăn trong công việc mà những người giúp chị cũng không tránh khỏi phiền hà. Chị kể:
“Trong một dịp Tết, báo Tuổi Trẻ nhờ tôi viết một bài cho báo Xuân, tôi gởi bài này đi nhưng họ nói buồn quá không đăng được. Chờ đến số báo Tất Niên cũng không thấy nên tôi hiểu là bài không sử dụng được nên cũng quên. Một hôm tôi kể cho một cô bạn của tôi nghe, cô ấy nói tinh thần ấy thì có thể đăng trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị được, nhưng rồi họ cũng từ chối. Ông bạn già Ngọc Linh nói giúp tôi đăng trên tờ Sân Khấu. Sau khi bài viết được đăng thì anh Trương Quốc Khánh, sếp của tờ Sân Khấu, phải viết kiểm điểm. Anh viết 6, 7 lần mà người ta vẫn không đồng ý với bản kiểm điểm đó, cuối cùng anh phải để người khác viết thế rồi anh ký tên vào. Sau đó, báo Sân Khấu đăng bài xin lỗi đọc giả vì đã để “xổng chuồng” một bài viết như vậy (!)”
Một số đồng nghiệp gửi thư lên Ban Văn Hóa Tư Tưởng Thành Ủy tố cáo chị có vấn đề về tư tưởng, họ “tưởng đâu Minh Ngọc là người phe mình, ai dè nó là người phe địch” (!)May cho chị là số thư bênh chị cũng nhiều, coi như cân bằng giữa cái được và không được. Chị thoát nạn là nhờ “tử vi của tôi nói tôi khó bị người khác hại lắm”, chị tin điều đó vì “dường như ai muốn hại tôi chiêu gì thì chính họ lại bị chiêu đó hại. Tôi tin có sự thiêng liêng, tôi tin tôi được Trời Phật độ nên lướt qua khá nhiều tai nạn.”
Cán bộ văn hóa nói chị “có sạn trong đầu, thuộc lạo khó cải tạo được” cũng phải thôi, vì theo chị “Ở Việt Nam, chữ Hiền với chữ Hèn gần nhau lắm, mà nếu Hiền hay Hèn quá thì không nên làm nghệ thuật làm gì.”
Năm
“Bước chân ra ngoài, ai cũng có vẻ ghen tỵ với những chất liệu sống ngồn ngộn mà chỉ những người Việt Nam, bấu chân, luồn rễ vào đất nước này mới chiêm nghiệm được. Còn mình lại so bì sự thoải mái sáng tạo của những bạn cùng nghề! Ai may mắn hơn ai? Tôi chỉ biết mình đã hạnh phúc biết bao trong những giây phút được chia xẻ với những đọc giả, khán giả sống cùng thời với mình dù trong hay ngoài nước.
Và dù cũng đã lắm lúc trơ lì mặt đá khi ở trong nước bị dán tem ‘có sạn trong đầu, không chính chuyên lắm về chính trị’ và khi ra khỏi nước thì bạn cũ khước từ, nhắn với ‘Xin đừng đến nhà tôi, đồ Việt Cộng con!’
Và như thế: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Đến để làm gì? Và khi xong tất cả mọi chuyện thì tôi sẽ về đâu?”
(Trích “Đi tìm người yêu”)
Nên nếu cụ Nguyễn Du “bắt phong trần” thì chị “phải phong trần”.
Thế thôi!
Sáu
“Gần như mỗi suất diễn, tôi đều tin có một người tôi đang yêu đang ngồi đâu đó bên dưới sân khấu. Tôi diễn mà như sống lại đời một ai đó, để tâm sự với ‘khán giả đặc biệt’ của riêng tôi rằng khúc đời chưa được gặp bạn, tôi đã nhiều phen phải xây tiếng cười để bảo vệ mình hoặc phải vắt máu từ tim mình trào ra ngõ mắt để xả bớt những đớn đau không bày tỏ cùng ai.”
(Trích “Minh Ngọc - Phút nói thật” của Nguyễn Thị Minh Ngọc đăng trên gio-o.com)
Sau những đổ vỡ vì tình yêu, theo chị, những tác phẩm sau đó dù muốn hay không nó cũng sâu sắc hơn. Hình như người đa tài thường đa đoan trong tình yêu thì phải? Những câu thơ “mộng, thực” của Hàn Mặc Tử như ám cả đời chị:
Anh nằm ngoài sự thật,
Em đứng trong chiêm bao.
Cách nhau xa biết mấy,
Thương nhớ quá thì sao?
Hơn năm mươi năm tìm kiếm người mình yêu và yêu mình từng đêm trên sân khấu. Những chiếc áo cưới may cho ngày lễ Vu Quy được xếp lại. Một cuộc hôn nhân không tình yêu được dự kiến nhưng vẫn đổ vỡ vào những ngày cuối như sự sắp đặt nghiệt ngã của định mệnh. Hạnh phúc theo chị cũng đơn giản thôi, “sống thanh thản là hạnh phúc”, thanh thản khi được ngồi nép người sau xe máy để một người đàn ông chở mình đi đây, đi đó. Tình yêu nằm trong những khoảnh khắc như thế, nhưng đó không phải là tất cả.
“Một cuộc tình đổ vỡ khiến cho tôi cảm giác sợ đàn ông một thời gian khá dài, đủ tiêu hết tuổi thanh xuân”. Chị tâm sự: “Tôi bị sốc thật sự nhưng không dám để ai biết, người ngoài vẫn tưởng là tôi hạnh phúc lắm. Tôi cảm thấy cô đơn giữa đám đông vì bạn bè cùng lứa đi vượt biên hết, gia đình thì không kể được vì họ đã khuyên mình mà mình không nghe, học trò thì thuộc một thế hệ khác. Tôi bị khủng hoảng đến độ nửa đêm chợt tỉnh dậy hét lên một tiếng hét câm để nỗi buồn nó hả ra. Chưa kịp hét ra tiếng là tôi phải nuốt ngược nó vào trong vì nếu tiếng hét đó mà bật ra thì chắc cả xóm lao động của tôi thức giấc hết. Xả ra rồi mới nằm xuống cố gắng ngủ tiếp, nhưng chuyện thức suốt đêm là chuyện thường.”
Cuối cùng chị cũng phải đứng lên vì chị là điểm tựa tinh thần cho nhiều người. Nhiều việc chưa hoàn thành, những nhân vật vẫn còn nằm trong đầu, chị chưa “rứt” họ ra được để trải dài trên những trang giấy. Tựa vào chính mình, chị đứng lên.
“Trên 50 tuổi rồi mà chưa lập gia đình, tôi không nghĩ đến nó nữa, đôi lúc tôi muốn đi tu, và muốn chăm sóc cho những đứa cháu của mình.” Chị kể với nụ cười nhẹ: “Thầy bói nói tôi phải lập gia đình rất trễ và xa xứ thì mới hạnh phúc, nếu không thì một là làm bé, hai là chồng chết sớm, ba là thế nào cũng chia tay. Tôi cũng không muốn tin nhưng chuyện cứ xảy ra đúng như thế. 30 tuổi cũng không thành, tuổi 40 thì trục trặc, trên 50 tuổi đang muốn đi tu thì có một ông mình gặp buổi sáng thì buổi tối ông ấy cầu hôn.”
“Tôi cũng bị sốc khi nghe ông ấy cầu hôn. Chắc tại ông ấy không biết Nguyễn Thị Minh Ngọc là ai nên mới dám cầu hôn kiểu đó, chứ nếu biết quá khứ của tôi rồi thì chắc cũng sợ như nhiều người khác, làm gì dám. Thành ra tôi nghĩ có người dám cầu hôn thì tôi cũng dám nhận lời.”
“Tôi thấy hình như mình trúng số!”
Nhưng chị không trúng số một mình!
Kỳ 1: Kịch sĩ, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc
Vũ Đình Trọng/Người Việt
Một
“Một họa sĩ, vừa đi Paris với tôi về thì thêm: “Dĩ nhiên, sau mỗi chuyến đi, mở rộng tầm mắt, tôi không chối cãi được là có nhiều điều đã thẩm thấu qua tâm hồn tôi, và hắt trả ít nhiều trong tác phẩm”. Một đạo diễn có tác phẩm bị cấm (đây là loại người cho tới nay vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao lại sửa tới sửa lui cái tác phẩm như một tấm lòng thành của mình) cho biết rằng: “Trong tôi dường như lúc nào cũng có một nhu cầu bức bách cần chia sẻ với những người dân thất thế bất hạnh chung quanh và sáng tác của tôi dường như có bị ám ảnh bởi nhu cầu ấy...”
(Trích trong bài “Đi tìm người yêu” của Nguyễn Thị Minh Ngọc đăng trên www.gio-o.com.)
Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng bị cái ám ảnh ấy đè nặng ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 1973, cô học sinh lớp 12B3 trường trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết đã có một vở kịch phi lý, nửa giỡn, nửa thật về cái chân lý mà theo cô không nhất thiết phải thuộc về những người đi trước, kể cả thầy cô mình. Hệ quả tất yếu là chị bị đuổi học, dù được một số thầy cô bênh vực. Sau khi “bản án” đuổi học được công bố, một buổi sáng chào cờ, anh chị em khối lớp 12 rủ nhau nghỉ học hết để đề nghị nhà trường cho Minh Ngọc đi học lại. Trước áp lực này, ban giám hiệu phải sửa “bản án” lại và chỉ phạt chị nghỉ một tháng. Chị nhớ lại “lúc ra hội đồng kỷ luật, họ cho tôi nói lời cuối cùng. Tôi chỉ nói được câu mà Thúy Kiều nói với Tú Bà là ‘Tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa’. Mà nói vậy chứ tôi đâu có chừa, nhưng tôi tin là tôi trinh bạch”, và cho đến giờ này chị vẫn tin tất cả những gì mình làm là đúng vì “điều cốt lõi là tôi không làm vì mình, mà vì những người thấp cổ bé miệng khác”.
Sau 30 Tháng Tư năm 1975, có một thời chị phải mưu sinh bằng thùng thuốc lá lẻ. Thi nhiều trường, nhưng chỉ đậu vô trường Sân Khấu, khoa Đạo Diễn. Ra trường lại kiếm sống bằng những tờ vé số, rồi chị cũng được đi dạy, làm đạo diễn, biên kịch, diễn viên... và những gì liên quan đến sân khấu.
Năm 1985, kịch bản “Đứng giữa đồi cao” của Nguyễn Thị Minh Ngọc đoạt giải thưởng kịch toàn quốc, người ta mới biết đến chị như một đạo diễn sân khấu, nhà biên kịch dù trước đó độc giả đã quen thuộc với những truyện ngắn của chị với bút danh Ngọc Minh. Sau đó, chị cùng với Huy Thống, Đặng Nhân, Hải Đệ... lập ra sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Từ đây những vở kịch do chị làm đạo diễn hay tác giả đã chinh phục không những giới trẻ mà ngay những người khó tính nhất cũng nhận ra được có một luồng gió mới đang thổi vào sân khấu vốn đã bị đông cứng vì những đơn đặt hàng.
Những vở kịch mang phong cách dựng và viết của Minh Ngọc lần lượt xuất hiện như “Nụ hôn có vị mặn của biển”, “Người tốt thành Tứ Xuyên”, “Con gái chị Hằng”, “Đoạn tình ca”, “Hòn vọng phu”, “Giấc mộng kê vàng”, “Người đàn bà thất lạc”, “Hồn Xuân Thu”, “Giữa hai bờ sương khói”, “Hãy khóc đi em”, “Hãy yêu nhau đi”, “Trái tim nhảy múa”, “Thằng Bợm có cái đầu to”... Hơn 50 vở kịch đều không đơn điệu, sáo mòn. Sân khấu như một nơi để chị nói cho mình và nói cho những người bất hạnh; kịch bản cũng chỉ là một cái sườn để chị chia sẻ những vấn đề chị đang trăn trở, đưa ra những hướng giải quyết những vấn đề mà cuộc sống hiện tại chưa thể giải quyết.
Những vở kịch của chị thường đụng đến những vấn đề gai góc của cuộc sống, và chị chợt nhận ra rằng mình đang mang trên vai hai nghề mà cả hai đều nguy hiểm ngang nhau: Viết văn và sân khấu.
Hai
“...Nhiều người khư khư tôi làm tất cả vì tôi, nhiều người nhún vai tỏ ý bất lực, nhiều người im lặng thở dài. Có người mạnh bạo hơn: Mỗi đợt tham gia hội diễn, tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại có thể ‘hèn’ đều đến thế. Dường như họ không phải sáng tạo cho chính họ nữa mà đang phấn đấu cho một nền văn hóa văn nghệ lấy ‘ban giám khảo’ làm gốc...”
“Có những phim Việt Nam tốn kém hàng tỉ đồng, hôm chiếu ra mắt với một công chúng miễn phí, cũng bị họ tỏ thái độ bằng cách rút lui từ từ để đến khi đèn sáng chỉ còn vài nhúm khán giả. Dù không bị mất tiền, họ vẫn tiếc điều họ đang bị đánh cắp: thì giờ... Nhiều đoàn nghệ thuật xập xệ, đi diễn ở những vùng xa chỉ với giá rẻ mạt nhưng họ đã không cấm được nhiều khán giả trách chê: ‘Biết vậy để mấy đồng đó mua bịch muối ăn cả năm còn có lý hơn nhiều’.”
(Trích “Đi tìm người yêu”)
Năm 2004, Nguyễn Thị Minh Ngọc được bầu là nhân vật sân khấu tiêu biểu. Nếu liệt kê các giải thưởng chị nhận được trong các lãnh vực điện ảnh, sân khấu và văn học thì theo chị cũng “mất vài trang giấy”, nhưng số kịch bản bị cấm cũng khá nhiều. Nhiều đủ để quân bình giữa cái được và không được, nên để giữ được thăng bằng trong tâm hồn để tiếp tục làm việc, chị tự trang bị cho mình một câu kinh của Ma Giáo trong truyện kiếm hiệp: “Sống chẳng lấy gì làm vui. Chết chẳng lấy gì làm khổ. Người đời thương ta lo âu hoạn nạn quả thực có nhiều. Ước gì ngọn lửa thiêng này thiêu tấm thân tàn của ta. Thành ra cố gắng tập như thắng không kiêu, bại không nản.” Cái triết lý được nhiều phần thưởng cũng không vui mừng mà tới lúc những đứa con tinh thần của mình bị cấm ra đời, hay bị vùi dập cũng không đau đớn đã giúp chị phần nào thanh thản. Nhưng “như tâm lý của một bà mẹ, đối với những đứa con tàn tật, thiếu tay thiếu chân, mình vẫn thương hơn” chị nghĩ “mình thương những tác phẩm bị cấm, bị cắt xén hơn những tác phẩm được ra đời bình thường”.
Chị thường là người đi trước, và điều đó có thể làm khó chịu những người đang ngồi ghế lãnh đạo. Điều giản dị là tại họ không đứng lên và đi theo sự phát triển của sân khấu đương đại. Có những sự thật giản dị và trong suốt ngoài đời nhưng lại trở thành lạ lẫm, thậm chí vô lý đối với một số người. Như thế thì “cái sự thật nào phải bóp méo đi để tác phẩm được ra đời? Và cái giá nào cần tô vẽ để chìu lòng ai đó, không phải ta... và khi đó, có còn nữa không, cái gọi là ‘tiết hạnh khả phong’ lại chính là những người đạp lên phẩm hạnh chính mình và người khác”.
Một sân khấu được phát triển theo những cái khung cũ kỹ có sẵn và áp đặt có gọi mời được những tài năng?
Ba
“...Ai cũng biết, cho đến giờ, vẫn không dễ gì mua vé xem vở ‘Dạ cổ hoài lang’. Hiện tượng này lẽ ra khuyến khích được nhiều kịch tác gia thì lại khiến họ chùn tay, bởi sau khi tổng hợp cá phân tích, anh em được yêu cầu phải sáng tác bằng hoặc hơn một tác phẩm đã đạt đỉnh cao của ba mặt: Nghệ thuật để chinh phục khán giả, doanh thu để yên tâm tái sản xuất và bù đắp thêm cho những tiết mục kém hơn và cuối cùng, phản ánh đúng đường lối, chủ trương chính sách để các cấp lãnh đạo đều nhất trí hoan nghênh...”
“Tiếc rằng đa số người viết kịch sau đó đều nhận ra mình đức mỏng, tài hèn... phấn đấu tối đa cũng chỉ đạt được hai trong ba yêu cầu đó; nên lòng tự trọng đã khiến họ cất giữ tác phẩm của mình trong ngăn kéo hoặc đi bán đổ bán tháo ở những chỗ vừa bán thuận mua để độ nhật mưu sinh.”
(Trích “Đi tìm người yêu”)
Có một sân khấu mới, sân khấu diễn đàn. Đây là loại sân khấu mà những vở kịch luôn có một đoạn kết mở, mở về phía khán giả. Những đoạn kết vô hậu sẽ làm nhức nhối khán giả, buộc khán giả phải bước lên sân khấu để thay đổi đoạn kết theo ý mình.
Trong một dịp sang Mỹ, chị được xem nhóm Noodle Club diễn vở “Love Story” theo dạng sân khấu này. Trước đó, qua những cộng hưởng với các đồng nghiệp ở Anh, Úc, Đức, Thụy Điển, chị đã áp dụng loại hình sân khấu giáo dục này vào một sân chơi mới cho sinh viên. Mục đích để tạo cho sinh viên một không gian mở để họ cùng tham gia, tạo thêm bản lĩnh cho họ để tự họ giải quyết những mẫu thuẫn phát sinh từ kịch đến đời. Ở sân khấu biểu diễn thì diễn viên cần thể hiện tài năng để tạo tên tuổi, còn loại sân khấu giáo dục thì theo chị “người diễn viên cần phải xóa mình đi, phải nương theo khán giả để họ bộc lộ ý định thay đổi đoạn kết. Nhân vật trung tâm của sân khấu này là khán giả chứ không phải diễn viên.”
Sân khấu giáo dục không phải là loại sân khấu để bán vé, nó chỉ tồn tại nếu các trường đại học mở cửa cho các sinh viên cùng tham gia. Chị nhớ lần đi huấn luyện cho những người phụ trách phong trào ở các trường đại học toàn quốc tại Huế, đa số các anh chị của các trường miền Nam thì ủng hộ, nhưng đa phần người ở ngoài Bắc thì mang cảm giác như mình xúi sinh viên chống họ. Chị cho là “làm cái này giống như đi truyền đạo, mà truyền đạo thì cũng có thể tử vì đạo lắm. Nhiều ông chống rất quyết liệt, thậm chí bỏ ra khỏi lớp. Nếu họ ủng hộ mình, coi như họ tự xóa bỏ họ, bởi vì nhiều trường đại học còn muốn quản lý theo kiểu vua chúa, áp đặt. Họ là số 1, sinh viên phải nghe theo, không được có ý kiến khác. Rất mừng là đa số dân miền Nam ủng hộ, rủ về tập huấn, nhưng tiếc không thể đi hết, và cũng không đào tạo được nhiều người thay”.
Chị kể “một ông thứ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo nói với tôi là giáo dục Việt Nam tụt hậu đến 50 năm. Có 3 cái bị lạc hậu là sách giáo khoa, phương pháp dạy và chương trình học. Cái nặng nề nhất là phương pháp dạy, chúng ta đã dạy một cách độc thoại, áp bức. Ông ta rất thích cách giáo dục bằng sân khấu của chúng tôi vì nó rất thú vị với giới trẻ. Thực ra kiểu này các nước văn minh người ta làm lâu rồi, còn bây giờ nhà nước thấy cần cho thế hệ tương lai thì phải rót tiền vô làm thôi chứ tôi đâu làm Tôn Hành Giả phân thân đến nhiều trường tác nghiệp hết được.”
Kết thúc khóa huấn luyện, chị được thưởng 200,000 đồng, tiền Việt Nam tương đương khoảng 13 đô la Mỹ! Ai là người tiếp nối con đường chị mở nếu chỉ nhận được thù lao tượng trưng?
Vẫn chưa có câu trả lời.
Kỳ 2: Đạo diễn, kịch sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc
Vũ Đình Trọng/Người Việt
(Tiếp theo và hết)
Bốn
“Nếu ví người nghệ sĩ sáng tác như ‘chàng tuổi trẻ gan dạ trên ba chiếc đu bay’ như vậy thì trong lúc nôn nả tìm cách đưa tác phẩm ra công chúng, nhiều người trong chúng tôi ưa quên rằng dưới ba chiếc đu bay ấy không có lưới an toàn. Nhiếu đạo diễn cho rằng loại kịch tôi viết rất khó bán vé và khó được lòng nhiều người nhưng thôi, lối nhỏ, tuy không an toàn, vẫn là lối của ta. Tôi lại nghĩ khác, cứ làm hết sức mình, khán giả sẽ không bỏ ta và lãnh đạo nào nỡ dẹp đi một tác phẩm không vi phạm luật pháp, lại được công chúng đồng tình.
Thực tế thì không vậy. Không phải tôi mà bạn bè tôi. Vở đang ăn khách lại phải bị ngưng.Khi nghe thắc mắc tại sao cũng kịch bản đó, tác giả đó, diễn viên đó mà địa phương khác vẫn sản xuất băng vidéo phát hành toàn quốc, chúng tôi được một vị quản lý văn hóa hắt trả 'Bộ thấy người ta đi ăn cướp, làm đĩ rồi bắt chước theo sao?' - Có những vở ông khen tràn cung mây thì chúng tôi, những người làm nó lại vô cùng xấu hổ (nhưng không hoang mang). Có khi ông nói giọng tâm sự: 'Mai mốt anh nghỉ hưu rồi tụi em mới thấy thiệt thòi và nghĩ lại thương anh. Hiếm có người liêm khiết, trấn thanh long đao nơi cửa ải mà không để lọt lưới bọn ‘diễn tiến hòa bình’ trong sân khấu chúng ta!’ Mỗi lần gặp ông tôi cứ nhớ câu chuyện về một vị linh mục cứ hùng hục làm những chuyện phản đạo mà cứ ngỡ mình đang bảo vệ đạo. Khi ông quỳ xuống tượng Chúa kể công, trong câu chuyện hài hước ấy, chúa nói rất tiếc là chân ta đã bị đóng đinh, không thì ta sẽ đá cho con không còn ở làng này mà phá đạo”.
(Trích trong bài “Đi tìm người yêu” của Nguyễn Thị Minh Ngọc đăng trên gio-o.com.)
Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì có 4 mafia trong văn hóa văn nghệ, đó là Quyền Lực, Đồng Tiền, Tình Yêu và Tôn Giáo, chúng trói sự sáng tạo trong nghệ thuật. Trong 4 loại mafia đó, Nguyễn Thị Minh Ngọc sợ nhất là Tình Yêu. Chị chia sẻ:
“Mình thương người này quá nên sửa tác phẩm của mình đi. Cái mình thích thì lại không làm được, trái tim mình mềm đi thành ra khó đối phó với em mình, gia đình mình, rồi bạn bè, học trò năn nỉ. Tác phẩm thiếu đi sự sắc xảo nên uổng đi tâm huyết của mình.”
“Tôi giống như cô gái điếm trong vở ‘Người hảo tâm thành Tứ Xuyên’, một cô gái không biết lắc đầu, không biết từ chối thành ra cô ta dễ bị ‘banh xác’ lắm. Để tồn tại, cô phải biến thành người đàn ông chuyên môn lắc đầu. Vở kịch có một đoạn kết mở để khán giả tự trả lời xem cô ta phải sống như thế nào. Thành một người gật đầu mãi thì không thể sống được, mà lắc đầu mãi thì ác quá. Không thể làm một con người có trái tim sắt đá, vấn đề là phải sống làm sao để có thể giúp người khác trong sức của mình.”
Ngoài đời, Nguyễn Thị Minh Ngọc chỉ “xém bị banh xác” thôi. “Xém bị banh xác” bởi 1 trong 4 mafia văn hóa văn nghệ.
Khi bài báo “Đi tìm người yêu” của chị được đăng trên tờ Sân Khấu thì không những chị bị khó khăn trong công việc mà những người giúp chị cũng không tránh khỏi phiền hà. Chị kể:
“Trong một dịp Tết, báo Tuổi Trẻ nhờ tôi viết một bài cho báo Xuân, tôi gởi bài này đi nhưng họ nói buồn quá không đăng được. Chờ đến số báo Tất Niên cũng không thấy nên tôi hiểu là bài không sử dụng được nên cũng quên. Một hôm tôi kể cho một cô bạn của tôi nghe, cô ấy nói tinh thần ấy thì có thể đăng trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị được, nhưng rồi họ cũng từ chối. Ông bạn già Ngọc Linh nói giúp tôi đăng trên tờ Sân Khấu. Sau khi bài viết được đăng thì anh Trương Quốc Khánh, sếp của tờ Sân Khấu, phải viết kiểm điểm. Anh viết 6, 7 lần mà người ta vẫn không đồng ý với bản kiểm điểm đó, cuối cùng anh phải để người khác viết thế rồi anh ký tên vào. Sau đó, báo Sân Khấu đăng bài xin lỗi đọc giả vì đã để “xổng chuồng” một bài viết như vậy (!)”
Một số đồng nghiệp gửi thư lên Ban Văn Hóa Tư Tưởng Thành Ủy tố cáo chị có vấn đề về tư tưởng, họ “tưởng đâu Minh Ngọc là người phe mình, ai dè nó là người phe địch” (!)May cho chị là số thư bênh chị cũng nhiều, coi như cân bằng giữa cái được và không được. Chị thoát nạn là nhờ “tử vi của tôi nói tôi khó bị người khác hại lắm”, chị tin điều đó vì “dường như ai muốn hại tôi chiêu gì thì chính họ lại bị chiêu đó hại. Tôi tin có sự thiêng liêng, tôi tin tôi được Trời Phật độ nên lướt qua khá nhiều tai nạn.”
Cán bộ văn hóa nói chị “có sạn trong đầu, thuộc lạo khó cải tạo được” cũng phải thôi, vì theo chị “Ở Việt Nam, chữ Hiền với chữ Hèn gần nhau lắm, mà nếu Hiền hay Hèn quá thì không nên làm nghệ thuật làm gì.”
Năm
“Bước chân ra ngoài, ai cũng có vẻ ghen tỵ với những chất liệu sống ngồn ngộn mà chỉ những người Việt Nam, bấu chân, luồn rễ vào đất nước này mới chiêm nghiệm được. Còn mình lại so bì sự thoải mái sáng tạo của những bạn cùng nghề! Ai may mắn hơn ai? Tôi chỉ biết mình đã hạnh phúc biết bao trong những giây phút được chia xẻ với những đọc giả, khán giả sống cùng thời với mình dù trong hay ngoài nước.
Và dù cũng đã lắm lúc trơ lì mặt đá khi ở trong nước bị dán tem ‘có sạn trong đầu, không chính chuyên lắm về chính trị’ và khi ra khỏi nước thì bạn cũ khước từ, nhắn với ‘Xin đừng đến nhà tôi, đồ Việt Cộng con!’
Và như thế: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Đến để làm gì? Và khi xong tất cả mọi chuyện thì tôi sẽ về đâu?”
(Trích “Đi tìm người yêu”)
Nên nếu cụ Nguyễn Du “bắt phong trần” thì chị “phải phong trần”.
Thế thôi!
Sáu
“Gần như mỗi suất diễn, tôi đều tin có một người tôi đang yêu đang ngồi đâu đó bên dưới sân khấu. Tôi diễn mà như sống lại đời một ai đó, để tâm sự với ‘khán giả đặc biệt’ của riêng tôi rằng khúc đời chưa được gặp bạn, tôi đã nhiều phen phải xây tiếng cười để bảo vệ mình hoặc phải vắt máu từ tim mình trào ra ngõ mắt để xả bớt những đớn đau không bày tỏ cùng ai.”
(Trích “Minh Ngọc - Phút nói thật” của Nguyễn Thị Minh Ngọc đăng trên gio-o.com)
Sau những đổ vỡ vì tình yêu, theo chị, những tác phẩm sau đó dù muốn hay không nó cũng sâu sắc hơn. Hình như người đa tài thường đa đoan trong tình yêu thì phải? Những câu thơ “mộng, thực” của Hàn Mặc Tử như ám cả đời chị:
Anh nằm ngoài sự thật,
Em đứng trong chiêm bao.
Cách nhau xa biết mấy,
Thương nhớ quá thì sao?
Hơn năm mươi năm tìm kiếm người mình yêu và yêu mình từng đêm trên sân khấu. Những chiếc áo cưới may cho ngày lễ Vu Quy được xếp lại. Một cuộc hôn nhân không tình yêu được dự kiến nhưng vẫn đổ vỡ vào những ngày cuối như sự sắp đặt nghiệt ngã của định mệnh. Hạnh phúc theo chị cũng đơn giản thôi, “sống thanh thản là hạnh phúc”, thanh thản khi được ngồi nép người sau xe máy để một người đàn ông chở mình đi đây, đi đó. Tình yêu nằm trong những khoảnh khắc như thế, nhưng đó không phải là tất cả.
“Một cuộc tình đổ vỡ khiến cho tôi cảm giác sợ đàn ông một thời gian khá dài, đủ tiêu hết tuổi thanh xuân”. Chị tâm sự: “Tôi bị sốc thật sự nhưng không dám để ai biết, người ngoài vẫn tưởng là tôi hạnh phúc lắm. Tôi cảm thấy cô đơn giữa đám đông vì bạn bè cùng lứa đi vượt biên hết, gia đình thì không kể được vì họ đã khuyên mình mà mình không nghe, học trò thì thuộc một thế hệ khác. Tôi bị khủng hoảng đến độ nửa đêm chợt tỉnh dậy hét lên một tiếng hét câm để nỗi buồn nó hả ra. Chưa kịp hét ra tiếng là tôi phải nuốt ngược nó vào trong vì nếu tiếng hét đó mà bật ra thì chắc cả xóm lao động của tôi thức giấc hết. Xả ra rồi mới nằm xuống cố gắng ngủ tiếp, nhưng chuyện thức suốt đêm là chuyện thường.”
Cuối cùng chị cũng phải đứng lên vì chị là điểm tựa tinh thần cho nhiều người. Nhiều việc chưa hoàn thành, những nhân vật vẫn còn nằm trong đầu, chị chưa “rứt” họ ra được để trải dài trên những trang giấy. Tựa vào chính mình, chị đứng lên.
“Trên 50 tuổi rồi mà chưa lập gia đình, tôi không nghĩ đến nó nữa, đôi lúc tôi muốn đi tu, và muốn chăm sóc cho những đứa cháu của mình.” Chị kể với nụ cười nhẹ: “Thầy bói nói tôi phải lập gia đình rất trễ và xa xứ thì mới hạnh phúc, nếu không thì một là làm bé, hai là chồng chết sớm, ba là thế nào cũng chia tay. Tôi cũng không muốn tin nhưng chuyện cứ xảy ra đúng như thế. 30 tuổi cũng không thành, tuổi 40 thì trục trặc, trên 50 tuổi đang muốn đi tu thì có một ông mình gặp buổi sáng thì buổi tối ông ấy cầu hôn.”
“Tôi cũng bị sốc khi nghe ông ấy cầu hôn. Chắc tại ông ấy không biết Nguyễn Thị Minh Ngọc là ai nên mới dám cầu hôn kiểu đó, chứ nếu biết quá khứ của tôi rồi thì chắc cũng sợ như nhiều người khác, làm gì dám. Thành ra tôi nghĩ có người dám cầu hôn thì tôi cũng dám nhận lời.”
“Tôi thấy hình như mình trúng số!”
Nhưng chị không trúng số một mình!
- Từ khóa :
- Bút Ký
Gửi ý kiến của bạn