Đôi điều về „truyền thống và hiện đại“

19/06/20071:19 SA(Xem: 2147)
Đôi điều về „truyền thống và hiện đại“

Bạn hãy nói cho tôi nghe về „truyền thống và hiện đại“ khi đứng ở một ngã tư nào đó ở Sài gòn hay Hà Nội, Nha Trang hay Huế hoặc Đà Nẵng, trước một cảnh tượng muôn màu hỗn loạn: một giòng thác người vô tận, - rất trẻ, ít thấy bộ dạng già nua - tiếng xe ầm ĩ khuấy động màn nhĩ không ngớt. Đường phố đen nghịt xe, khí thải mù mịt, hầu hết những người đi đường bịt mặt. Áo quần họ đang mặc, nhất là các phụ nữ, theo mốt Âu châu, váy đầm dài, ngắn, quần jeans bó sát, áo thun hở rốn hở lưng, tóc quăn hay thả, có đầu nhuộm tóc vàng, găng tay đeo tận nách, đội mũ vải…Thỉnh thoảng vụt qua một vài dáng áo dài, hay áo vàng của một vị khất sĩ, hay áo nâu dài của các vị sư… hầu như là của hiếm dành cho một đám cưới hay một đám ma nào…Kiến trúc nhà cửa đủ loại từ Stil thuộc địa, trung cổ cho đến túp lều tranh. Và ở trên một con đường đất xa xôi nào đó o bán bún với đòn gánh kẽo kịt trên vai…
 

Bạn hãy cho một câu nhân xét thật ngắn gọn về „truyến thống và hiện đại“, khi vừa qua, trong một buổi thảo luận tại viện Goethe Hà nội về bản sắc văn hóa (Cultural identity), một nữ trí thức trẻ tuổi Việt nam chỉ vào bộ áo quần jeans đang mặc và phát biểu một cách đầy tự tin: „mặc dù tôi mặc quần jeans, tôi vẫn không cảm thấy mình mất bản sắc văn hoá Việt nam, tôi vẫn uống, vẫn ăn và vẫn thở Việt nam!“
 

Bạn nghĩ gì về „truyền thống và hiện đại“ khi biết, đâu đó giữa cảnh đường phố đầy quán nhậu, quán cà phê ầm ĩ nhạc disco, có một gánh hát chèo, hát xẩm, hát ả đào, hát quan họ đang trống đánh kèn thổi cố gắng nhắc nhở có một nền âm nhạc cổ truyền Việt nam đang thoi thóp? Đồng thời ở một góc phố khác cảnh một cô dâu vóc dáng nhỏ bé trong chiếc áo cưới kiểu Âu Mỹ trắng tinh quét bê bết lề đường lởm chởm, đứng cười rất tươi bên cạnh chàng rễ với bộ còm lê láng cón giữa bụi bặm, nhà cửa nham nhở, đường phố đang được trốc lên xây lại…Và trong một cuộc tiếp tân sang trọng, trong một sảnh đường tối tân hiện đại, máy lạnh và sâm banh, những người đại diện trịnh trọng trong bộ áo dài khăn đóng vải the xanh, như một cuộc khêu gợi hồn dân tộc?
 

Một trang truyền thông điện tử đăng tải hình ảnh trong ngày trên thế giới đã đưa ra hình ảnh Việt nam với ghi chú: „một người bán rong truyền thống đang đi trên đường Hanoi, đàng sau là tấm bích chương truyền bá tư tưởng cộng sản“. Ta có thể đọc thêm trên tấm bích chương vẽ hình lưỡi liềm dòng chữ: „Vì mục tiêu dân giàu nước mạnh…“
 

Bài viết không nhằm đưa ra một phán đoán giá trị khi ghi nhận những cảnh này. Chỉ ghi nhận hiện tượng ấy như Umberto Eco đã ghi nhận khung hình văn hóa thường nhật người Mỹ trong một công viên giải trí Mỹ, mà ông cho là điển hình dưới điều kiện của văn minh hậu hiện đại (postmoderne): trong công viên này người đến thăm sẽ gặp Mozart (1756-1791) và Caruso (1873-1921) ngồi chung một bàn và Hemingway (1899-1961) đang đứng nhìn qua vai hai người kia, trong lúc Shakespeare (1564-1616) vừa uống trà vừa trò chuyện với Beethoven (1770-1827)…
 

Những nhân vật của các thời đại khác biệt tan hoà vào nhau trong một giàn cảnh sắp xếp không gian hiện tại. Eco đưa ra một biểu tượng hòa nhập vào nhau giữa thực tại và giả mạo, trong đó dữ kiện không đồng thời xen lẫn với dữ kiện đồng thời một cách chặt chẽ. Nó là thành quả mà hiện nay kỹ thuật truyền thông đang tập trung nhắm đến: tất cả đều gần lại và tất cả đều xảy ra trong một không gian phẳng, cái đã qua và cái chưa đến thu gọn trong cái bây giờ; quá khứ và tương lai đều thấy được trong khoảnh khắc hiện tại.
 

Tuy nhiên tính không đồng thời giữa các nhân vật nói trên vẫn dựa vào một sự đồng nhất văn hóa: truyền thống văn học văn nghệ Âu Mỹ, từ đó truyền thống và hiện đại vẫn nằm trên tuyến chỉ đỏ của nhất thể văn minh Âu châu, hậu hiện đại vẫn còn nằm trong truyền thống hiện đại Âu Mỹ. Và dù mang tính bức phá lịch sử chính thống nhưng hậu hiện đại vẫn mọc rễ ngay trong truyền thống của hiện đại.
 
Trong trường hợp Việt nam, hiện trạng sao chép không chọn lọc văn hóa Tây phương cũng như thái độ từ chối văn hóa bản địa thật đậm nét, đến nỗi từ hiện trạng này có thể suy ra sự gián đoạn hay phá vỡ lịch sử truyền thống văn hóa trong tiến trình phát triển bản sắc dân tộc trong quá khứ. Việt nam trong thế kỷ 20 và 21 là sân cỏ của hai yếu tố văn hóa Đông Tây trong một tương quan ảnh hưởng phức hợp. Nhưng hiển nhiên, trong tiến trình phát triển này, một trong hai đi sớm hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, lắm khi đột kích ào ạt hơn, đưa đến một sự mất quân bình văn hóa hay khập khiểng văn hóa. Hiện tượng mà W. F. Ogburn gọi là „cultural lag“, khập khiểng văn hóa, đến từ sự thu nhận vô tình, vô thức không chọn lựa yếu tố văn hóa „khác, lạ“, dẫn đến nguy cơ đồng hóa văn hóa nếu trong tương quan hỗ tương giữa hai nền văn hóa không có những tiêu chuẩn thích nghi hay hội nhập phù hợp hầu tạo nên một hòa điệu có ý nghĩa cho con người trong môi trường sống.
 
Trong tiến trình hoàn cầu hóa với mức độ thần tốc của truyền thông điện tử, sự tỉnh thức trước nguy cơ đồng hóa văn hóa trở nên thời sự hơn bao giờ. Phản ứng nhấn mạnh ý thức văn hóa bản địa là một trả lời nghịch lý nhưng thực tế đối với tiến trình toàn cầu hóa, không những chỉ riêng Việt nam. Nhưng đặc biệt Việt nam, trong tiến trình hội nhập thế giới, vấn đề „truyền thống và hiện đại“ đang đánh động sự chú ý với những sáng kiến kêu gọi trở về nguồn, ý thức bản sắc dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa v.v.
 
Xét cho cùng, những chủ trương kêu gọi trở về nguồn không mới lạ, mà đã trở nên một nét „truyền thống“ Việt nam, một phản ứng tất nhiên đến từ bên trong xã hội, mỗi khi nguy cơ bị đồng hóa văn hóa bộc phát tối đa. Lịch sử truyền thống văn hóa Việt nam là lịch sử của sự tả xung hữu đột Đông-Tây, Nam-Bắc để nhận diện và khẳng định bản lai văn hóa của dân tộc. Song song với sự tranh đấu giành độc lập ở các thời điểm lịch sử nhất định, trận chiến „tự chủ“ văn hóa xảy ra từng giờ từng phút trên từng tấc đất, trên từng đôi mắt, trên từng mái tóc, bàn tay, trong từng sát-na ý tưởng của dân trong một nước trong lúc va chạm với yếu tố ngoại lai, với cái lạ, cái khác. Khẳng định tự chủ văn hóa dân tộc là điều tiên quyết mà Nguyễn Trãi đã nêu ra trong „Bình Ngô Đại Cáo“:
 

„Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo,
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác..“
 

„Yên dân“, hòa bình và hòa điệu nhịp sống là mục đích tối hậu của nhân nghĩa, của chức năng văn hóa. „Yên dân“ trước hết nằm trong bổn phận bảo vệ và tiếp tục xây dựng nền „văn hiến lâu đời“, yếu tính của khái niệm truyền thống, nếu hiểu truyền thống là tổng thể những yếu tố văn hóa, trừ yếu tố bản năng của con người, bao gồm tất cả những lối hành động, cư xử, xác tín, tư duy của một dân tộc được tự nguyện chấp nhận, thực hành và truyền tụng từ đời này sang đời khác. Lý Thường Kiệt cũng như Nguyễn Trãi nhấn mạnh tính liên tục „dài lâu“ và tính nhất thể trong ý niệm truyền thống văn hóa bằng cách vạch rõ ranh giới địa dư („Nam quốc sơn hà nam đế cư“) và tính đặc thù văn hóa Việt nam ("Phong tục Bắc Nam cũng khác") đối với phương Bắc. Yếu tố liên tục và yếu tố nhất thể, đồng thuận là đặc tính cấu trúc của khái niệm truyền thống trong tương quan với những gì khác, lạ, ngoại nhập và chưa đến, thuộc tương lai. Chúng là cơ sở lập luận cho tính chính thống của bản sắc dân tộc, là hậu cần ổn định đất nước sau cuộc „quân điếu phạt trước lo trừ bạo“.
 

Nhưng cũng từ đó, mâu thuẫn „truyền thống và hiện đại“ phát sinh, một khi tính chính thống đưa đến bảo thủ, trở thành hàng rào bế quan tỏa cảng, trở thành hủ hóa. Từ „lý trí“ (Vernunft) xác đáng, nó có thể trở thành „vô nghĩa“ (Unsinn), từ hành động gây an lạc nó trở thành gây phiền não và truyền thống với tất cả luật lệ và quyền lợi truyền thừa có thể đối với thế hệ đi sau chỉ là một căn bệnh vĩnh viễn (ewige Krankheit) như Goethe (1749-832, Faust 1) đã nhận xét. Ngược lại nếu hiện đại không đưa ra được một nội dung có ý nghĩa cho cuộc sống văn hóa hiện tiền, nếu hiện đại làm nghèo nội dung nhân bản của con người, hiện đại sẽ bị đào thải và loại bỏ ra ngoài tính liên tục, không thể trở nên „truyền thống“ cho tương lai.
 

Nhìn từ khía cạnh tính liên tục và tính nhất thể, mâu thuẫn „truyền thống và hiện đại“ trước hết là mâu thuẫn giữa hai hay nhiều thế hệ. Làm thế nào để thế hệ đi sau chấp nhận và kế tục truyền thống văn hóa của người đi trước, để truyền thống ấy có một ý nghĩa hiện đại và đóng góp vào sự „yên dân“? Mỗi chặng đường, mỗi thế hệ trong hiện tại sẽ trở thành quá khứ cho tương lai, văn hóa sống động hôm nay sẽ trở thành hôm qua của ngày mai. „Truyền thống“ do đó bao gồm phương thức thực hiện cho được sự chuyển tiếp sức sống hiện đại cho thế hệ hiện tại và tương lai. Đó là ý nghĩa sinh động của truyền thống, chống lại mọi khuynh hướng rập khuôn, sao chép sáo rỗng cũng như khuynh hướng bắt chước, lặp lại, tùy tiện sử dụng nhầm lẫn loại hàng phế thải „second hand“ thay thế sản phẩm văn hóa đầu tay.
 
Chính nghệ thuật giữ được ngọn lửa truyền thống văn hóa đem đến ý nghĩa sinh động cho khái niệm truyền thống như Thomas Morus (tác giả cuốn Utopie, 1478-1535) nhận chân:
 

„Truyền thống không có nghĩa gìn giữ đống tro,
Mà là chuyển tiếp ngọn lửa“.
 

Giữ „lửa“ và tiếp „lửa“ là thổi sinh khí truyền thống văn hóa vào hiện đại, mang sức ấm mùa xuân vào ngày hôm nay, mang nhiên liệu thức ăn bồi bổ cho sức trẻ, đó là công việc đồng thời của cha mẹ trong gia đình, của bạn bè trong xã hội, của thầy trò trong trường học, của đạo sư và môn đồ, và không phải là kẻ cuối cùng, của nhà văn hóa và của cả một thế hệ thức tỉnh và sáng tạo. Chất lửa ấy chính là ý thức tổng hợp linh động có thể hội nhập mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, thâu gồm cái đồng dạng và cái dị biệt, kết nạp cái cũ và cái mới, để có thể thật là „hiện đại“ đầy sáng tạo cho tương lai.
 
Đó là tâm thức mà Trần Nhân Tông ở thế kỷ 13 đã mài dũa trong công cuộc giáo hóa, huấn luyện tu tâm. Tính linh hoạt của phương pháp này còn đẩy xa hơn ngọn lửa của Morus cũng như vượt lên tính nhất thể tương đối của Nguyễn Trãi:
 
„Dùng công án cũ để làm gì?“:
„Mỗi lần nêu ra một lần mới!“
 

Không phải từ chối truyền thống mà sử dụng truyền thống, nhưng không lặp lại nó như ủ đống tro tàn, như mang thứ áo hình nộm rỗng tuếch, mà phải hiện đại hóa, phải đưa lửa, đưa sinh khí, phải làm mới như không bao giờ đã cũ! Muốn thế, Trần Nhân Tông nhấn mạnh: cần rốt ráo đến tận cùng cả cũ lẫn mới: thấu triệt kinh sách, thấu triệt văn hóa truyền thống, rồi mở toang cánh cửa nhất thể biện biệt, thong dong hội nhập cái mới với một thực chất sinh động chưa từng có.
Khả thể hội nhập cái mới có lẽ nằm trong chìa khóa: „phải thật là cũ“ với một tâm thức tự do, mở toang tất cả lâu đài văn hóa nghìn xưa, khơi lửa trong đống tro, sẵn sàng bức phá, sáng tạo như chính cuộc sống hiện tại đang bừng dậy.
 

Trong truyền thống của tư duy Thiền học và Phật học Việt nam, có thể nói tâm thức Trần Nhân Tông hiện đại hơn cả hậu hiện đại trong viễn tượng đem đến điều kiện khả thể về một phương pháp „chuyển lửa“ văn hóa quá khứ, đốt sáng tâm thức, sáng tạo cái mới cho thế hệ tương lai.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn