Một Chuyến Sang Nước Tàu

15/06/20071:19 SA(Xem: 2247)
Một Chuyến Sang Nước Tàu
tkl-busxiamen
Thái Kim Lan đi xe bus ở thành phố Xiamen



Thái Kim Lan

(Tự sự của một người mẹ đi thăm con.
Xin đọc danh hiệu : Người mẹ viết tắt : TL.
Người con : TTL hay Lan Nhi)


TL đang ở ... bên Tàu !

Cảm tưởng mình như một ngọn lá bốc lên từ một cơn gió lốc, phiêu diêu mù khơi, vô tình đáp xuống một vùng đất lạ, hỏi ra mới biết, đây là... nước Trung Hoa !

Đã đi hay... bay… như thế, không một chủ ý rõ ràng, mơ hồ như kẻ mộng du, thoáng chút nung nấu trong lòng, nên choàng dậy mà đi, lần theo một nỗi nhớ con, xách giỏ lên đường...đi... qua...Tàu...

Y như người mẹ lên chợ Đông Ba, qua cầu Gia Hội, hay đi lên chợ Quán đi về chợ Cầu trong giờ ru em cho thét cho muồi chơi vơi mộng mị tháng năm.

Lần theo nỗi nhớ mà đi, đi như đi trong một chuyện cổ tích Liêu trai nào đó...Chuyện kể rằng, có người mẹ nhớ con đi xa, nhớ chịu không nỗi, quay quắt bỏ nhà mà đi, thất thểu lạc vào một cái chợ, cuối chợ có gốc cây đa, một thầy phù thủy đang ngồi rao bán thuốc chữa bệnh nhớ. Dại dột tin thầy bỏ thuốc vào miệng nuốt. Bỗng ngã lăn ra bất tỉnh, trong lúc quay lơ chợt thấy mình đột nhiên vụt bay lên không như một cánh diều lộng, bay qua mấy từng mây trắng, qua những vùng ánh sáng lân tinh, thoạt tiên gió phả vào người nghe lạnh buốt rồi cơn nóng hâm hấp dồn tới, tiếng người lao xao, mở mắt ra thấy toàn kẻ lạ mặt, người qua lại nờm nợp như sóng vỗ, nhìn vào lòng bàn tay còn toa thuốc của thầy phù thủy ghi hai chữ đỏ ối : Quảng Châu !

À ra mình đã đến... nước Tàu hồi nào không hay !
Thiệt tình ai mà biết trước mọi việc rẽ ràng.
Từ nước Đức đi về VN, cũng đã rấp ranh ý định sang Tàu thăm con đôi ngày, Tàu ở cạnh VN, như bên hàng xóm ! Thấy chẳng khác chi ý định đi chợ Đồng Xuân. Đến Saigon nhờ người hỏi vé đi Tàu, tưởng cũng như đi hỏi vé xem hát, thế thôi !

Từ Saigon ra Huế, từ Huế ra Hà nội để... đi... Tàu, cũng nghĩ như mình đi chợ, nào bánh trung thu nào thanh trà nào chả nào nem, tay mang tay xách, ra đến phi trường cũng chưa biết mình thiệt đang đi sang Tàu.

Mãi đến khi đứng ở phi trường làm thủ tục, mới giật mình vỡ lẽ hoá ra mình sắp làm một cuộc xuất ngoại lần thứ hai trong chuyến hành du này với tất cả những thủ tục rắc rối nhiêu khê của nó : đi xét về xét, vô xét ra xét, qua xét về xét. Bao nhiêu là thứ giấy lệ phí vô lệ phí ra, hải quan xuất hải quan nhập. Thế mà mình lỉnh kỉnh mấy chiếc va li, hai túi xách ! Ra Việt nam, vô Tàu, rồi về lại VN để lại trở về Đức, cuộc hành trình xem ra đằng đẳng như thế, có khi cho cả một đời người, vậy mà mình thì hai chân hỏng đất, đi như một cọng lá bay...

Chừ thì đang đứng ở Quảng Châu với mớ hành lý phải bốc ra, phải chờ đổi máy bay, phải check-in trở lại để đến Hạ Môn.

Quảng Châu nắng hực phả vào mặt, chói lói đến hoa cả mắt. Vừa mới chui ra khỏi phòng đến sang phòng đi, bỗng thấy mình rơi vào một mê hồn trận toàn... "Tàu" Ngũ quan rối bời trước màu sắc sặc sỡ nhộn nhịp, màu đỏ màu xanh rộn ràng như trong...khu Chợ Lớn thuở nào, nhưng lại rất "Tàu". Tàu chính cống, với những tấm quảng cáo vĩ đại như những bức tranh trừu tượng, không cần hiểu, phải đoán mà đoán không ra, mình mù chữ thật rồi ! Tai như ù đi với những âm thanh xếnh xáng xềng xang, chẳng ai nói một tiếng chi khác, ngoài tiếng Tàu, bỗng nhiên ngơ ngác như một tên Mán ở rừng vừa xuống phố. Trong một thoáng chợt thấy thương con vô hạn và xót lòng tự nhủ "tại sao mình dám cả gan đem con đi bỏ xứ Tàu ? “Tưởng tượng ngày đầu tiên con đang ở giữa rừng người mù mịt như một lá tre bồng bềnh trên đại dương mà thấy tội nghiệp làm sao ! Đến đây non nước lạ lùng...nghe con chim kêu cũng sợ, nghe con cá vẫy vùng cũng kinh ! Huống chi đứa con chưa bao giờ bước chân ra khỏi cửa nhà ba mẹ ! Bây giờ đứng giữa đường phố Quảng Châu mới biết mình đang viễn du nơi đất khách chứ không phải đi chợ Đông Ba. Cả một thế giới rất "Tàu" đang di chuyễn truớc mặt như dòng thác, và mình thì ngơ ngác giữa đường ! chợt nghe nhột nhạt cảm giác thích thú "làm một kẻ lạ mặt trên một xứ không quen”, máu hải hồ bừng dậy, cái thú tự do làm kẻ rồ dại mà chẳng cha nào biết chú nào là ai ở nơi đất khách kích thích tính nghịch ngợm vốn sẵn trong người. Đứng giữa ngã ba đường ta nhìn lại ta và thấy cái ta đang lãng đãng xa gần nơi chốn không quen, nơi xứ Tàu xa lơ xa lắc, chứ không phải gần bên nhà hàng xóm, bước một bước là tới mô ! Thấy mình như một kẻ lãng du thứ thiệt ! Đứng bơ vơ nơi thành phố biên cương chợt nhớ vềmột bến đò xa xôi nào đó, nơi chân trời cũ của Hồ Dzếnh (1), có người khách lỡ bước gọi đò với giọng lơ lớ, trong gác trọ trằn trọc, cất tiếng oang oang như chốn không người, ngâm thơ với một loạt âm thanh kỳ quái "uỵt loọc ố dề sướng mán thín...". Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, ...Trương Kế ) (2) và tiếng cười của cô lái đò người Việt trong đêm khuya như chuột rúc !

Từ đó bắt chước cô lái đò, vừa đi vừa khúc kha khúc khích giữa những ngữ âm “uỵt loọc...” ngộ nghĩnh và buồn cười đang liên tục khuấy động màn nhĩ như thế !

A thế ra mình đang ở nước Tàu...hồi nào mà không hay !

Lên máy bay đi Xiamen vẫn với một tâm trạng nửa mơ nửa thực, nửa khôi hài nửa nghiêm trang ! Xuống máy bay cũng còn ngỡ mình đang ở trong cơn mộng đi Tàu, đến nỗi tưởng lầm anh chàng quần xanh áo trắng đột mũ casquette đứng thẳng đập chân dơ tay chào mỗi hành khách xuống máy bay là một hình nộm quảng cáo, suýt nữa dừng lại máng áo vào đấy để bới đầu tóc vừa xổ ra...Lại khúc khích Hồ Dzếnh, cười vì cái ngố của mình ! Cười vì vẻ lịch sự đầy kịch tính rất Tàu của nơi vừa đặt chân lên : Xiamen, Hạ Môn đang ở dưới bước chân rất gấp mong được nhìn mặt con !

Khi ôm con gái trong vòng tay, mới biết thực sự mình đang ở trong nước Tàu.
Đơn giản chuyến đi qua Tàu ! Lầm lũi sang Tàu vì một nỗi nhớ con !
Đã mấy mươi năm cứ nghĩ rằng cuộc đi qua Tàu phải là một chuyến đi trang trọng như một chuyến hành hương văn học. Suốt những năm đèn sách từ thuở thiếu thời lòng ngưỡng mộ những nhà thơ vĩ đại, những thiền sư độc nhất vô nhị, những thánh triết của bầu trời Á đông đã nuôi dưỡng giấc mộng sang Tàu bằng những bước đi trong kinh Lễ. Đã đinh ninh rằng trước khi viễn du sang nơi thánh địa ấy là phải ăn chay nằm đất, cầu nguyện tĩnh tâm ba tháng, tắm rữa gội đầu, tẩm hương thơm, làm lễ lên đường như Tam tạng thỉnh kinh...và còn bao nhiêu thứ lễ nghi khác nữa...và cuộc tương phùng sẽ là một cú...sét đánh...

Ai có ngờ mình lót tót xách giỏ sang Tàu...như đi chợ...chỉ vì một lòng nhớ con...thoắt đi chợt đến !

Hạ Môn là một thành phố thuộc tô giới, nằm ở ven biển Thái bình đối mặt với Taiwan, ở gần Phúc Kiến, cách Quảng Châu hơn một giờ bay, vẻ quang trang và tân tiến của một thành phố lớn với hơn một triệu dân. Hạ Môn không chật hẹp trong kiến trúc hạ tầng, lại không tù túng như những thành phố đông dân lục địa. Hạ Môn gần biển nên hào phóng với gió và mây trên bầu trời. Phố xá tấp nập nhộn nhịp người đi. Khu Đại học nằm bên bờ biển nên rất thoáng, rộng rãi với những con đường rợp bóng cây xanh. Người thiết kế khu Campus đã cố gắng phối hợp Đông và Tây một cách hài hòa không đến nỗi tệ lắm ! Đứng xa có thể thấy những mái cong cổ kính của những khu cư xá cao tầng, như những dinh thự thời trước, đến gần thấy quần áo phơi phấp phới mới rõ là cư xá sinh viên. Campus nằm trong một khuôn viên rộng lớn có rất nhiều bãi cỏ quanh hồ nước để sinh viên có thể ra đấy thư giãn hay tự tình trong giờ nghỉ, có vườn cây và những tiểu kiều bắc ngang qua suối nhân tạo như những vườn Tàu cổ.

Khi hai mẹ con nắm tay nhau đi dạo, bước lên chiếc tiểu kiều “bê tông cốt sắt” TL bảo con, trong truyện Hồng Lâu Mộng hay trong chuyện tình Liêu Trai đây là chiếc cầu (thuở xưa bằng gỗ) định mệnh. Chuyện xưa hay kể một ngày xuân êm ả có nàng tiểu thư khuê các đi dạo với mấy ả thị nữ theo hầu, xiêm áo phất phơ chứ không phải váy ngắn áo cộc như chừ mô, mấy nường rón rén từng bước liú ríu – (chứ không nện gót giày lọc cọc và đi bước sãi như thời nay mô nghe) - lên cầu nhìn nước chảy hay ngắm bóng hằng nga, bỗng đâu có một văn nhân đang tìm vần thơ "...bước lần dặm băng"), thế là khi về nàng tiểu thư mang bệnh tương tư, biếng ăn biếng ngủ đến xanh xao hao mòn, lắm lúc hồn lià khỏi xác...còn kẻ văn nhân thì thành thi nhân lỗi lạc với "nhân diện bất tri hà xứ khứ ..." 4)

Nước Tàu xưa đã có những mối tình giây lát mà thành thiên thu, đời nay tình đến tình đi nhanh hơn sóng vỗ con ơi ... Hai mẹ con cả cười ôm vai nhau đi trên con đường có hai hàng dừa thẳng tắp, trước mặt hàng hai hàng ba những cô gái Tàu đi dạo phố... Bỗng bắt gặp ngay chính mình đang tìm nơi những hình dáng đi đàng trước chiếc lưng ong óng ả xiêm y lả lướt như đã thấy trong tranh tố nữ một thời. Trong bộ âu phục tân thời, những cô gái Tàu rất thời trang, váy dài váy ngắn, áo vai trần hở bụng. Dáng người đẹp nhưng khắc khổ với xương vai ngang, bàn tọa dềnh dàng, chân cao khểnh...hơi khuỳnh... Vơ vẩn lại nhớ đến những Dương Qúi Phi Bao Tự Tây Thi, mơ màng đồng vọng áo xiêm một thời ...

Đến Tàu mới biết cơm Tàu thật dở cũng chẳng thua chi cơm hến ở Cali - Mỹ, cái khổ nhất là trong tiệm ăn không biết kêu món chi cho trúng, đi ăn là một cuộc phiêu lưu còn hơn đi...sang tận nước Tàu, vì sẽ không bao giờ...gặp lại được cái món mình đã đặt mà ...không kêu tên lên được ! Ngồi trước những dĩa thức ăn lầy lợm nước xốt sệt sệt mà nhớ Cửu Chỉ Hồng Thất Công (5) vắt vẻo trên nóc nhà ngự thiện thưởng thức các món cơm "cấm chỉ" hay nhớ con gà quay trong đất sét của Hoàng Dung khi xé ra thơm lựng dâng lên Thần Cái. Một hai ngày sau thì bụng dạ kêu réo trên đường đi tìm tiệm ăn và thấy nhớ thiết tha một tô mì hoành thánh ở Saigon – Chợ Lớn, nước dùng thơm phức, cọng mì óng ả, thịt chả ngọt ngon ! Ôi văn hoá ẩm thực của nước Trung Hoa ngày nay tại xứ Hạ Môn này thật là thê thảm!

Đến nước Tàu vào dịp Trung Thu. Một tình cờ ! Trung Thu và nước Tàu ! Âm vang của những trường ca muà thu luân chuyển tưởng như không dứt ở trên mảnh đất thi thánh này !

Nhưng Hạ Môn hầu như vẫn thản nhiên không rộn rịp tưng bừng đón trăng Trung Thu như mình chờ đợi...

Chiều Trung Thu hai mẹ con đi viếng chùa Nan Pu Tuo (6), nằm bên cạnh Campus. Âu cũng là một chút duyên lành cho Lan Nhi. Khi mới đến, Lan Nhi – vốn từ nhỏ đã được mẹ đem đi thăm chùa những nơi đâu hai mẹ con đi đến - đã kể về ngôi chùa bên cạnh Campus như một an ủi quen thuộc trong những ngày đầu tiên ở Hạ Môn. Chuà Nan Pu Tuo – mấy mươi năm trước vốn là một trung tâm nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc - nằm trên một ngọn núi cao cách mặt biển không xa, kiến trúc khá đồ sộ với hồ sen rộng mênh mông ở mặt tiền. Phong cảnh triền núi u nhã, xanh tươi. Hai mẹ con leo hơn 700 bậc cấp trong lúc hoàng hôn xuống. Giữa lưng chừng núi, cảnh vật chơi vơi lơ lửng trên mặt biển. Hạ Môn nằm dưới chân núi với những nhà cao tầng tân tiến. Bầu trời thoáng gió nhạt nhoà một màu thạch nhủ. Không gian rộng trải ra mênh mông trước mặt, đứng ở triền núi như một lan can treo giữa không gian, tưởng như mình có thể vụt bay hoà tan vào vũ trụ vô cùng. Mặt trời đã tắt lịm từ bao giờ, bóng đêm và bóng mây chen lẫn nhau làm cho bầu trời bãng lãng một màu lam u mặc. Trong ánh chiều mờ nhạt như một thoáng mộng, bỗng thấy lấp lánh một vì sao như một đóa hoa mai tinh khiết treo lơ lửng trên mặt biển xa. Một vì sao có lẽ trung thành tuyệt đối với bầu trời, với trăng, với loài người, ngôi sao đem ngày vào đêm và đem đêm trở lại với ngày. Sao Hôm xuất hiện như một tin báo trăng đang lên ở đâu đó.

Lan Nhi định không leo lên tới đỉnh vì đã thấm mệt và trời bắt đầu tối, nhưng TL. bảo leo núi phải leo lên tới đỉnh chứ không bỏ ngang giữa chừng thối lui. Thế là tiếp tục leo lên những bậc đá cheo leo đến đỉnh.

Đến nơi cả hai mẹ con cùng kêu lên một lượt: Trăng Trung Thu tròn và sáng huyền hoặc vừa xuất hiện sau mỏm đá cao nhất của núi, ngọn tùng phất phơ trước gió đón trăng.

Trong giây lát TL. có cảm tưởng mình gặp lại cả thế giới Trung Hoa cổ xưa mà suốt ngày vô thức của mình đang luẩn quẩn đi tìm hoài nơi những đường phố xôn xao.

Sự xuất hiện của trăng trong núi – như Vương Duy đã lột tả trong câu thơ "Nguyệt xuất kinh sơn điểu" (7)- có thể đưa TÂM trong một tia chớp rung động chan hòa một thứ hạnh phúc giác ngộ giải thoát !

Tuy chưa đọc Vương Duy nhưng chắc chắn Lan Nhi sẽ cảm Vương Duy trong ánh sáng của giòng suối trăng đang chảy vô tận trong tâm thức của Bé, khi cả hai mẹ con loay hoay muốn chụp hình vầng trăng Trung Thu mà máy không chịu làm việc, cuối cùng cả hai đứng nhìn trăng như một lời nguyện nhớ hoài vầng trăng trung thu trước khi xuống núi.

Đường đi xuống núi trở nên gian nan hiểm trở vì cây cối um tùm che lấp ánh trăng. Mỗi bậc đá trong bóng tối bỗng trở nên những cạm bẫy bất ngờ, có thể trượt chân ngã lăn xuống vực thẳm. TL dành đi trước, vì biết Lan Nhi từ bé cho đến bây giờ đi đứng vụng về hay vấp ngã chứ không lanh lẹn như mẹ.Vừa lần mò từng bục đá một vừa báo cho đứa con hãy coi chừng để bước tới (cho nên đã đếm được hơn 700 bậc đá), lòng cảm thấy chưa bao giờ hạnh phúc lăn tròn theo từng bước đi với con như thế. Có lẽ lần đầu tiên sau ba ngày ở Tàu cứ chạy theo niú áo con như một đứa trẻ khi thì đòi uống khi thì đòi ăn, khi hỏi đường khi mua sắm như một kẻ ngất ngơ - lắm lúc đứa con bực mình gây bảo "sao mạ mau đói quá vậy" và người mẹ sài cung trả lời "thuở trước còn bé con theo mạ đòi ăn đủ thứ thì răng" - lần đầu tiên lấy lại được phong độ của người mẹ, của kẻ dẫn đường cho đứa con của mình, sao thấy trong lòng ấm áp và hân hoan đến thế ! Dù cho con đường xuống núi cheo leo tăm tối, nhưng hình như ánh trăng hạnh ngộ trong giâyphút trước vẫn tỏa sáng trong tâm. Mỗi bậc cấp bỗng trở nên một chứng thực cho sự tin yêu tròn lành giữa hai bóng người trong màn đêm càng lúc càng phủ kín lối đi. Bao nhiêu sợ hãi chỉ còn hai mẹ con một mình trong núi biến mất. Nghe đàng sau mình đứa con đang bước theo mà mình vững dạbước tới trong một nhịp phúc họa đồng chia.

Sau mấy giờ khá vất vả mới đến sân chùa, hai mẹ con không ai bảo nhau đến trước tượng Phật thắp hương cùng niệm danh hiệu Bổn Sư và cúi đầu quán tưởng một hồi lâu.

Khi quay ra đã thấy ánh trăng đầy ắp trước sân chùa từ hồi nào đang đợi đưa chân người xuống núi. Rời chùa bỗng lóa mắt trước một vùng đại dương ánh sáng từ biển xa... Trăng mọc lên từ biển hồi nào mà đang giạt dào ướt đẫm trên sóng nước ? Âm ba lao xao rào rạt tưởng như có những mảnh bạc chạm vào nhau kêu lanh tanh vang đến tận núi cao rồi vọng về đem theo ánh sáng của trăng treo đầu núi trùng phùng với vùng thủy ngân mênh mông của "hải thượng sinh minh nguyệt" 8)

Chân tay và đầu gối mệt rã rời, cả hai mẹ con bấy giờ đều có cảm giác không đi mà đang lảo đảo bồng bềnh trong ánh trăng từ miền núi cao đến bờ biển rộng...trôi giạt...phiêu lưu tấp vào phòng trọ !

Có phải cả nước Tàu nghìn năm còn lại không mất e chỉ có mảnh trăng rằm Trung Thu vằng vặc hôm nay ?

Muenchen, 29. 10. 02
Viết cho Mai Lan
Thái Kim Lan

(1) Tác phẩm "Chân trời cũ" của nhà thơ – văn Hồ Dzếnh kể chuyện gặp gỡ giữa thân phụ của ông làngười Tàu và mẹ là người Việt.

(2) Câu đầu trong bài thơ nổi tiếng "Phong Kiều dạ bạc" của thi nhân thời Đường Trương Kế (vào khoảng trước sau năm 756), Tản Đà dịch : "Trăng tà tiếng quạ kêu sương"

(3) Nguyễn Du, Truyện Kiều, "Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng"

(4) Câu thứ ba của bài thơ nổi tiếng "Đề tích kiến sở xứ" của Thôi Hộ, thi nhân đời Đường (khoảng trước sau năm 804) "Không biết mặt người giờ ở nơi nao"

(5) Nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp "Anh Hùng Xạ Điêu" của Kim Dung

(6) Chuà Nam Phổ Đà

(7) Câu thơ thứ ba trong bài "Điểu minh giản" cuả thi thánh đời Đường "Vương Duy" 699 – 759) : "Trăng xuất hiện làm giật mình chim núi"

(8) Câu thơ thứ nhất trong bài thơ "Vọng nguyệt hoài viễn" - Trông trăng nhớ người phương xa) của thi nhân thời Sơ Đường Trương Cửu Linh (673 – 740) tả "trăng tròn sáng mọc trên biển cả"
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn