Tôi có tật để bụng, thù vặt, nhớ dai nhưng không làm sao hồi tưởng được hình ảnh sinh hoạt hằng ngày của bố. Đọc bài Cha Tôi của Phan thị Vàng Anh: "Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm nấu cơm, nấu nước rồi sắp vào một khay con, một đôi đũa một cái bát... xong hết mới gọi tôi dậy ăn. Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân... Làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài."* Tôi thấy mình tệ thật. Phải chi tôi chịu khó để ý hơn?
Thôi thì tưởng tượng bố mình bắt đầu một ngày mới bằng điếu thuốc Bastos xanh, bên tách cà phê nóng, thoảng thoảng thơm mùi Bretel (bố tôi có lần chấm một đầu tăm có bơ vào tách cà phê!) Sau đó người khoác áo, lên xe cho bác Nghĩa chở đến Đài phát thanh Đàlạt, quản đốc nhân viên lai rai. Công việc chắc nhàn. Chẳng bao giờ thấy bố đem hồ sơ về làm thêm. Cứ đến giờ lại thong dong về dùng cơm. Quan sát cách thưởng thức các món ăn, tôi chia vị giác của bố tôi ra làm hai loại: Xuề xòa và tinh tế. Hôm bố ăn cháo trắng, người xì xụp loáng một lát đã cạn đáy tô. Tôi nhìn, không cầm được tuyến nước bọt. Cũng vào bếp xin chị Hai, "Chị nhớ đừng bỏ đường muối gì cả, em muốn cháo nguyên chất giống bố!" Đến lúc thử một muỗng, tôi nhăn mặt đẩy bát cháo ra xa, "Lạt thếch lạt thác!" Thế mà người làm như đang xơi súp vi cá! Nhiều khi, chỉ cần ổ bánh mì nóng dòn phết bơ cũng đủ làm bố tôi chén một cách thích thú. Tuy vậy, khi bố nếm món giả cày làm không đúng cách, ông tuyên bố rất thẳng: "Món này bỏ thêm tí mẻ thì tuyệt." Còn ban tối, chúng tôi bị lùa vào giường rất sớm. Có đêm tôi sợ ma, đánh bạo ra phòng khách kiếm xem ai còn thức. Thấy bố tôi lơ mơ nhả khói thuốc lá, tôi nói ngay: "Bố, con thấy rõ ràng con ma màu trắng trên trần nhà!" Dù mép bố tôi hơi nhếch và ánh mắt thoáng tia khôi hài nhưng người vẫn làm nghiêm, lấy dao bỏ dưới gối cho tôi: "Để con dao ở đây, bảo đảm không ma nào dám hỗn với con..." Tôi không tin nhưng an tâm ngủ vì biết bố chỉ cách mình đúng một bức tường.
Kỷ niệm về bố tôi bây giờ chỉ còn lại những miểng vụn rời rạc. Thuở làm phim Hai Chuyến Xe Hoa, tôi nhớ nhất cảnh bố và các bác hí hoáy cắt ráp phim. Trong sân, người đông nườm nượp như cái chợ trời. Chúng tôi tha hồ lượm phim vứt trong sọt rác, đem đổi lũ trẻ con hàng xóm lấy đồ chơi. Sau đó bố tôi đi vắng luôn. Những lúc có mặt ở nhà, người của các toà báo thường đứng chờ bố tôi viết feuilleton. "Bố đang vẽ giấy 500", bố tôi bảo. Sau này gia đình dọn lên Đàlạt, bố tôi vẫn còn đóng đô ở hòn ngọc viễn đông. Lâu lâu về thăm chúng tôi, người đem theo một nhà quà. Búp bê cho con gái, xe tăng tàu bay cho con trai, áo dài cho mẹ... Ở bàn cơm, bố tôi thường nói về những dự án sắp thực hiện, kể những chuyện phim cũ mới, chuyện tiếu lâm, chuyện kín cổng cao tường của giới nghệ sĩ v.v. Bố tôi không hổ danh thợ Đấu, chuyện nào cũng đậm đặc hình ảnh và âm thanh khiến chúng tôi há miệng, quên ăn. Mẹ tôi lắm lúc bực mình dặn, chờ con cái ăn xong mới mở máy nói. Mỗi khi bố tôi có nhà, rất nhiều bạn văn nghệ ghé chơi, hàn huyên rôm rả cả đêm. Tôi thường làm bộ luẩn quẩn dọn dẹp gần đấy để hóng chuyện nhưng lần nào cũng bị mẹ đuổi đi chỗ khác. Uổng. Coi như mất dịp nghe người lớn nói tục!
Hôm nào thi hứng bốc cao, bố tôi đóng cửa phòng im ỉm từ sáng đến tối. Bỏ cơm. Bài thơ ra đời, người ông rạc rày như tằm vừa nhả xong tơ. Tôi lợi dụng lúc không còn bế môn tỏa cảng, lẻn vào phòng, thấy khói thuốc mịt mờ, dĩa gạt tàn thuốc lá đầy vun và thùng rác cao có ngọn với những tờ giấy bị vo tròn. Mở thử vài viên rác ra, có khi đọc được nguyên câu thơ, có khi độc một chữ. Tôi chê, "Sáng tác kiểu này tốn giấy!". Cũng như làm thơ, những dự án nhỏ đều được bố tôi say mê bỏ sức ra hoàn tất. Có năm bố tôi làm hang đá Giáng Sinh cùng với tượng Đức Mẹ, Thánh Giu-se, Chúa Hài Đồng. Người cưa gỗ, gõ đinh, sơn phết màu mè... cả buổi, cho tớùi khi tất cả được xếp ngay ngắn dưới cây Noel. Có một thời gian ngắn, bố ưa thích học cắm hoa Nhật bản, tìm hiểu chữ Nho, nghiên cứu tử vi... chẳng bao lâu thì bỏ lửng. Công việc nào kéo dài quá lâu sẽ làm bố tôi ngao ngán bỏ dở. Có lẽ đây là tánh trời cho của các nghệ sĩ...
Năm lớp Một, trường tôi tổ chức hội chợ, ra lệnh mỗi học sinh phải vẽ thiệp Giáng sinh, nếu đẹp sẽ được chọn bán gây quỹ. Mẹ tôi vẽ ông già Noel bụng phệ mặc quần áo đỏ đứng gần ống khói, trên lưng có túi đồ chơi đầy lúc lỉu, lòi cả gấu bông búp bế kèn đồng. Sau đó còn vẽ thêm cây thông có treo dây kim tuyến và đèn cày tỏa sáng lung linh. Tôi thích quá, chỉ muốn cất cho riêng mình. Bố tôi lấy màu, cọ... quẹt ra một lô thiệp gần chục tấm tếch ních cô lo xanh đỏ tím vàng. Tôi muốn chết lịm. Không lẽ nộp cho trường thiệp Noel nhìn không giống ai? Đến lúc đưa, cô giáo chẳng ngó gì tới ông già Noel cạnh ống khói, cũng chẳng trầm trồ những ngọn nến lung linh trên cây Giáng Sinh. Cô cứ "Ồ...à..." với những tấm thiệp bố tôi vẽ. Chưa xong. Hôm hội chợ khai mạc, tác phẩm tếch ních cô lo của bố tôi bán hết vèo. Sau vụ này, tôi mới chịu phục bố mình: Tài mạo song toàn.
Những năm từ 65 đến 68, chúng tôi sống ở một biệt thự lớn ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Đàlạt. Trước đó, không biết bao nhiêu gia đình dọn đến rồi tức tốc vali hòm xiểng dọn đi trong vòng một tuần lễ. Căn nhà nổi tiếng bị ma lộng. Bố tôi kể chủ cũ là một người đàn bà đẹp có tiếng của thành phố Đàlạt, bị mấy bà lớn lên cơn ghen, thuê du đãng thanh toán bằng ống nước. Xương bể, máu văng tung toé lên tường. Chết tức tưởi thành ra không siêu thoát. Chúng tôi rúm người vì khiếp hãi. Người còn khoe, "Bà Nghiên vừa giúp cho bố trúng số." Cả lũ mắt tròn mắt dẹt tưởng bố mình nói đùa. Nhưng không. Ông rất nghiêm trang: "Trong giấc mơ, bố thấy mình để tay lên góc bàn. Nghe tiếng bà Nghiên gọi, bố giật mình quay lại rồi tỉnh ngủ luôn. Ra nhìn bàn có mấy con số. Bố ghi xuống. Đánh đề, trúng liền!" Mẹ tôi hừ, "Cứ kể chuyện ma quỷ lăng nhăng, các con sợ." Mẹ tôi nói thế chứ cũng lập bàn thờ, hy vọng bà Nghiên cảm động, để cho vợ chồng con cái được yên thân. Bạn bè văn nghệ nghe đồn bố tôi bị bà Nghiên... sờ, lũ lượt kéo đến xin ở thử mấy ngày cho biết. Sáng hôm sau, những chú nào trẻ và đẹp trai khoe được vò đầu, cầm tay... Các bác heo héo thì kêu ca bị kéo chân. Bố tôi cười dòn, "Thế là các cậu được bà Nghiên hỏi thăm. Hân hạnh lắm rồi đấy!"
Đến tết Mậu Thân, gia đình tôi chạy giặc trở về. Nhà 11 Huỳnh Thúc Kháng bị pháo kích, chỉ còn cái lò sưởi và chiếc ống khói cao lừng lững. Chúng tôi dọn đến 28 Yersin sống cho đến ngày di tản bảy lăm. Tôi bắt đầu chuyển từ Petit Lycée Yersin sang Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương. Học dễ, đổ lười. Đến khi đuối toán, tôi cầu cứu bố mình. Hoàng Anh Tuấn mà dạy toán, bảo đảm học trò sướng vô cùng. Tôi đưa bài tập, bố tôi làm. Chỉ cần chép lại sạch sẽ là được điểm ngon lành. Có lần thày xổ toẹt một bài giải của bố tôi chỉ vì đôi bên bất đồng ý kiến về hai chữ bề ngang và bề dọc (Phải chi sách nói chiều dài và chiều rộng thì đâu có sự cố này!). Tôi đưa tập mách bố. Người viết một bức thư lý luận hai chữ "dọc/ngang." Tôi sợ thày trù, tệ hơn nữa là thày biết bố tôi làm bài dùm, dấu biến bức tâm thư. May quá, bố tôi cũng quên không hỏi thêm về vụ này. Những hôm nào làm biếng, chỉ cần nhờ bố tôi viết thư xin nghỉ là xong. Còn điểm học bạ xuống dốc, chúng tôi không hẹn mà đưa bố ký. Cùng lắm nếu bố bận, tôi ký dùm. Không phải nói phét, chữ ký giả đôi khi còn đẹp và "hùng" hơn chữ ký thật!
Mẹ tôi thấy đám con gái chúng tôi có vẻ đi lùi trên con đường học vấn, bèn đẩy cho các nữ tu bên Couvent des Oiseaux huấn luyện với kỷ luật sắt. Bố tôi xót con, phản đối cách mấy cũng không hữu hiệu. Tôi phải thức khuya dậy sớm dùi mài kinh sử, chới với mãi mới bắt kịp chương trình song ngữ Pháp Anh dạy kiểu nhồi sọ của các soeurs. Đã vậy, mẹ còn tống tôi đi học Hội Việt Mỹ ban đêm nữa. Tôi càu nhàu: Học quá nhiều, sắp đánh mất tuổi thơ... nhưng lời ta thán chẳng thấu đến tai ai, đành tự an ủi chí ít cũng hơn được bố mình khoản Anh ngữ. Không ngờ, có hôm mẹ tôi mời ông Mỹ tên Mr. Gennon tới nhà bàn chuyện làm phim. Bố tôi ngồi tiếp khách, nói chuyện rôm rốp như pháo chuột nổ. Tôi đứng nghe trộm, tập trung tinh thần phát nhức đầu mà chẳng hiểu mô tê gì. Ông Gennon về, tôi khen: "Bố giỏi thiệt. Con nghe ông ấy nói, một chữ chưa thông mà bố thì cứ xí xa xí xô." Bố tôi vênh mặt, cười: "Bố mà!"
Anh chị em chúng tôi chẳng bao giờ thắc mắc về những chuyến đi dài và thường xuyên của người bố thích hành hiệp chốn giang hồ. Tôi thì càng mừng. Hôm nào cả bố lẫn mẹ đi vắng, tôi giở trò quỷ lộng, ra phòng khách thượng lên chiếc ghế bành đỏ của bố tôi. Ngồi một lát, tôi buồn tay buồn miệng rót ly rượu đào nhâm nhi. Ngày này qua ngày khác, chai rượu đào mới mở cũng phải cạn, tôi nhảy sang rượu mận. Đúng là sớm mận tối đào! Hết rượu nhẹ, tôi lấn qua Cointreau rồi mon men tấn công cả Johnny Walker, Hennessey, Martel. Uống sec, rượu bốc lên mắt. Phải khà thật kêu để chữa lửa. Khi bố về, tôi lo bấn. Lỡ người để ý điều tra thì thế nào cũng lòi ra con sâu rượu của gia đình. May mắn cho tôi, bố không hỏi han gì cả, lại tống vào tủ thêm dăm chai nước cay thành ra bợm tôi cứ tì tì rất thoải mái...
Lũ con nít chúng tôi ít khi đi chơi nhưng mỗi lần bác Tuyết, vợ bác Long Trố, ở Sàigòn lên, chúng tôi vội vàng xiêm áo tử tế, sửa soạn đi xem bác biểu diễn lên đồng. Cảnh bác Tuyết từ từ lột xác thành "cô" trong tiếng cung văn í éo hát, tôi đã cho là lôi cuốn nhưng nhìn bố tôi khen bác xinh, trẻ... ngọt như mía lùi, tôi chấm là độc nhất vô nhị. Chả mấy khi chứng kiến người trổ nghề tán đàn bà. Bố tôi tài quá. Nhìn một phụ nữ tuổi đã chín muồi, mắt mũi vẽ xanh vẽ vàng, hai bàn tay lúc nào cũng múa như phường tuồng và nhí nhảnh nhõng nhẽo như mấy nàng đôi tám, lũ chúng tôi phải bấm bụng mới nín cười được. Thế mà bố tôi mặt tỉnh như không. Khen câu nào, trúng câu nấy. Thánh phát lộc tưới hạt dưa. Tôi cũng xoa tay chờ lộc. Con nít chỉ thấy giấy 20 kèm theo mấy cái bánh oản, vài quả cam. Bố tôi lại được dúi toàn những tờ 500, 1000. Thế có lạ?
Sau này mẹ tôi bỏ dạy học ở Grand Lycée Yersin, đưa phim đi chiếu các tỉnh vùng Lâm Đồng, Phan Rang, Tháp Chàm. Bố tôi ở Sàigòn lo giao dịch, mượn phim. Vừa có đồng ra đồng vào thì đụng phải tháng Tư Thâm. Cả nhà di tản về Sàigòn. Lêu bêu mãi mẹ tôi mới thuê được một biệt thự của chính phủ Pháp. Suốt thời gian này, bố tôi một là ở nhà, hai là ở tù. Có lẽ đây là quy luật tất yếu của một nước đang tiến lên xã hội chủ nghĩa? Khi chưa bị bắt, bố tôi phụ rửa chén, mài dao. Ngoài đọc sách, thú tiêu khiển khác của bố là o bế đánh bóng cái điếu cày. Sáng hút thuốc lào xong, bố say loạng choạng. Vô giường nằm đánh ềnh. Tôi chỉ sợ người đá phải điếu thuốc lào, đổ nước thối lênh láng ra nhà thì vỡ nợ. May quá, chuyện đó chưa bao giờ xảy ra!
Ngày bố tôi bị còng tay đưa vào tù Phan Đăng Lưu, chúng tôi còn ở nhà trên. Tháng sau, tòa đại sứ Pháp yêu cầu gia đình tôi chuyển xuống nhà ngang và nhà chứa xe, nhường chỗ cho công dân của họ tạm dung trong lúc chờ giấy xuất cảnh. Chật chội. Mẹ kêu người nối thêm tranh vào mái ngói/tôn cho con cái có chỗ học bài. Tuy thiếu thẩm mỹ nhưng tôi vẫn "đánh giá cao tinh thần phát huy sáng tạo, khắc phục khó khăn" của bà. Dĩ nhiên mẹ tôi dấu không cho bố biết chuyện này để ông vững tinh thần trong lúc cá chậu chim lồng. Lúc được thả về, bố tôi phom phom đi thẳng vào nhà người ta. Con nít bên trong chỉ ra phía sau, xong còn chạy theo hét rân: "Ông Liên về! Ông Liên về, bà Liên ơi..." Tôi ngồi học bài dưới mái tranh thấp lè tè. Ngẩng lên thấy bố tôi ngừng chân, bàng hoàng nhìn dãy nhà ngang. Trái tim tôi chợt nặng trĩu. Lúc đó nếu có chiếc đũa thần, tôi sẽ vung đũa biến chỗ ởø lam nham xấu xí này thành một lâu đài nguy nga, xóa đi tất cả nét ngỡ ngàng trong mắt người. Vừa lúc đó, bố nhìn thấy tôi. Đôi mắt người bừng sáng như thâu hết những hạt nắng nhảy múa trong sân. Tôi vứt sách nhào ra đón bố. Dường như tôi vẫn giữ một khoảng cách với bố mình nên vòng tay mừng bố có vẻ lỏng lẻo thế nào.
Từ rất lâu, tôi vẫn nghĩ bố tôi yêu nàng thơ, quý bạn bè hơn tất cả mọi sự trên đời. Mãi đến khi mở tạp chí Suối Văn xem lá thư viết cho con gái của nữ sĩ Ngọc Thủy, tôi mới thấu lòng bố mình: "Bác hay ngắm nghía cháu nằm trong nôi và thành thật nói với cha mẹ cháu. Đây là tác phẩm đẹp nhất và quan trọng nhất của một đời nghệ sĩ sáng tác. Ý nghĩ đó cho tới nay vẫn không hề thay đổi. Riêng bác, những gì bác đã sáng tác, quả thật không nghĩa lý gì bên cạnh các con và các cháu của bác!"** Tôi thôi không thù ghét nàng thơ, so bì với bằng hữu bố. Vòng tay dành cho bố từ nay không còn khoảng cách. Trái tim tôi nhẹ hẳn.
Thu-Thuyền
10/2003
Thôi thì tưởng tượng bố mình bắt đầu một ngày mới bằng điếu thuốc Bastos xanh, bên tách cà phê nóng, thoảng thoảng thơm mùi Bretel (bố tôi có lần chấm một đầu tăm có bơ vào tách cà phê!) Sau đó người khoác áo, lên xe cho bác Nghĩa chở đến Đài phát thanh Đàlạt, quản đốc nhân viên lai rai. Công việc chắc nhàn. Chẳng bao giờ thấy bố đem hồ sơ về làm thêm. Cứ đến giờ lại thong dong về dùng cơm. Quan sát cách thưởng thức các món ăn, tôi chia vị giác của bố tôi ra làm hai loại: Xuề xòa và tinh tế. Hôm bố ăn cháo trắng, người xì xụp loáng một lát đã cạn đáy tô. Tôi nhìn, không cầm được tuyến nước bọt. Cũng vào bếp xin chị Hai, "Chị nhớ đừng bỏ đường muối gì cả, em muốn cháo nguyên chất giống bố!" Đến lúc thử một muỗng, tôi nhăn mặt đẩy bát cháo ra xa, "Lạt thếch lạt thác!" Thế mà người làm như đang xơi súp vi cá! Nhiều khi, chỉ cần ổ bánh mì nóng dòn phết bơ cũng đủ làm bố tôi chén một cách thích thú. Tuy vậy, khi bố nếm món giả cày làm không đúng cách, ông tuyên bố rất thẳng: "Món này bỏ thêm tí mẻ thì tuyệt." Còn ban tối, chúng tôi bị lùa vào giường rất sớm. Có đêm tôi sợ ma, đánh bạo ra phòng khách kiếm xem ai còn thức. Thấy bố tôi lơ mơ nhả khói thuốc lá, tôi nói ngay: "Bố, con thấy rõ ràng con ma màu trắng trên trần nhà!" Dù mép bố tôi hơi nhếch và ánh mắt thoáng tia khôi hài nhưng người vẫn làm nghiêm, lấy dao bỏ dưới gối cho tôi: "Để con dao ở đây, bảo đảm không ma nào dám hỗn với con..." Tôi không tin nhưng an tâm ngủ vì biết bố chỉ cách mình đúng một bức tường.
Kỷ niệm về bố tôi bây giờ chỉ còn lại những miểng vụn rời rạc. Thuở làm phim Hai Chuyến Xe Hoa, tôi nhớ nhất cảnh bố và các bác hí hoáy cắt ráp phim. Trong sân, người đông nườm nượp như cái chợ trời. Chúng tôi tha hồ lượm phim vứt trong sọt rác, đem đổi lũ trẻ con hàng xóm lấy đồ chơi. Sau đó bố tôi đi vắng luôn. Những lúc có mặt ở nhà, người của các toà báo thường đứng chờ bố tôi viết feuilleton. "Bố đang vẽ giấy 500", bố tôi bảo. Sau này gia đình dọn lên Đàlạt, bố tôi vẫn còn đóng đô ở hòn ngọc viễn đông. Lâu lâu về thăm chúng tôi, người đem theo một nhà quà. Búp bê cho con gái, xe tăng tàu bay cho con trai, áo dài cho mẹ... Ở bàn cơm, bố tôi thường nói về những dự án sắp thực hiện, kể những chuyện phim cũ mới, chuyện tiếu lâm, chuyện kín cổng cao tường của giới nghệ sĩ v.v. Bố tôi không hổ danh thợ Đấu, chuyện nào cũng đậm đặc hình ảnh và âm thanh khiến chúng tôi há miệng, quên ăn. Mẹ tôi lắm lúc bực mình dặn, chờ con cái ăn xong mới mở máy nói. Mỗi khi bố tôi có nhà, rất nhiều bạn văn nghệ ghé chơi, hàn huyên rôm rả cả đêm. Tôi thường làm bộ luẩn quẩn dọn dẹp gần đấy để hóng chuyện nhưng lần nào cũng bị mẹ đuổi đi chỗ khác. Uổng. Coi như mất dịp nghe người lớn nói tục!
Hôm nào thi hứng bốc cao, bố tôi đóng cửa phòng im ỉm từ sáng đến tối. Bỏ cơm. Bài thơ ra đời, người ông rạc rày như tằm vừa nhả xong tơ. Tôi lợi dụng lúc không còn bế môn tỏa cảng, lẻn vào phòng, thấy khói thuốc mịt mờ, dĩa gạt tàn thuốc lá đầy vun và thùng rác cao có ngọn với những tờ giấy bị vo tròn. Mở thử vài viên rác ra, có khi đọc được nguyên câu thơ, có khi độc một chữ. Tôi chê, "Sáng tác kiểu này tốn giấy!". Cũng như làm thơ, những dự án nhỏ đều được bố tôi say mê bỏ sức ra hoàn tất. Có năm bố tôi làm hang đá Giáng Sinh cùng với tượng Đức Mẹ, Thánh Giu-se, Chúa Hài Đồng. Người cưa gỗ, gõ đinh, sơn phết màu mè... cả buổi, cho tớùi khi tất cả được xếp ngay ngắn dưới cây Noel. Có một thời gian ngắn, bố ưa thích học cắm hoa Nhật bản, tìm hiểu chữ Nho, nghiên cứu tử vi... chẳng bao lâu thì bỏ lửng. Công việc nào kéo dài quá lâu sẽ làm bố tôi ngao ngán bỏ dở. Có lẽ đây là tánh trời cho của các nghệ sĩ...
Năm lớp Một, trường tôi tổ chức hội chợ, ra lệnh mỗi học sinh phải vẽ thiệp Giáng sinh, nếu đẹp sẽ được chọn bán gây quỹ. Mẹ tôi vẽ ông già Noel bụng phệ mặc quần áo đỏ đứng gần ống khói, trên lưng có túi đồ chơi đầy lúc lỉu, lòi cả gấu bông búp bế kèn đồng. Sau đó còn vẽ thêm cây thông có treo dây kim tuyến và đèn cày tỏa sáng lung linh. Tôi thích quá, chỉ muốn cất cho riêng mình. Bố tôi lấy màu, cọ... quẹt ra một lô thiệp gần chục tấm tếch ních cô lo xanh đỏ tím vàng. Tôi muốn chết lịm. Không lẽ nộp cho trường thiệp Noel nhìn không giống ai? Đến lúc đưa, cô giáo chẳng ngó gì tới ông già Noel cạnh ống khói, cũng chẳng trầm trồ những ngọn nến lung linh trên cây Giáng Sinh. Cô cứ "Ồ...à..." với những tấm thiệp bố tôi vẽ. Chưa xong. Hôm hội chợ khai mạc, tác phẩm tếch ních cô lo của bố tôi bán hết vèo. Sau vụ này, tôi mới chịu phục bố mình: Tài mạo song toàn.
Những năm từ 65 đến 68, chúng tôi sống ở một biệt thự lớn ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Đàlạt. Trước đó, không biết bao nhiêu gia đình dọn đến rồi tức tốc vali hòm xiểng dọn đi trong vòng một tuần lễ. Căn nhà nổi tiếng bị ma lộng. Bố tôi kể chủ cũ là một người đàn bà đẹp có tiếng của thành phố Đàlạt, bị mấy bà lớn lên cơn ghen, thuê du đãng thanh toán bằng ống nước. Xương bể, máu văng tung toé lên tường. Chết tức tưởi thành ra không siêu thoát. Chúng tôi rúm người vì khiếp hãi. Người còn khoe, "Bà Nghiên vừa giúp cho bố trúng số." Cả lũ mắt tròn mắt dẹt tưởng bố mình nói đùa. Nhưng không. Ông rất nghiêm trang: "Trong giấc mơ, bố thấy mình để tay lên góc bàn. Nghe tiếng bà Nghiên gọi, bố giật mình quay lại rồi tỉnh ngủ luôn. Ra nhìn bàn có mấy con số. Bố ghi xuống. Đánh đề, trúng liền!" Mẹ tôi hừ, "Cứ kể chuyện ma quỷ lăng nhăng, các con sợ." Mẹ tôi nói thế chứ cũng lập bàn thờ, hy vọng bà Nghiên cảm động, để cho vợ chồng con cái được yên thân. Bạn bè văn nghệ nghe đồn bố tôi bị bà Nghiên... sờ, lũ lượt kéo đến xin ở thử mấy ngày cho biết. Sáng hôm sau, những chú nào trẻ và đẹp trai khoe được vò đầu, cầm tay... Các bác heo héo thì kêu ca bị kéo chân. Bố tôi cười dòn, "Thế là các cậu được bà Nghiên hỏi thăm. Hân hạnh lắm rồi đấy!"
Đến tết Mậu Thân, gia đình tôi chạy giặc trở về. Nhà 11 Huỳnh Thúc Kháng bị pháo kích, chỉ còn cái lò sưởi và chiếc ống khói cao lừng lững. Chúng tôi dọn đến 28 Yersin sống cho đến ngày di tản bảy lăm. Tôi bắt đầu chuyển từ Petit Lycée Yersin sang Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương. Học dễ, đổ lười. Đến khi đuối toán, tôi cầu cứu bố mình. Hoàng Anh Tuấn mà dạy toán, bảo đảm học trò sướng vô cùng. Tôi đưa bài tập, bố tôi làm. Chỉ cần chép lại sạch sẽ là được điểm ngon lành. Có lần thày xổ toẹt một bài giải của bố tôi chỉ vì đôi bên bất đồng ý kiến về hai chữ bề ngang và bề dọc (Phải chi sách nói chiều dài và chiều rộng thì đâu có sự cố này!). Tôi đưa tập mách bố. Người viết một bức thư lý luận hai chữ "dọc/ngang." Tôi sợ thày trù, tệ hơn nữa là thày biết bố tôi làm bài dùm, dấu biến bức tâm thư. May quá, bố tôi cũng quên không hỏi thêm về vụ này. Những hôm nào làm biếng, chỉ cần nhờ bố tôi viết thư xin nghỉ là xong. Còn điểm học bạ xuống dốc, chúng tôi không hẹn mà đưa bố ký. Cùng lắm nếu bố bận, tôi ký dùm. Không phải nói phét, chữ ký giả đôi khi còn đẹp và "hùng" hơn chữ ký thật!
Mẹ tôi thấy đám con gái chúng tôi có vẻ đi lùi trên con đường học vấn, bèn đẩy cho các nữ tu bên Couvent des Oiseaux huấn luyện với kỷ luật sắt. Bố tôi xót con, phản đối cách mấy cũng không hữu hiệu. Tôi phải thức khuya dậy sớm dùi mài kinh sử, chới với mãi mới bắt kịp chương trình song ngữ Pháp Anh dạy kiểu nhồi sọ của các soeurs. Đã vậy, mẹ còn tống tôi đi học Hội Việt Mỹ ban đêm nữa. Tôi càu nhàu: Học quá nhiều, sắp đánh mất tuổi thơ... nhưng lời ta thán chẳng thấu đến tai ai, đành tự an ủi chí ít cũng hơn được bố mình khoản Anh ngữ. Không ngờ, có hôm mẹ tôi mời ông Mỹ tên Mr. Gennon tới nhà bàn chuyện làm phim. Bố tôi ngồi tiếp khách, nói chuyện rôm rốp như pháo chuột nổ. Tôi đứng nghe trộm, tập trung tinh thần phát nhức đầu mà chẳng hiểu mô tê gì. Ông Gennon về, tôi khen: "Bố giỏi thiệt. Con nghe ông ấy nói, một chữ chưa thông mà bố thì cứ xí xa xí xô." Bố tôi vênh mặt, cười: "Bố mà!"
Anh chị em chúng tôi chẳng bao giờ thắc mắc về những chuyến đi dài và thường xuyên của người bố thích hành hiệp chốn giang hồ. Tôi thì càng mừng. Hôm nào cả bố lẫn mẹ đi vắng, tôi giở trò quỷ lộng, ra phòng khách thượng lên chiếc ghế bành đỏ của bố tôi. Ngồi một lát, tôi buồn tay buồn miệng rót ly rượu đào nhâm nhi. Ngày này qua ngày khác, chai rượu đào mới mở cũng phải cạn, tôi nhảy sang rượu mận. Đúng là sớm mận tối đào! Hết rượu nhẹ, tôi lấn qua Cointreau rồi mon men tấn công cả Johnny Walker, Hennessey, Martel. Uống sec, rượu bốc lên mắt. Phải khà thật kêu để chữa lửa. Khi bố về, tôi lo bấn. Lỡ người để ý điều tra thì thế nào cũng lòi ra con sâu rượu của gia đình. May mắn cho tôi, bố không hỏi han gì cả, lại tống vào tủ thêm dăm chai nước cay thành ra bợm tôi cứ tì tì rất thoải mái...
Lũ con nít chúng tôi ít khi đi chơi nhưng mỗi lần bác Tuyết, vợ bác Long Trố, ở Sàigòn lên, chúng tôi vội vàng xiêm áo tử tế, sửa soạn đi xem bác biểu diễn lên đồng. Cảnh bác Tuyết từ từ lột xác thành "cô" trong tiếng cung văn í éo hát, tôi đã cho là lôi cuốn nhưng nhìn bố tôi khen bác xinh, trẻ... ngọt như mía lùi, tôi chấm là độc nhất vô nhị. Chả mấy khi chứng kiến người trổ nghề tán đàn bà. Bố tôi tài quá. Nhìn một phụ nữ tuổi đã chín muồi, mắt mũi vẽ xanh vẽ vàng, hai bàn tay lúc nào cũng múa như phường tuồng và nhí nhảnh nhõng nhẽo như mấy nàng đôi tám, lũ chúng tôi phải bấm bụng mới nín cười được. Thế mà bố tôi mặt tỉnh như không. Khen câu nào, trúng câu nấy. Thánh phát lộc tưới hạt dưa. Tôi cũng xoa tay chờ lộc. Con nít chỉ thấy giấy 20 kèm theo mấy cái bánh oản, vài quả cam. Bố tôi lại được dúi toàn những tờ 500, 1000. Thế có lạ?
Sau này mẹ tôi bỏ dạy học ở Grand Lycée Yersin, đưa phim đi chiếu các tỉnh vùng Lâm Đồng, Phan Rang, Tháp Chàm. Bố tôi ở Sàigòn lo giao dịch, mượn phim. Vừa có đồng ra đồng vào thì đụng phải tháng Tư Thâm. Cả nhà di tản về Sàigòn. Lêu bêu mãi mẹ tôi mới thuê được một biệt thự của chính phủ Pháp. Suốt thời gian này, bố tôi một là ở nhà, hai là ở tù. Có lẽ đây là quy luật tất yếu của một nước đang tiến lên xã hội chủ nghĩa? Khi chưa bị bắt, bố tôi phụ rửa chén, mài dao. Ngoài đọc sách, thú tiêu khiển khác của bố là o bế đánh bóng cái điếu cày. Sáng hút thuốc lào xong, bố say loạng choạng. Vô giường nằm đánh ềnh. Tôi chỉ sợ người đá phải điếu thuốc lào, đổ nước thối lênh láng ra nhà thì vỡ nợ. May quá, chuyện đó chưa bao giờ xảy ra!
Ngày bố tôi bị còng tay đưa vào tù Phan Đăng Lưu, chúng tôi còn ở nhà trên. Tháng sau, tòa đại sứ Pháp yêu cầu gia đình tôi chuyển xuống nhà ngang và nhà chứa xe, nhường chỗ cho công dân của họ tạm dung trong lúc chờ giấy xuất cảnh. Chật chội. Mẹ kêu người nối thêm tranh vào mái ngói/tôn cho con cái có chỗ học bài. Tuy thiếu thẩm mỹ nhưng tôi vẫn "đánh giá cao tinh thần phát huy sáng tạo, khắc phục khó khăn" của bà. Dĩ nhiên mẹ tôi dấu không cho bố biết chuyện này để ông vững tinh thần trong lúc cá chậu chim lồng. Lúc được thả về, bố tôi phom phom đi thẳng vào nhà người ta. Con nít bên trong chỉ ra phía sau, xong còn chạy theo hét rân: "Ông Liên về! Ông Liên về, bà Liên ơi..." Tôi ngồi học bài dưới mái tranh thấp lè tè. Ngẩng lên thấy bố tôi ngừng chân, bàng hoàng nhìn dãy nhà ngang. Trái tim tôi chợt nặng trĩu. Lúc đó nếu có chiếc đũa thần, tôi sẽ vung đũa biến chỗ ởø lam nham xấu xí này thành một lâu đài nguy nga, xóa đi tất cả nét ngỡ ngàng trong mắt người. Vừa lúc đó, bố nhìn thấy tôi. Đôi mắt người bừng sáng như thâu hết những hạt nắng nhảy múa trong sân. Tôi vứt sách nhào ra đón bố. Dường như tôi vẫn giữ một khoảng cách với bố mình nên vòng tay mừng bố có vẻ lỏng lẻo thế nào.
Từ rất lâu, tôi vẫn nghĩ bố tôi yêu nàng thơ, quý bạn bè hơn tất cả mọi sự trên đời. Mãi đến khi mở tạp chí Suối Văn xem lá thư viết cho con gái của nữ sĩ Ngọc Thủy, tôi mới thấu lòng bố mình: "Bác hay ngắm nghía cháu nằm trong nôi và thành thật nói với cha mẹ cháu. Đây là tác phẩm đẹp nhất và quan trọng nhất của một đời nghệ sĩ sáng tác. Ý nghĩ đó cho tới nay vẫn không hề thay đổi. Riêng bác, những gì bác đã sáng tác, quả thật không nghĩa lý gì bên cạnh các con và các cháu của bác!"** Tôi thôi không thù ghét nàng thơ, so bì với bằng hữu bố. Vòng tay dành cho bố từ nay không còn khoảng cách. Trái tim tôi nhẹ hẳn.
Thu-Thuyền
10/2003
- Từ khóa :
- Bút Ký
Gửi ý kiến của bạn