Trần Thị Lai Hồng
(trích dịch từ Ignorance của Milan Kundera*)
“ Milan Kundera là người ghi chép lớn những biến động Âu châu và có rất ít nhà văn tôi được biết có khả năng như ông khám phá ra những biên cương căn cước con người Ignorance kể một câu chuyện vừa có âm vang sâu đậm của cuộc sống từ ngày bức tường Bá linh sụp đổ, vừa cay đắng cùng cực vì những cơ may đã mất.”
St. Petersburg Times
“Kể chuyện tài tình Truyện của Milan Kundera sâu sắc, gây suy nghĩ, dàn dựng cực kỳ khéo, nhìn sát vấn đề di dân - để lại đằng sau tất cả những gì thừa hưởng - và choá mắt trước mãnh lực và sự khôn kham.”
Booklist Reviews
- Sao còn luẩn quẩn đây? Giọng Sylvie không hẳn nghiêm nghị mà cũng chẳng tử tế chút nào.
- Vậy biểu tui ở đâu? Irena hỏi.
- Về quê!
- Ý bạn nói đây chẳng phải quê nhà tui sao? Cố nhiên Sylvie không cố tình xua Irena khỏi nước Pháp hoặc ngụ ý bạn là người nước ngoài không được nhân ở nơi này.
- Bạn biết ý tui mà!
- Ừ, tui biết. Nhưng bạn quên tui có việc làm ở đây, có nơi ăn chốn ở, có con cái nơi đây sao?
- Coi nào! Tui biết Gustaf sẽ làm mọi cách giúp bạn trở về. Còn mấy đứa con gái, dỡn hoài! Chúng có đời sống riêng rồi. Lạy Chúa, Irena, tui thấy những thay đổi đang xẩy ra trên quê hương bạn thiệt là quyến rũ. Trong tình hình như thế mọi việc đều dễ dàng thôi!
- Ấy, Sylvie! Không phải chỉ những chuyện thực tế như công việc, nhà cưả. Tui ở đây 20 năm rồi. Đời tui dính chặt nơi này.
- Đồng bào nước bạn đang làm cách mạng!
Nói đến đấy Sylvie im. Sự im lặng có nghĩa ngầm bảo Irena chẳng thể bỏ lỡ cơ hội khi có những biến cố phi thường đang diễn tiến.
- Nhưng nếu tui trở về quê nhà, bọn mình chẳng còn dịp gặp nhau. Irena đặt bạn vào vị thế khó xử, nhưng vô hiệu.
Giọng Sylvie ấm áp:
- Cưng ơi, tui sẽ sang thăm bạn. Tui hứa, tui hứa chắc mà!
Hai người ngồi đối diện nhau qua hai tách cà-phê cạn. Irena nhìn những giọt lệ tràn trề xúc động đẫm đầy mắt bạn, khi chồm qua nắm tay:
- Chuyến về của bạn sẽ đặc biệt trọng đại!
Rồi lập lại:
- Chuyến về của bạn vô cùng đặc biệt!
Khi được lập lại, mấy tiếng đó có mãnh lực mạnh đến nỗi chính trong thâm tâm, Irena thấy chúng hiện rõ mồn một bằng những chữ viết hoa “CHUYẾN VỀ ĐẶC BIỆT.” Cô xuôi lòng, bị lôi cuốn vào những hình ảnh bất chợt bùng sống dậy từ sách vở xa xưa, từ những phim ảnh, từ chính trí nhớ mình, và có thể là trí nhớ tổ tiên: đứa con lưu lạc quay về với mẹ già; ông chồng quay về với vợ sau bao năm chia lìa; cả khu vườn nhà ta luôn mang theo trong tâm tưởng; đường xưa lối cũ vẫn còn in dấu chân thời trẻ dại; Odysseus nhìn thấy dáng hòn đảo cũ sau bao năm lang thang. Về! Trở về! Sự kỳ diệu của Về
***
.
.
Gia đình Irena di tản sang Pháp năm 1969, một năm sau khi Liên Sô chiếm đóng Tiệp với nửa triệu bộ đội. Thời đó, tức là vào những năm 50 đến 60, dân tỵ nạn từ các nước Đông Aâu bị Cộng sản xâm chiếm không được tiếp đón nồng nhiệt lắm, vì người Pháp cho rằng trục phát xít Đức quốc xã Hitler, Mussolini, Franco mới thực là độc hại. Mãi tới cuối những năm 60 vào những năm 70, họ mới thấy rõ là Cộng sản cũng độc hại chẳng kém.
Khi vợ chồng Irena mới đến Pháp tỵ nạn, họ nhận ra rằng đại hoạ Cộng sản rơi trên đầu quê hương Tiệp của họ không đủ đẫm máu để gây xúc động những người bạn mới. Vợ chồng Irena giải thích rằng chế độ phát xít độc tài tàn bạo đến thế nhưng một khi mấy tên độc tài không còn thì chế độ cũng rụi. Nhưng chế độ Cộng sản được chống đỡ với cả nền văn minh vĩ đại của Nga, lại là một đường hầm tối ám cho Balan, Hung gia lợi (chưa kể Estonia!) Độc tài có thể tàn rụi, nhưng nước Nga thì vẫn tồn tại. Nỗi khốn khổ của những quốc gia bị Nga chiếm đóng hoàn toàn vô vọng.
Để hiểu rõ chính xác và cụ thể, Irena trích dẫn lời Jan Skacel một thi sĩ Tiệp cùng thời, khi mô tả nỗi bi thảm vây quanh; ông muốn bưng nỗi bi thảm trong hai tay, đem đi xa thật xa và làm một căn nhà cách ly, giam mình trong 300 năm không hé cửa, không mở cửa cho bất cứ người nào!
Ba trăm năm! Skacel viết những dòng đó trong những năm 70, nhưng qua đời mùa Thu 1989, chỉ vài ngày trước khi ba trăm năm bi thảm ông từng chịu đựng, đã đổ sụp trong vài ngày: dân chúng tuôn tràn đường phố Prague, mọi người reo vang vui mừng đón vận hội mới khi quân Nga rút khỏi Tiệp và các quốc gia Đông Âu khác.
***
Mấy tuần lễ đầu mới sang Pháp, đêm đêm Irena nằm mơ. Trong những giấc mơ, máy bay đang chở cô bỗng đổi hướng đáp xuống một phi trường lạ hoắc, có đám người mặc đồng phục mang súng đứng dưới chân thang; cô toát mồ hôi lạnh nhận ra chúng là công an Tiệp. Trong giấc mơ khác, cô đang thả bộ trên một đường phố nhỏ ở Pháp thì gặp một đám đàn bà, mỗi người cầm trong tay một cốc vại (mug) đầy bia ùa về phía cô, gọi cô bằng tiếng Tiệp, giả lả thân ái cười cợt, và Irena hãi hùng nhận ra mình đang ở Prague. Cô la lên, và giật mình choàng dậy.
Chồng cô cũng có những giấc mơ tương tự. Sáng sáng hai vợ chồng nói về nỗi hãi hùng khi trở về quê hương. Có dịp chuyện vãn cùng bạn người Ba lan, cũng tỵ nạn, Irena nhận ra rằng người nào cũng có những giấc mơ kinh hoàng như vậy. Ban đầu cô xúc động vì tình đồng cảnh ngộ giữa những người không quen biết, nhưng sau đó cô lại thấy bứt rứt bất an: nỗi hãi hùng cô nếm chịu rất riêng tư trong cơn ác mộng sao lại có thể là một dữ kiện tập thể như vậy? Vậy có gì là riêng rẽ cho tâm linh mỗi người? Nhiều câu hỏi không có giải đáp. Nhưng có một điều chắc chắn, là đêm đêm hàng ngàn người tỵ nạn cùng có ác mộng. Aùc mộng tỵ nạn: một hiện tượng kỳ lạ nhất trong cuối thế kỷ 20.
Những cơn ác mộng đó có vẻ bí ẩn về điểm làm cô thêm đau nỗi nhớ quê, nhưng về một mặt khác, hoàn toàn trái ngược, là ngày nào cô cũng thấy hiển hiện trước mắt những cảnh vật quê hương. Không, không phải mơ ngày, không dai dẳng rõ rệt, không lừng lững hiện ra, mà khác hẳn; cô nhìn thấy cảnh vật loé sáng trong đầu, đột ngột, ngắn ngủi, rồi vụt biến. Cô đang nói chuyện với xếp và đột nhiên, như một ánh chớp, cô thấy con đường mòn xuyên qua cánh đồng làng. Vừa nhảy lên xe điện ngầm, thình lình một lối đi nhỏ vùng ngoại ô thủ đô Prague bỗng hiện ngay trước mắt trong chỉ một khoảnh khắc. Cả ngày những đột hiện đột biến đó cứ xẩy ra làm cô cũng khuây khoa phần nào nỗi nhờ nhà.
Cô tưởng như có người làm phim về tiềm thức, cứ ban ngày thì cho xem những cảnh vật quê hương như những hình ảnh một thời hạnh phúc, rồi đêm là những chuyến về hãi hùng đi thăm chính quê hương mình. Ngày bừng sáng huy hoàng với hình ảnh đẹp đẽ miền đất từng sinh sống và đã rời bỏ, đêm là nỗi hãi hùng trở về. Ngày là thiên đường đã mất; đêm là địa ngục đã trốn chạy!
..
..
Trong 20 năm định cư tại Pháp, Irena làm đủ mọi việc để sinh sống, nhất là sau khi chồng mất, một mình nuôi hai con. Cô không nề hà những việc tay chân nặng nhọc như lau chùi quét dọn nhà cửa, săn sóc những người bán thân bất toại. Ngoài ra, nhờ chút vốn ngoại ngữ, cô cũng nhận việc thông dịch tiếng Nga sang tiếng Pháp để kiếm thêm tiền.
Khi rảnh rỗi, Irena trở về căn phòng trên tầng chót cao ốc, an hưởng niềm vui tự do. Nhìn qua cửa sổ xuống những mái nhà lô nhô bên dưới với những ống khói hình dáng tân kỳ - cảnh trí cây cỏ Paris từ hồi nào đã thay thế màu xanh vườn tược quê nhà - và cô thấy mình thực sự an bình hạnh phúc nơi này. Lịch sử với khúc ngoặt tàn nhẫn từng nghiền nát tự do của cô, lại cho cô có dịp tìm được tự do.
..
Hồi còn sống, chồng cô làm việc với Gustaf. Về sau khi chồng qua đời, cô gặp Gustaf nhiều hơn và trở thành thân thiết. Gustaf tận tình giúp đỡ Irena mọi mặt, đối xử tử tế với hai con gái của cô, tìm việc làm và chỗ ở cho cô lớn, đưa con bé vào đại học. Hai người sống nương tựa nhau, và Irena thấy cuộc đời ổn định.
Hãng của Gustaf mở rộng, và một hôm anh hân hoan báo tin đã đề nghị mở văn phòng kinh doanh tại Prague, thủ đô Tiệp, và anh có dịp đi đi về về.
- Anh mừng được liên hệ với thành phố của em.
- Thành phố của em? Prague chẳng còn là thành phố của em nữa! Irena không mừng. Cô bối rối, cảm thấy có điều đe doạ.
- Gì? Gustaf hỏi lại với vẻ giận dỗi. Cô không hề dấu bạn điều gì nên anh hiểu rõ tâm trạng của cô: một người đàn bà xuân sắc đau khổ sống lưu đày xa quê hương. Anh phản đối:
- Em nói sao? Vậy thành phố của em là nơi nào?
- Paris! Đây là nơi em gặp anh, đây là nơi em sống với anh!
Gustaf làm như không nghe. Anh vuốt nhẹ bàn tay Irena:
- Hãy nhận chuyện thu xếp này như món quà anh tặng em. Em không thể về bên đó. Vậy anh sẽ là mối giây thân ái nối em lại với quê hương đã mất. Anh sung sướng làm được việc này.
Irena biết rõ lòng tốt của Gustaf. Cô biểu lộ cảm kích, tuy vẫn nói thêm, giọng đều đều:
- Xin anh hiểu là em không cần anh làm mối giây thân ái với bất cứ thứ gì cả. Em đang sống với anh, cắt đứt mọi liên hệ, mọi người.
- Anh hiểu. Anh cũng xin em đừng ngại anh xâm lo quãng đời cũ của em bên đó. Chỉ có một người duy nhất trong số bà con quen biết của em mà anh sẽ tới thăm, là mẹ em. Anh quý mẹ em lắm.
..
Khi về nhà, bình tâm lại, Irena tự nhủ: “Lạy Chúa! Hàng rào công an giữa những quốc gia Cộng sản và Tây phương khá kiên cố. Phải tạ ơn Chúa. Tôi chẳng phải lo về những giao tiếp giữa Gustaf và Prague có thể gây đe doạ cho tôi.” Vừa tự nhủ xong, cô hoảng hốt tự hỏi:
- Hàng rào công an kiên cố! Tạ ơn Chúa? Gì vậy? Có thật mình nói Tạ Ơn Chúa? Mình - một người tỵ nạn ai cũng xót thương vì mất quê hương - lại thốt lời Tạ Ơn Chúa?
***
Rời Pháp trong mùa lạnh, nhưng khi đến Tiệp được ba ngày, trời bỗng dưng vào hè. Irena bức bối với bộ áo ấm trên người, vội đi tìm tiệm bán áo quần mùa hè. Đất nước cô chưa chế tạo áo quần hợp thời, chưa nhập cảng hàng hoá Tây phương. Cô chỉ tìm được những bộ áo quần dùng cùng lọại hàng, cùng màu sắc, cùng kiểu cọ từ thời Cộng sản. Thử vài bộ, cô thấy không chịu được. Chẳng phải vì mấy bộ đó xấu, bởi cách cắt may coi cũng được, nhưng chúng làm cô nhớ lại thời thanh xuân khắc khổ. Những bộ áo quần coi ngu ngơ quê kệch, chẳng lịch sự tí nào, chỉ hợp với cô giáo tỉnh lẻ. Nhưng cô đang cần gấp. Mà tại sao không, một cô giáo tỉnh lẻ vài ngày thì đã sao! Cô mua bộ áo với giá rẻ mạt, mặc vào, xếp bộ mùa Đông vào túi và bước ra con đường nóng hực.
Đi qua một tiệm lớn có tường bằng kính rộng, cô giật mình: cái người trong kính chẳng phải cô, mà là ai khác, hoặc nhìn kỹ mình trong bộ áo mới, chính là cô nhưng lại đang sống một cuộc đời khác, cuộc đời phải sống nếu còn ở lại Prague!
Người đàn bà trong kính coi cũng không đến nỗi khó thương, coi cũng dễ cảm, nhưng hơi quá dễ cảm, dễ cảm đến độ làm rớt nước mắt, đáng thương hại, nghèo nàn, yếu đuối, bị dày vò chà đạp.
Irena bắt gặp mình hoảng loạn như trong những giấc mơ di tản; qua ma lực bộ áo mới cô nhìn thấy chính mình bị cầm tù trong cuộc sống chẳng hề muốn và chẳng bao giờ có thể thoát bỏ được. Làm như là từ lâu, từ thời mới lớn, cô từng có cơ hội chọn lựa nhiều cuộc sống và cuối cùng lại chọn di tản sang Pháp. Làm như những cuộc sống khác, từng bị khước từ và chối bỏ, vẫn nằm chờ cô trong hang và chăm chắm ghen tức theo dõi cô. Một trong bọn vừa chụp được cô, trói trùm cô trong chiếc áo mới này, như loại áo trói trùm người điên, một “straitjacket.”
Kinh hãi, Irena vội vã quay lại chỗ ở, thay lại bộ áo ấm, đứng nhìn ra cửa sổ. Bầu trời đầy mây, hàng cây gập mình dươiù gió. Chỉ nóng vài tiếng đồng hồ. Chỉ vài tiếng đồng hồ cũng đủ tạo trò ác mộng, đủ gợi lại nỗi hãi hùng của sự trở về.
(Đó là một giấc mộng? Ác mộng di tản cuối? Không, không, mọi chuyện hôm nay đều có thật. Cô có cảm giác những cạm bẫy từng trải qua trong những cơn ác mộng trước đây vẫn chưa dứt - những cạm bẫy ấy vẫn còn đây, vẫn sẵn sàng, vẫn rình mò tìm cô.)
Irena thuê một phòng nhỏ trong tiệm ăn, mở tiệc. Trên một bàn dài kê sát tường bày các thứ bánh nướng, 12 chai rượu vang đứng bày hàng ngay ngắn. Quê cô chẳng ai uống vang, và không ai bày rượu trong chai. Cô mua rượu Bordeaux đem về với niềm vui: tạo bất ngờ cho các bạn, mở tiệc mời họ, để nối lại tình bạn.
Các bạn cũ chẳng ngó ngàng đến mấy chai vang, mãi khi một bà thẳng thừng tuyên bố đòi bia, cả đám ùa theo hưởng ứng gọi người chạy bàn mang bia lại.
Irena tự trách mình chẳng đúng điệu với cả két rượu Bordeaux. Việc đó vô tình khơi rõ mọi thứ giữa cô và các bạn: thời gian dài vắng bóng trên quê hương, cách xử sự như người nước ngoài, và sự giàu có của cô. Cô tự trách mình hơn vì dịp họp bạn này có tầm quan trọng cho cô: cô hy vọng tìm quyết định xem có thể sống ở đây, thoải mái như ở nhà, có bạn bè chung quanh. Cô quyết tâm chẳng bận lòng về sự vụng về đó, mà còn muốn coi đó là điều vui. Tóm lại, bia là thức uống các bạn vẫn thuỷ chung như thế, thì có phải bia là nước thánh tẩy của chân tình? là dung lượng tiêu trừ mọi ngụy thiện hoặc bất cứ trò lăng nhăng giả dối nào? là thức uống không gây hại nào khác hơn là làm cho những người ghiền bia phải chạy đi tiểu hoài và về sau sẽ phì mập? Thật ra mấy bà trong phòng họp đã múp míp rồi. Họ nói nói cười liên hồi, không hết lời khuyên này lại tới lời khen ngợi Gustaf mà họ biết rõ là đang về kinh doanh nơi này.
Trong lúc đó, người chạy bàn mang đến 10 cốc bia, mỗi tay bê 5 chiếc, làm cả đám vỗ tay reo cười ầm ĩ. Họ nâng cốc: “Chúc Irena mạnh khoẻ! Chúc lành cho đứa con gái đi lạc quay về!” Irena hớp một ngụm bia, nghĩ rằng nếu chính Gustaf đãi họ rượu vang, họ có từ khước không? Chắc là không. Họ từ khước rượu vang cô đãi, có nghĩa là chối bỏ cô. Cô, người đang trở về sau bao năm xa quê hương.
Và đây chính là canh bạc của cô: các bạn chấp nhận cô như con người hiện tại, đi lạc, quay về. Cô đã bỏ nơi này ra đi khi còn trẻ dại, và quay về khi đã trưởng thành, với cuộc đời đằng sau, quãng đời khốn khó nhưng cô rất tự hào đã sống. Cô quyết làm những gì có thể để đám bạn chấp nhận cô cùng với những khốn khó trải qua trong 20 năm, những điều xác tín, những quan điểm của cô; hoặc là cô sẽ được gấp đôi, hoặc không được gì cả: hoặc cô thành công được chung sống cùng các bạn với con người cô đã trở thành sau bao năm xa cách, hoặc cô không ở lại nơi này.
Buổi họp bạn này là khởi điểm chiến dịch của cô. Các bạn có thể uống bia nếu muốn, cô chẳng phiền hà; điều quan trọng với cô là chính cô phải chọn đề tài nói chuyện, và được họ nghe chuyện.
Nhưng cả buổi, mấy bà đua nhau huyên thuyên, khó chen lọt chuyện, khó đưa đề tài. Cô ráng khéo léo đưa đẩy về những điều muốn kể, nhưng chẳng ai để cô chen vào được.
Người chạy bàn đã đem chầu bia thứ nhì. Cốc bia của cô trên bàn vẫn còn đầy, bọt chưa tan hết. Irena thường tự phàn nàn mình mất thú uống bia. Bên Pháp, cô học thói quen nhâm nhi từng ngụm nhỏ, không nốc ừng ực như người thích uống bia. Cô nâng cốc lên môi và cố uống hai ba ngụm liền. Ngay lúc đó, một bà - lớn tuổi nhất trong đám, cỡ 60 - dịu dàng đưa tay xoá lớp bọt còn dính trên môi Irena. Bà bảo:
- Đừng cố. Bây giờ chúng mình thử uống rượu vang nhé. Không uống vang ngon thế này cũng dại thôi. Bà gọi người chạy bàn mở một chai trong số cả tá vẫn còn bày nguyên trên bàn.
Milada trước đây cùng làm việc tại Đại học với Martin, chồng Irena. Cô nhận ra bà ngay khi bà mới bước qua cửa, nhưng mãi tới lúc này, mỗi người một ly vang trong tay, cô mới nói chuyện được với bà. Cô nhìn Milada : vẫn khuôn mặt bầu bĩnh, vẫn mái tóc đen, vẫn kiểu tóc úp tai ôm má. Bề ngoài chẳng đổi mấy, nhưng khi bắt đầu nói, mặt bà biến dạng : làn da xếp đùn xếp đúm, môi trên nhúm những lằn dọc, trong khi những nét nhăn trên má và cằm di động theo từng biểu lộ. Irena nghĩ Milada hẳn chẳng biết rằng người ta không nói chuyện với mình trong gương soi, mà chỉ thấy mặt mình khi để yên, da dẻ thẳng thớm; mọi gương soi trên đời đều làm bà tin rằng còn trẻ đẹp.
Trong lúc thưởng thức rượu vang, Milada nói (và lập tức, trên khuôn mặt đáng yêu của bà, những nếp nhăn bung ra bắt đầu nhảy múa) :
- Không dễ gì, khi trở lại quê hương, phải không?
- Họ không thể hiểu là chúng tôi ra đi không mong ngày về. Chúng tôi cố sức neo đời một nơi. Bà biết Skacel chứ?
- Thi sĩ Skacel ?
- Có một đoạn thơ ông viết về nỗi bi thảm của ông. Skacel nói muốn làm một căn nhà cách ly nỗi bi thảm đó và giam mình suốt 300 năm. Ba trăm năm ! Tất cả chúng ta đều thấy con đường hầm tăm tối 300 năm trải dài trước mắt.
- Chắc chắn vậy. Bọn tôi ở đây cũng vậy.
- Vậy tại sao không ai muốn nhìn nhận điều đó ?
- Bởi người ta chỉ xét lại những ý nghĩ của họ nếu những điều ấy không đúng. Và nếu lịch sử chứng rõ những điều đó sai.
- Và rồi, còn nữa. Mọi người nghĩ rằng chúng tôi ra đi để được sống dễ dàng. Họ không biết là phải gian nan chừng nào để dành một chỗ đứng nhỏ trong thế giới xa lạ. Bà có thể tưởng tượng - rời bỏ quê hương với một đứa con dại và một cái bầu. Chồng chết. Nuôi con với hai bàn tay trắng
Irena im, và Milada lên tiếng :
- Nói mấy chuyện đó chẳng ích chi với họ. Ngay mới đây, mọi người tranh cãi nhau về việc ai đã sống khốn đốn nhất dưới chế độ Cộng sản. Ai cũng muốn được coi là nạn nhân. Nhưng cuộc thi đua khốn đốn đó cũng qua rồi. Ngày nay người ta khoe khoang khoác lác về sự thành công, không nhắc nỗi khốn khổ. Vậy, nếu họ trọng vọng bạn, không phải vì quãng đời gian khổ bạn trải qua, mà chỉ vì họ thấy bạn có một ông bồ giàu !
Hai người nói chuyện khá lâu trong góc phòng khi mấy bà khác xúm gần. Làm như bù lại việc nãy giờ lơ là nữ chủ, họ tranh nhau nói (rượu vào lời ra, nhưng người ta ồn ào đùa bỡn vì uống nhiều bia hơn là rượu) và tỏ vẻ thân thiện. Ngươiø đầu tiên đòi bia bây giờ lại kêu to :
- Tui thiệt tình muốn nếm rượu vang của bạn !
Bà gọi người chạy bàn mở thêm mấy chai rượu rót đầy mấy cốc vại.
Irena bắt gặp một ảo giác bất chợt hiện ra : đám đàn bà túa về phía cô, tay bưng những chiếc cốc vại và cười nói ồn ào. Cô thốt lên mấy tiếng Tiệp, và hốt nhiên hãi hùng nhận ra cô không ở Pháp, mà đang ở Prague, và cô thất vọng. Ồ, phải, đúng một trong những cơn ác mộng. Nhưng cô tức tốc xua hình ảnh vừa chợt nhớ, vì thực ra mấy bà đang đứng quanh không uống bia, họ đang nâng cốc rượu vang chúc mừng người về. Một trong họ hớn hở :
- Bạn nhớ không ? Tui gửi thư nói bạn biết bây giờ là đúng lúc, đúng lúc nên trở về !
Ai vậy ? Suốt buổi bà này kể lể chuyện chồng đau ốm, cà kê dê ngỗng chi tiết bệnh hoạn. Rồi Irena cũng nhớ ra : bà bạn từ thời trung học, viết thư báo tin cho cô ngay tuần đầu tiên về sự sụp đổ chế độ Cộng sản. Bà kêu lên :
- Ô, bồ ơi, chúng mình già rồi ! Bây giờ đúng là lúc bạn trở về ! Bà nhắc lại câu nói, và há miệng cười toe phô nguyên hàm răng giả.
Mấy bà khác tấn công Irena với hàng loạt câu hỏi :
- Irena, có nhớ hồi .. ?
- Bạn có nhớ chuyện xẩy ra hồi đó cho .. ?
- Ồ, không, thật vậy, bạn phải nhớ ra hắn chứ !
- Anh chàng có hai tai to bạn hay trêu ấy !
- Không, bạn không thể quên hắn! Bạn là tất cả những gì hắn nhắc nhở !
Cho đến lúc đó họ chẳng lộ chút chú ý về chuyện cô muốn kể. Việc thình lình ùa nhau tấn công thế này có nghĩa gì đây ? Họ muốn gì ? Đám bạn nãy giờ chẳng chịu nghe gì bây giờ lại đua nhau hỏi han dồn dập. Nhưng Irena nhận ngay ra rằng những câu hỏi của họ đặc biệt hướng về một điều: họ muốn kiểm lại xem cô có biết những gì họ biết, có nhớ những gì họ nhớ không. Điều này gây phản ứng lạ, và tạo một ấn tượng mạnh trong cô :
Mới vừa rồi, họ hoàn toàn không lưu tâm đến kinh nghiệm của cô trải qua nơi xứ người, họ chặt bỏ 20 năm trong đời cô. Bây giờ, với những câu hỏi dồn dập, họ ráng khâu vá quãng đời cũ của cô vào cuộc đời hiện tại. Giống như họ chặt khúc tay ngoài của cô và nối bàn tay liền ngay vào cùi chỏ; giống như là họ chặt khúc ống chân và nối ngay bàn chân cô vào đầu gối.
Sững sờ kinh sợ về hình ảnh đó, Irena không thể trả lời những câu hỏi của đám bạn, mà đám bạn cũng chẳng đợi được trả lời. Họ càng say sưa hơn, trở lại huyên thuyên ồn ào, bỏ mặc Irena.
Cô nhìn những cái miệng cùng ngoác ra một lượt, ba hoa nói nói cười cười (một điều lạ : làm sao mấy bà chẳng nghe nhau lại có thể cười về những gì những người khác nói?) Không ai nói chuyện với Irena nữa, nhưng ai cũng hớn hở thích thú cười dỡn. Người đàn bà gọi bia trước đây bắt đầu cao tiếng hát, và cả đám cùng hát vang cho đến khi mãn tiệc, họ ra về còn oang oang ca vang ngoài đường.
Khi đi ngủ, Irena nghĩ lại về buổi họp bạn. Một lần nữa, cơn ác mộng di tản trở lại và cô thấy mình bị bao vây bởi đám đàn bà ồn ào hồ hởi nói cười với những cốc vại đầy bia nâng cao. Trong ác mộng họ làm việc theo lệnh công an chìm để giăng bẫy bắt cô, nhưng tối nay mấy bà làm việc cho ai ? Bây giờ đúng là lúc bạn trở về, người bạn học cũ có hàm răng giả đã nói. Như một sứ giả mật vụ đội mồ dậy từ những bãi tha ma (những bãi tha ma nơi quê nhà), công tác của bà bạn là kêu gọi Irena trở về hàng ngũ, báo cho cô biết là thời gian ngắn lắm và cuộc đời phải chấm dứt ngay tại nơi khởi đầu.
Irena nghĩ về Milada, người bạn đối xử thân tình như một bà mẹ. Milada cho Irena thấy không ai lý gì đến chuyến phiêu lưu của cô, và Irena nhận ra rằng, thực sự, ngay cả Milada cũng vậy. Nhưng đâu trách bà ấy ? Tại sao lại phải lưu tâm đến việc chẳng liên quan chi đến đời sống riêng của bà ? Có thể chỉ giở trò lịch sự thôi, nhưng Irena vui thấy Milada rất tử tế, không giả bộ tí nào.
Ý nghĩ sau cùng trước khi chìm vào giấc ngủ, là về Sylvie. Lâu lắm không gặp nhau! Irena nhớ bạn! Irena ước ao đưa bạn đến tiệm quen ở Paris và kể bạn nghe tất cả về chuyến trở về này. Để bạn hiểu những khó khăn chừng nào khi trở về quê hương. Irena tưởng tượng nói với bạn :
- Bạn chính là người đầu tiên dùng những cụm từ : Chuyến về đặc biệt trọng đại. Bạn biết không, Sylvie - bây giờ tui hiểu : tui có thể về và sống với họ, nhưng với một điều kiện : tui phải đưa quãng đời tui có bạn, có tất cả các bạn, cùng nước Pháp, trang trọng đặt lên bàn thờ và châm lửa thiêu rụi - 20 năm sống ở nước ngoài sẽ tan thành mây khói, trong một nghi thức hiến sinh. Và đám đàn bà kia sẽ tưng bừng nhảy nhót với tui quanh ngọn lửa thiêu, tay nâng cao những cốc vại ăm ắp bia. Đó là cái giá tui phải trả để được tha thứ. Để được chấp nhận. Để được trở lại là một trong bọn họ !
Trong nắng thu vàng dịu, vườn tược quanh vùng rải rác những ngôi nhà nhỏ có nét đẹp an lành đến xúc động tâm can và lôi cuốn Irena thả bộ đi dạo. Irena nhớ lại hồi sắp bỏ nước ra đi, cô cũng đã ao ước dạo thăm giã từ thành phố này, giã từ tất cả những con đường từng yêu thích, nhưng trong lúc gấp rút không thể có chút thì giờ thực hiện.
Nhìn từ nơi đang tản bộ, thủ đô Prague là một vùng bao la xanh ngắt an bình với những khu xóm và những con đường nhỏ có cây cao bóng mát. Đây mới là Prague mà cô yêu thương, không phải Prague xa hoa hào nhoáng dưới kia; Prague của thời mới tạo lập cuối thế kỷ trước, Prague của giai cấp trung lưu, Prague của thời thơ ấu, nơi những mùa đông xưa trượt tuyết lên xuống mấy con đường đồi nhỏ, Prague vào mỗi hoàng hôn xuống là lúc mấy khu rừng chung quanh dâng toả ngát hương.
Vừa thả bộ vừa mộng du, trong một thoáng Irena chợt bắt được vài hình ảnh Paris lần đầu tiên cô cảm thấy không thân thiện : nét kỷ hà lạnh lùng của những đại lộ, vẻ kiêu kỳ của Champs-Elysées, dáng dấp nghiêm nghị của mấy pho tượng đồ sộ. Không nơi nào, không chỗ nào ở Paris có được chút ấm áp thân mật, chút hơi hướng thi vị mộc mạc cô đang hít thở đầy buồng phổi như nơi này.
Tóm lại, suốt những năm dài di tản, đây mới chính là hình ảnh cô ấp ủ như biểu tượng quê hương đã mất : những ngôi nhà nhỏ trong mấy khu vườn trải dài mút mắt qua giải đất rộng. Cô sống hạnh phúc tại Paris, sung sướng thoải mái hơn nơi này, nhưng chỉ có Prague lưu lại trong tâm khảm cô mối ràng buộc kỳ diệu về vẻ đẹp. Đột nhiên cô nhận thấy rõ cô yêu quý thành phố này vô chừng và đồng thời đau đớn khôn cùng khi phải bỏ ra đi.
Irena tản bộ cả hai ba tiếng đồng hồ quanh mấy khu xóm đầy cây lá. Đến cái lan can cuối công viên nhìn xuống Prague, từ đây cô thấy phía sau lâu đài Hradcany, khu cấm thành, bất chợt trong trí cô ào tới những tên tuổi từng đắm say yêu mến thuở thiếu thời : Macha, nhà thơ, có mặt thuở quốc gia đang còn là một thuỷ nữ vừa mới hiện ra từ mây mù; Neruda người kể chuyện dân gian; những bài hát của Voskovec và Werich từ những năm 30 mà cha cô vô cùng yêu thích Hrabal và Skvorecky, tiểu thuyết gia của thời cô mới lớn, và những trụ sở kịch nghệ, những quán ca múa của những năm 60, một thời của tự do, phóng túng với những trò vui đùa nghịch ngợm Chính đó là hương vị của chốn quê hương này, không thể thay thế được, không thể lẫn lộn được, mà cô đã mang theo sang Pháp.
Dựa vào lan can, cô nhìn ra cả toà lâu đài : xa không quá mười lăm phút. Prague của những bưu thiệp bắt đầu từ nơi này, Prague mà một lịch sử quá nhiều biến cố đã đóng dấu ấn như những vết thương thánh tích, Prague của dân du lịch và của lũ điếm, Prague của những nhà hàng sang trọng mắc tiền đến nỗi bạn bè người Tiệp của cô không dám bước chân vào, Prague của vũ nữ múa bụng quằn quại trong ánh sáng Cô nghĩ không có nơi nào xa lạ với cô như cái Prague này.
Đột nhiên, như một cơn lốc : hàng loạt ác mộng di tản cũ , hàng loạt âu lo xưa : cô thấy đám đàn bà nọ nhào tới vây quanh, vừa quay quay những cốc vại bia trong tay vừa giả lả cười ầm ĩ, họ không cho cô trốn thoát được; cô đang ở trong một cửa tiệm, bọn bán hàng lao tới trùm lên người cô một chiếc áo, và khi chiếc áo phủ lên người cô thì vụt biến thành một chiếc áo trói người điên, một straitjacket!
Sau một hồi lâu, dựa vào lan can, cô đứng thẳng dậy. Trong đầu tràn ngập quyết định phải thoát, sẽ không ở lại với thành phố này nữa, không với thành phố này, cũng không với cuộc sống thành phố này đang cố cống hiến mời gọi.
Irena tiếp tục tản bộ, và nhủ thầm hôm nay cô đang bước trọn những bước chân giã biệt mà cô không thực hiện được lần ra đi hai mươi năm trước. Cô đang thực sự nói Lời Giã Biệt thành phố cô yêu quý nhất đời nhưng lại sẵn sàng đánh mất lần nữa, không tiếc nuối, để xứng đáng với cuộc đời tự do của riêng mình.
* Milan Kundera, một trong những người viết quan trọng nhất tại châu Âu, sinh năm 1929 tại Brno, con một nhạc sĩ dương cầm, tốt nghiệp Đại học Charles University ở Prague, thủ đô Tiệp khắc.
Từ 1958 đến 1969, ông dạy tại Đại học Âm nhạc và Kịch nghệ Prague, đồng thời làm lao công và chơi nhạc jazz. Năm 1968, sau khi Liên Sô xâm chiếm Tiệp, nhà nước buộc tất cả tầng lớp trí thức phải khai báo và ca ngợi Cộng sản. Kundera khước từ, bị đuổi việc, bị cấm xuất bản sách, và những tác phẩm đã in đều bị cấm lưu hành.
Năm 1975, Milan Kundera di tản sang Pháp, dạy Văn chương Đại học Rennes cho đến 1980, và sau đó tại Trường Cao học Paris. Ông coi Pháp như quê hương thứ hai.
Hầu hết tác phẩm của ông - 13 cuốn - đều được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh
.
VỀ là tiêu đề do người trích dịch đặt, được rút tỉa từ truyện Ignorance, xuất bản 2002, đặc biệt liên hệ tâm trạng một người đàn bà di tản trở về sau hai mươi năm xa lìa, nhưng lạc lõng ngay giữa lòng quê hương.
- Từ khóa :
- Dịch
Gửi ý kiến của bạn