Tuổi mới lớn tôi không bao giờ tin là có những cuộc tình thơ mộng đẹp đẽ, với một đoạn kết vui vẻ như công chúa Bạch Tuyết ngủ trong rừng chờ Hoàng tử tới đánh thức. Truyện thần tiên không bao giờ xảy ra ở ngoài đời. Mà có xảy ra, cũng chỉ xảy đến cho những người con gái đẹp, chứ không khi nào cho tôi được. Đến một hôm ở Caroline Hall khi cả bọn tôi đang ngồi bàn chuyện thi cử rồi văn nghệ cuối năm thì chàng đến. Dáng cao thanh nhã, mái tóc bồng bềnh, khuôn mặt trắng với cặp kính cận nhẹ trông chàng có vẻ thông minh, gợi liền sự chú ý của tôi.
Chàng thì thầm điều gì với anh Hùng trong nhóm, xong nói lớn với cả bọn:
-Đang tìm người cho một cái party nhỏ vào tuần tới...Rồi quay sang tôi, chàng thản nhiên hỏi...Có biết hát không?
-Chỉ hát trong phòng tắm. Tôi nói ngay.
-Không sao, cô cứ đến cho vui. Cũng cần người trang hoàng.
Có những lần rất hiếm hoi đến nỗi bạn có thể khóc được, khi mọi việc dù lớn hay nhỏ đều đâu vào đó, như là do ý Trời xếp đặt. Không cần cố gắng, không cần nghĩ ngợi, bạn cứ việc ngồi ngả lưng thoải mái mà mọi việc vẫn cứ xảy ra, thì hạnh phúc cũng đã xảy ra.
Đối với tôi, buổi tối hôm đó là một trong những lần hiếm hoi này. Chàng và tôi tình cờ rời cùng lúc, điều ngẫu nhiên này làm tôi sung sướng đến nhẹ người, hồn lâng lâng, và hai chúng tôi rảo bước đi, vào một đêm đầu mùa hạ ấm áp. Xe chàng đậu ở dưới dốc sau hall Caroline, nhưng chàng nói chàng muốn thả bộ đưa tôi về dorm, Lander Hall, nơi tôi đang ở chung phòng với một cô bạn người Nhật. Campus về đêm yên tĩnh, những ngọn đèn vàng mờ mờ ảo ảo, thỉnh thoảng có vài cặp sinh viên đi ngược chiều về hướng chúng tôi.
Tôi đi song song bên chàng, bấy giờ thì tôi mới nhận thấy chàng cao hơn tôi một cái đầu.
-Cô đang ở năm thứ mấy vậy cô Thy?
-Senior.
Xoay người nhìn thẳng vào mặt tôi, chàng có vẻ ngạc nhiên:
-À! Thì ra...cô trong đám ra trường năm nay! Chỉ còn có hai tuần nữa, phải không?
Tôi cười cười:
-Cứ cho là như vậy.
-Tôi tưởng cô mới lên.
-Thy cũng mong được như vậy. Nghĩ đến chuyện đi làm, đã thấy mình mệt mỏi quá!
Tôi tiếp tục kể. Những ngày thi cử và những buổi đi job interviews, thiếu ngủ, quên ăn, lại thêm lo lắng, tôi mệt nhoài, không còn sức đâu để nghĩ đến những cái party mà bạn bè và gia đình đang sửa soạn cho tôi và lũ bạn cùng ra trường. Thật ra những ngày cuối năm tôi chỉ muốn đi xa. Bố mẹ tôi có một căn nhà gỗ bên đảo BainBridge - hòn đảo nhỏ đối diện về hướng tây thành phố Seattle - nhà nhỏ nằm trên sườn núi ở ven vịnh, phía dưới có bãi cát rộng, khi nước thủy triều dâng lên vào tận bực thềm nhà thì bãi cát biến mất. Khung cảnh êm ả, chỉ nghe tiếng sóng vỗ hay tiếng hải âu kêu éc éc lúc chiều về. Tôi chỉ muốn làm một việc mà từ lâu tôi thèm được làm và đã đến lúc thấy sự cần thiết của nó là ngồi lười biếng ngắm cảnh chiều và quên hết mọi chuyện thi cử, giốp giếc. Buổi sáng thức giấc nằm nghe tiếng chim hót líu lo bên ngoài cửa sổ, đầu còn vùi vào nệm ấm chăn êm, trong sự lười biếng tuyệt vời, hưởng từng giây, từng phút cái trạng thái buông thả không phải làm gì. Chung quanh có cây cao che khuất, căn nhà đúng là một nơi ẩn dật lý tưởng.
Tuần này là tuần thi chót, tôi vừa xong bài trắc nghiệm cuối cùng sáng nay, người nhẹ nhõm nên đã ghé Caroline Hall nghe bạn bè bàn chuyện văn nghệ cuối năm và lễ ra trường.
Khi tôi dứt lời, chàng cười thông cảm:
-Tin tôi đi, ai cũng qua giai đoạn than thở đó hết. Không phải mình cô đâu.
Tôi vẫn chưa biết chàng đang làm gì. Còn đi học hay đã đi làm? Tuy có thắc mắc nhưng tôi đã không hỏi dù rằng đó là một câu rất bình thường đơn giản, không tò mò đi sâu vào đời ai hết.
Chàng khen Lander Hall của bọn con gái chúng tôi dễ thương. Trước khi chia tay, chàng hỏi tôi có thích hội họa không? Khi tôi nói "có, Thy mê hội họa dễ sợ", chàng mời tôi thứ bảy đó đi xem tranh ảnh ở U District.
Sự thật là tranh ảnh đối với tôi chẳng có chút gì quyến rũ mà chính là giọng nói nửa Trung nửa Nam của chàng đã quyến rũ tôi đến nỗi tôi nói láo một cách tài tình, trôi chảy. Một kinh nghiệm ít oi của tôi về hội họa là đã xem Helga's Collection của Andrew Wyeth, những bức tranh chân dung của bà hàng xóm mà Wyeth đã vẽ bí mật trong 15 năm, không ai hay ngay cả bà vợ của ông (?), có những tấm khỏa thân trăm phần trăm ở những thế đứng, ngồi, nằm, ngủ vào những thời gian khác nhau trong ngày, mà một dạo báo chí ầm ĩ thắc mắc không biết có sự liên hệ mật thiết nào giữa họa sĩ và người mẫu không, kể cả Newsweek và Time, hai tờ báo hàng tuần đứng đắn chuyên bàn luận về chính trị, thời sự, kinh tế, nghệ thuật, cũng bỏ nguyên một số chạy về gossip này, những bức hình mà tôi tình cờ ngắm nghía vào một hôm lang thang một mình trong một phòng triển lãm ở Washington DC.
Ở U District, tôi rất mù mờ không hiểu yếu tố nào đã cấu tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mà Văn và tôi đang coi, loại hội họa mà chàng giới thiệu với tôi là trường phái biểu hiện trừu tượng (Abstract Espressionism). Nhưng mà tôi trông chờ để thấy cái gì trong đó chứ? "Không phải thấy", chàng sửa sai, "mà là cảm xúc". Ừ, thì cảm xúc. Hình như tôi không có cảm xúc chút gì. Sau này thỉnh thoảng, chỉ thỉnh thoảng thôi, khi xem vài bức tranh tôi cảm thấy rung động một cách lạ thường, một cảm xúc mà tôi không tài nào diễn tả được. Có phải đó là cái cảm xúc mà người vẽ đã có khi sáng tác?
Để dấu sở đoản của mình, tôi nói rất ít, chỉ ừ hử vâng dạ. Văn nói rất nhiều, giải thích cặn kẽ, rất cặn kẽ, lúc đó tôi không rõ là do bản tính chàng kiên nhẫn hay tại chàng cũng thích tỏ ra là mình biết nhiều.
Thật sự tôi cũng không phải típ người kiên nhẫn để nghe những chuyện mà tôi không thấy hứng thú nên nếu tôi đã có công lắng nghe mà vui vẻ nữa thì hẳn phải có một biến đổi gì nơi tôi. Có phải đó chính là tiếng sét ái tình?
Ở phòng triển lãm ra, chúng tôi đi bộ dọc theo đường University trong U District. Phố xá đông đảo nhộn nhịp. Sinh hoạt khu này gắn liền với đời sống đại học, tiệm sách, rạp chiếu bóng, donut và cà phê espresso, tiệm bán đồ kỷ niệm, tiệm pizza, quán kem để ngồi tán dóc với bàn bè hay đợi tình nhân. Vào những dịp trường đóng cửa, khu này thật vắng vẻ cho đến khi nhìn cảnh kẹt xe trở lại là đoán biết học trò đã trở lại trường. Tôi nói:
-Mỗi lần học mệt mỏi, Thy hay ra đây nhìn thiên hạ đi đứng cho đỡ buồn.
Chàng cũng kể về nơi chàng đã học và đã ra trường: Duke University. Thì ra chàng đang là một luật sư trẻ. Bây giờ lại đến lượt tôi ngạc nhiên vì chàng trông thật trẻ so với những năm dài ăn học đến nỗi trước đó tôi đã không biết chàng còn đi học hay đã ra trường -còn chàng thì tưởng tôi mới vào năm thứ nhất. Tôi chợt nhớ tới một ông tổng thống Mỹ cũng xuất thân từ trường này, tôi hỏi:
-Có phải Duke University của ông Nixon không?
Tôi kêu wow thán phục khi chàng gật đầu. "Tôi không biết ở nước Mỹ có một Duke University nào khác không", chàng nói.
-Gia đình anh vẫn ở bên North Carolina?
-Không, còn bên Việt Nam. Tôi qua bên này một mình. Năm 70.
Gia đình? Câu hỏi của tôi đã chẳng rõ ràng, mà câu trả lời của chàng cũng không giúp tôi biết gì thêm về tình trạng hôn phối của chàng. Có vợ hay độc thân? Gia đình còn ở Việt Nam là cha mẹ anh em hay vợ con chàng?
Chàng mới qua làm bên Seattle này được một năm. Mới có một năm mà tổ chức tiệc tùng hội họp này nọ, hình như cũng quen biết nhiều, tôi thắc mắc. Chàng giải thích:
-Có khó gì, không quen ai thì cứ đi mời bậy.
Nghe chàng nói, tôi nhớ ngay đến bữa đầu tiên gặp chàng. Thì ra vậy..."Cần người cho một cái party nhỏ". Ai muốn đến thì đến, giúp được gì thì giúp, trang hoàng, ca hát, mà không làm gì cũng đến cho vui.
Tại một gian hàng bán đồ tiểu công nghệ...Vòng tay, vòng cổ, nhẫn, hoa tai, kẹp tóc...chàng giúp tôi lựa một cái kẹp kiểu hình con bươm bướm và gắn lên mái tóc tôi.
Xem triển lãm tranh ảnh, dạo phố, ăn pizza ở God Father's và bánh ngọt ở một tiệm Ý. U District là nơi hẹn hò đầu tiên của chúng tôi, dù vậy, bên chàng tôi đã cảm thấy thoải mái hết sức. Tôi nhớ đến câu trả lời của cô Valerie Bertinneli, tài tử TV, khi được nhà báo hỏi tại sao cô đã kết hôn với người chồng của cô: "Ở bên Eddie tôi rất là thoải mái". Bây giờ, tôi hiểu rất nhiều ý nghĩa hai chữ đó.
Nghe tôi nói có chơi quần vợt, cuối tuần sau đó chàng đến dorm rủ tôi ra sân. Tôi nói với chàng tôi chơi cũng khá, tôi đã không xạo khi nói như vậy. Vừa thấy tôi, chàng khen tôi mặc đồ đẹp. Xem ra chàng còn ngại ngùng chưa khen đôi chân dài thể thao của tôi. Chàng lầm to, tưởng tôi chỉ phô trương áo quần như các cô "ăn mặc thì đẹp mà chơi thì dở ẹc". Tôi xuất trận đánh mạnh ngay, hạ chàng xiểng liểng hai ván liền 6-2, 6-2. Chàng chưa biết cú tạt trái độc địa xéo qua phía phải của tôi. Tôi không nể nang gì chàng, tôi quen chơi với thằng em, nó đập tôi túi bụi chứ có nể nang gì đâu, tôi quen sống chết với nó rồi. Chàng cũng thuộc loại thích ăn thua đủ, cũng chẳng nhường nhịn gì tôi. Chỉ tại chơi quần vợt thì như tôi đã nói trước tôi chơi cũng khá, mà tài của chàng thì chỉ thường thôi. Chàng ngạc nhiên sửng sốt nhưng thích thú với khám phá mới này. Tôi rất vui sướng, bằng lòng với thái độ của chàng.
Ngay lúc đó tôi đã biết chàng là người tôi sẽ lấy hay tôi sẽ không lấy ai, tôi nhủ thầm, người tôi vẫn còn lâng lâng cái cảm giác của đêm đầu gặp chàng ở Caroline Hall vài tuần trước đó. Bởi vì bây giờ tôi biết thế nào là tình yêu, không phải là sự khám phá về người khác mà là sự khám phá ra chính mình, là lúc bạn rất yêu thương người khác và đồng thời cũng rất yêu thương chính bạn, là lúc muốn chia sẻ đời sống của nhau, chuyện to lớn cũng như chuyện nhỏ nhặt, chuyện vui cũng như chuyện buồn. Nếu chàng không cưới tôi (có thể lắm chứ), nếu tôi phải sống mà không có chàng... thì tôi vẫn sống, vẫn thở, tôi biết chắc như vậy. Nhưng mà đời sống của tôi sẽ thành buồn chán, vô nghĩa nếu không có chàng. Nhất định, tôi sẽ phải lấy chàng, vì chỉ với chàng, tôi mới sống một cuộc đời đầy đủ. Đừng định nghĩa thế nào là tình yêu, đừng hỏi, vì không ai giống ai, bạn sẽ biết, sẽ cảm thấy khi nó đến với bạn.
Hai hôm sau chàng gọi điện thoại than "cái vai vẫn còn nhức mỏi, chắc tại già rồi lâu hết", chàng cười.
-Muốn thoa chút dầu nóng không?
Tôi lo lắng, săn sóc,"Thy chịu mùi dầu, dầu xanh, dầu con cọp, dầu Nhị Thiên Đường. Đau thoa một cái là ấm áp hết thấy đau ngay, để rồi đưa anh lọ dầu con cọp". Trong phôn, chàng kêu oai oái ngắt lời tôi liền,"Không, anh không xài dầu nóng đâu, nghẹt mũi chịu không được...để anh đắp nước đá". Ừ, thì đắp nước đá. Chàng kiểu Mỹ chắc cũng sợ luôn cạo gió?
Chàng kể và tôi được biết thêm là vào mùa xuân, chàng khổ sở không ít với những hương cây cỏ và bụi phấn độc - bệnh mà Mỹ nó kêu là cúm dị ứng. Chàng nói với giọng nhỏ nhẹ nhõng nhẽo, coi bộ chàng cũng thích được săn sóc chiều chuộng. Không sao, tôi không thấy có gì trở ngại, yêu chàng tôi cũng thích săn sóc chiều chuộng chàng.
Tuần sau chàng xin phép để được đến nhà thăm bố mẹ tôi. Thật ra, chàng đưa đề nghị rồi hỏi ý kiến. Trong bụng, tôi vui mừng như mở cờ, vì tuần đó gia đình tôi cũng không có mục gì, các em đi chơi đảo, chỉ có bố mẹ ở nhà. Ngoài ra còn một lý do khác nữa, chàng chưa nói yêu tôi, cũng chưa hứa hẹn gì cả và khi nhớ lại...Trời đất, chàng cũng chưa nắm tay tôi nữa chứ nói gì đến hôn, vậy mà tôi biết ngay, chàng biết là tôi cũng biết, chàng đến nhà tôi với ý định lâu dài đứng đắn, không chừng chàng sẽ cải lương trước mặt bố mẹ tôi thưa muốn "xin bàn tay" của tôi. Trong đầu, tôi cũng đã xếp sẵn một câu trả lời...chấp thuận lời cầu hôn của chàng. Sau này chàng kể sở dĩ chàng làm tới tấp chớp nhoáng như vậy là vì sợ tôi nhận việc làm ở Cali mà bỏ đi mất.
Khi chuông reng tối đó, tôi ra mở cửa và biết là giờ phút quan trọng đã đến. Chuyện chàng và tôi quen biết nhau, tôi không kể cho ai hay ngoài bà chị ở Kent, một lần chị điện thoại cho tôi, đường dây xa, chị gọi (chị trả tiền) mà tôi nói gần hai tiếng về chàng. Tôi kết luận, không ai biết chuyện gì đang xảy ra. "Đó là tại em tưởng vậy thôi", về sau chị cười khúc khích cho biết. Tôi tự hỏi không biết chàng có đủ thời giờ để chuẩn bị không và trách thầm chàng đã không sớm nhờ tôi giúp đỡ. Tôi sợ ông bố của tôi sẽ làm chàng khớp rồi không bao giờ chàng trở lại nữa. Tôi sẽ buồn biết mấy!
Chàng bước vào nhà với những cái nhảy mũi dữ dội, liên tục, và chàng giải thích...chàng đang bị cúm nặng, cảm lạnh ghê gớm. Tôi phải rủa thầm tại sao lại cảm lúc này, cha nội, rồi vội vã đi lấy hộp (khăn giấy) Kleenex cho chàng - mấy hộp Kleenex tôi mua chỉ để dành cho những hôm coi phim bộ Quỳnh Dao.
Chàng đang bị cúm khó chịu kinh khủng, chàng nói, đó là sự thật chứ không phải là câu xin lỗi. Mẹ tôi cười thông cảm nói sẽ làm cho chàng một bát cháo gà rồi bà lăng xăng dưới bếp. Nhìn cử chỉ của mẹ tôi, lúc đó tôi biết ngay...chàng đã là chàng rể tương lai của nhà này, và cứ theo cái lối chàng kể lể than thở thì người con gái đứng trước mặt chàng lúc này đã giống như...vợ chàng!
Tôi xuống bếp phụ mẹ. Bỏ chàng một mình với ông bố trên phòng khách, tôi hơi lo. Bố tôi về hưu được mấy năm, ở nhà không có gì làm chỉ theo dõi tin tức thế giới, buồn cứ mong có ai ghé chơi để có dịp bàn luận chuyện chính trị. Tôi đã từng chứng kiến những buổi bàn luận thật nóng bỏng giữa bố và các chú các bác bạn của bố. Bây giờ lõm bõm nghe hình như chàng và bố cũng đang bàn chuyện chính trị, có thể chàng sẽ bị nghiền nát chứ chẳng chơi. Nhưng không, có tiếng cười nói vui vẻ, bố tôi xướng thì chàng họa, chàng họa thì bố tôi xướng, thì ra hai người tâm đầu ý hợp, cùng lập trường chính trị, cùng đảng Cộng Hòa!
Hai tháng sau chàng và tôi làm đám cưới (tôi đã phải từ chối cái giốp ốp -phơ ở Cali). Nàng công chúa ngủ trong rừng được đánh thức bằng nụ hôn kỳ diệu của chàng hoàng tử đẹp trai. Truyện thần tiên mơ mộng đẹp đẽ là truyện có thật và có thể xảy ra ở ngoài đời. Bây giờ tôi đã tin như vậy.
- Từ khóa :
- Truyện
Gửi ý kiến của bạn