Mai Ninh: ĐỌC ‘MÂY MỘT NGÀY’ của MAI NINH

22/06/20071:19 SA(Xem: 2709)
Mai Ninh: ĐỌC ‘MÂY MỘT NGÀY’ của MAI NINH

Thường Quán


Đôi khi tôi tự hỏi không biết bản thân văn chương có phải đã khởi đi tự một nỗi trống vắng thất lạc? Nỗi thất lạc của con người mang mang niềm gì một chuyến đi xa không thể quay trở lại. Viết như thế là một cố gắng triệu hồi một nơi chốn đã mất? Phải thế không? Từ Homer, từ Milton Paradise Lost, từ Lý Bạch đê đầu tư cố hương. Từ Dante - lạc vào đường tối thẳm: "Hành trình nửa chặng nhân sinh, tôi lạc bước / chính lộ không còn, tỉnh giấc, tìm thấy mình / một mình trong rừng tối thẳm" (Inferno). Những Thomas Wolfe, Ungaretti, Ekelof, Bùi Giáng, Lorca, S.Yizhar... lang bạt ruổi rong, đi với một chốn khởi đầu đăm đắm đã mất. Đâu là chốn khởi đầu vừa cháy lên



Chốn khởi đầu, đầu tiên, đầu tiên

Chốn khởi đầu không chứng cớ

Là màu vàng cam toàn thể vàng cam

Vàng cam vàng cam rực rỡ

S. Yizhar, ‘Mikdamot’ (re-arranged by Amos Oz)1



Đâu là thơ thiếu, nhìn từ một chặng đời một thành phố khác:



Thơ thiếu của người:

bây giờ một truyện tích cổ của những bồn phun nước

Lorca, 'Your childhood in Menton' (Poems in New York, 1929)



Đâu là nơi người từng một lần có mặt:



" Cánh cửa ra hiên vẫn mở suốt đêm, hôm qua trời vô cùng nóng bức

và mãi về đêm, mưa xuống ".



Mây Một Ngày. Cánh cửa ra hiên tự bao giờ mà vẫn suốt đêm. Một suốt đêm rất là bất định. Hôm qua hay một ngày cũng là bất định. Cánh cửa, một len vào. Một người lọt vào bên trong. Lọt vào một khí hậu, một cảnh thổ, một không gian. Nhưng chiếc cửa mở đã rất là bất ngờ, ngoài chỗ biết, vì lúc ấy ta đang còn bị dụ hoặc trong vang âm mấy tiếng chuông mở đầu vào truyện. " Ba hồi chuông ngân dài đánh thức tôi vào năm giờ sáng. Mây vẫn ngủ say, nằm nghiêng người, đầu gối lên cánh tay tôi không biết tự lúc nào. Đỡ nhẹ đầu Mây đặt xuống nệm, tôi tìm chiếc áo rơi trên sàn mặc vào, rồi bước khỏi giường. "



Ba hồi chuông. Năm giờ sáng. Nằm nghiêng. Gối lên cánh tay. Không biết tự lúc nào. Đỡ nhẹ đầu Mây tôi tìm chiếc áo rơi. Những mảnh thơ rời, lạ, gối lên nhau. Câu văn trôi nổi quần quyến màu gì giữa mắt chưa hoàn toàn mở, và một giấc mộng còn đọng, chưa tan. Ta rớt ngay vào một căn phòng mở ngỏ, nhìn xuống một khuôn viên chùa, trêu nghịch, phá-hòa-điệu "chiếc ban công ngang nhiên vô lễ nhìn xuống các tượng Phật trầm tư ". Ta rơi vào cái gì đang được báo trước sắp sửa mất biến. Tiếng rao hàng, tiếng honda sắp uà tới. Màu non bộ lấp sau "thỉnh thoảng mới hé ra vài ánh sứ " đã vốn mong manh. Và trong không gian còn xanh tối ấy, nhịp thở một con người "hơi thở Mây đều đều sau tấm màn the phơ phất". Rồi ta chưa phá được vùng ánh sáng chưa thực sáng lên kia thì đã lại rơi vào hương hoa, hương thời gian, hình ảnh không biết làm nên từ ký ức hay từ một giấc mơ một không gian hôm qua



Muì hoa sứ nhè nhẹ dâng lên cùng cảm giác mệt mỏi, tôi định trở vào với Mây, bỗng cánh cửa nhỏ phía trái gần gốc cây bàng kèn kẹt. Một ni cô vắt chiếc khăn trắng trên vai, tay xách cái chậu đi đến vòi nước cạnh hòn non bộ. Tôi nhìn sững vào màu áo vải nâu nổi bật cần cổ trắng, mắt tự nhiên hoa lên, tôi ngoảnh vào phòng, hơi thở nghẹn. Mây đã nằm ngửa lại, một cánh tay thả lỏng bên thành giường, ngực nàng thênh thang tốc ra khỏi tấm ra xanh đậm. Mây, Mây ơi, ra coi cô Ba, cô Ba đã ngủ dậy đang giặt đồ trong sân. Tôi gọi Mây rối rít, hình như có tiếng xe gắn máy của người đàn ông vừa ra khỏi nhà cô Ba bằng ngõ sau, khuất hẳn tầm nhìn từ chiếc ban công nàỵ Cây gòn sừng sững trước ngõ nhà cô tới kỳ nở hoa, những đám bông trắng bay lùng bùng theo gió, lọt vào tận căn phòng tôi, bám trên bệ cửa. Nụ bông to, trắng tròn điểm hột gòn như ngực Mây với núm vú đang phơi bày bung mở. Mây không dậy ra xem, Mây ú ớ dùi mặt vào gối, tay quờ quạng tìm kiếm. Mây không ra nhìn cô Ba vò quần áo trong cái chậu nhôm đầy bọt xà phòng, mái tóc cô vừa gội ướt rượt đen nhánh. Mây vẫn thích ngó cô Ba những lúc ấy, Mây cười nháy mắt, hai lúm đồng tiền xoáy hẳn vào, vành môi trễ xuống. Sao chỉ một ngày mà cổ xài nhiều quần lót thế hở mày ? Ừ, phải trên giây phơi, tôi và Mây cùng đếm ba bốn sáu bảy chiếc quần nhỏ đủ màu ren rua đong đưa. Cô Ba dứng dậy rũ rũ mớ áo quần vừa vắt. Ni cô rửa mặt xong lê tiếng guốc, cánh cửa nhỏ lại kèn kẹt khép. Cô Ba đã vào nhà và sắp sửa trang điểm..



Một đoạn văn linh động kỳ hoặc nén đặc, đung đưa. Những tố chất đầu ngày còn rất mỏng. Sự đung đưa của chữ mang âm tiết trước khi ngữ nghĩa thực tới. Và vì ngữ nghĩa chưa chế ngự nên tất cả còn được nổi trôi, giữa sự thiêng và chất gợi tình, ngửa sấp đan bện, giao thoa. Tiếng gọi rối rít Mây, Mây ơi ( trẻ trung tình cờ vang vọng Triêu Vân Triêu Vân của Tô Đông Pha) còn đang dụ dự ở chỗ " ngực nàng thênh thang tốc ra khỏi tấm ra xanh đậm" thì ta bị kéo tới trước một thân gòn, tới kỳ... " nụ bông to, trắng tròn điểm hột gòn như ngực ...". Cây và thân, hai ẩn dụ mềm mại mà cụ thể, cảm quan có thể bắt được ngay, rất trọn vẹn. Nhân sinh thu lại trong một ở thân người. Thiên nhiên tụ lại ở một trong cây. Cây baobab nằm giữa đất khô Phi Châu ẩn dụ nơi sinh ra con người ban đầu tối tăm nguyên sơ nguyên thủy. Cây gòn của 'Mây Một Ngày’ bung nở dựng lại cả một Sài Gòn thơ thiếu, một quê hương thiếu nữ mười bảy, của rất riêng tư mà rất rộng mở. (Ẩn dụ của thơ ca vốn thế, nó khởi đi từ một thế giới riêng, rồi được chấp nhận, bởi số đông, để không nói, vẫn là ẩn dụ mà ý nghĩa thì mấp mênh hiển lộ). Trong không gian chùng chập đầu ngày ấy những thơ mộng nháy mắt tinh nghịch theo dõi những sinh hoạt như có đó, như đã rất xưa, đã mất. Hơi thở của Mây nhân vật là hơi thở người nghe bây giờ đang níu lấy để kiếm tìm giữa những biên giới cái gì huyễn dụ giữa ẩn áo tình và tính, thiêng và dục, khép và mở. Tất cả ấy trong một sân vườn chùa, có mặt như một ẩn dụ khác về một ốc đảo xa xôi, sẽ mất, khi mai ngày trưa lên.



Tình yêu, tình yêu chuyến đi xa của một thân hưu

Qua vùng ngực trắng mênh mông không tới được

Lorca, 'Your childhood in Menton'



Lâu lâu lắm tôi mới đọc được một đoạn văn thơ mộng, lạ, hàm chứa lung linh những thế giới cảnh thổ như vậy. Lại là một mở truyện, là khâu gay go nhất trong nghệ thuật truyện ngắn. Thơ mộng vì xúc tích những biểu tượng, ẩn dụ, hình ảnh mang tính thơ ( một ni cô vắt chiếc khăn trắng trên vai gợi Xuân ý của Hàn; tấm ra xanh đậm, gợi buổi chiều mùa xuân xuất viện của Boris Pasternak). Thơ mộng trong âm thanh và hương sắc của ngôn ngữ: cứ xao động liên tục trong kiến trúc những câu văn gối lên nhau chạy đuổi, từ một căn phòng mở ra một vuông sân (một vùng không gian, những đêm thời gian), trên cao một khoảng vừa đủ để nhìn xuống. Tính thơ mộng còn tới từ những hàm ẩn của sự mất, phù du, bóng, thời gian mất bóng. Nó báo trước sự đổ vỡ.



Tiếng chuông năm giờ sáng như tiếng chuông chùa Diệu Đế ( hay Linh Mụ nhỉ ?) một Nhã Ca đêm đợi sáng ra đi khỏi một thành phố thời những năm 60. Tiếng chuông nghe lại trong một buổi sáng Vân trở về, hậu chiến. Sự trùng hợp thôi. Nhưng Mây và những đau thương mất trí thì 'ram rám' hiện thực như đôi tay đan lát những sợi nứa của Mây mà cơn mất trí điên loạn đôi khi tràn tới cứ là như từ một Dãi Khăn Sô khi Mây vẫn còn thanh xuân đòi gọi như những ca khúc trữ tình hàng quán trong trưa nồng ngột muối nắng chiến tranh. Chiến tranh bây giờ cũng đã là xa. Nó đã thuộc vào quá khứ, thuộc vào lịch sử. Nhưng đau thương không phải chỉ trong chiến tranh. Hậu chiến mới là điểm ngậm ngùi. Của những người còn lại, sống sót. Những kẻ lang bạt ngoài quê hương hậu chiến ấy cũng là những kẻ sống sót. Từ ngậm ngùi ấy, tịch mịch đau đớn ấy, thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết. Lịch sử thực ra còn rầm rộ vận hành. Nhưng nó bên ngoài thế giới hậu chiến của Mây. Nó không còn để ý tới nàng. Lịch sử có mặt ngoài phòng tắm :



Vừa vặn vòi nước, Mây ra dấu chỉ về phía cửa xua tay, ý đuổi tôi. Mây tắm một mình được chứ ? Nàng gật gật và đẩy mạnh tôi ra. Lòng chẳng yên, tôi bật truyền hình, đã tới giờ tin tức. Bên kia thế giới của tôi đang bừng bừng sôi động, Gorbatchev tuyên bố perestroika,...



Lịch sử như thế bỏ rơi những con người thời hậu chiến của một đất nước. Bây giờ họ, những người sống sót sau chiến tranh, chỉ có những quang gánh quá khứ. Họ có những ký ức như bóng ma: một đứa con đã chết, mà vẫn hỏi: nó đã chết chưa ? sao nó không có mặt trong thành phố này ? Một người mẹ, một người đàn bà " cách đây hơn hai mươi năm điệu hạnh duyên dáng, bây giờ khuôn mặt lạc thần già nua" . Những con người trong một sân khấu rồ dại, không còn bi hùng, không cả bi thương, lạnh hơn Bretch, " Mây đi tóc dài mở tung quần áo phất phới, chân bước miệng đếm một hai ba. Hàng xóm hai bên đổ ra, mấy người đàn bà xúm lại ôm Mây, kéo áo quần cho nàng. Bọn đàn ông hai bên chõ mắt rồi nhìn nhau tủm tỉm. Lũ trẻ vỗ tay reo hò". Một cảnh tuồng phi lý trên một sân khấu cruel (nghiệt ngã), của Artaud, Craig ( chúng ta hãy để ý tới ngôn ngữ trần trụi của Mai Ninh nơi đây tương phản làm sao với đoạn khởi đầu). Người điên là một người linh hồn bị thương tích (damaged soul). Còn những người sống tỉnh táo tủm tỉm cười trước người điên là gì ? Những linh hồn đã vong thân hay chỉ là sự dửng dưng không linh hồn ? Người ta làm gì ? Như trong tranh tôn giáo... những người đàn bà mang tên Maria, Magdalina,... mặc lại áo cho Jêsu, trong khi đám binh lính đàn ông nhìn trơ vào loạn hướng.



Một nỗi xúc động dâng lên nghẹn ngực, tôi luồn những ngón tay vào mái tóc ngắn còn hơi ẩm, thơm mùi dầu tôi đã gội cho Mây. Ngày xưa Mây để tóc dài giống cô Ba, tóc một dòng chảy mượt sau lưng. Tôi hay nghịch cuốn quanh tay, búi thành lọn. Mây ghét ai sờ tóc mình nhưng với tôi Mây làm ngơ. Tôi thầm thì.Tội Mây quá Mây ơi. Nàng như nghe thấy, quay sang, hai tay choàng qua cổ tôi từ từ thả xuống rờ rẫm bờ vai rồi luồn vào sau làn áo. Mây bây giờ đẫm mùi quen thuộc, mùi của chính tôi.



Người ta tới với nhau, những con người tìm lại. Tìm lại linh hồn đã rơi mất, như một cách nói cũ mà thực ra vẫn đúng. Một trở về với-chính-tôi, hay một giao hoà với cái alter ego vốn đeo đuổi như hình với bóng. Hay chỉ thuần là một cho đi, vì thương xót. Hay đi xa hơn nữa: một phục hồi lại thế giới linh-hồn tình yêu. Ôi con người! Mi là một thân sậy biết tư duy, hay một con vật chính trị, hay một hữu thể có ý thức đạo đức, hay một sinh vật tình lụy đa mang ? Một sinh vật biết xót thương và san sẻ. Một sinh vật đôi khi biết nói: "tôi chọn tình yêu làm biển trời" ( Mai Thảo), hay " tôi là kẻ ấy quặn lên vì tình yêu / I am he that aches with amorous love" ( Walt Whitman). Tình yêu biển trời quằn quại thương cảm. Tình yêu của linh hồn trên những con lộ mở.



Con Đường Mở. Quê hương lớn rộng của Linh Hồn là con đường mở. Không phải thiên đàng, hay thiên thai. Không ' ở trên cao '. Không cả 'bên trong'. Linh hồn thì không ' ở trên cao ' cũng chẳng ở 'bên trong'. Nó là một kẻ trẩy bộ xuôi một con đường mở.



Và linh hồn tôi đón nhận con đường mở. Linh hồn tôi gặp gỡ những linh hồn đang đi băng qua, linh hồn ấy đi cùng những linh hồn trên đường. Và cho một và cho tất cả, linh hồn ấy có thương cảm. Thương cảm của tình yêu, thương cảm của ghét bỏ, thương cảm của lân mẫn cận kề đơn sơ; tất cả những hành vi thương cảm tinh tế của linh hồn vô lượng, từ ghét bỏ xót xa nhất đến tình yêu nồng cháy nhất.



The Open Road. The great home of the Soul is the open road. Not heaven, not paradise. Not 'above’. Not even 'within'. The soul is neither 'above’ nor 'within'. It is a wayfarer down the open road.



And my soul takes the open road. She meets the souls that are passing, she goes along with the souls that are going her way. And for one and all, she has sympathy. The sympathy of love, the sympathy of hate, the sympathy of simple proximity; all the subtle sympathizings of the incalculable soul, from the bitterest hate to passionate love.



D. H. Lawrence ( 'Whitman', Studies in Classic American Literature)



Có lẽ ngoài Whitman chỉ còn Simone Weil để nói chuyện linh hồn và tình yêu con người mênh mông trời biển, tình yêu như một hiển lộ trung thực của Thương Cảm. Tôi cứ nghĩ như vậy, cho tới khi đọc Hợp Âm trong vùng sân khuất.



Đọc và tìm ra, ở truyện đầu tiên này của cuốn sách, một biển trời khác. Một Whitmanesque love trong truyện ngắn Việt Nam.



Trong 'Mây Một Ngày’, một rơi vào cảnh thổ quê hương hậu chiến hoảng lạc sẽ dễ đưa người đọc tới một sự đồng hoá mình với người-kể, nhân vật mang tên Vân. Vân chứ không phải là Mây. Mây là phần kia, nửa kia, nửa mênh mông. Mây là nửa ta chưa nhập được vào. Dù ta có thể kêu lên rối rít " Mây Mây ơi", rồi để xót thương "Tội Mây quá Mây ơi"; hay không kêu gì hết, chỉ nghe thôi. Như nghe " từ bụng Mây một thứ mùi nồng ngái không định được, mùi cỏ, mùi xà phòng rẻ tiền, mùi mây tre hay của đất bùn nắng gió ngoại ô ". Sự đồng hoá ( vốn đã tạm thời ), sẽ dừng lại ở một thương cảm, hay không tới cả một thương cảm. Và ở cả hai dừng lại ấy, dù tôi có đã bắt được những hình ảnh tinh tế nồng thắm, đau đớn, bị khuyấy động, bị đặt vấn đề (cả là như thế) thì tôi vẫn sẽ chưa thấy được một cái gì vô cùng quan yếu, một missing the point. Tôi vẫn chưa thấy:



Mây và Vân đều dang đi trên con lộ mở, với linh hồn của họ .



Thường Quán
Melbourne

21 Nov 2000

1 Amos Oz, The Story Begins, Vintage.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn