TKL: Nhân đọc: Mùa xuân bên ấy…

20/06/20071:19 SA(Xem: 2499)
TKL: Nhân đọc: Mùa xuân bên ấy…

Nhân đọc: Mùa xuân bên ấy…

Nói về những giao cảm củaThái Kim Lan

Nguyễn văn Lục



Tôi không có cái bề dày quá khứ như một số người bạn của Thái Kim Lan để ngày nay có dịp cùng nhau ôn lại dĩ vãng, nhắc lại những kỷ niệm, những tâm tình, những hoài bão tuổi trẻ. Và ở vào cái tuổi nghiêng, tuổi xế, họ chợt tỉnh như một gấp gáp, vì thời gian cho họ chẳng còn bao nhiêu nữa, tìm lại nhau sống lại dĩ vãng tình bạn và ngay cả những tình cảm đầu đời tuổi trẻ hụt hẫng. Những phôi pha thuở ban đầu chưa kịp kết thành hoa trái nay như những trái chín muộn. Họ ở cái thế thuận lợi hơn tôi khi muốn viết về một người con gái Huế. Cái dĩ vãng làm nên họ thời tuổi trẻ thì nay là cái cớ cho họ tụ lại thời tuổi nghiêng. Tôi chẳng có cái cơ duyên đó, nhưng vẫn mạo muội đưa ra một số nhận xét về bài viết này của Thái Kim Lan.

Tôi cũng chẳng cùng một tần số, hay cái cốt Huế thường rất sô vanh (Chauvinisme, để chỉ những người ái quốc cực đoan và quá khích). Sô Vanh theo nghĩa Huế cái gi cũng nhất, cũng ngon, ngay cái dở, nói riết một hồi cũng thành cái hay. Ngôn ngữ thông tục người ta gọi là nói lấy được. Hay nói tán cũng vậy. Trong phê bình văn học, có danh từ chỉ định việc này là cái Kitsch (tạm dịch cái rởm) (1)

Sô vanh Hànội đã là một lẽ, nhưng so ra với cái sô vanh Huế thì chả ăn thua gì, mặc dầu Hànội có ngàn năm lịch sử.. Cái vài trăm năm Huế dù chưa đủ tầm cỡ, vẫn muốn vươn lên, thu ráp lại, gom ít, gom nhiều cách này cách khác. Giả dĩ đã không thiếu người tự nhận là nhà Huế Học. Đến cứ như thế thì bao giờ sẽ có Hànội học, Lục Châu học? Hãy cứ bỏ ra ngoài một vài tham vọng riêng tư đó đi thì vẫn còn lại vô số Huế khác. Vô số món ăn Huế lấy cay làm trọng, rồi tà áo Huế, cái nếp quần con gái Huế là thẳnng tắp như lưỡi dao cạo, nón Huế nghiêng, giọng con gái Huế, cái liếc trộm của con gái Huế quay 180 độ, tâm tình Huế, địa lý Huế, lịch sử vua chúa Phú Xuân , dòng họ, tinh thần, văn chương Huế, và sô vanh nhất vẫn là con trai Huế. Huế là như thế đấy. Tôi đã viết đôi lần, nay nhắc lại cũng không thừa. Trai gái Huế lớn lên, tầm nhìn nguỡng vọng tương lai vươn ra khỏi khung trời Huế hẹp, muốn bỏ mà đi.. Nhưng đi rồi thì khắc khoải tìm về. Đủ thứ xa hoa phủ đầy giấc mộng lúc bỏ mà đi vẫn tiếc nuối nắm cơm phiếu mẫu. Đó là cái mâu thuẫn nghịch lý của con người. Đến có thể nói, phải đi xa Huế mới nói về Huế được.

Tôi đã chẳng mấy khi được ăn một cọng rau muống Huế xanh ngắt đến đắng, cũng hiếm được ăn một con cá bống kho mặn đến chát miệng và cay xè, tê lưỡi, vội lùa ba bát cơm vẫn còn suýt xoa. Thêm hai ly nước rau muống. Thiếu những kinh nghiệm trong miếng ăn, miếng uống, trong cái thanh bạch mà đẹp của nếp sống sinh hoạt Huế là thiếu cái nền đấy. Bất lợi như thế, vậy mà tôi đã viết rồi, nay thì viết cho đủ, cho trọn.

Trong cuộc rong chơi chữ nghĩa, tôi đã bắt gặp Thái Kim Lan, như một tình cờ định mệnh, chỉ vì tên một bài viết: Phượng trên Trời, Hải Đường dưới đất. Chỉ chừng đó cái tiêu đề, tôi cũng chưa nắm rõ chủ đích của người viết. Nhưng tôi đã tìm thấy một cái gì đó, khác người, họa hiếm. Đó là cái chất người tinh tế, bao dung, trải rộng đã cuốn lôi tôi vào một lộ trình của một số bài viết khác của Thái Kim Lan. Đã hẳn có những bài nghiên cứu chuyên sâu của một giáo sư Triết Đại học. Cái đó tôi không màng tới. Đọc lướt qua để rồi quên. Đã hẳn có những bài nghịch ngợm, vui tếu và sô vanh như bài Đàn ông Huế. Chàng trai xa lạ ấy… Đang là đàn ông lại biến ra chàng trai lúc nào không hay?. Rồi xa lạ ấy? Nghe như có mùi Triết hiện sinh ngửi thấy đâu đây. Theo cái kiểu: Đàn bà, kẻ xa lạ ấy. Nói là xa lạ mà viết có vẻ rạch ròi, chi li, biết từng cái sợi tóc, cái trứng cá tuổi dậy thì, thì xa lạ ở chỗ nào? Đã có đàn ông Huế, chàng trai xa lạ ấy.. Cứ ngồi mà xem thể nào cũng có đáp trả đúng lễ: Đàn bà Huế, người con gái xa lạ ấy. Có lẽ đây là bài viết dở nhất thì phải? Vậy mà người ta cứ nhao nhao lên. Phần tôi, chỉ để ý và chắt lọc ra những bài có tính chất người. Mới đây, tôi đã đọc bài Mùa xuân bên ấy.Tôi đã bắt gặp lại mình những xúc động lần đầu khi đọc Thái Kim Lan… và đó là cái cớ của bài viết này.

Tôi vẫn tự đặt cho mình một đòi hỏi khe khắt là muốn đọc Thái Kim Lan, phải tự đặt mình vào trong tâm thức, vào dòng cảm nghiệm của tác giả. Nếu không chỉ thấy được những bèo bọt, những điều chi li đến tầm thường... Nhưng chính ở chỗ đó mà ta bắt được những giao cảm tinh ròng, trong suốt và trân quý.

1.- Giao cảm với đất trời
Ta sống với đất trời như trong một bọc. Từ đó, ta giao cảm với thiên nhiên. Đó là những cảm nghiệm thể lý đầu đời và hiện sinh ai ai cũng đã có lúc trải nghiệm. Chẳng hạn ta cảm nghiệm dẫm chân trần trên cát nóng, gió mát mơn chớn da thịt, nước biển len lỏi vào cơ thể như soi mói, tìm tòi. Cái rét căm, cái nóng nung người. Cơn mưa đầu mùa. Gió heo may về. Đó là những giao cảm thể lý với đất trời. Tôi gọi là giao cảm tầng một. Giao cam do va chạm thể lý. Như có một lần, tôi đọc một truyện ngoại quốc, tác giả mô tả một người nông dân vốc một nắm đất lên tay.. Người nông dân đó cảm nghiệm được sự sống như linh hồn của nắm đất để có thể tỏ bầy. Nắm đất và người như có chiều giao cảm tâm linh, giao cảm siêu hình, gửi gắm nhắn nhe, chia xẻ và tình tự. Tôi đọc mà sững sờ. Cũng một thể thức ấy khi Hàn Mạc Tử nói tới giây phút linh thiêng, trăng mờ Đàlạt, cảnh huyền mơ. Đó là những giao cảm hiện sinh giửa đất trời và con người. Tôi gọi là giao cảm tầng hai. Giao cảm biến sự vật thành như có một sự sống, một linh hồn, một tâm cảm. Đọc Gaston Bachelard, ta cũng nghe ông nói về lửa, về nước. Tôi đã có thời say mê những tiểu luận đó. Nhưng nay xét ra cũng vẫn chỉ là những phân tích hiện tượng luận (analyse phénoménologique), phân tích rốt ráo nhiều mặt nhiều bề, nhưng vẫn thiếu chiều giao cảm và nhất là thiếu chiều kích giao cảm tâm linh giữa thiên nhiên và con người. Thiếu cái mà tốt hơn hết, ta chỉ có thể trưng dẫn bằng lời: Hôm nay, trời nhẹ lên cao, tôi buồn. Hay như:

Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt.
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi đầy
Chiều chân không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm sầu gối tay..
(nhớ Huy Cận vừa mất)…
Cũng đã chẳng thiếu người viết về chất Huế, về Huế đẹp, Huế thơ, Huế mộng, về sông Hương mấy khúc, về cầu Trường Tiền mấy nhịp, viết theo cái kiểu trăng thanh gió mát., viết theo cái lối kể truyện... Viết như thế, vẫn là những mô tả bên ngoài, cùng lắm là cái đẹp đạt tới giao cảm thể lý. Giao cảm tầng một. Ấy là chưa nói tới chỗ xa đà, sáo ngữ với những hoa từ. Ngay một số nhà văn Việt Nam khi viết cũng chỉ đạt tới cảnh giới văn chương mô tả. Văn chương mô tả vận dụng nhiều tĩnh từ như tô son trát phấn, khỏa lấp khoảng trống cho nội dung. Nên càng nhiều tĩnh từ, như những hoa từ, bài văn càng xa đà trống rỗng. Mà sự trống rỗng là một trong những điều tối kỵ trong văn chương.

Cái điều đầu tiên tôi bắt gặp, ngay từ những dòng đầu trong Mùa Xuân bên ấy.. của Thái Kim Lan là giao điệu con người với thiên nhiên ở tầng cấp hiện sinh, đẩy cao lên nữa là những giao hòa siêu vượt. Giao cam tầng một và tầng hai. Nào ta hãy xem: Đêm đã sâu hơn giờ thường.. hình như cái đêm trước ngày lên đường thường sâu hoắm như thế.. vì giấc ngủ không an.. thấp thỏm mầu đen lún xuống quầng thâm của mắt như chìm vào vũng lầy bùn non của cơn lụt vừa qua.. giấc ngủ chập chờn quẩn quanh , lãng đãng những ý tưởng gần xa không rõ nét.

Cảnh giới của đêm trường và của cõi lòng chứa đựng trong đôi mắt hõm sâu vì không ngủ. Cái băn khoăn chập chờn, cái suy nghĩ loanh quanh vẩn vơ bao giờ cũng có đêm khuya làm bạn và đồng lõa. Rồi mưa Huế gõ nhịp vào đúng lúc ban đêm, hoặc những kinh nghiệm bị mắc mưa như không một lối thoát. Phải là dân Huế với suốt 3 tháng trời mưa dầm dề lê thê, ảm đạm, mưa đến thối đất mới thấm và cảm nhận được hai chữ mắc mưa. Mưa đến độ căn nhà mái ngói mới lợp còn đỏ au mà thoáng chốc phù du bắt đầu có rêu xanh ngả sang mầu nâu. Mưa bất tận. Mưa thấm vào làn áo lụa mỏng dính ướt mượt thân con gái tuổi dậy thì nổi gai da thịt và môi lạnh. Phải là Huế % mới cảm nghiệm được: trong màn nước miên man đổ xuống từ bầu trời trắng đục thoáng hiện đằng xa như một nét thở dài u uẩn còn nén lại, lẩn quẩn chập chùng, tưởng như đã tan biến vào chốn hư không, nhưng lại còn vương vất còn đó như một tiếng thưa dạ có sẽ sàng của người con gái Huế gia phong (trích Một ngày vui trên ngọn… sầu đông).

Mưa Huế để lại dấu ấn khó phai nơi tâm thức của người con gái Huế: Đêm đêm hai chị em chung nhau một giường, ôm nhau trong cơn mưa rầu rĩ của huế, ru nhau khi gió đông phần phật rít qua liếp cửa lá sách, tóc xanh quấn quít một thời với nhau trên cùng gối mộng, quen thuộc ngạt ngào hơi áo, hơi chăn

Mưa như những ám ảnh da diết, dẩn đưa đến cả những ám ảnh siêu hình với thời gian vô thường: Trời càng mưa mái nhà càng trần thân ở đó chịu mưa, ngửa mặt hứng mưa, thầm lặng nghe mưa, quấn quít với mưa… Cơn mưa như dấu hiệu thời gian vô thường đến thí nghiệm sự bền bỉ của đời người mà mái nhà đang che chở.. Ngoài tiếng mưa hình như chỉ còn lại sự yên tĩnh bơ vơ của căn nhà khép kín, mờ nhạt hiện hữu trong khu phố cổ… (Trích Một ngày vui trên ngọn sầu đông.)

Dấn thêm bước nữa, mưa Huế như một lời níu kéo giữa hai bản thể, giữa kẻ ở, người đi. Mưa thay người ở lại năn nỉ , cầm chân: A cái cơn mưa Huế ấy, đố ai mà gỡ được cho ra.. khi đã mắc vào, nhỏ nhẹ thiết tha mà tinh quái gớm. Cứ không hẹn mà đến thật đúng giờ.. cái giờ ngắc ngoải sắp lên đường xa Huế.. đó .. thế là mưa xuống đúng thì, cứ như một lời níu áo cầm chân… và vu vơ kể lể xa gần, thủ thỉ nào là nào là, năm nay xuân sắp đến rồi, lạnh cũng qua đi, răng không ở lại đón xuân quê hương một lần, tết Huế thân thương như áo xanh áo đỏ một thời… Nì đã hơn 10 năm không ăn tết, không nhớ nỗi bánh chưng bên bếp lửa hay răng, mà bỏ đi đành đi đoạn… Răng không ở lại thêm, chỉ còn mươi ngày nữa là đến tết mà bỏ Huế mà đi. (trích Mùa xuân bên ấy.)

Đã mấy ai có được giao cảm về mưa như thế không? Đó là những kinh nghiệm hiện sinh về mưa, kinh nghiệm vượt bức tường thể lý giao hoà giữa đất trời và con người. Kinh nghiệm thiết thân, sống động và gần kề. Kinh nghiệm đó biến thành cuộc đối thoại nội tâm (dialogue intérieur) của Thái Kim Lan. Đây là nét độc đáo trong văn thức của Thái Kim Lan. Tất cả là lối viết, lối nhìn trở về nội tâm, quay về cái bên trong. Một thể nghiệm tâm linh, một soi dọi vào mình. Cảnh giới đối thoại nội tâm đi xa vào tâm thức, chiếu dọi vào chiều sâu của cõi lòng và tâm tưởng, lục tìm những trăn trở khúc mắc của cái ngày sắp lên đường. Và nó đã vỡ òa ra, khi xe chạy ở khúc quẹo Giàng Xay. Khúc quẹo của xe là có thật, nhưng khúc quẹo của tâm linh vỡ òa ra cũng là có thật. Chuẩn bị lên đường bao giờ cũng là một hành trình xoay chiều vào nội tâm, tra hỏi và vấn tìm, ưu tư và khắc khoải, miệt mài và do dự. Cho nên, mưa chỉ là cái cớ đi sâu vào tận cùng bản thể với trăm mối, trăm bề.

Tưởng rằng đã thoát nợ mưa, để rộng lòng xa Huế mà không buồn. Nhưng không. Kinh nghiệm giao cảm về mưa một lần nữa vương mắc vào vũng nước bên đường: Xe chạy không nhanh còn đủ vài giây để thấy những hòn cuội lăn lóc xung quanh vũng nước, khoanh tròn nét một con mắt long lanh. Con mắt nhìn theo khi xe đã qua một đỗi đường, con mắt ấy tuồng như vướng ánh sáng của một chút bầu trời vẩn đục ở trong (Trích Mùa xuân bên ấy.)

Viết đến như thế là ở một gam cao độ, biến vũng nước thành con mắt dõi theo người bỏ ra đi. Kinh nghiệm đắt giá quá. Tất cả như focus vào vũng nước nhỏ như con mắt của linh hồn, như một nhắc nhở, như một lời trách cứ mà bắt buộc phải cắt lìa (un reproche feinte). Nhưng đôi lần không khỏi ngạc nhiên lại đành đoạn ra đi như thế (Surprise feinte). Cảm nghiệm hiếm hoi của khoảnh khắc chợt đến và đã bắt kịp. Chỉ trong thoáng giây thôi, chậm một tý là không nắm bắt được. Cái giao cảm là ở phút giây ấy. Có thể nói đến một nhân bản hoá, một hoá thân sự vật (métamorphose). Tôi chợt cảm nghĩ rằng những khung cảnh địa lý của Huế, đặc biệt mưa Huế đã ảnh hưởng trực tiếp trên những suy tư và tâm tư của Thái Kim Lan. Tôi hy vọng là tôi đã không lầm. Bởi vì cũng có những nhà văn như A.Camus đã có những kinh nghiệm đầu đời ghi dấu mãi như thế. Ong đã để cái nóng, ánh sáng chói chang của mặt trời Địa Trung Hải lúc thiếu thời rơi rớt lại trong các tác phẩm của ông.

Với Thái Kim Lan, sự ra đi như một hoài cảm tiếc nuối để rồi nhìn thấy mọi sự, mọi vật như đều cùng cất lên tiếng nói, cùng một tâm cảm, cùng một cõi lòng. Và nếu có cái nhìn toàn diện bài viết thì từng chi tiết, nhỏ nhoi đến li ti, đến không đáng nói, và càng những chi tiết không đáng nói lại là cái gợi lòng, gợi ý.. Bài viết đến đây có thể tóm vào một ý. Nó hơn là một cuộc đối thoại nội tâm, nó là một hành trình của một con người đi tìm lại chân diện mục của mình, đi tìm lại chính cái bản thể ở chiều sâu thăm thẳm của chính mình, với những băn khoăn, khúc mắc và trăn trở.. Đó là một hành trình nội tâm (voyage intérieur), tự soi bóng mình, nhìn lại cả một hành trình nhân thế với những ưu phiền đa đoan, chỗ nào là về, chỗ nào là quê hương với những o ép của đời sống mà không có chọn lựa nào khác. Có cái qua lại hầu như nửa bên này, nửa bên kia, của dăng dở ( un va-et-vient quasi dialectique) giữa những hồi ức, những kỷ niệm, những đòi hỏi thúc bách nửa muốn đi, nửa muốn ở lại, những trăn trở, những réo gọi bên trong sâu kín và những câu thúc của thực tế bên ngoài, những dùng dẵng qua lại nghiêng ngả... Chính ở chỗ đó mà lòng trĩu nặng ưu tư mỗi khi đi và mỗi khi về.


2.- Giao cảm giữa những người thân thương

Trong khung cảnh ngày tết, phải nói trước hết là những giao cảm giữa người với người, giữa anh em, bà con, ông bà, cha mẹ. Tết là để tụ lại mà trên là bà Nội, ba mẹ, các bác, các chú, con cháu trong nhà. Đây cũng là một trong những giao cảm thiết thân của Thái Kim Lan. Thái Kim Lan lúc nào cũng như nhắc nhở với những khắc khoải, những tìm về, những gợi nhớ người thân thương như dì, người chị đã mãn phần và nhất là mẹ và con. Phần bài viết này, tôi muốn lợi dụng để trải rộng, triển khai cái tương giao đó. Cái tương giao mà đọc đến đâu lạnh mình, nổi gai tới đó. Đó là những vòng thân thuộc máu mủ tự nhiên mà trong nhiều cơ hội, Thái Kim Lan đã phơi bầy ra. Chẳng hạn, chỗ nào trong những bài viết của Thái Kim Lan cũng có bóng dáng mẹ. Bóng mẹ tuổi học trò, thời con gái. Mẹ dặn ăn cháo gạo đỏ hiền và bổ. Ăn bún buổi sáng thì chua bụng, ăn xôi bắp nặng bụng, ăn cơm chiên nhiều mỡ sôi bụng. Mà cháo gạo đỏ hiền và ngon thật. Có đời nhà ai ăn cháo mà hiền. Rồi chẳng hiểu chỉ có bà cô Thượng hay cũng mẹ đe răn con gái ngồi đạp xe hay ngồi Solex thì xấu lắm và hư lắm chăng? Rồi mẹ có mặt trong những ngày tháng tranh đấu, đánh dấu một đọan đường tuổi trẻ làm nền cho những thao thức dấn thân của cả đời người. Mẹ làm một công việc Cách mạng rất dản dị là có mặt.

Mẹ ít khi than thở mà chỉ hay thở dài, chắc mấy đêm nay không ngủ được hẳn tiếng thở dài của mẹ càng nhiều hơn đến não ruột. Tôi đi vội đến bờ thành nhướng người nhìn về phía mẹ, đưa tay ra hiệu, hình như mẹ tôi chợt nhận ra tôi, thấy bà cười như mếu, vẻ mừng rô. Tôi lấy tay ra dấu mẹ hãy về đi, rồi chỉ vào sân chùa ra dấu tôi ở lại chưa về, rồi nhe răng cười mà nước mắt đã lưng tròng, để cho mẹ yên tâm. Thấy mẹ tôi ggật gật đầu, tỏ vẻ hiểy ý của tôi. Bà cũng đưa lên một gói nhỏ, chỉ chỉ nói muốn gửi cho tôi. Tôi vừa gật đầu vừa lắc đầu đưa tay khoát khoát bảo mẹ cứ về. Anh lính đứng dưới đường thấy tôi ra dấu hiệu, trừng mắt đi đến hỏi chị làm chi vậy? Tôi lắp bắp mạ tui, mạ tui rồi ù chạy vào giảng đường, cố nén cơn khóc. Buổi chiều anh Từ đưa vào cho tôi cái gói nhỏ nói có nguời chuồi qua hàng rào, hình như anh lính nạt nộ ấy là người đã đích thân bí mật chuyển cái gói ấy. Tôi mở ra, thấy bàn chải đánh răng và chiếc khăn lau mặt của mình mà mẹ định đem lên từ hôm trước mãi bây giờ mới đến tay.

(Trích Những tháng ngày không quên.)
Tôi đã đọc đoạn văn hồi ký này, nay đọc lại. Phượng trên trời, hải đường dưới đất. Tôi đã dành cho đoạn văn này cái hảo ý tốt nhất của một người đọc. Tôi trân trọng đoạn hồi ký này và tôi trích ra để người mẹ ấy, nếu còn có thể đọc thì cũng đồng ý với tôi. Tình mẹ con, có lúc đầy vơi, nhưng nơi Thái Kim Lan vẫn chan hòa. Lúc nào cũng vẫn thế. Bóng dáng đó phủ lên cuộc đời của Thái Kim Lan. Giao cảm đến tuyệt vời. Hãy đọc mà xem. Đến những khi, ngồi trước bàn máy Computer ở Muenchen. Muenchen là cái tên chi lạ rứa? Đối với tôi, Muenchen chỉ là Munich. Trước bàn máy computer, con gõ máy làm việc, mẹ nằm nghỉ trên giường. Cảnh đó gợi nhớ gì? Rồi một lần nữa, lại những cơn mưa phùn lâm thâm, bay lất phất trong vườn xưa của mẹ, nhắc nhớ đến mẹ đã mất: Mưa lâm thâm, ướt đầm lá hẹ, tôi thương người mất mẹ.. Tôi chưa kịp trả lời cái cảnh đó gợi nhớ gì? Gợi nhớ Suốt cả chiều hôm nay, mẹ ở bên cạnh mộ của bà ngoại. Sư cô Tịnh Liên bên chùa đã đem lại cho mẹ mượn hai cái ghế và một cái bàn đặt dưới gốc cây thông cạnh mộ để mẹ có thể ngồi viết lách.. Như thế mẹ có thể vừa ngồi bênh cạnh Bà Ngoại vừa làm công việc của mình như lúc trước ở Muenchen. Không ở Munich. (Thư gửi con, viết bằng tiếng Đức. Bên cạnh mộ Bà Ngoại. Huế 24-03-98).

Đến đây thì tôi không có lời nào để viết nữa và xin cùng đọc: Trong tất cả nỗi buồn bã rã rời, mẹ bỗng thấy mình cảm nghe được một chút hơi ấm của hạnh phúc, hạnh phúc được ngồi đây, hạnh phúc được ngồi gần Bà Ngoại sau 3 tháng xa cách, trong bóng chiều rất êm, nghe thời gian đi, nghe đất bước lần vào bóng tối. Nước mắt ở đâu tự nhiên chảy xối xả ướt đầm cả mặt. Không thể hiểu được mà cũng không thể nào nói thành lời, cái giây phút ấy.

Con có thể cảm được hay tưởng tượng được cảm xúc của mẹ lúc này không? Ngồi đây, mẹ còn thấy rõ Ngoại ngày nào tươi tỉnh ở nhà mình tại Muenchen. ( không tại Munich), hao gầy mà vẫn tỉnh táo trong giường bệnh và rồi vĩnh viễn ngủ yên, trong hòm, với chiếc áo dài, với đôi giầy, và lần cuối cùng ở Huế khi đưa ngoại về lại quê hương, gặp lại ngoại lần khâm liệm trong nhà thương ở Huế. Hôm nay, ngồi đây bên cạnh mộ, mẹ thấy tất cả những hình ảnh ấy thật rõ nét. Bỗng nhiên từ trong tim, mẹ như sờ được làn da của Ngoại trong lòng đất sâu, như thể mẹ cũng nghe da mình chạm vào đá cứng. Đá cứng đến như thế này ư? Như thể mẹ cũng nghe da mình nổi gai vì đất lạnh… Đất lạnh như thế đó ư? Mạ ơi. Ngoại ơi.

Xin đi cho hết nguồn cơn: Trong lúc viết những dòng chữ này, mẹ đang ngồi trong ngôi chùa nhỏ gần mộ của ngoại. Tối nay, mẹ sẽ ngủ lại đây, mặc dù các cậu và cả nhà không muốn mẹ ngủ lại nơi chốn hẻo lánh này, nhưng mẹ muốn ở lại đây, để trải qua một đêm và một buổi sáng với bà ngoại nơi chốn mới mẻ này. Nơi vùng quê thiếu nhiều ánh sáng văn minh, đêm đến thật vội vàng, trời tối như mực, tối thui như than đen. Đứng ở hiên chùa, mẹ nhìn dõi qua phía mộ trước khi vào nhà, trời tối quá, chẳng thấy chi được nữa, một chút tiếc nuối, thêm một phút nán lại, một chút lưỡng lự, con ơi, có nên nói gute Nacht (chúc ngủ ngon) cho ngoại không?

Và cái giao cảm mẹ con trở thành trở thành thần giao cách cảm, linh thiêng, huyền bí đến huyễn tượng: Còn một chuyện nữa, rất huyền diệu, rất lạ lùng mẹ phải kể cho con nghe. Hôm kia, vừa đến Huế, mẹ vội vàng lên thăm mộ ngoại. Khi đến nơi, mẹ đang vạch cỏ đi lên ngọn đồi, bỗng nghe tiếng gọi lạ kỳ vang động cả vùng đồi. Ngước mắt nhìn lên, qua đám cỏ cây, mẹ thấy một con trâu đang đứng nơi mộ của ngoại, rướng cổ hết mình kêu rống lên Nghé ơi, Nghé ọ, Nghé ơi Nghé a, Nghẹ ơi, nghé ạ, ba lần như thế. Nghé tiếng Đức là Bueffelbaby hay Bueffelkalb đó con có biết không? Con còn nhớ lúc sinh thời, ngoại hay ví mình là con trâu đi cầy để nuôi con, nuôi cháu, vì Ngoại là tuổi con trâu. Cho nên khi nghe tiếng vọng, mẹ giật bắn cả người, vì từ xa nghe sao giống tiếng ngoại kêu con khi Ngoại nấu xong cơm gọi con đi ăn cơm Bê ơi Bê . Con trâu đứng đó một lúc rồi bỏ đi. Đó là lần duy nhất, có con trâu lạc nơi mộ. Chưa bao giờ mẹ lại kinh hãi sửng sốt như lần ấy. Nghe như ngoại nằm trong lòng đất lần đầu tiên mà mẹ lại bỏ ngoại chờ lâu như thế nên Ngoại nhớ Ngoại kêu. Lúc ấy mẹ không cầm được nước mắt nữa con ơi (trích Thư gửi con).

Tôi như vừa nhập vào dòng Giao cảm mẹ con của Thái Kim Lan, như vừa trở về từ một thế giới huyễn thực. Tôi tự hỏi mình cũng có mẹ, nhưng chưa bao giờ tôi lại có những cảm thức, những tâm tình, những giao cảm siêu vượt như thế..Tôi đã tự hỏi mình nhiều lần, phải có một tấm lòng như thế nào, phải yêu mẹ mình đến mức độ nào để giao cảm trở thành linh thiêng và huyền bí đến độ không còn phân chia ranh giới rạch ròi giữa cõi sống và cõi chết..Những đất lạnh, đá cứng, tiếng nghé ngọ chỉ là cái cớ để cảm nghiệm tận cùng nỗi niềm trở lại với đất, để cho sự chia tay giữa sống và chết của người thân bớt nỗi bội phần xót xa. Lấy gì đo đếm được tình mẹ con đó, bởi vì nó đã vượt cảnh giới trần thế?

Mẹ đã mất. Lúc còn sống tình mẹ con là những giao cảm hiện sinh của cõi người, khi chết đi là những giao cảm siêu vượt của cõi bên kia. Giao cảm truyền thừa đó chuyển tải xuống đứa con gái. Có kế thừa và tiếp nối dòng sinh mệnh, người mẹ đã ra đi. Đã đành. Có sự chết như một mất mát, nhưng sự sống vẫn còn đó như một niềm hy vọng qua con gái, cháu của Bà Ngoại. Chỉ cần đọc lá thư gửi cho con được trích dẫn ở trên mới hiểu được nỗi niềm đó.. Đã có ai viết như thế cho con? Không phải một lá thư thông tục thăm hỏi, lo toan cho con gái . Mà một giãi bầy. Mà một tâm sự khôn nguôi. Giao cảm nay không phải hàng hai nữa mà đã là hàng ba rồi: Bà Ngoại, mẹ và con. Không lạ gì con gái sau này, đôi bữa nghĩ đến Bà Ngoại để thêm đôi đũa, cái đĩa bầy trên bàn ăn nhắc nhớ đến người vắng mặt. Giao cảm tuyệt vời với truyền thống kế thừa và tiếp nối mà không cần một lời dạy bảo, không cần một nhắc nhở. Đôi khi nhắc nhở lại không xong.

Và cứ như thế giao cảm mẹ con lúc nào cũng có. Dù ở trong những tình huống xa xôi, cách trở, con một nơi xa tít tận bên Tầu, Mẹ Munich, Huế. Nhưng chỉ cần cùng nhau niệm: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là đã đã thấy gần gũi, mẹ con đã thể như là Một: chung tấm lòng, chung đời sống.

Cái giao cảm đó còn đi xuống đến chị, đến anh, đến cô dì chú bác như trong bài Một ngày vui trên ngọn sầu đông để nói về người chị thân thương nhất đã mất hay như trong bài: Dì thí em của Thái Kim Lan.


3.- Giao cảm về những kỷ niệm ngày xuân, ngày tết

Đây là phần bài viết: Mùa xuân năm ấy rất tế vi và xảy chân một chút sẽ rơi vào chỗ tầm thường. Người đọc nhanh, người đọc vội sẽ chỉ nhìn thấy ở đây một câu truyện tầm thường và phán: Tưởng là gì, chỉ là câu truyện chuẩn bị ăn tết. Không hẳn là như thế. Thái Kim Lan đã từng chút đãi lọc, tỉ mỉ đến chi ly nói lên tâm trạng đợi mong của cô bé với rất nhiều chữ Chưa . Chưa của nhiều thứ lắm. Chưa của cây cối trong vườn chờ giờ quả chín tới, chưa của hoa lá chờ nở hoa, chưa của những chuẩn bị gói bánh chưng với lá dong, chưa của những món dưa món, chưa của những bộ quần áo mới lấy ra mặc thử rồi lại cất vào chờ đêm giao thừa.. Chưa của những chờ đợi và thao thức và thời gian chỉ ở trong “chưa đến” trong thì tương lai

Ngoài vườn là chưa của cây Hải Đường. Thân Hải đường gầy đã bắt đầu nhú lên những búp non ở đầu cành.. Những búp hoa đó vào những ngày trước tết trong vườn nội vùng Linh Mụ còn mím đôi môi hồng tươi như chưa muốn nói điều gì, mà cũng chưa dám nói vì bốn cánh cứng mầu nâu xanh bóng của đài hoa quấn chặt lấy nụ hồng, ngăn những cánh hoa chớ vội vàng bật hé những bí mật của ngày đầu năm sắp đến. Rồi đến lượt cây hồng với những quả hồng như dấu hiệu phúc ấm phúc ấm gia tộc còn treo lủng lẳng đợi đến ngày đơm quả phẩm cúng tổ tiên.

Khu vườn với hoa lá, đủ loài hoa quả như cũng biết chờ đón ngày xuân đầu năm. Hoa nhị đến thì đáng nhẽ phô trương hương sắc cũng ráng nhín nhận để chờ đón Chúa Xuân. Có cái gì đồng điệu, đồng cảm với nỗi háo hức của con người. Thái Kim Lan nhìn thấy ở nơi đó như có gì bí nhiệm, đồng lõa, chờ đợi một điều gì quan trọng sắp tới. Thiên nhiên và con người trong cái thời gian chưa tới với háo hức, mong đợi.

Thời gian của những ngày sắp tết là thời gian chờ đợi, thời gian chưa tới, nặng nề trôi đến nôn nóng, đến sốt ruột. Hình như tất cả ý nghĩa ngày tết diễn ra trong tâm khảm cô bé chỉ là lòng mong đợi (attente et désir). Mong đợi đến không còn chần chờ được nữa vẫn chỉ được đáp lại bằng tiếng chưa của mẹ. Vừa thơ mộng, vừa đẹp như chờ đón giây phút linh thiêng sắp tới để được mặc chiếc áo mới.. Cả năm chờ đợi, cá tháng chờ đợi, cả ngày chờ đợi.. nhưng đến cái đêm 30, đêm giao thừa, giữa cái giờ phút chuyển đổi từ năm nay sang năm kia thì vô lý thay, lại thường là đêm hụt hẫng, bị bỏ qua, bị ngủ quên, dù trước đó lòng tự nhủ lòng, phải ráng thức cho đến giao thừa, để biết mặt mũi giao thừa, mà nào biết được.

Rồi thì cái giây phút linh thiêng và trong đại đó cũng đến trong sự tĩnh lặng đến ngạc nhiên. Ngày hôm qua còn có người đi qua đi lại náo nhiệt.. Hôm nay bỗng dưng người nào, người nấy, cử chỉ nhẹ nhàng trang trọng, giữ gìn từ lời ăn tiếng nói. Quần áo chỉnh tề như chờ đón giây phút trang nghiêm bắt đầu.

Còn đối với trẻ con, tết là những bộ quần áo mới. Mặc bộ quần áo mới, xúng xa xúng xính thì tết mới thực sự bắt đầu.

Người lớn sau khi tụ họp lại, ra hiệu cho nhau, rồi tiến đến để quỳ chúc tết bà nội. Những lời chúc đã được nhẩm đi nhẩm lại đến thuộc lòng, nay là lúc thốt ra lời. Không thiếu cảm động mà cũng không thiếu những người dơ tay áo quệt nước mắt vì xúc động.. Những giây phút linh thiêng qua đi rồi thì có những tiêng cười, tiếng chào hỏi xôn xao, vỡ ra, ồn ào. Cái vui của ngày tết khó mà quên. Và đó là thứ hạnh phúc khó mà quên được với những háo hức chờ đợi, với những giây phút thiêng liêng cảm nghiệm có lúc như bí nhiệm cao vợi, giao hào với tổ tiên dòng họ ở thế giới bên kia, có những lúc thân thương quen thuộc gần gũi đầy ắp tình người với bà con họ hàng.

Nói về tết, kể về tết. Đã không thiếu người viết và viết nhiều lần đến mòn chán. Những phóng sự về tết, về chợ hoa, về câu đối, về thú chơi cây cảnh, về tục bánh chưng bánh tét, làm mứt, bày cổ, về tiền lì xì thật nhiều không kể xiết. Những chi tiết chuẩn bị, những tình tiết nho nhỏ, những háo hức chờ đợi viết không khéo sẽ trở thành la đà, truyện kể chẳng đáng nói. Viết như thế dễ mà thành khó, khó vì nó dễ trở thành sáo ngữ và dễ rơi vào tình trạng gượng ép như làm luận văn. Ngôn ngữ trong bài viết của Thái Kim Lan đã được xử dụng cho một tầng cao hơn và đã vượt lên những khuôn sáo cũ.

Làm thế nào để những câu truyện tình tiết tầm thường mang một sắc thái ý vị, trở thành câu truyện nghệ thuật? Đã hẳn ở đó không có chữ nghĩa tầm thường, mà chữ đã được đãi lọc, tinh chiết. Khi nào ta cảm, sống thực thì chữ nghĩa ra lời. Cho nên, có cần nhắc lại ở đây cách hạ những con chữ, cách dùng một từ, cách ngắt một câu trong các bài viết của Thái Kim Lan. Chữ nghĩa đó toa rập, hoà trộn vào cảm nghiệm đến như thể là một. Nó sống động, ấn tượng đến độ ta có thể sờ thấy, ta mường tượng nó như có trước mặt. Cái đó là nghệ thuật khác với hoa từ.

Nghệ thuật ấy đã được xử dụng tài tình với “bầu trời thu nhỏ focus” – để nêu một ví dụ - thoạt tiên như con mắt của dĩ vãng xoáy sâu đưa cuộc hành trình nội tâm chạy ngược lại với chiếc xe và cuối cùng mở ra một cảnh trời bao la chan hòa thực và mộng, hạnh phúc được cảm nhận như đường về hòa nhịp giữa đại ngã và tiểu ngã. Mở và đóng như thế thật là tài tình. Nhưng không phải vì thế mà nặng nề triết lý, ngược lại cái nhìn trẻ thơ vẫn được giữ nguyên vẹn: núi mùa xuân trở thành “trẻ như “non xanh” – một lối chơi chữ bất ngờ thú vị.

Cũng thế có đôi chỗ ngôn ngữ đạt đến thần tình: sáng mồng một tết thường bắt đầu với nỗi bỡ ngỡ về sự tĩnh lặng bất ngờ tri ra trong khơng gian, tưởng như tất cả nhân gian đều ngưng thần soi mặt vào nước sông Hương cũng đang dừng lại không trôi trong khoảnh khắc mới nhất của năm bắt đầu.

Một sự “ngưng lại” cần thiết trên bình diện tâm lý sau những hối thúc dồn dập “đẩy” thời gian đi nhanh, nhưng lại được thi hóa và hình tượng hóa qua “nhân gian soi mặt” và sông Hương ngừng chảy, với ẩn dụ gấp đôi: ngày tết mọi người soi gương điểm trang cho nên vũ trụ soi gương… và tấm gương ấy là con sông đứng lại nếu không thì không soi được …

...tìm về nội tâm
Hoặc chỉ một câu nói của bà mẹ “…tay áo co dài vạt áo có dư ‘trừ hao cả năm mau lớn bơ vừa’ như mẹ vừa mặc áo vừa thủ thỉ.” Hình ảnh gợi ý gây liên tưởng, làm cho người đọc có thể từ kinh nghiệm của mình nhận ra tâm trạng của đứa bé vui được mặc áo nhưng cũng lạ lùng vì cái áo rộng: lòng mong đợi mặc áo được đền đáp sít sao, trong lúc cái áo lại rộng, không sít sao… Trong câu không nói về sự bỡ ngỡ của đứa bé khi thấy tay áo dài, vạt áo rộng nhưng người đọc có thể hình dung được qua lời giải thích của bà mẹ. Lối hạ chữ dẫn dắt người đọc đi xa hơn chữ nghĩa như thế có thể tìm thấy rất thường trong bài đã trở nên thủ xảo thử nghiệm diễn tả nội tâm.

Nếu cần nói gì trong vài dòng chót của bài phê bình bài bút ký này thì tôi có thể tóm lại như sau. Đây là một thể loại bút pháp mô tả tìm về nội tâm. (Voyage intérieur). Từ ngôn ngữ xử dụng, từ những thể nghiệm rất sống động và rất gần gũi với thiên nhiên qua khung trời Huế. Huế với cảnh vật, với con người, với kỷ niệm đã dẫn đường cho một nguồn cảm hứng mới, đưa thời gian quá khứ trở thành khắc khoải không nguôi. Phải là Huế 100% để có thể viết lên những giao cảm ở từng cao hiện sinh và siêu vượt, vượt cảnh giới thường tình. Trong đó giao cảm tình mẹ con tôi đã do trớn bút đi xa đến nỗi không đành đoạn cắt đi dù một chữ. Mong ai đó đọc bài viết này chia sẻ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn