Hoàng Dược Thảo

02/07/201212:12 SA(Xem: 1275)
Hoàng Dược Thảo
Tiểu sử

HoangDuocThao

Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật

Đào Nương Hoàng Dược Thảo: Cô Đào Hát Trong Vở Bi Hài Kịch Bolsa!

Etcetera

Hoàng Dược Thảo là một chủ bút giỏi và là một chủ nhiệm có tài. Nếu không vậy, không thể một tay bà trông coi tờ Tuần báo Saigon Nhỏ được 15 năm, với số ấn bản hàng tuần là 60,000 tại 15 tiểu bang rải rác khắp nước Mỹ. Với hai điểm kể trên, trong làng báo Việt ngữ, không ai không biết đến tờ Tuần báo này.

Saigon Nhỏ có một hướng đi khá đặc biệt, gây tranh cãi trong nhiều năm qua.

Một ký giả kỳ cựu trong làng báo nhận xét về Hoàng Dược Thảo: “Trời sinh chị ta ra để làm báo. Làm báo chứ không phải chủ báo. Hoàng Dược Thảo hội tụ nhiều yếu tố đặc biệt: Sự thông minh bén nhạy cực kỳ, để cảm nhận ngay những vấn đề, nắm bắt những chuyện rành rành trước mắt với đánh giá, tổng hợp và sản xuất ra một loại tin tức và cung cấp cho độc giả của mình món ăn khác lạ hơn những tờ báo khác. Đó là Hoàng Dược Thảo.” Với khả năng phong phú, đa dạng trong con người làm báo của chị là... làm tất cả. Như con dao pha, chị có thể viết tin, bình luận, truyện ngắn, làm thơ... và đỉnh cao của ngòi bút khi làm báo là viết phiếm. Chọc người ta trên sân khấu đã là một vấn đề. Phải vận dụng vẻ mặt, nụ cười, bộ dạng múa may đủ kiểu, may ra mới lấy được ở khán giả nụ cười. Trên mặt chữ nghĩa, chọc cười khó hơn nhiều. Những con chữ khô khan, chết cứng mà bất cứ ai biết đọc biết viết cũng có thể ráp vần, viết lách. Nhưng để tạo ra cho con chữ cái hồn, hay trong phiếm, tạo ra sự buồn vui, nóng giận, ghét bỏ v.v. là một nghệ thuật. Trong dư luận, có nhiều đánh giá về ngòi bút và con người Hoàng Dược Thảo. Mỗi người một kiểu, tạo nên một “huyền thoại” trong làng báo Việt tại Nam California từ năm 1989 cho tới nay.

Hoàng Dược Thảo, con người ngoài đời

Huỳnh Thụy Châu, tên thật của Hoàng Dược Thảo, là một người phụ nữ kín đáo, hay cả thẹn, không bao giờ ra đám đông, sợ chỗ tụ tập đông người. Tuy nhiên, cô thiếu nữ Thụy Châu có một tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng vượt khỏi khuôn phép gia đình, để đi theo tiếng gọi tình yêu từ năm 17 tuổi. Lập gia đình, làm vợ, làm mẹ và luôn luôn chỉ muốn làm tròn bổn phận của một người phụ nữ bình dị. Trước khi lập gia đình với nhà thơ Du Tử Lê, hình ảnh nhu mì của bà đã được một thi sĩ đệ nhất Việt Nam đưa vào thi ca, rồi sau đó, bài thơ lại được một nhạc sĩ đệ nhất Việt Nam đưa vào âm nhạc. Vẻ đẹp của một “Ngày Xưa Hoàng Thị” có lẽ là một hình ảnh thứ nhất, một chương đời êm đềm cho cô út được người nhà chọc là “nghé Ngọ”. Một người bạn thân của Thụy Châu kể lại: “Cổ hiền lắm. Không thích ra ngoài nhiều, nhất là đi ăn mà không có ai đi cùng là thôi, chịu ở nhà. Bản tính là một “nội tướng” thứ thiệt. Chỉ biết lo cho chồng thôi.” Căn nhà của gia đình, dưới bàn tay chăm sóc của Thụy Châu, vườn lúc nào cũng có hoa. Châu thích hoa lan, thích trồng cây kiểng. Thích nuôi cá. Cuối tuần là ở ngoài vườn chăm cây, thu xếp dọn dẹp trong nhà, lúc nào cũng sạch bóng. Thụy Chậu lại có óc mỹ thuật, yêu tranh vẽ nên trang trí nhà rất đẹp. Ở ngoài đời, Thụy Châu là một người vợ, người mẹ dịu dàng, hiền hòa. Cuộc đời đã ném Thụy Châu vào khoảng lốc xoáy, bứt chị ra khỏi cái tâm mềm yếu, dễ xao xuyến của cô “Tiểu Thư Con Gái Nhà Ai” như một tác phẩm của bà.

Hoàng Dược Thảo, con người báo chí

Năm 1986, sau khi đã chia tay với chồng là nhà thơ Du Tử Lê, phải mất mấy năm sau, Thụy Châu mới lấy lại được tinh thần. Trước đó, trên tờ Tay Phải, Thụy Châu thỉnh thoảng đã viết những bài báo, truyện ngắn, tạp ghi, thơ v.v. dưới bút hiệu là Chân Voi, Hoàng Dược Thảo v.v. Đó là những bài viết hiền hòa, gây xúc cảm trong lòng người đọc. Đổ vỡ trong hôn nhân, mang vết thương lòng không nguôi, năm 1989, biệt danh Đào Nương xuất hiện trên Tuần Báo Sàigòn Nhỏ, do chị chủ trương, với sự tiếp tay của ký giả Trần Thị Diễm Phúc, nhạc sĩ Việt Dũng và chị Ngân. Diễm Phúc kể lại “Tôi còn nhớ rất rõ đã nói với Châu là... làm báo đi. Châu viết được đủ mọi thứ, còn tôi có khả năng lấy quảng cáo, Việt Dũng giúp layout. Làm báo để sống chứ, để nuôi con. Mục phiếm của ngòi bút Đào Nương ra đời mau chóng làm mưa làm gió trên diễn đàn báo chí tại quận Cam. Đào Nương đã thẳng tay đề cập đến tất cả mọi vấn đề của xã hội Bolsa với bao nhiêu chuyện hỉ nộ ái ố. Đào Nương tung hoành ngang dọc, bà đã vung ngòi bút, sử dụng một cách hữu hiệu những “chiêu thức” trong lối viết, cách đặt vấn đề. Tiếng Việt với lối nói lái, lối nói xa trúng gần, nói gần trúng xa, dụ ngôn, cách ngôn đã cung cấp cho Đào Nương những phương tiện quí báu làm tăng uy lực cho ngòi bút của bà. Nhà báo là người không thể tách mình ra khỏi dòng chảy cuộc đời, họ bơi theo con nước thủy triều, lặn ngụp với rác rến, chìm đắm trong những tạp chất không tên khác. Ngòi bút Đào Nương chọn khúc sông xoáy nhất, dữ dội nhất, cường lưu thất thường nhất để vùng vẫy. Bút hiệu Đào Nương cũng phản ánh ý nghĩa rốt ráo của bà là xem cuộc đời là cuộc hí trường, mà bà là một cô đào mang giọng hát, lối diễn của mình ra mua vui cho thiên hạ. Mỗi tuần một vấn đề, mỗi tuần một nhân vật, trong suốt 15 năm qua, bà đã đụng vào bao nhiêu vấn đề. Người đọc như “điên lên” vì bị đưa lên bàn mổ. Kẻ cười người khóc, kẻ bênh kẻ ghét... không sao đếm xuể. Đào Nương không chừa bất kỳ một lãnh vực nào, một nhân vật nào. Từ văn hóa, chính trị, xã hội đến tôn giáo v.v. cũng “được” Đào Nương chỉa mũi dùi vào. Dĩ nhiên, trên “trường đao trận bút”, cũng nhiều khi Đào Nương đã quá đà, quá hăng hái và kết quả, là những kiện thưa, những chửi bới, những đe dọa thường xuyên vây bủa quanh tòa soạn Sàigòn Nhỏ.

Sự thành công về báo chí

Trong lịch sử làm báo Việt Ngữ (cả trong lẫn ngoài nước), trường hợp tuần báo Sàigòn Nhỏ có thể nói là đặc biệt nhất. Đặc biệt ở phương diện độc lập, không phụ thuộc bởi ai. Lại phát triển trên bình diện rộng rãi (15 ấn bản các tiểu bang, 60,000 số mỗi tuần). Số nhân sự giảm thiểu nhất (chưa tới 10 người, không kể các nhân viên trực thuộc các ấn bản địa phương), làm việc đều đặn, bền bỉ và theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật in ấn, phát hành đúng giờ của báo Mỹ thời hiện đại. Sự thành công của tuần báo Sàigòn Nhỏ, ai cũng biết, về mặt nội dung chỉ “trông cậy” vào có hai cột báo của Đào Nương và Tú Gàn (một cộng tác viên lâu năm, một cây phiếm khác của Sàigòn Nhỏ). Còn tin tức, phụ trang khác chỉ là chuyện phụ. Nếu ngày xưa, lịch sử thi ca đã để lại cho đời những liệt nữ như Bà Huyện Thanh Quan, Bà Hồ Xuân Hương v.v. Ngày hôm nay, làng báo Việt ngữ có Đào Nương. Sự thành công (về phương diện tài chánh và sức mạnh của ngòi bút) của Đào Nương đã chứng tỏ được bản lãnh của một phụ nữ dám làm, dám nói lên những điều trái tai gai mắt trong xã hội. Ngòi bút ấy luôn luôn xác tín với những gì mình nghĩ và trải nó lên trên trang giấy với tất cả sự đam mê, cuồng nhiệt của chữ nghĩa. Đọc Phiếm Dị của Đào Nương, như soi thấy rốt ráo những điều thật, quá thật, quá trần trụi đến tàn nhẫn. Bà như nhập vai, “lên đồng” quá mức cần thiết cho vai diễn, khiến cho khán giả bên dưới muốn... đứng tim theo dõi hàng tuần. Để xem coi ai bị... ai sẽ bị!

Đào Nương xem báo chí như một tấn tuồng, với bi hài lẫn lộn. Trên sân khấu, bà múa bút mua vui cho đời. Với tiếng vỗ tay hoan hô, tiếng khen, tiếng chê rộn rã. Người đọc đã khóc cười theo bà nhiều năm qua. Ai biết rằng, cuộc vui và tiếng cười cũng chỉ là phù phiếm. Khi màn hạ, khách về. Đèn tắt đen ngòm. Sân khấu vắng, hàng ghế vắng... ngay đến cả những hàng ghế cũng không còn thấy... đằng sau hậu trường, Đào Nương, cô hát sẽ một mình lặng lẽ điểm lại từng câu nói, từng cử chỉ của mình... với sự cảm nhận riêng mình, để hôm sau, một cuộc vui mới mở ra cho những đợt người xem mới.

Trong cái cười, có những giọt nước mắt. Không ai khác, ngoài Đào Nương là người duy nhất hiểu được tại sao bà muốn người ta cười và muốn người ta khóc.

Etcetera

Nguồn: vietweekly.com
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn