Hồng Lan

02/07/201212:12 SA(Xem: 1714)
Hồng Lan
Tiểu sử

chưa có

Phỏng vấn, các bài viết về nhân vật

Giới Thiệu NHƯ KHÓI LAM BUỒN

Xuân Vũ


Nét nổi bật trong tập truyện "Như Khói Lam Buồn" của
nhà văn nữ Hồng Lan là sự hồn nhiên và duyên dáng.
Đọc xong cả tập, tôi có cảm giác ấy. Nếu văn là
người thì từ những truyện này độc giả có thể suy
luận ra rằng tác giả là một người duyên dáng. Truyện
của Hồng Lan viết gồm phong cảnh, con người và sự việc
xảy ra ở nông thôn mà tác giả sống. Tôi vốn gốc dân
quê biết chút ít chữ, nên tôi thích truyện đồng quê
hơn các loại truyện khác.

Cây chuối, cây dừa, bờ ao, bến đò, vườn cây, lúa mạ,
ruộng đồng, cây me, cây ổi, chuyện cày bừa, cấy gặt,
chính là cuộc sống của tôi. Đi xa cái sinh hoạt này hơn
20 năm, tôi rất nhớ. Nay đọc Hồng Lan chẳng khác nào
trở lại quê hương trên mặt đất. Hơn thế nữa, trong
nhiều đoạn, tôi tưởng nhân vật đó chính là tôi. Mở
đầu tập truyện tôi có cảm tình ngay với truyện "Bông
Sua Đũa Tím".

Theo tôi thì Hồng Lan không có ý định làm văn chương gì
cả mà chỉ kể lại những chuyện của mình sống bằng một
giọng văn rất giản dị hồn nhiên như những sự việc đó
xảy ra. Hồng Lan không có làm dáng mà văn chương vẫn
đẹp. Có gì đâu, một chuyện ma ở vườn. Đó là chuyện
ai cũng nghe, ai cũng biết, nhất là thời ấu thơ thì truyện
ma là truyện rất phổ thông. Hồng Lan viết một câu làm
tôi giật mình, tưởng người nghe chuyện là chính tôi hồi
thuở nhỏ.

"Nghe đến đây tôi bắt đầu ơn ớn, lén rút hai cái chân
gác lên mặt ghế đẩu". Cái cử chỉ này thật thông thường,
nhưng phải có một tâm hồn tinh tế mới ghi ra được. Nếu
không sẽ lãng quên nó đó. Sự thực đó là một chi tiết
hay lắm. Và một tâm lý: "Mặc dù sợ ma mà vẫn thích nghe
chuyện ma!" Đúng vô cùng. Đứa trẻ nào ở vườn cũng sợ
ma cả, nhưng đứa nào cũng thích nghe chuyện ma. Con ma tóc
dài, con ma đón xe ngựa, con ma đeo tòng teng trên nhánh cây,
v.v... Chuyện "Bông Sua Đũa Tím" là một chuyện ma. Nhưng
không phải ma xuất hiện từ đầu đến cuối. Mãi đến
quá nửa truyện người ta mới thấy ma. Đoạn đầu Hồng
Lan gây không khí nông thôn, chuẩn bị để cho con ma xuất
hiện. Nhưng con ma không xuất hiện ngay mà chỉ thập thò
cái mặt che khuất với vài cái bông sua đũa tím - nghĩa là
gây sự tò mò cho độc giả, bằng cách cắt chuyện ma ra
thành nhiều mảnh bằng đối thoại của những người nghe đó
là cách dọn ăn, món ngon cho khách ăn chút chút, rượu quí
uống nhâm nhi mới biết mùi vị.

Vui lắm mà cũng "sợ" lắm. Đọc để thấy lại cái không
khí gia đình Việt Nam đúng y của đồng quê ở Nam Kỳ.

Một truyện khác cũng có không khí đồng quê như "Bông Sua
Đũa Tím". Đó là truyện "Mơ Giấc Thiên Thai". Trong truyện
này tác giả kể lại tuổi ấu thơ của hai cô bé ở vườn:
Mai và Hằng. Hai cô bé được thầy Bảy cúng trừ căn cho
đến mười tuổi. Mai và Hằng được thầy Bảy đeo dây
niệc cho để trừ căn bịnh. Đây là một nét độc đáo
của đất Nam Kỳ, ở xứ Bắc không có. "Sợi niệc" là
một loại dây dùng để cột trâu to bằng bắp tay, nhưng
cũng có sợi niệc chỉ to bằng sợi chỉ. Đó là niệc phép
của thầy Bảy đeo cho hai chị em Mai và Hằng, có thể trừ
quỉ chống tà. Cái kỷ niệm ấu thơ này thật đẹp. Nó
được Hồng Lan đã ghi lại với tình cảm ngây thơ của Mai
và Hằng, và với ngòi bút hồn nhiên duyên dáng của Hồng
Lan. Độc giả rất cảm động khi chỉ đọc mấy dòng ngắn
ngủi trong phút hai chị em Mai, Hằng chia tay với thầy Bảy.
Mai và Hằng trở về nhà, còn thầy Bảy thì sẽ lên núi tu
tiên, rồi chiến tranh tràn lan (1960), hai chị em có đến tìm
thăm thầy nhưng không gặp.

Quái nhỉ, chuyện không có gì ghê gớm cả nhưng sao đọc lại
cảm động vậy? Đó là cái phép của một ngòi bút. Trở
lại sợi dây niệc. Có lẽ nhờ sợi dây niệc mà vào lúc
Mai mười lăm tuổi, cô bé này mới có một giấc mơ thiên
thai, mộc giấc mơ đẹp của tuổi thơ. Mai đã gặp tiên
cô, gặp đến Quan Âm Bồ Tát, đã được nghe những lời
lẽ ngọt ngào, được trông thấy những cảnh đẹp trên cõi
Tiên.

Có phải đây là cuộc sống nông thôn Nam Kỳ, một sinh hoạt
có những lễ nghi, cúng bái, có cả phần xác lẫn phần hồn
mà phần hồn rất quan trọng trong toàn bộ cuộc sống của
người dân. Ở truyện "Bông Sua Đũa Tím", "ba tôi" đã kết
luận:

- "Nhiều khi con người ta cũng đừng khư khư, coi thường
sức mạnh vô hình mà chuốc lấy những thất bại ê chề...!?"

Chính tác giả cũng nghĩ và tin như vậy. Cho nên hai truyện
thành công nhất trong tập này là hai truyện có cuộc sống
nửa hữu hình (cuộc sống thực tại) nửa vô hình (ma quỉ,
thần tiên): "Bông Sua Đũa Tím" và "Mơ Giấc Thiên Thai".

Cái không khí nói chung của tập truyện, và cái không khí
của hai truyện này thật đồng quê Nam Kỳ đặc sắc, không
lẫn lộn với vùng đất nào được ở Việt Nam. Những
phong cảnh trong "Chim Chiều Bạt Gió", "Vườn Me Đậu Phọng",
"Lá Non Héo Úa", "Hoa Đuôi Chồn", "Chuối Xanh Nhuộm Đỏ"
đều là phong cảnh đặc sệt đồng quê với nhân vật
đồng quê. "Chim Chiều Bạt Gió" là một truyện ngắn
nhưng có thể viết thành truyện dài có đủ chất liệu
dồi dào.

Ngoài ra, Hồng Lan còn sử dụng ngôn ngữ đồng quê rất
đậm đà. Lâu quá tôi cũng quên đi, nếu không đọc Hồng
Lan chắc tôi sẽ quên luôn. Tôi xin nhặt ra một số để
độc giả thưởng thức: "lót tót, lui cui, lụi hụi, tạt cái
ào, cái gáo, nước lóng phèn, hà rầm, hỉ mũi chưa sạch,
ném về..., chuối hột, hào lãng bông súng, nò, xếp gie,
cục cựa, mất tiêu, quơ đuốc, thuốc rê xĩa, giựt dừa,
cắt mo, trâu cổ" (không phải cổ trâu), "nước kém"
(ngược lại với nước rong), v.v...

Một trong những yếu tố kết cấu thành một truyện hay
là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đặt vào miệng nhân vật cho
đúng, ngôn ngữ để diễn đạt hình tượng. Không có
ngôn ngữ đúng sẽ mất đi hứng thú cho người đọc.
Đừng nói chi xa, ca vọng cổ mà nói tiếng về, tiếng
vào, tiếng vàng theo phát âm của Miền Bắc thì không
phải là vọng cổ rồi, nói chi đến ngôn ngữ trong truyện.
Đừng nên xem thường những chữ nhỏ này. Đó là những
hạt kim cương trong một xâu chuỗi ngọc.

Hồng Lan rất thuộc ngôn ngữ nên viết rất đúng, không
có sự ngượng ngùng nào cả. Chỉ mấy tiếng "tạt cái
ào" (sau khi uống nước xong) nghe cũng thích thú rồi. Nó
gợi một hình ảnh thân thuộc của người đọc ở Nam Kỳ.
Cái vấn đề đặt ra là: người đọc miền Bắc thì sao?
Không sao cả. Cũng như người Nam đọc văn miền Bắc vẫn
hiểu những chữ thế, nhỉ, vâng... đâu có trở ngại gì.
Nhà văn nào có bản sắc ấy không cần phải chạy theo
người khác. Nếu một tác phẩm được viết ra mà
người đọc không biết nó ở vùng nào thì mới đáng
ngại. Nhất Linh cứ viết cho dân Bắc Kỳ đọc mà rồi
dân Nam Kỳ vẫn hâm mộ ông ta. Chuyện đó lớn quá. Ở
đây tôi chỉ khoanh vòng trong nước Việt Nam thôi. Viết
cho có màu sắc địa phương là một yếu tố thành công
của nhà văn. Hồng Lan lôi cuốn được người đọc không
phải bằng sự chải chuốt, làm dáng, mà chính là bằng sự
hồn nhiên mộc mạc của mình.

Đọc Hồng Lan, ta thấy một sự gần gủi, mến yêu nhân
vật như những người thân của mình hay chính mình sống
trên quê hương mình. Đó là sự thành công của cây bút
Hồng Lan vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn