Mơ Giấc Thiên Thai

09/11/20061:19 SA(Xem: 2146)
Mơ Giấc Thiên Thai

Cứ đến ngày rằm hoặc những ngày lễ lớn trong năm,
má Mai dẫn hai chị em nàng lên am của thầy Bảy Một để
cúng căn cho hai đứa. Nhà của thầy ở mé kinh trên, qua khỏi
trường tiểu học An Hóa độ một đỗi chừng nửa cây số,
gặp chiếc cầu đúc rẽ qua bên phải là lối vào của nhà
thầy. Còn như tiếp tục đi thẳng tới thì sẽ thấy những
dãy nhà phông tô lợp ngói đỏ au, cất nối tiếp nhau trông
thiệt khang trang bề thế. Khu vực nầy khi xưa có hãng làm
dây luộc bằng xơ dừa của Tây, đến năm 54 thì chính phủ
trưng dụng làm khu định cư của người Bắc di tản vào Nam.
Cuối con đường đó có cây cầu Lò Than làm ranh giới với
xã An Nghĩa, cạnh dốc cầu là một lò rèn đã có lâu đời.

Mai còn nhớ mang máng, vào lúc bốn năm tuổi, mỗi lần đi
cúng ở nhà thầy Bảy là má nàng mua nào là nhang thơm cọng
thiệt nhỏ với lại nhang trần cọng lớn để cúng Phật.
Kèm thêm vài hộp trà thiết bao giấy kiếng màu đỏ, đèn
cầy, bánh ngọt, trái cây và hoa tươi. Có khi hoa trang, hoa
điệp, nhưng hoa huệ là thường nhứt, để bên trên các
thứ nằm trong hai cái thúng nhỏ rồi gánh đi. Thỉnh thoảng
má nàng cũng thay đổi món như nấu chè trôi nước, chè
đậu trắng với nước cốt dừa tươi, hoặc gói bánh ích
vì sau khi cúng trời Phật còn có thể biếu xén cho gia chủ,
tức gia đình của thầy Bảy.

Lúc nhỏ chị Hằng của Mai rất khó nuôi, đau ốm hoài mà lại
hay khóc đêm, nên má nàng tìm đến thầy Bảy để nhờ thầy
cúng kiến xin ơn trên phù hộ cho chị được ăn chơi, mạnh
khỏe. Sau đó đến Mai ra đời má nàng cũng muốn giao nàng cho
thầy Bảy giữ luôn, để thầy tiện việc cúng kiến cho hai
đứa, vì lẽ thầy Bảy cũng có tiếng mát tay đối với đám
con nít trong làng. Mọi việc được yên ấm là nhờ công
đức độ trì của đức Phật Như Lai và Quan Thế Âm Bồ Tát,
Mai thường nghĩ như vậy.

Trên cổ mỗi đứa có mang một sợi dây "niệc," tiếng má
nàng hay gọi. Sợi dây làm bằng chỉ màu ngũ sắc do thầy
Bảy đánh bính lại rất công phu. Thầy đã làm phép bằng
cách để trên bàn thờ Phật và tụng đủ mấy hồi kinh rồi
mới đeo vào cổ và choàng qua cánh tay trái của hai chị em nàng.

Mai không sao quên được những kỷ niệm theo má nàng khi đến
cúng tại nhà của thầy Bảy. Thông thường trong mấy ngày
trước đó má nàng lo may cho hai chị em nàng hai bộ đồ bà
ba mới bằng hàng lụa trắng để mặc đi lễ. Buổi chiều
trước hôm đó má nàng hay ra sau vườn hái lá bưởi, lá bồ
bồ, lá é, lá sả nấu nước để tắm cho chị em nàng sạch
sẽ xong xuôi. Nàng còn nhớ rất rõ là má nàng rất cẩn
thận với những sợi dây niệc đó, phải cởi ra máng lên
đầu của bà để khỏi bị ướt. Điều tối kỵ là không
được làm dơ hay mang đến những nơi ô uế bẩn thỉu, má
nàng thường căn dặn chị Hằng và Mai như vậy. Có lần
nàng hỏi má tại sao phải giữ kỹ quá, thì bà đáp:

- Nếu lỡ làm dơ hay ướt nó thì sẽ bị ơn trên quở phạt,
không còn linh nghiệm nữa. Vả lại cõi trên chỉ thích hợp
với những nơi sạch sẽ, trong lành.

Nhà của thầy Bảy nằm dọc theo một cái xẽo, do một con rạch
nhỏ chảy ra sông Ba Lai tạo nên. Vào mùa nước rong nước trong
rạch nhỏ này lúc nào cũng đầy, êm đềm chảy. Những đám
lục bình quấn quít vào nhau thành từng khúm và đôi khi chiếm
một khu vực khá rộng làm nghẽn lại một bên dòng, tấp vô
mấy bụi mái dầm, ô rô, dừa nước. Tới mùa, hoa lục
bình nở rộ, cho một màu tím nhạt phơn phớt trông buồn
buồn, quyến rũ.

Trong những lúc nước kém, Mai lại thích đứng trên sàn nhà
bếp của thầy Bảy cất gie ra mé xẽo trông ra. Trên bãi bùn
có đám học trò bò lên từ những hang nho nhỏ, mang đầy màu
sắc thật tươi. Màu tím, màu đỏ, màu cam, màu xanh... chói
lọi dưới ánh mặt trời vàng nhạt, tua tủa xuyên qua những
cành lá dừa nước xanh non mềm mại. Hình dáng của con học
trò cũng giống như con còng, con rạm, nhưng chúng bé tí xíu,
chừng bằng ngón tay út. Chỉ cần một tiếng động xào xạc
do luồng gió nhẹ đưa qua, cũng đủ làm chúng giựt mình nhanh
chân rút vào hang thật lẹ làng. Thỉnh thoảng Mai còn bắt gặp
một vài con bà chằng mình tròn tròn, mô lên như cái mả lạng
nho nhỏ bằng ngón cẳng cái, màu xám đậm. Nó bò đi một
cách chập chạp cho nên dễ bị đám con nít bắt làm mồi câu
cá. Bên kia bờ rạch, cạnh khu vườn của thầy giáo Hạp,
một vài con quạ đen kêu chát chúa trên không. Hình như chúng
đang ra hiệu cho nhau trước khi phóng xuống xớt đám gà con
để làm một bữa ăn ngon miệng. Khung cảnh buổi trưa hè oi
ả trong căn bếp sau nhà thầy Bảy sao mà vắng vẻ buồn hiu.

Nhà thầy Bảy tuy lợp lá chầm đơn sơ, nhưng rất mát mẻ
kín đáo. Trước sân thầy có trồng hoa vạn thọ, hoa cúc.
Xung quanh nhà thầy trồng thêm một dãy cây kiểng có màu lá
vàng bạc, trắng pha lẫn xanh, để làm hàng rào. Thầy luôn
luôn chăm sóc và cắt tỉa gọn gàng, ngay hàng thẳng lối.

Ngôi nhà thầy Bảy gồm có hai gian và một cái chái ở phía
sau làm nhà bếp. Thầy lấy gian thứ nhứt làm nơi thờ
phượng rất trang nghiêm, rộng rãi. Trong đó thầy Bảy kê
hai bàn thờ cái trước cái sau như gối đầu lên nhau. Một
bàn thờ lớn nằm phía sau, ở trên có tượng Phật Như Lai
lúc nào cũng nhang khói, đèn đuốc thắp sáng choang, hoa quả
tươi cũng được bày đầy đủ trên một chưn chò chạm bằng
gỗ quí. Bàn thờ trước thấp hơn, thầy để chuông mõ,
xâu chuỗi và nguyên ống đựng nhang làm bằng cây màu mun
đen cùng một cái lư hương nhỏ. Cạnh bàn thờ có tấm màn
màu lục may xẻ đôi trông vén khéo tươm tất. Dưới sàn nhà,
mặc dù nền đất nhưng vợ thầy quét dọn chăm sóc rất sạch
sẽ, kỹ lưỡng và luôn luôn có chiếc chiếu manh nằm cạnh
bên đó. Chiếc chiếu nầy dùng để trải ra khi khách thập
phương tới quì lạy, khấn vái cho khỏi lấm quần áo. Còn
gian thứ nhì thầy làm nơi tiếp khách và phòng ăn chung một
chỗ.

Những lần thầy cúng cho chị em Mai, hòa lẫn với tiếng mõ,
tiếng chuông thầy Bảy thường ngân nga có ca có kệ, tụng
mấy hồi kinh Di Đà trước. Kế đến thầy kêu chị Hằng và
Mai vô quỳ trước bàn thờ, mỗi đứa lạy ba lạy. Xong thầy
đọc thêm một lần kinh Địa Tạng. Đoạn thầy dùng bông điệp
thấm vào nước cúng trên bàn Phật rải lên đầu của hai chị em
nàng để trừ ma, trừ tà. Bình nước nầy đã được thầy
mang từ trên núi về. Cũng nên biết trong một tháng thầy chỉ
ở nhà một hoặc hai tuần, bao nhiêu thì giờ còn lại thầy
đi lên núi Thất Sơn, núi Sam, núi Sập ở Châu Đốc để
tịnh tâm, tu niệm. Sở dĩ người ta gọi là núi Thất Sơn vì
nơi đó có tới bảy ngọn núi qui tụ lại một vùng gồm núi
Cấm, núi Tượng, núi Két, núi Năm Giếng, núi Nước, núi
Dài, và núi Tô. Còn bên kia bờ kinh Vĩnh Tế có núi Tà Lơn
của người Miên, xứ Chùa Tháp. Ngoài ra thầy có quen biết
và nghe những người cao niên đã từng tu trên núi Thất Sơn
lâu năm kể lại một câu chuyện lạ thường như thế nầy:

"Khi đi lên ngọn núi Cấm chừng vài chục thước thì sẽ thấy
gần bên chân núi có năm cục đá nằm cạnh bên đường trông
như một cuộc họp bàn tròn của người trên. Tảng đá chính
giữa to hơn những viên đá khác nhau nằm rải rác, rời
rạc xung quanh. Trên mặt còn có những hòn đá cuội nằm sẵn
tự bao giờ. Đây là sự nhìn thấy của những cặp mắt
bình thường, còn dưới cặp mắt thánh thiện của những ai
hiền lành, phúc đức hoặc có chân tu thì họ có thể nhìn
thấy được bốn vị tiên ông đang ngồi đánh cờ tướng và
uống nước trà đàm đạo với nhau. Có cả bình trà và mấy
chén chung nhỏ bày ra tại đó. Và mầu nhiệm thay cho sự thiên
biến vạn hóa của cõi vô hình, nếu họ đưa tay rờ lên
bình nước thì cũng còn thấy hãy còn âm ấm."

Thường khi, sau những lần cúng xong vợ chồng thầy Bảy mời
má và hai chị em Mai ở lại dùng bữa cơm chay. Tuy rằng thanh
đạm tương chao, dưa muối nhưng tấm lòng thành của thầy thật
là đáng quí.

Thầy Bảy có dáng dóc cao ráo, tuy hơi gầy nhưng trông rất
khỏe mạnh, cứng cỏi mặc dù mấy năm ấy thầy đã xấp xỉ
lục tuần. Thầy để tóc dài và bới cao trên xoáy thượng và
lúc nào thầy cũng mặc bộ đồ bà ba bằng vải ba tít trắng.
Móng tay thầy cũng được để dài thườn thượt như mấy
cụ đồ nho học có khác. Thầy Bảy có tất cả ba đứa con,
hai gái một trai. Người con gái trưởng có chồng ở cũng
gần trong xóm, còn cậu con trai kế có vợ và cô con gái út
vẫn còn ở chung với vợ chồng thầy.

Mãi đến năm chị Hằng vừa lên mười tuổi và Mai được
tám tuổi, thì thầy cúng trừ căn một lần chót cho hai chị em
nàng. Hai sợi dây niệc đeo trên mình được thầy Bảy
đốt cháy chung với mớ bùa phép trong cái gọ bằng đất.
Từ đó, kể như thầy không còn trách nhiệm đối với hai
chị em nàng qua việc nuôi giữ hay cúng trả lễ nữa. Lần
cuối cùng giã từ thầy Bảy ra về, thầy có đôi lời dặn
dò hai chị em mà nàng vẫn còn ghi nhớ cho đến bây giờ.

- Hai con không còn lo sợ bịnh hoạn gì cả, thầy đã giải căn
cho hai đứa bây rồi. Phật Tổ và Quan Thế Âm Bồ Tát luôn
luôn phù hộ cho hai con được mạnh giỏi hoài hoài cho tới khi
hai đứa khôn lớn.

Thầy cũng cho má và hai chị em Mai biết qua năm sau thầy sẽ
thu xếp chuyện gia đình để trở về núi Thất Sơn định
thiền, tu luyện. Một mình thầy đi thôi, vợ con thầy
sẽ ở lại, tá túc nơi ngôi nhà cũ kỹ này sinh sống qua ngày.
Lời nói của thầy Bảy làm má nàng rất cảm động, chan hòa
nước mắt, ngậm ngùi nói:

- Nếu thầy có đi thì mẹ con tui chúc thầy được bình an
trong thời gian ẩn tịch, còn cô và mấy cháu ở lại mạnh
khỏe. Xin ơn trên phù hộ cho gia đình thầy cô được nhiều
công đức an lạc.

Thầy Bảy vò đầu chị Hằng và Mai nói tiếp:

- Khi nào hai con muốn tìm đến thăm thầy thì không cần phải
đi chi xa, mà chỉ nhớ ghé lại nhà nầy thăm gia đình thầy
là đủ rồi.

Thỉnh thoảng mấy năm liền sau đó Mai có đến thăm gia đình
thầy vài lần, trong những năm nàng còn học ở trường làng
An Hóa. Nhưng vào năm 60, giặc giã đã bắt đầu nổi dậy
khắp nơi, cảnh đời phân tán chia ly. Nàng không còn dịp
gặp lại vợ con gia đình thầy Bảy nữa vì vợ thầy đã dời
về quê cha mẹ ruột ở xã Phước Thạnh, nằm bên phải của
kinh đào Chệt Sậy từ An Hóa đi vô. Chẳng biết thầy có
tu thành chánh quả hay không, nhưng nàng nghĩ không ít thì
nhiều, thầy cũng đã làm tròn sứ mạng đã được ơn trên
giao phó trước khi giã từ tục lụy, trần gian. Nàng nguyện
ghi khắc công ơn của thầy và coi đó như một tấm gương
cứu rỗi cho cuộc đời bấp bênh hiện tại.

Thời gian thắm thoát trôi qua, Mai đã được mười lăm
tuổi. Một giấc mơ thật lành bất ngờ xảy đến với
nàng. Trong giấc điệp say sưa, nàng đã thấy một tiên cô
đẹp tuyệt trần, thanh thoát cao sang và quí phái. Tiên cô
thướt tha, uyển chuyển trong y phục lụa là màu phơn phớt
trắng. Tóc tiên cô đen huyền, được quấn cao trên đỉnh
đầu, chỉ chừa lại chòm tóc mai dịu dàng hai bên màn tang.
Tiên cô giáng trần đó bỗng đến bên giường, rủ Mai cùng
bay lên cao dạo chơi nơi chốn non bồng nước nhược. Mặc
dù trong giấc chiêm bao, nhưng vía nàng cho biết tâm thần
nàng lúc đó rất là tươi tỉnh, sáng suốt. Nàng hồn
nhiên đáp lại tiên cô:

- Thưa tiên cô, con không có quyền phép cao siêu như người
thì đâu làm sao làm được chuyện bay cao lên chín từng mây.
Mong tiên cô hãy rộng lòng tha thứ cho kẻ tục trần nầy.

Nhưng tiên cô đã ân cần khuyên bảo:

- Con không nên thất vọng vì ta sẽ giúp cho con được hài
lòng, cứ đi theo ta!

Nói xong, tiên cô chìa tay cho Mai nắm lấy. Nàng cùng tiên
cô bước ra ngoài sân trước nhà. Nàng còn thấy rõ ràng
là ở bên phía trái có cây xoài cát lâu năm trồng bên cạnh
cây điều bạch. Chính nơi đây ba Mai thường dùng làm địa
điểm đổ dừa khi người làm gánh về. Ngày hôm đó, mớ
dừa khô giựt xong đã được gom lại, chất thành đống thật
cao. Tiên cô đưa tay nâng nàng lên ngồi trên chót đỉnh của
đống dừa. Rồi sau đó, bởi một thần lực vô song do tiên
cô chuyền qua người nàng, Mai từ từ cảm thấy thân mình
bỗng trở nên nhẹ nhàng và có thể tự cất mình bay lượn
trên không. Giữa cảnh trời bao la ấy nàng và tiên cô vui
vẻ đùa bay như hai cánh bướm. Cây lá xung quanh bỗng hóa
thành muôn ngàn hoa thơm, cỏ lạ sắc màu lộng lẫy thắm tươi.

Tâm hồn Mai trở nên dễ chịu vô vàn, nàng cảm thấy hân hoan
trong niềm vui của cõi hư vô. Tiên cô tiếp tục đưa nàng rời
khỏi cánh đồng thăm thẳm ngợp bóng dừa xanh phía dưới để
bay qua những giòng sông dài lê thê, uốn khúc như những con
Rồng, con Long đang núp ẩn cùng thiên nhiên. Rồi đến vùng
có đồi núi hùng vĩ chập chùng, lảng đảng mây trôi theo gió.
Dưới chân, dòng suối trắng xóa róc rách reo, triền miên
chảy như muốn tấu lên nhạc bản thiên thai cho những nàng tiên
nữ múa ca. "Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng.
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên. Kìa đường
lên tiên, kìa nguồn hương duyên theo gió tiếng đàn xao
xuyến."

Thình lình tiên cô quay qua nàng ôn tồn bảo:

- Bây giờ ta nghĩ con phải trở về nhà, vì ta có chút
chuyện phải lo. Thôi, chúng ta hãy mau quay lại kẻo trễ!

Mặc dù trong lòng nàng vẫn còn luyến tiếc, say mê với
cuộc vui nơi tiên cảnh, nhưng Mai phải gật đầu đồng ý.
Lúc lần xuống hạ giới về tới nhà, trong phút chia tay,
tiên cô không quên trìu mến đặt tay lên vai nàng nhẹ hỏi:

- Con có thích cuộc đi chơi vừa rồi với ta không? Nếu
con thích thì hôm nào ta sẽ ghé qua để cùng con dạo cảnh bồng
lai một lần nữa.

Mai tươi cười "dạ, dạ... " đôi lần và chân thành rối
rít cám ơn tiên cô. Và trước khi chia tay, vía Mai còn
hỏi thêm:

- Xin tiên cô cho con biết phương danh của người?

- Con sẽ biết ta là ai sau khi ta rời khỏi nơi đây!

Tiếng nói tiên cô vọng lại, loãng dần vào không gian. Hình
bóng tiên cô cũng từ từ biến mất, tập trung lại thành
một vầng ánh sáng rực rỡ hào quang. Mai dõi mắt trông
theo, trông theo. Văng vẳng bên tai nàng: Ta là Quan Thế
Âm Bồ Tát...

Trên cành cây bông công chúa bên ngoài khung cửa sổ cạnh
buồng ngủ của Mai, đã có tiếng chim non kêu ríu rít và vài
tia nắng lấp lánh qua song. Nàng bàng hoàng nghĩ đến giấc
mộng vừa qua. Mai không ngờ trong giấc mơ đó nàng đã gặp
được đức Quan Thế Âm Bồ Tát, đấng Từ bi hỉ xả. Nàng
cố hình dung lại từ dáng đi tha thướt cho đến gương mặt
đầy khả ái, phúc hậu của tiên cô, rõ ràng từa tựa bức
tượng của Đức Bồ Tát mà Mai đã từng thấy trên chùa Phật
Đường của làng An Hóa. Lòng nàng cảm thấy vui mừng khó tả
với ân huệ lớn lao mà nàng vừa nhận được, một thân
tâm đã hoàn toàn đổi cốt, nàng nghĩ như vậy!

Rời phòng ngủ, Mai xuống nhà sau tìm đến bên hàng mái nước
múc một gáo nước mưa rửa mặt cho tỉnh lại. Xong xuôi đâu
đó, nàng bưóc lên trung đường lấy chiếc áo tràng màu
dà mà má nàng thường hay mặc mỗi khi cúng kiến, tròng vào
người. Nàng thắp mấy nén hương trước bàn thờ Phật để
cầu nguyện đấng từ bi ban cho duyên phước...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn