Chuyện Ngắn Chưa Xong

06/06/20071:19 SA(Xem: 1900)
Chuyện Ngắn Chưa Xong

„Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để  yêu thương yêu cho nồng nàn“
Trịnh Công Sơn

 

Họ ngồi xây lưng ra biển, mặt hướng về con đường chạy dọc theo bờ. Con đường vừa được chỉnh trang không lâu, còn mới, bốc mùi nhựa khét trong nắng. Đường rộng thênh thang như một sân khấu, phía trái là mửng dốc đâm lên khúc quành eo biển, hun hút, lề đường vắng hoe, có lẽ họ là đám tụ cuối cùng nơi bãi đông của đảo. Từ đó nhìn về phía tay mặt, xa xa thấy bến cảng lố nhố thuyền bè, đến gần hơn, hàng quán rải ra trên lề đường xúm xít một đoạn dài che kín bãi biển, bỗng dừng lại ngót nghét 700 mét lan can trống trãi, hé một khoảng trời, khách nhàn du ai đi qua cũng vội ném tia mắt ra biển, trước khi đến chỗ họ ngồi.
Trước mặt, bên kia đường là nhà ở, công sở, chùa, nhà thờ.  Phía trái có quán cà phê sang trọng dành cho khách du lịch đêm ngày xập xình tiếng nhạc, rồi đến chùa Quan Âm với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát khổng lồ đứng trong sân, ngày rằm mồng một khách đến vãng chùa đông nghịt, bên phải chùa có nhà khách sạn quốc tế, rồi biệt thự, nhà nghỉ san sát nhau, thừa thải lịch sự, sang cả. Nghe nói đất ở đây cứ là bạc tỉ, mỗi mét vuông cả ngàn đô la xanh, đắc quá, sang quá nơi thành phố bến cảng đang trên đà phát triển này, ngoại trừ các ông lớn và tỉ phú, ai dám rớ tới, chỉ biết ngồi xa mà nhìn, như họ từ bên này đường nhìn qua, mỗi ngày và mỗi ngày, trong thế ngồi trên chiếc ghế con đúc bằng nhựa, lưng day ra biển.
Rõ ràng họ là người của biển, cứ theo cách ngồi mà đoán, khách du đến đây thường lấy dáng ngồi ngóng ra biển khơi, mong một phút nới rộng tầm mắt, còn họ ngồi như thế không biết từ bao giờ, quay mắt ngóng vào đường phố…
Để mặc biển đằng sau thấp thoáng sóng nước mênh mang xuyên qua những tán lá tỏa rộng như mái nhà của hai cây bàng cổ thụ đứng nghiêng trên ghềnh đá. Nếu hỏi họ có thấy gì khang khác nơi hai cây bàng cao lớn đẹp nhất bãi này trong mùa xuân năm nay, có lẽ họ sẽ ngớ người, cười lỏn lẻn như thường lệ mỗi khi không biết trả lời sao. Năm nay bàng thay lá trể, cũng như mai không chịu nở ba ngày tết, vì trời quá lạnh. Cây bàng cứ ngỡ đang đông rét nên lá vẫn đỏ au hay vàng rộm trên cành, không hay xuân đã quá thượng tuần nguyên tiêu, vẫn ôm đồm chưa buồn thay lá. Vàng đỏ xanh chen nhau trên cành, vẽ lên mây trời hay lên sóng chơi vơi một bức tranh ngoạn mục. Nhưng những người ngồi đó tuồng như chẳng biết sau lưng họ là một tấm phông được thiên nhiên dựng lên vượt hẳn màu sắc của mọi trường phái hội họa cừ khôi trên trần gian, vì họ đang nhìn ra phía đường đi.
Suốt ngày không ngớt, xe hơi, xe honda chạy vù vù, nhất là buổi chiều, trai gái ăn mặc thời trang hở lưng hở rốn, ôm nhau eo ếch, lượn oằn người nơi khúc quẹo, những cặp vợ chồng ôm trước ôm sau hai con nhỏ, đèo nhau trên honda, rà rà chạy dọc bờ biển hóng gió, chạy mệt, tấp vào lề, ghé vào quán cà phê hay quán cơm, quán nhậu, xe nước mía, gánh bún bò. Ngày cuối tuần khách du lịch từ các tỉnh đổ về nờm nợp. Trên lề đường người ta chen lấn nhau từng bước, lũ năm lũ ba bọn thanh niên trai gái cứ đi tràn ra đường, báo hại xe hơi, xe honda bóp còi đinh tai.
Thế mà lạ, đến  đoạn vỉa hè, nơi chỗ họ ngồi, ít khi thấy đông, chỉ lác đác năm mười người, mười là quá số, chưa thấy hôm nào đông hơn, ngay cả vào buổi cuối tuần hôm ấy. Từ xa, thấy họ như một nhúm lá bàng khô tình cờ bị gió đùa tụm lại với nhau, mấy cái ghế đúc bằng nhựa lỏng chỏng, hai chiếc bàn con cũng đúc bằng nhựa đứng xơ rơ, một chiếc bày hàng, một chiếc cho khách ngồi với các thứ đồ nhắm tủn mủn. So với đám nhào nháo ở đoạn các tiệm ăn với những thương hiệu quảng cáo sặc sỡ, phòng ốc dềnh doàng chứa hàng trăm ghế xanh ghế đỏ,  trông những người ngồi đằng ấy như những cái bóng, lẳng lặng và tình cờ nơi mỗi cử chỉ, vụng về và cứng cỏi như những con nộm người chưa tập thuần thành.
Chỉ trừ một cái bóng bất ngờ vụt đến như một cơn gió thốc khi bọn Hùng và chị Hoàng kéo nhau đến gần:
-Vịt lộn nóng đây, mời các bác dùng trứng vịt lộn nóng nè!
Không chờ phản ứng của ai, cô bán vịt lộn liếng thoắng đón đường mấy chị em:
-Vịt lộn nóng ngon lắm, bác, anh chị mua cho em, ăn ngon lắm!
- Mua hộ em anh nhé!
Như một ngọn lá bàng khô lẽo đẽo quấn chân, cô chạy theo Hùng đang bước xuống đường tránh đám bàn ghế choáng gần hết lề đường dành cho người đi bộ::
- Vịt lộn em mới nấu xong, trời lạnh ăn hột vịt bổ và ngon lắm anh chị ơi!
Cô quay lại gần chị Hoàng, nhưng chị lắc đầu bảo:
- Chúng tôi vừa ăn cơm xong, còn no lắm! Không còn chỗ nào trong bụng!
Cô quay sang Hùng:
- Vậy anh, anh ăn cho em một cái mở hàng đi!
Hùng ái ngại nhìn cô bán hột vịt lộn, người gầy đét, hai gò má nám đen, chỉ duy có nụ cười rộng phô hàm răng trắng đem lại chút ánh sáng nơi gương mặt loắc choắc viền mái tóc rối như rơm, quần vải thô đen, áo bà ba sờn vai phần phật trong gió, anh phân trần như xin lỗi:
- Chị tôi nói thật, chúng tôi vừa ăn xong, còn no quá!
Thấy mặt cô ỉu xìu, Hùng không đành lòng nói nhanh:
- Lát nữa, sau cuộc đi dạo, có lẽ…khi quay về, chị nhé.
Chị Hoàng cười khi mấy chị em đã vượt qua vài bước:
-         Hùng lúc nào cũng hay thương người. Hứa là mắc đấy nhé!
Chị ngoái lại nhìn, thấy cô bán hột vịt đang đưa tay chới với hụt hẫng, mong manh như một ngọn lá sắp bị gió cuốn đi, giọng lạc lõng trong nắng chiều:
-         Lát nữa, các bác các anh chị nhé, lát nữa, em chờ!
Bỗng nhiên chính chị buột miệng:
-         Ừ thôi, lát nữa…!
Hùng cười:
-         Không được hứa cuội nhé! Nào đi nhanh lên mấy em, lát nữa có chầu hột vịt lộn của chị Hoàng đãi!
Cả bọn cùng cười, bá vai nhau bước đi tiếp. Chị Hoàng cũng cười nhưng nụ cười của chị chợt tắt nhanh, chị nói nhỏ như nói với chính mình:
-         Còn nhớ hồi đi học, mấy chị em thức khuya học bài thi, trời Huế lạnh buốt, trên đường vắng chỉ có tiếng rao „ai ăn vịt lộn!“, „vịt lộn nóng nì!“ kéo dài lảnh lót với chiếc đèn con lung linh. Cả bọn rủ nhau ăn trứng vịt lộn cho đở buồn ngủ và có sức gạo bài tiếp, ngon ơi là ngon!
Chị quay sang Hùng:
-         Hùng còn nhớ không, o bán trứng vịt lộn đi từ An Cựu qua Gia Hội, lò luộc trứng ở bên kia sông, xa ơi là xa trong đêm khuya! Thấy mà thương!
Nghe như có tiếng thở dài của dĩ vãng pha lẩn trong gió biến lồng lộng thổi tung mái tóc của tốp người đang rảo bước. Hình như điều chi trong quá khứ rồi cũng đáng thương, ngay cả chuyện ăn trứng vịt lộn… Đoạn đường sau hàng cô bán trứng vịt lộn vắng tanh, thỉnh thoảng một hai người chạy thể thao dọc bờ biển vụt qua rồi mất hút sau khúc quành của ngọn đồi. Cuộc đi dạo vu vơ của mấy chị em xa nhau hơn mười năm vừa đoàn tụ bỗng vướng một chủ đích bất ngờ: ghé cái quán cỏn con bên đường ăn hột vịt lộn.
Khi họ trở lại và cô bán hột vịt nhanh nhẩu kéo bàn, sắp ghế mời ngồi, Hùng mới có dịp nhìn rõ hơn nhóm người đang hiện diện nơi ấy: ngoài cô bán hột vịt lộn lanh chanh chạy lui chạy tới mời khách, bê bàn, kéo ghế, còn có một phụ nữ ngồi sau chiếc bàn thứ hai, hình như lúc nào chị cũng ngồi như thế, xoay qua xoay về mà không đứng lên lần nào. Trên bàn bày các món hoa quả: vài trái mận đỏ, ổi xá lị xanh, một lô củ sắn chưa gọt vỏ, các chai nước xa xị, cô la và mấy xị rượu trắng, chị không bán bia mà chỉ bán rượu đế. Sau dãy chai nước ngọt một xấp bao ni lông khô cá sặc, bên trái của bàn là một phích nước lạnh để rửa trái cây hay ngâm củ sắn mà chị thường gọt luôn tay, bên trái một cái lò than đang cháy và một cái vỉ nướng cá dựng bên cạnh: vị chi tạm thời gọi là quán nhậu bình dân thu nhỏ cho khách bộ hành! Trong nhóm những người khách đến uống rượu đế -  mặt mày đỏ như gấc, thoáng thấy một người đàn ông, hình như anh là người duy nhất không say, da mặt tai tái, má tóp, ngồi thẳng chứ không ngã nghiêng, trầm ngâm, như đang suy nghĩ điều chi, mặt anh luôn hướng về phía đường cái, chẳng biết anh là kẻ bộ hành vừa ghé qua hay là người thân thuộc với hai phụ nữ bán quán?
Nhìn kỹ hơn mới biết cô bán hột vịt cũng là kẻ „ở nhờ“ cái quán- tạm thời gọi là quán- nhậu của chị kia. Hóa ra mọi thứ cô mang đến cho khách, ngay cả bàn, ghế, cô đều mượn đỡ của chị bán đồ nhắm và cả nghề bán vịt lộn cũng chỉ dựa hơi chị chủ mấy cái bàn.
Dưới gầm bàn của chị là nơi tá túc thùng nước nóng ủ đám trứng vịt lộn, bên cạnh là thùng hột vịt còn sống và một bếp ga nhỏ, đồ nghề nấu hột vịt. Trong một thoáng như làm trò xiếc, cô bán hột vịt lôi dưới gầm bàn đem đến 5 cái chung nhỏ sắp lên bàn, 5 cái thìa bằng nhôm nhỏ, một dĩa muối tiêu và rau răm, miệng nói lia lịa:
-         Trứng vịt ngon lắm, bác và anh chị ăn cho em hai ba cái nhé!
-         Rẻ lắm, mỗi cái chỉ 3 ngàn thôi!
Vừa nói cô thoắt lui, ngồi xổm, thọc tay vào cái thùng gỗ dưới bàn kia, khi cô trở lại bàn: úm ba la đã có năm cái trứng nóng hổi sắp vào chung. Cô cười hỉ hả, mặt mày hớn hở, chờ đợi khách ăn thêm vài cái nữa. Không những cô, mà cả chị bán đồ nhậu và một vài người đàn ông đang ngồi ở đó đều đổ dồn mắt vào cái hoạt cảnh „ăn hột vịt lộn“ linh động của 5 người khách. Trong không khí im lìm của nhóm người đang ngồi đấy từ lâu, họ đến như một đợt thủy triều bất chợt. Tính ra trong khoảng thời gian ngồi ăn, Hùng còn thấy một cặp trai gái đến ăn trứng và một vài chị người làm bên kia đường đến mua hoa quả, chai nước ngọt. Trên đường về Hùng bảo chị Hoàng:
-         Chẳng biết họ kiếm được mấy đồng trong một ngày mà họ ngồi cả buổi như thế?

Chiều hôm sau, ngày thứ hai ở biển, trước giờ ăn cơm Hùng bảo:
-         Hôm nay ta đi ăn trứng vịt lộn, như một thứ hors d´oeuvre, rồi về đi ăn cơm chiều, chị Hoàng nhé, hôm nay em đãi.
Chị Hoàng cười:
-     Làm như trứng vịt lộn là thứ xa xỉ không bằng! Ai ngờ chưa tới ba xu!
Họ đi về phía dốc của bãi đông. Từ xa cô bán hột vịt đã nhảy nhổm lên như một quả bàng khô dội tưng trên đường sau khi vừa rơi xuống:
-         A á, bác và anh chị ơi, hột vịt em vừa nấu xong, ngọt ngon lắm.
Cô chẳng cần mời lâu vì cả bọn đã kéo ghế ngồi xuống. Trong lúc đập đầu trứng vào thành bàn đề bóc vỏ trứng cho dễ, Hùng nhận ra hôm nay „quán nhậu“ khá đông khách: bốn năm  người đàn ông đang nhậu đế và khô mực. Chị chủ quán đang lúi húi quạt than, nướng cá khô trên vĩ sắt. Lần đầu tiên Hùng để ý, bên cạnh chị, người đàn ông hôm qua vẫn ngồi nhìn, như thử từ chiều hôm qua đến chiều hôm ấy hắn chưa một lần đứng lên, ngồi thẳng thớm, lưng dán vào thành ghế, nhìn ra phía trước đăm đăm, ít lời, trước mặt anh, trên chiếc ghế đẩu thấy có dĩa mận chẻ tư, mấy lát ổi, mấy mẫu củ đậu trắng tinh và một chung nhỏ rượu đế.
Ngoài anh ta và nhóm đàn ông nhậu khô sặc, hôm ấy xe honda xình xịch đổ lại khá nhiều lần, khi thì mua trứng vịt lộn đem về, khi thì mua nước, mua ổi cho con trẻ…hàng quán rộn ràng khách, và hai người đàn bà tíu tít mua bán. Không khí như một cái quán con được thấy khắp nơi trên đường quê, có điều cái quán này „tân thời“, không có mái tranh và chõng tre, chỉ có trước mặt con đường nhựa bóng láng với rất nhiều xe chạy vụt qua…và sau lưng là biển…
Khi bọn Hùng quay trở lại sau cuộc đi dạo, đám người đàn ông vẫn còn ngồi lì, có kẻ đã ngấm rượu tợn, đưa cái chung nhỏ lên cao khi chị Hoàng đi qua, gọi với: „chúc mừng người đẹp, chúc người đẹp nhớ đến li rượu mừng xuân!“ và hắn nốc cạn. Những người kia say hơn chỉ hô hố cười, duy anh chàng ngồi thẳng không nhếch môi, ngậm trong miệng một nỗi bận tâm nào đó. Lần đầu tiên, Hùng nghe chị bán hàng mời mọc:
-         Bác và anh chị dùng trái cây cho mát!
Giọng chị nhu mì và nhỏ như mũi kim khác hẳn với giọng bể choạc của cô bán hột vịt, hầu như có chút duyên ngầm chuyền vào thính giác. Nhìn đám đàn ông ngồi bu quanh chị, thêm cái anh chàng áo xanh ngồi khan như đinh đóng cột, trong một thoáng liên tưởng, Hùng chợt nghĩ đến những mối tình nơi các quán con bên đường, chẳng biết hôm nay nơi khung cửi này, có ai vướng giây tơ? Hùng quay sang chị Hoàng hỏi một câu chẳng có đầu đuôi:  
-         Chị Hoàng còn nhớ ngày xưa, ông cố đi công cán xa, hàng ngày qua sông, hay ghé lại cái quán nước chè nơi bến. Không lâu sau bà cố phải đi cưới cô chủ quán cho ôn làm hầu!!!
Câu hỏi bay trong gió biến nổi lên với sóng chiều đang rào rạt trong đám lá bàng đỏ ối, hất tung những lá khô lên đường, chị Hoàng đang đứng với cô bán hột vịt, quay lại bảo Hùng, cũng chẳng dính líu đến câu hỏi:
-         Mỗi ngày cô bé chỉ lời được không quá mười ngàn đồng Hùng ạ, tính ra chưa được một đô la!

Như chẳng đặng đừng, ngày thứ ba, họ lại tấp vào quán nhậu… hột vịt trên vỉa hè. Cái quán y hệt một thứ vấp chân trên đường đi, bắt người ta dừng lại sửa giày, rồi tiện chân ngồi lại lân la vài giây. Hình như số phận của chúng là như thế, những cái quán bên lề, chẳng có chức năng gì hơn ngoài việc níu chân hay làm chậm bước khách qua đường vài khoảnh khắc, chỉ vài khoảnh khắc thôi, không quá hơn thời gian ăn cái trứng vịt. Ấy mà đối với Hùng, nó bỗng trở nên một cái thú trong cuộc đi dạo biển từ đầu bãi đến cuối bãi, cái thú vấp chân tình cờ mà dừng lại. Gió chiều trên biển mát lạnh làm thích thêm cảm giác ấm tròn của chiếc trứng trong tay  và vị béo ngậy mặn mà trên đầu lưỡi. Tú, Khuê thì ngán hột vịt lộn, thích nằm nhà đọc tiểu thuyết, Khanh bận vào Internet nghe bài „Bonjour Vietnam“ đang tưng bừng chiếm lĩnh các điện thư bạn bè gửi đến, máy cứ quay nặng chình chịch những 8, 9 nghìn KB chở bài hát, thiếu đường đứt giây. Chỉ mỗi chị Hoàng theo Hùng.
Khi họ đến, cái quán như hửng sáng lên, những cái ngước nhìn như nhận ra khách nhà, thấy thân thuộc. Cô bán hột vịt không còn nhảy lưng tưng nữa, chỉ nhoẻn miệng cười:
-         Hôm nay em hết trứng rồi! Bác và anh đến trể quá!
Quả nhiên, mảnh trăng khuyết đã lên quá ngọn bàng, đêm đã khuya hơn mọi khi, đèn đường đổ sáng trưng và người qua lại cũng thưa thớt. Chị chủ quán mời:
-         Thôi anh chị ăn khô cá vậy! Hay ăn trái cây!
Hùng bảo, tôi chỉ thích ăn trứng vịt lộn nóng, vậy mà hôm nay tôi định mua hết 20 cái trứng vịt cho cô, để cô lời to một chuyến.
Mọi người đều cười. Cô bán trứng cười to nhất vì hôm nay trứng bán sạch, không vất vả chào mời như mọi khi, mà lại có khách đòi ăn, mình được làm cao không có, cô sung sướng ra mặt.
„Quán“ về đêm còn lại vẻn vẹn 5 người: hai cô bán hàng, chị Hoàng và Hùng, và người đàn ông thường trực. Hai người khách ngồi xuống ghế, đối diện với bộ ba „trong“ quán. Ừ, họ đúng là bộ ba, như gánh hát dạo 3 người. Chị Hoàng nghĩ thầm nhưng không thích gợi chuyện, chị nhắm mắt, ngẩng cao mặt hơn, để đón tận tường từng ngọn gió từ biển thổi vào. Hùng cũng ngồi yên, trong lúc chị chủ quán tỉ mĩ cắt mận và ổi, rồi mở nắp thùng ướp lạnh, lấy đôi củ sắn đã gọt vỏ ra chẻ làm tám, chị sắp lên dĩa, lặng lẽ chuyền sang cô bé bán hột vịt, cô cũng lẳng lặng đặt dĩa lên bàn trước mặt người đàn ông. Lần này vị trí của họ có thay đối: cô bán hột vịt ngồi giữa hai người, chị chủ quán ngồi bàn kia, còn người đàn ông ngồi bên bàn này, dáng vẫn thẳng tắp như lính, luôn day gương mặt khá nghiêm trang ra phía đường, trước mặt là dĩa cá khô sặc đã nướng vàng.
-         Mời anh chị trái cây, củ đậu này ăn mát lắm!
Chị Hoàng cầm lấy miếng đậu, quay sang người đàn ông mặc áo sơ mi màu xanh, bất chợt thấy trên túi áo có thêu hai chữ „bảo vệ“, chị nửa tò mò nửa bâng quơ:
-         Anh làm nghề… „bảo vệ“?
Người đàn ông gật đầu, miệng hơi nhếch lên một chút, dáng hơi mất tự nhiên, nhưng không kém tự tin. Gì thì gì, nghề „bảo vệ“ ở xứ này cũng sáng giá lắm.
Chi Hoàng bật cười, trong đầu chợt loé một khám phá, chị nhìn quanh cái lề đường trống trãi:
-         Anh bảo vệ công sở nào ở đây?
Chị hất mặt qua phía đường bên kia:
-         Quán cà phê hay khách sạn? Nhưng sao lại ngồi khơi khơi bên này, cách một mặt đường bên kia lận???
Chưa kịp để cho ai xen vào, chị lý luận theo nguyên tắc „bảo vệ“:
-         Anh ngồi đây, bảo vệ bên kia, xa thế, nhỡ có cướp ở nhà hàng bên đó anh chạy qua sao cho kịp mà „bảo vệ“???, coi bộ không xong rồi!
-         Hừm!
Chị làm nghiêm như cô giáo Hoàng một thời bắt học trò vòng tay… rồi lí lắc chị quay về phía bàn bày hàng, tinh nghịch, tay huơ miếng đậu ra đàng trước:
-         Hay anh bảo vệ cái quán này, à quên, bảo vệ hai chị này?
Cô bán hột vịt phá lên cười, nhảy nhổm, vỗ cả hai tay đen đét:
-         Trời ơi, sao bác nói đúng thế! Đúng là bảo vệ đây rồi!
Cô thiệt thà như đếm:
-         Nhưng không phải em đâu, mà…
Cô chỉ về phía bên phải, đôi mắt mắt liếc qua liếc về lia lịa như tên hề trên sân khấu:
-         Mà bảo vệ chị kia đó kìa!
Hùng bật cười,- chị Hoàng cười to nhất, sung sướng như Columbus tìm thấy được nước Mỹ, rồi đến cô bé khanh khách khoái chí và cả hai anh chị cũng cười nhưng với chút bẽn lẽn ngộ nghĩnh: anh thì sẵn sàng thú thiệt, còn chị thì ấp úng không ra lời.
-         À ra thế, hay thật, hèn gì ngày nào cũng thấy anh ngồi đây!
Cô bán hột vịt chen vào:
-         Từ bốn giờ chiều đến 11 giờ khuya đó!
Không chờ ai hỏi cô mở máy khai luôn:
-         Nhưng rồi ai về nhà nấy, 11 giờ khuya, anh giúp chị dọn hàng, rồi thì mỗi người đi một ngả, không cho vào nhà, chưa chịu đâu nghen! Cứ phải ngồi đợi hoài!
Hai chân cô khoành lại như kiểu ngồi của vũ nữ chàm đang múa, tay trái xòe ra đưa về phía anh nọ trịnh trọng hạ giọng:
-         Hiền lắm đó nghen! Bảo vệ nhưng mà hiền – (làm như bảo vệ tuyền là thứ dữ như cọp!). Nhờ có anh mà tụi em mới được ngồi đây! Dạo này tụi em bị đuổi dữ lắm, bị phạt nữa. Làm ăn khó lắm anh chị ơi! May nhờ có anh ngồi đây!
Rồi đưa tay phải lên tầm tay trái còn xòe ra lưng chừng về phía chị, cô thì thầm:
-         Chỉ có 3 con, chồng chỉ chết, nhưng chưa ưng ai đâu…Chỉ cũng hiền, nhờ có chỉ mà em  được bán đây. Buổi sáng em bán nước ngọt ở chùa, buổi chiều ra đây nhờ chỉ che cho.
Không để nước mắt tủi thân làm nghẹn giọng trào ra, cô chấp tay lại ra chiều bí mật:
-     Nhưng mà chưa chịu anh đâu nghen! Còn khó lắm nghen!
Cái cô này ngộ thật, phanh phui chuyện thiên hạ cứ là vanh vách, trong lúc đương sự thì nín thinh, Hùng quay sang nhìn chị bán hàng nhậu. Thấy mặt chị thuần hậu, có duyên ngầm, mặc dù người phốp pháp, đẩy đà trên chiếc ghế con, trông nặng nề, cái ghế nhựa cứ oằn ra nơi mỗi cử động, nhưng hai má chị hồng. Có lẽ vì ngượng thẹn, chị cười, lấp lánh chiếc răng vàng, lại thấy đáng yêu, trông như gái mới một con, chứ không phải ba con. Chị bối rối liếc qua bên kia, một tay móc trong túi áo bành lấy ra cái mũ, đội lên đầu như muốn che nỗi thẹn thùng, trông ngồ ngộ đến buồn cười, như cử chỉ của một cô gái biết mình đang được yêu nên làm điệu làm dáng.
-         Còn anh, quê anh ở đâu?
Cô bán hột vịt lại chen vào:
-         Tội lắm nghen, ngày nào cũng dậy sớm, đi đánh cá lúc 6 giờ sáng, có cá ngon là đem về cho chỉ. Bảo vệ cho đến 4 giờ chiều là ra đây ngồi miết, mọc rễ ở đây luôn! Bảo vệ đây tới cùng luôn. Thế mà chưa được gì cả đâu nghen. Về ngủ một mình thôi!
Chị Hoàng chớp mắt, nghe chính mình cũng nao trong dạ, thích thú như vừa vạch cát nơi bãi biển chơi, bất ngờ lượm được một con ốc nhỏ, đưa lên tai nghe tiếng gió vi vu kể một câu chuyện tình câm nín, vụng về, muộn màng đang ầm ì trong đáy biển.
Bây giờ chị Hoàng chợt hiểu tại sao họ ngồi như thế, lưng day ra biến, mặt hướng vào đường.
Người đàn ông nhìn ra đường, coi chừng phía bên kia đường là bổn phận, mà cả hồn lẫn xác đều ở bên này, ngồi thẳng như thế mà lòng thì đã nghiêng hết gần mười phần về người phụ nữ đầy sức sống ngồi kia trong gang tấc. Chỉ còn một phần rất nhỏ là có thể cầm tay, choàng vai mà sao vẫn ngần ngại, ngập ngừng…chưa tới. Chị cắt trái, nướng cá khô mời khách dừng chân nơi con đường rộn ràng qua lại, mắt chị nhìn đường nhưng trái tim thì đang theo dõi từng cử động của người bên cạnh nơi mỗi ngọn lá rơi, nơi từng cơn gió thổi. Còn cái cô bán hột vịt tuy ngồi mà lại lăng xăng như con thoi, rình từng bước người qua đường, chạy qua chạy về như trên mắc cửi, nhưng có lẽ tối về cô là người duy nhất trong bọn sẽ ngủ một giấc thật say, không thao thức nhớ nhung, không rạo rực bồi hồi.
Mỗi người nhìn ra đường với một nỗi riêng, làm sao biết hết?
Ngươi đàn ông kể chậm rãi cuộc đời mình, so với chị, anh không phì nhiêu mà gầy guộc trong chiếc áo sơ mi, gương mặt khá thanh nhưng rắn rỏi, anh có thể là một người tình lý tưởng trong dáng điệu đợi chờ, im lặng mà đợi chờ:
-    Quê ở đây, nhưng đã đi lao động từ lúc18, ra đến Lạng Sơn rồi Hải Phòng cơ. Rồi Thanh Hóa, Đà Nẳng, Quảng nam, ngay cả Huế, làm lính, làm ruộng, làm công đủ cả. Lên rừng xuống biển đủ hết. Giờ có chân bảo vệ ở đây, nên trụ lại đây…Không muốn đi đâu nữa…Dừng lại đây! Không đi nữa! Dừng!
Anh nói chữ „dừng“ với giọng cảm xúc, tuồng như ý muốn „dừng“ làm anh thêm mạnh dạn, anh nhích một chút vai về phía người yêu, nói lững lơ::
-         Qua đây ngồi, sao ở hoài bên ấy?
Người đàn bà càng thẹn thùa hơn, chị nhúc nhích đôi chân đang duỗi thẳng ở dưới gầm bàn, đến oằn cái ghế sang một bên, nhưng không đứng lên.
Anh liếc qua, cười nửa miệng như có vẻ không vừa ý, chép miệng nơi từng chữ một, nghe có đôi chút doạ dẫm, thách đố:
-         Nếu không được… thì… lại đi nữa!
Cô bán hột vịt dãy nãy như chính mình sắp bị bỏ rơi:
-         Em đã nói rồi, khổ lắm, đừng để đợi lâu quá mà. Đi mất thì khốn!
Cô nhăn cái mặt nám khô, hai tay đưa lên gãi đầu, dáng điệu khổ sở, thấy cô già hẳn như một phụ nữ lỡ thời, đang tốt bụng khuyên người trẻ hơn, mà người kia cũng chẳng trẻ gì hơn, cũng đà quá lứa.
Người đàn bà không nói, đưa tay lên sửa mũ nỉ, bối rối, miệng lại cười mũm như đùa với tuổi của mình. Đôi má hồng hơn bên lò lửa đang khơi…
 

Họ vẫn ngồi như thế khi hai chị em đứng lên. Sau lưng họ, thủy triều đang mê mãi theo
trăng.
Trên đường về, hai người đi bên nhau im lặng. Tay Hùng còn cầm con cá khô sặc nể lời mời của người đàn ông. Anh ghé miệng cắn một tí cá, nghe tất cả sự khô khan của thịt cá keo đặc và vị mặn cay xoắn trên đầu lưỡi. Anh nghĩ đến người đàn ông mỗi ngày đã nhai mấy lần con cá khô, nhai luôn cả sự nôn nóng được yêu, dồn hết mọi náo nức gần gủi người tình trong đợi chờ. Anh xúc động như vừa khám phá một chất ngọc thô sơ trong khối bê tông dày đặc đang chồng chất khắp nơi, trên các lề đường lát đá hoa cương vô lối, dấu hiệu xa xỉ của giàu sang vội vã và tân tiến nửa vời trên bến cảng này. Tưởng như mọi mạch ngầm đã bị xi măng đóng cứng trên con đường tráng nhựa ấy, ngờ đâu lạch tình vẫn còn xao xuyến đầy âm ấp, bên lề đường, trong đơn sơ, trong nhỏ nhoi, trong chơn chất, nhưng đầy độ lượng như biển dào dạt sau lưng, đầy hi vọng như bàng đang đổi lá xanh trên cây…Chuyện tình của họ ra sao, khi lá đỏ hết mùa? Vẫn còn như một mong ngóng xuân thì…? Hay mùa xuân sẽ dừng lại từ đây?
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn